Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

SỨC MẠNH CỦA THƯƠNG HIỆU

SỨC MẠNH CỦA THƯƠNG HIỆU Như mọi người đã biết, cuộc chiến dầu mỏ của Nga và OPEC+ trong thời buổi đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến giá...

SỨC MẠNH CỦA THƯƠNG HIỆU

Như mọi người đã biết, cuộc chiến dầu mỏ của Nga và OPEC+ trong thời buổi đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến giá dầu giảm siêu kỷ lục. Nguyên nhân được cho là “cung lớn hơn cầu” rất nhiều, tất cả các các kho bãi chứa dầu đều đã đầy tràn, và chi phí đóng mở một giếng dầu, bảo quản để chống xả thải ra môi trường khá là tốn kém – đó chính lý do vì sao mà giá chốt trên sàn giao dịch còn xuống mức âm, một sự việc chưa từng có trước đó.

Về mặt nguyên tắc, khi giá dầu thô giảm âm, nhiều anh chị em báo chí có nói nếu mua 1 thùng dầu thì người bán phải trả ngược lại 37 USD, tuy nhiên đây chỉ là cách nói trong giao dịch chứng khoán ảo. Còn giao dịch thực tế thì cứ “tiền tươi thóc thật”, giới Tư bản sẵn sàng vì lợi nhuận mà sẵn sàng đổ dầu ra môi trường chứ không có chuyện móc túi trả thêm tiền cho người mua đâu.

Theo dòng sự kiện, VTV3 cũng nhanh trí cà khịa bằng một ảnh rất “trất”, đại khái: Cách tăng giá dầu thô nhanh nhất đó chính là khoác cho nó thương hiệu: Dầu của hãng Supreme, đang từ giá âm vụt phát lên giá trên trời. 

Nói thêm cho những ai chưa biết, thì  Supreme là một thương hiệu thời trang đường phố của và hiện là cái tên hot nhất trong giới thời trang thế giới. Có thể nói không ngoa rằng, Supreme đang là “ông hoàng” giới streetswear, khi chỉ cần các sản phẩm thời trang đóng mác Supreme thì lập tức giá tăng đột biến.

Đây chính là “sức mạnh của thương hiệu”!

Sức mạnh của thương hiệu, chính là cái giá của cái mác đính vào sẽ khiến sản phẩm lột xác, cao hơn nhiều so với giá trị thực tế của nó. Một chiếc áo bóng đá chỉ đáng giá 10$. Nhưng nếu nó là áo có kèm chữ ký của D.Beckham sẽ có giá 100$. Và nếu nó là chiếc áo của D.Beckham từng mặc trong trận CK Champion League mùa 1999-2000 nó sẽ có giá 10000$.  Song cũng chiếc áo ấy, nếu mang ra bán đấu giá gây quỹ từ thiện sẽ có thể lên tới hàng trăm ngàn đô.

Một chiếc túi da cá sấu, cũng làm thủ công và cẩn thận có giá 100$. Nhưng nếu nó đính thêm thương hiệu Hermes thì sẽ có giá 10.000$. Nếu được quảng cáo là hàng Limited, cá sấu bạch tạng hay sản phẩm của Đại sư gì gì đấy có thể có giá trên trời.

Truyền thông chính là công cụ, là sức mạnh để đẩy thương hiệu và làm giá cho nó. Tiền thương hiệu, được hiểu là chi thêm tiền cho truyền thông quảng cáo, các dịch vụ hậu mãi kèm theo, khiến cho sản phẩm  có giá trị riêng. 

Để bán cái gì được giá, cần phải quảng cáo và khoác cho nó 1 thương hiệu. Nên nhớ các thương hiệu tốt nhất được xây dựng dựa trên những câu chuyện hay gắn với nó.  Mọi người đều có quyền tự do lựa chọn nội dung họ chia sẻ với người khác và truyền đi những thông điệp mà họ quan tâm hay tạo cho họ những cảm xúc nhất định. Câu chuyện gắn với sản phẩm là điều khiến khách hàng quan tâm nhiều và chúng tạo được sức hút cho thương hiệu của bạn. 

Ví dụ như tôi muốn bán rau má, đặc sản của đất nước tôi chả hạn, sẽ phải hót như thế này: “Đây là thứ linh thảo đã được Sếp Tùng ăn cùng rượu vang đỏ trong MV Chạy Ngay Đi. Đây không giống rau má bình thường, mà nó được tưới bằng nước ở Côn Sơn, hái xong được thái nhỏ như sợi tóc, ướp với Bồ đào tửu 10 ngày, rồi đem từng sợi nhồi vào linh chi ngàn năm hấp lên. Sau đó lấy ra cho vào bụng con Hạo Thiên Khuyển trên đỉnh Phan-xi-phăng, chuyên hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt 30 năm, cạo lông xong xử lý nửa ngày bằng nước hoa Pháp, trước khi cắt tiết bắt nó nghe MV Lạc Trôi để thẩm thấu tinh hoa.” - Đấy, quảng cáo kiểu thế rồi chạy quảng cáo ầm ĩ bằng các chiến dịch truyền thông nhắm đến khách hàng mục tiêu. Các Sky sẽ lao vào tranh nhau mua cho mà xem.

