Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ CÁI CÔNG HÀM VIỆT NAM GỬI LHQ 2016

Học tiếng Anh 2  Sáng nay tôi có dịp đọc lại công hàm ngoại giao của (xem note hôm qua) và rút ra vài bài học về tiếng Anh. Xin chia sẻ vài ...

Học tiếng Anh 2 

Sáng nay tôi có dịp đọc lại công hàm ngoại giao của (xem note hôm qua) và rút ra vài bài học về tiếng Anh. Xin chia sẻ vài suy nghĩ dưới đây liên quan đến nội dung và văn phong của cái công hàm đó. 

Đọc xong cái công hàm đó, tôi rút ra được vài vấn đề chánh như sau: nội dung kém tính mạch lạc; văn phong đậm chất Việt; nét chữ vào miệng người đọc; dùng thành ngữ; vấn đề văn phạm; vấn đề dùng chữ; và xu hướng giống Tàu.

1.  Nội dung trình bày thiếu tính logic 

Văn bản này có 7 đoạn văn. Đoạn văn đầu là lời chào xã giao, không có thông tin gì đáng nói. Đoạn 2 là bác bỏ những yêu sách trong công hàm của Tàu cộng. Đoạn 3 viết về thời bảo hộ và thuộc địa. Đoạn 4 rất dài, viết về sự chia đôi đất nước, có đề cập đến Đức, Yemen. Đoạn 5 đề cập đến yêu sách của Tàu. Đoạn 6 yêu cầu Tàu tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Đoạn 7 là lời chào xã giao, rất tiêu biểu văn phong của các 'Note Verbale'.

Đọc qua cái note này, người đọc rất khó lãnh hội vấn đề một cách logic. Lí do là ngay từ đầu, cái note không nói những yêu sách của Tàu cộng là gì, mà chỉ đề cập đến cái công hàm CML/59/2016 của Tàu cộng. Do đó, câu văn đầu trong đoạn 2, "Viet Nam resolutely rejects all the contents, particularly the wrongful arguments of China, of the above-mentioned Note Verbale" thì người đọc không rõ cái 'wrongful arguments' là gì. Đáng lí ra, nên có một câu ngắn tóm tắt những điểm mà cái note sẽ phản bác. 

Đoạn văn thứ 2 có nhắc đến thời thuộc địa và "Republic of Viet Nam" (RVN) đã từng quản lí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là trước đoạn văn này thì không có đề cập đến thực thể RVN, làm cho người đọc không am hiểu lịch sử Việt Nam không biết tại sao có RVN ở đây và vai trò là gì. Đây là sai sót về logic. Đáng lí ra trước khi đề cập đến một thực thể, thậm chí một thuật ngữ, thì cần phải có vài chữ hay vài câu nói về thực thể đó trước. Kinh nghiệm viết văn này thì có lẽ ai cũng biết, chẳng có gì mới. Đoạn này dài quá (5 câu văn, 236 chữ, tính trung bình 47 chữ cho mỗi câu văn!

Đoạn văn thứ 3 nhắc đến sự chia đôi Việt Nam, nhưng RVN 'xuất hiện' mà không có bối cảnh (context). Câu văn cuối chê Tàu cộng rằng lí lẽ họ đưa ra trong thời gian RVN quản lí hai quần đảo là vô ích (Accordingly, China's arguments based on the division of Viet Nam at that time are completely futile). Cái note này dùng chữ 'futile' kém chính xác ở đây, nhưng chúng ta sẽ quay lại sau. 

Đoạn văn thứ 4 thì có ý chẳng khác gì mấy so với đoạn trước. Đúng ra có thể tóm tắt 2 đoạn văn này trong 1 mà thôi. 

Đoạn văn thứ 5 thì được, nhưng tôi nghĩ có thể viết lại hay hơn và chuyên nghiệp hơn. Đoạn văn này (thứ 5) có vấn đề về ý tưởng. Có 3 ý chánh: yêu cầu Tàu cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu Tàu cộng ngừng các hành động gây rối (mà họ viết là 'complication'); và yêu cầu Tàu cộng làm việc với Việt Nam để giải quyết vấn đề. Ba ý như vậy mà chỉ có 1 câu văn! 

Do đó, đọc toàn bộ văn bản thấy có phần rời rạc, vì ý tưởng không mạch lạc. Tôi thử tưởng tượng nếu là người soạn văn bản này, tôi sẽ viết 3 đoạn văn chánh thôi: đoạn 1 tóm tắt yêu sách của họ và phản đối của Việt Nam; đoạn 2 giải thích tại sao họ sai và vô lí; đoạn 3 tố cáo họ đánh chiếm hai quần đảo và giết ngư dân, và yêu cầu họ phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Đơn giản thế thôi, và đi thẳng vào vấn đề. 

2.  Văn phong đặc thù của giới quan chức đảng 

Đó là cách viết văn mà câu văn rất dài. Văn bản này không phải là đặc thù, mà trước đây nhiều thư gởi giáo viên và văn bản tiếng Việt, người ta viết những câu văn dài, có câu dài lên 147 chữ. Dĩ nhiên, văn phong là một lựa chọn cá nhân. Ai muốn viết ngắn hay dài là tuỳ theo ý thích cá nhân. 

Nhưng viết văn để chuyển tải ý tưởng quan trọng, cần phải trong sáng. Câu văn trong sáng sao cho dễ hiểu, và người đọc không thể đoán cách khác. Trong công hàm này, có câu văn dài 90 chữ! Một câu văn 90 chữ tiếng Anh là một thách thức cho người đọc. Tôi chưa thấy văn bản nào bằng tiếng Anh mà viết như vậy.

3.  Nhét chữ vào miệng người đọc 

Rất nhiều câu văn và mệnh đề mà đọc lên người đọc có cảm giác bị nhét chữ vào miệng (người Tây hay gọi là 'put words into the mouth'). Thay vì viết theo phong cách trung dung, cái note này viết những mệnh đề như "its illegal claims", "such acts have blatantly violated", "completely contrary to the facts and rules of international law", "wrongful arguments", "long-standing soverignty", v.v. Đáng chú ý là mệnh đề "long-standing sovereignty" lặp lại 3 lần! 

Đó là cách viết cảm tính. Đó là những mệnh đề không cần thiết trong tranh luận. Chưa chứng minh lí lẽ của họ sai mà đã viết "wrongful argument" là thiếu tính chuyên nghiệp. Chưa nói về chủ quyền mang tính lịch sử mà tự khẳng định long-standing sovereignty" là thiếu tính thuyết phục. 

4.  Dùng thành ngữ (idiom)

Điều ngạc nhiên là một văn bản ngoại giao trang trọng, nhưng người viết lại dùng những thành ngữ. Tiêu biểu là chữ whatsoever ("There was no objection whatsoever"), hay bent ("China has bent the truth"), hay taken over (trong "The Republic of Vietnam had taken over Truong SA Archipelogo from France.") 

Đó là chưa nói đến chữ khác cũng có thể xem là kém nghiêm trang. Chẳng hạn như câu "Between 1954 and 1975, Viet Nam was temporarily divided into two parts." Tai sao không viết rõ ràng rằng "From 1954 until April1975 , Vietnam was divided into two countries: the Republic of Vietnam in the South, and the Democratic Republic of Vietnam in the North". Chữ 'part' không nên dùng để chỉ một country trong văn phong ngoại giao. 

5.  Có thể dùng chữ tốt hơn 

Có những chỗ, cái note dùng chữ khó hiểu. Chẳng hạn như câu "[…] Hoang Sa and Truong Sa Archipelagos were under the territorial competence of the Republic of Viet Nam (South Viet Nam)". Chữ "territorial competence" có khi (hiếm) thấy trong văn bản toà án, ít ai dùng nó trong văn bản ngoại giao. Tại sao không viết cho dễ hiểu hơn như "[…] Hoang Sa and Truong Sa Archipelagos were under the jurisdiction of the Republic of Viet Nam."

Chữ 'Cocochina' (trong "By returning to Viet Nam the Cocochina") có lẽ là sai, vì không có địa danh nào với tên đó cả. Văn bản đấu tranh chủ quyền mà viết địa danh! 

6.  Vấn đề văn phạm 

Vấn đề này chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nó gây ấn tượng không tốt ở người đọc. Chẳng hạn như câu "When the Vietnamese representative", người đọc phải hỏi mạo từ 'the' này đề cập đến ai? Chẳng có ai được đề cập trước câu văn này. Do đó, dùng mạo từ 'the' ở đây là sai. Thật ra, không đơn giản là 'representative' (đại diện), mà là cựu Thủ tướng Quốc Gia Việt Nam Trần Văn Hữu. Sao không viết tên ông cho Liên Hiệp Quốc biết? 

Một nét tương đối đặc thù trong văn phong Nhà nước Việt Nam là dấu "…" (trong câu "there existed some divided States like Viet Nam, such as Germany, Yemen …"). Đây là điều tối kị đối với văn phong phương Tây. Người ta kị cách viết đó là vì nó tạo ấn tượng lười biếng ở người viết (giống như 'tôi biết, nhưng làm biếng viết ra'), hay ấn tượng không có ý gì để viết tiếp. Nó lơ lửng rất … khó ưa. Trong khoa học, câu văn có "…" làm cho người đọc vô cùng – xin nhấn mạnh 'vô cùng' – khó chịu. Ấy vậy mà ở VN cách viết này rất phổ biến. 

Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi về cách viết "argument" và "evidence" bằng số nhiều, nhưng phân biệt cái này đòi hỏi sự tinh tế mà viết ra thì khó có thể viết hết. Riêng cá nhân tôi thì chỉ dùng danh từ số ít cho hai chữ này. 

7.  Giống văn Tàu cộng 

Một điều thú vị là công hàm của Việt Nam rất giống như công hàm của Tàu cộng trong phần mở đầu và phần kết thúc. Phần mở đầu, Tàu cộng viết:

"The Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nations presents its compliments to all the Permanent Missons to the United Nations and, with reference to Note No.161/HC-2016 of the Permanent Mission of the Socialist Republic of Vietnam to the United Nations dated 10th May 2016, has the honor to reiterate China's position as follows"

Phần mở đầu của công hàm của Việt Nam:

"The Permanent Mission of the Socialist Republic of Viet Nam to the United Nations presents its compliments to all the Permanent Missons of Member States to the United Nations and, with reference to the Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nations, has the honour to state the position of Viet Nam as follows"

Phần kết thúc của Tàu: 

"The Permanent Mission of the People's Republic of China to the United Nations avails itself of this opportunity to renew to the The Permanent Missions of Member States to the United Nations the assurances of its highest consideration." 

và của Việt Nam:

"The Permanent Mission of the Socialist Republic of Viet Nam to the United Nations avails itself of this opportunity to renew to the The Permanent Missions of Member States to the United Nations the assurances of its highest consideration."

Rất có thể đó là văn phong chuẩn của các phái bộ ngoại giao ở LHQ? Cũng có thể, nhưng tôi nghĩ vẫn có cách viết đúng ý nghĩa đó mà không cần phải lặp lại chữ của kẻ thù. Thử xem cách viết của phái bộ ngoại giao của Mĩ tại LHQ: 

"The United States Mission to the United Nations presents its compliments to the Secretary-General of the United Nations and has the honour to submit the following in accordance with paragraph 12 of Security Council resolution 757 (1992)" 

và phần kết thúc: 

"The United States Mission to the United Nations avails itself of this opportunity to renew to the United Nations Secretariat the assurances of its highest consideration."

Có vẻ Mĩ viết văn đơn giản hơn và ngắn hơn hai người "anh em" kia.  

Tóm lại, công hàm ngoại giao của Việt Nam phản bác những yêu sách của Tàu cộng cung cấp nhiều bài học về chiến lược soạn một văn bản có mục đích thuyết phục người đọc. Đó là nội dung phải logic, có đầu, có đuôi; đó là văn phong nghiêm trang, trung dung, câu văn ngắn hoặc dài vừa phải (10-15 chữ), dùng chữ thật dễ hiểu, và mang dấu ấn Việt Nam. 

Không biết trong ngành ngoại giao thì sao, nhưng trong khoa học có khi chúng tôi tiêu ra 3 tháng trời chỉ viết được 9 trang giấy. Trong 3 tháng đó bản thảo đã qua ít nhứt là 20 lần chỉnh sửa và góp ý của hàng chục người có học cao và kinh nghiệm dày dặn. Trong khoa học mà còn vậy, tôi nghĩ vấn đề chủ quyền quốc gia đòi hỏi đầu tư công sức và thời gian nhiều hơn để có một văn bản chuẩn để sử dụng sau này. Có lẽ chúng ta – các bạn và tôi – trong mùa dịcn này bắt đầu soạn văn bản đó là vừa.


Nguyễn Tuấn





Không có nhận xét nào

Quảng Cáo