Khi chúng ta nhìn thấy một quảng cáo mạnh mẽ từ Apple tạo cho chúng ta cảm giác về một cuộc phiêu lưu, trao đổi với một barista Starbucks mà cảm thấy như chúng ta đang nói chuyện với một người bạn, nghĩa là chúng ta rơi móc, dây chuyền và đã bị hấp dẫn bởi thương hiệu ấy, nhưng chúng ta không hề cảm thấy bị nằm hấp dẫn bởi chiếc lược xây dựng thương hiệu nào cả. Đó là bởi vì chúng được tạo ra một cách tỉ mỉ, liền mạch và tự nhiên, chính vì vậy hai thương hiệu sẽ là hai câu chuyện,những bài học lớn cho ai làm việc trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu.

Mỗi một thương hiệu sẽ tự xây dựng một câu chuyện, hình thành bản sắc của mình, để từ đó khiến người dùng sẽ có cảm giác đặc biệt khi sử dụng sản phẩm của họ. 

Ví dụ như những thương hiệu siêu sang,  như Louis Vuitton chẳng hạn, túi xách của họ luôn có giá cao gấp hàng trăm, thậm chí cả hàng ngàn lần so với giá trị thực, đơn giản bởi cái mác Louis Vuitton đính kèm nó thể hiện sự sang chảnh, quý phái. Để giữ thương hiệu, họ không bao giờ giảm giá, cũng không tổ chức các đợt bán túi lỗi, mà tất cả sản phẩm đều được niêm yết giá ngay từ đầu. Với một số mặt hàng đã quá 3 năm tuổi, Louis Vuitton thường bán cho các nhân viên nhưng số lượng cực kỳ có hạn và khép kín. Một số sản phẩm như kiểu túi Theda được sản xuất rất hạn chế và bán với giá “cắt cổ”.

Louis Vuitton luôn đặt chất lượng lên hàng đầu bởi khách hàng của họ chủ yếu là người giàu, nếu như có bất kỳ lỗi nào xảy ra với sản phẩm, điều họ làm đó là ngay lập tức phá hủy chúng để không bị tuồn ra ngoài.

Còn những thương hiệu bình dân khác, thì cách họ tạo ấn tượng cho người dùng ở giá trị riêng bằng cách chi tiền tấn để làm thương hiệu. Ví dụ như điện thoại Oppo, nhiều người Việt chọn mua nó đơn giản bởi nó chụp hình đẹp hoặc người đại diện là Sơn Tùng.  Tuy nhiên, vì chi nhiều tiền cho quang cáo truyền thông ở thị trường Việt, nên  cùng một cấu hình thì giá Oppo thường đắt hơn Xiaomi ở thị trường Việt Nam.  

Nói thêm cho các bạn biết, các máy lọc nước đang bán ở thị trường Việt Nam bản chất của nó giống nhau cả đấy, tin tôi đi. Nhưng giá của Kangaroo sẽ cao hơn của Karofi, và giá của Karofi sẽ cao hơn Apuwa.  Đắt do tiền thương hiệu, chứ ko phải do đồ của Kangaroo tốt hơn của Apuwa.

Hay như nhiều thánh ở Việt Nam, muốn bán được Khóa học dạy làm giầu thì phải biết nổ, xây dựng cho mình một vỏ bọc hào nhoáng. Và ông nào càng nổ giỏi, hay nổi tiếng ... thì giá khóa học sẽ càng cao. Kiểu thế!

Nôm na, muốn bán được hàng cần làm thương hiệu, và khi làm thương hiệu thì phải biết hót. Sản phẩm có thể hữu hình (vật phẩm) hay vô hình (khóa học ...) và chỉ cần thương hiệu sản phẩm tốt, được biết tới rộng rãi thì Sales mới dễ chốt được hợp đồng.

Những người làm truyền thông thương hiệu vẫn hay nói câu: “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ” để chỉ sức tàn phá khủng khiếp khi thương hiệu gặp phốt truyền thông. Chỉ cần dính vào hiệu ứng tiêu cực mà không biết đường xử lý, nhiều thương hiệu uy tín cũng dễ dàng suy sụp. Có thể kể ra đây những vụ “phốt thương hiệu” như vụ “con ruồi nửa tỷ đồng” của Tân Hiệp Phát, “vụ nổ thế kỷ Galaxy Note 7” của Samsung, hay United Airlines ngược đãi khách hàng. Cùng dính phốt, nhưng Samsung xử lý khéo léo nên lấy lại niềm tin của khách hàng, thu được thắng lợi trong lần ra mắt S8. Ngược lại, United Airlines xử lý sai lầm dẫn đến khách hàng mất niềm tin, đổ dầu vào lửa khiến cộng đồng phẫn nộ, bay cả tỷ USD chỉ trong vẻn vẹn 2 ngày.

Cần phải làm thương hiệu các bạn ạ, nhưng cần có chuyên gia giỏi làm điều này, tránh xảy ra tình trạng ngược lại. Nhớ là khi thương hiệu dính phốt hay bị nhận những phản hồi tiêu cực, cách tốt nhất là hãy để chuyên gia xử lý, những người không có chuyên môn tuyệt đối không nên tự tiện phát ngôn.

Kẻo không, sẽ chữa lợn lành thành lơn què đấy!

Đạo Sĩ



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo