Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HÀ NỘI CỦA RIÊNG PHÚ QUANG ?

HÀ NỘI CỦA RIÊNG PHÚ QUANG ? Trần Mạnh Hảo Cũng như gia đình Lưu Quang Vũ, có mẹ là người gốc Hà Nội cũng như cha Phú Quang là dân Hà Nội gố...

HÀ NỘI CỦA RIÊNG PHÚ QUANG ?

Trần Mạnh Hảo

Cũng như gia đình Lưu Quang Vũ, có mẹ là người gốc Hà Nội cũng như cha Phú Quang là dân Hà Nội gốc, cũng tản cư khỏi đô thành tham gia kháng chiến chống Pháp. Anh cũng được sinh ra ở Phú Thọ trong chiến khu Việt Bắc năm 1949 ( Kỷ Sửu). Phú Quang bằng tuổi bài hát “Quê hương anh bộ đội” của nhạc sĩ Xuân Oanh ( 1923-2010). 

Mới ba bốn tuổi, Quang đã được ai đó đàn cho nghe bài hát dịu dàng, tha thiết, đằm thắm, du dương đến nao lòng này. Từ ấu thơ, Quang đã thấm đượm tâm hồn mình bằng giai điệu “thánh ca” của các ca khúc : “Quê hương anh bộ đội”, của “Làng tôi” của Văn Cao, của “Du kích Sông Thao” Đỗ Nhuận, của “Nương chiều” Phạm Duy…

Sáu tuổi đầu, Phú Quang theo cha mẹ về Hà Nội sống, nhưng bài hát của ngàn xa Việt Bắc, bài hát mê hồn của kháng chiến, của lòng anh mê ly xưa hầu như đã bị cấm, không còn ai dám hát nữa vì nó bị quy lên thành phần “ủy mị”, thậm chí bị cho là “rên rỉ”… như ca nhạc Mỹ Diệm trong Nam. Đây là lời bài hát “Quê hương anh bộ đội” của nhạc sĩ Xuân Oanh viết năm 1949, năm Phú Quang sinh ra :
“Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi
Bờ tre nhà tranh vách mới
Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương
Mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đường
Nhà anh có đàn em mắt ngây thơ má hồng
Những chiều ngồi hát vui trên đường quê
Em bé dắt trâu về
Gia đình làng mạc yên ấm
Tăng gia cày cấy cuộc đời thanh bình
Nhà anh hai nếp dừa xinh
Đêm trăng lên cao rọi chiếu xuống mặt sân góc vườn
Ngồi nghe tiếng hát vang lên từ xóm giềng làng bên
Lọt qua vườn dâu bãi mía
Em gái bên láng giềng đêm đêm kéo tơ
Vụt nhớ có phút mến thương anh chàng trai xưa
Mùa thu một năm nào em gái tiễn chàng trai ra lính
Cầm tay mà không nói chân quay đi nhưng lòng vấn vương
Nhìn quê hương xa xa bao dặm đường

Chinh chiến mắt quay về xóm cũ làng xưa
Chiều lên mù trong khói súng
Nơi ấy nay vẫn còn ánh nắng thắm tươi
Vẫn chờ ngày về chiến thắng”
Những bài hát “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý, “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn, “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải… cũng ra đời trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp đã cùng số phận “bị cấm” với “Quê hương anh bộ đội” vì mang tội “ủy mị”, “rên rỉ” và “yếu đuối làm mất nhuệ khí anh hùng bất khuất của quân và dân ta”…

“Ủy mị” ơi, “rên rỉ” ơi, “yếu đuối” ơi, các người trốn vào đâu mãi thế, để tâm hồn Phú Quang bơ vơ, để nỗi buồn thương của con người Hà Nội bơ vơ ?
Các đồng chí thân xác bằng đồng, tâm hồn bằng thép ơi, trai gái yêu nhau, làm chuyện vợ chồng với nhau mà không “rên rỉ” thì làm sao tình yêu có chiến thắng? Người yêu ta, vợ ta, em gái ta nếu mà không “yếu đuối” không “ủy mị”, lúc nào cũng hùng hổ lên gân “không cho chúng nó thoát” thì liệu có hấp dẫn không, có đẹp không ?

Sao cứ phải hét lên, quát tháo lên mới là anh hùng, mới là người có sức mạnh đánh thắng hết đế quốc này đến các đế quốc khác để “góc phố mồ côi mùa đông” để “cây bàng mồ côi mùa đông”…để tâm hồn Phú Quang mồ côi âm nhạc trữ tình, âm nhạc êm dịu, âm nhạc tỏ tình của một Hà Nội buồn mê : “ Ngói buồn nghe sấu rụng” ( thơ Chính Hữu), một Hà Nội “im lặng đến tê người” ?

Một nền âm nhạc loa phường “Không cho chúng nó thoát / Chúng bay vào quyết không có đường ra” ( trích bài hát “Không cho chúng nó thoát” của nhạc sĩ Hoàng Vân) mấy chục năm trời hầu như chiếm lĩnh thị hiếu âm nhạc một nửa đất nước, điếc tai người Hà Nội, có thể là nguyên nhân làm mai một tình thương mến thương nơi nhân tính con người chăng ?

Tâm hồn mê âm nhạc từ bé của tuổi thơ và tuổi thanh niên Phú Quang hầu như đã bị nền âm nhạc loa phường “ không cho chúng nó thoát” dồn vào chân tường. Thời người ta ca ngợi cái chung và khinh ghét cái riêng; thời mà lá vàng thu Hà Nội cũng phải vào hợp tác xã, phải bị định hướng rơi một cách rất tập thể. Nhà thơ Xuân Diệu ra hẳn một tập thơ có tên là “Riêng chung”, lên án cái riêng, ca ngợi cái chung. Người ta đã nhân danh con người để chống con người bằng khẩu hiệu “chống chủ nghĩa cá nhân”. Trong bài thơ “Lời ru”, Tố Hữu tuyên ngôn : không ủng hộ “cái một - cá nhân” để ca ngợi cái “muôn - tập thể”, coi cái riêng cá nhân là không tốt, ngay đến sao trời cũng theo đảng mà tập thể hóa, than ôi :  

“Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng
Một người - đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!” ( Lời ru)

Thời mà cậu trai mới lớn như Phú Quang, ví dụ chiều tối ra đê Yên Phụ ngồi một mình nghe Sông Hồng thở than, hoặc tìm một góc khuất Hồ Tây ngồi buồn nghe sóng khóc, cũng có thể bị nghi là phản động hay gián điệp…Người ta rất sợ con người cá nhân, coi cá nhân là hủi, sợ “con người chung chung” vì con người, theo đảng chỉ có thể là con người trong giai cấp của nó. Chỉ có giai cấp vô sản ăn to nói lớn, khố rách áo ôm mới chân chính, nên hát phải như hét, nói phải như quát mới anh hùng, mở mắt ra là hô hào tiêu diệt các giai cấp khác, là chiến đấu đầu rơi máu chảy muôn năm.

Phú Quang ở Hà Nội và Trần Mạnh Hảo ở miền quê Nam Định đã được giáo dục, được tuyên truyền về sự thống soái của chính trị, đến một con kiến ở Việt Nam muốn sống cũng phải yêu đảng, yêu chế độ, chao ôi !
Không, không, âm nhạc nói riêng hay văn học nghệ thuật nói chung bản chất vốn phi chính trị, phi tuyên truyền. Các ông thử dùng chính trị, dùng tuyên truyền kiểu “không cho chúng nó thoát” để tỏ tình với đàn bà con gái xem có ăn cán chổi hay không ?

Phú Quang mơ những ca khúc, mơ một Hà Nội phi chính trị, mơ có ngày ông sẽ là đối trọng của nền âm nhạc loa phường, nền âm nhạc “không cho chúng nó thoát” ?

Phú Quang co cẳng chạy trốn nền âm nhạc loa phường. Ông tìm sương mù Hà Nội lẩn trốn, nhưng mặt trời của đảng chói sáng ngay tắp lự, đã xua tan bọn phản động sương mù. 

Ông tìm vàng thu để trốn, nhưng lá vàng Hà Nội chừng như đã theo thời chối bỏ riêng tư, nó được định hướng nên đã rơi ào ào một cách tập thể, một cách xã hội chủ nghĩa. Cuối hạ, ngồi rình mãi ông mới gặp một chiếc lá vàng cô độc rơi một mình, mới biết lá vàng cũng có lúc cô đơn : “ Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cộng tri thu”…

Phú Quang thuở mười chín đôi mươi, buồn quá, cô đơn quá, đã tìm các đàn anh “nhân văn giai phẩm” để “hóng hớt” đặng âm thầm thọ giáo. Quang trở thành bạn vong niên của các danh tài bị bỏ rơi, bị nguyền rủa là tiên chỉ Văn Cao, là các văn thi tài : Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Phùng Quán, Phan Vũ…

Vào học đàn pianô, rồi học môn chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của nhạc viện Hà Nội suốt 20 năm, Phú Quang mơ một nền âm nhạc phi chính trị. Ngồi trên pianô, trước trang giấy kẻ khuôn nhạc, lạ lùng thay, khóa sol chừng như cũng đỏ rực, ghi các nốt đen trắng lên giấy, chừng như chúng cũng đỏ rực là sao ?

Quang hoảng hồn bỏ chạy. Quang không dám ghét cách mạng, sao khóa sol trường nhạc xỏ Quang, lại cứ rỉ ra các nốt nhạc màu đỏ máu ? Quang từng yêu các kiệt tác âm nhạc cách mạng như “Người Hà Nội” - Nguyễn Đình Thi, như “Trường ca Sông Lô”- Văn Cao, trường ca “Du kích Sông Thao”- Đỗ Nhuận, xin nền âm nhạc loa phường đừng bắt sống Quang, đừng chôn Quang vào chỗ “không cho chúng nó thoát” !

Quang sợ quá. Đến năm dòng kẻ nhạc cũng chối bỏ Quang như Phê Rô chối Chúa thế này ? Quang lạnh toát người, Chúa ơi, tên thánh con là Phê Rô ! Khi sinh ra, Quang đã chết, nhưng nhờ có vị linh mục nhà thờ công giáo cứu chữa, Chúa ban cho Quang sống trở lại làm người. Vị cha cố đặt tên thánh cho Quang là Phê Rô, tông đồ trưởng của Chúa Jêsu, cũng là người giữ chìa khóa thiên đường. 

Thế mà, khi Chúa bị quân dữ bắt, Phê Rô cùng hai môn đệ khác là Giacôbê và Joan đã bỏ mặc thầy, trốn mất. Khi quân dữ tóm được Phê Rô 3 lần đang rón rén, lẽo đẽo đi theo thầy từ xa, bèn nắm ngực áo hỏi : mày là đồng bọn của thằng Jêsu này phải không ? Phê Rô sợ tái mét mặt, cả ba lần đều lắc đầu, lấy đức Chúa Trời ra thề rằng em chưa hề quen thằng nào tên là Jêsu cả, thưa các quan !

Hay là mình, Phú Quang nghĩ, chối Chúa cách mạng không phải chỉ ba lần như Phê Rô chối Chúa, nên mỗi lần viết nốt đen trắng lên khuôn nhạc lại cứ hiện ra màu xanh đỏ, hãi ghê !
Năm 1985, cũng vì việc riêng, nhân đó Quang muốn trốn nền âm nhạc loa phường tra tấn lỗ tai người Hà Nội đến nỗi điếc, không còn có thể nghe nổi một âm giai thì thầm trữ tình, êm dịu, du dương mang chất thánh ca mê đắm.

Ra Sông Hồng chào con Sông mẹ, chào Hồ Tây…để vào Sài Gòn sống, Phú Quang quyết “Mang Hồ Gươm đi”. Quang khóc !

Vào sài Gòn mấy tháng, nhớ Hà Nội quay quắt, Quang toan “về lại phố xưa” thì đầu năm 1986, thần hứng mang đến cho Quang bài thơ 104 câu “Em ơi Hà Nội phố” của nhà thơ, đạo điễn, họa sĩ Phan Vũ.

Ở nhà văn hóa quận 3, Sài Gòn, Phan Vũ đọc bài thơ dài này cho Quang và Trần Tiến nghe; Quang xúc động vô cùng…Anh cầm bài thơ của Phan Vũ về, vừa đọc ngấu nghiến, vừa lao vào cây đàn pianô như chàng trai vũ phu đêm tân hôn lao vào cô dâu theo phong cách hổ đói…Một tay oanh tạc như mưa, như điên vào phím đàn, một tay dập dập xóa xóa vào trang giấy có bài thơ “Em ơi Hà Nội phố”, cuối cùng Quang chỉ lấy 4 câu thơ của Phan Vũ, bỏ đi 100 câu, viết thêm mấy câu thành bài hát để đời…Quang không nốc rượu, không dùng chất kích thích, sao thần hứng lại biến anh thành kẻ nửa điên nửa dại thế này ?

Những nốt đen trắng từ ngực anh rơi xuống lênh láng trên năm dòng kẻ nhạc. Quang kinh ngạc, sao mình nhiều trái tim thế này : những nốt đen trắng hình trái tim cứ rải thảm lên khuôn nhạc làm mười đầu ngón tay Quang phóng hỏa lên phím đàn như sấm sét.

Quang rống lên trong từng giọt đàn xướng âm lời bài hát. Anh thấy mình đang ôm Sông Hồng như ôm bạn gái mới quen. Sông Hồng thon thon chân dài quẫy đạp hòng muốn thoát khỏi cơn điên tình của chàng nhạc sĩ đang hôn mê. Anh cảm thấy mình vừa dìm Hồ Tây xuống đáy sâu Hà Nội, bế thốc em Hồ Gươm lên bờ đưa vào phòng khách sạn…

Trời ơi, sao Quang lại dám ăn thịt hết lá vàng mùa thu Hà Nội thế này ? Sao Quang lại rút hết các hẻm phố như rút ruột mình ra phơi bày mọi cô đơn, mọi co ro, mọi run rẩy, mọi bi ai, mọi góc khuất buồn thương của Hà Nội lên giai điệu bài hát thế này ? 

Một bản tình ca của vết thương, tình ca của hoang tàn đổ nát, tình ca của mùa đông bơ vơ, của một Hà Nội lẩy bẩy như cua lột, vừa được nỗi buồn đau lên men, chưng cất thành giai điệu thánh :

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa, chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều…

Nguồn tin: Musixmatch

Phú Quang ngất đi và gục xuống cây đàn. Quang chết ! 

Phải linh hồn anh vừa làm đám cưới với mù sương Hà Nội, có chim sâm cầm phù rể và chim ngói mùa thu phù dâu ? Không, Quang vừa lấy được nàng Hồ Gươm 20 tuổi có “cây bàng mồ côi mùa đông” thay linh mục làm phép cưới, có “góc phố mồ côi mùa đông” làm bà mối, có “vầng trăng mồ côi mùa đông” làm phòng tân hôn. Ôi Hà Nội của anh, từng oai hùng, từng đói khát, từng rách nát, từng mồ côi chân thiện mỹ, từng mồ côi âm nhạc, từng mồ côi cái đẹp chợt âm giai lên cao trào, thức dậy đòi quyền sống, quyền buồn thương, như thể tiếng chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội khóc than xin Chúa tình “thánh ca” gióng lên âm thanh hồn người ! Phú Quang trút linh hồn trong bản nhạc “Em ơi Hà Nội phố”…

Sáng sớm hôm sau, Phan Vũ là người đầu tiên thấy Phú Quang phục sinh, đến nhà riêng hát cho anh nghe. Ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên mang bản nhạc bất hủ này đến công chúng. Bài hát “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang – Phan Vũ không chỉ là tâm hồn Thăng Long Hà Nội cất tiếng hát về thân phận con người, mà còn là một tuyên ngôn nghệ thuật của Phú Quang, vô tình đối trọng với nền âm nhạc “loa phường” “không cho chúng nó thoát”.

Nếu Nguyễn Đình Thi bằng kiệt tác âm nhạc “Người Hà Nội” đã cắm được ngọn cờ bi tráng anh hùng ca lên đô thành Thăng Long kháng chiến năm 1947; thì Phú Quang, bằng bài hát lớn “Em ơi Hà Nội phố” đã cắm được ngọn cờ thân phận lên thủ đô tâm hồn con người, nhất là những người vừa mồ côi lý tưởng, mồ côi chân lý…
Có thể nói, ba bài hát : “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi viết năm 1947, “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương viết năm 1954, và “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang viết năm 1986 là ba ca khúc hay nhất viết về Hà Nội chăng ?
Theo báo chí : "Em ơi Hà Nội phố" là một ca khúc về Hà Nội được các ca sĩ thu âm nhiều nhất trong lịch sử tân nhạc. Ca khúc gắn liền với tên tuổi của NSND Lê Dung, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tuấn Ngọc, Cẩm Vân và Bằng Kiều. Đặc biệt, phải kể đến những ca sĩ thể hiện sau này như Đức Tuấn. 
Danh sách các bản thu âm bài hát "Em ơi Hà Nội phố" 
Năm  Tên album  Hãng phát hành  Nghệ sĩ  Thể hiện  Chú thích 
1992  NSND Lê Dung 

1993  Tình khúc Phú Quang: Mùa hạ còn đâu  Dihavina  Nhiều nghệ sĩ 
Nguyễn Lệ Thu  
1994  Mưa trên biển vắng  Dihavina  NSND Lê Dung  NSND Lê Dung  
 Nhớ về Hà Nội  Dihavina  Nhiều nghệ sĩ  Cẩm Vân 

1995  Cyclo (Original Motion Picture Soundtrack)  Milan Records  Tôn-Thât Tiêt 
Thanh Lam 
Tên tiếng Anh là "Cabaret" 
1996  Cho một người tình xa  Dihavina  Mỹ Linh  Mỹ Linh 

1997  Đoản khúc thu Hà Nội 
Trung tâm Băng nhạc Trẻ  Hồng Nhung  Hồng Nhung 

 Ca dao Hồng  Hồng Nhung  Hồng Nhung  
1999  Album 4: 11 nhạc phẩm hoà tấu – Mơ về nơi xa lắm  Phú Quang  Phú Quang  
2001  Tiếng hát Lê Dung  NSND Lê Dung  NSND Lê Dung  
2003  Đôi mắt người Sơn Tây  Tuấn Ngọc và Thái Hiền  Tuấn Ngọc 

2004  Con người và biển cả  Ngọc Tân  Ngọc Tân 

 Em ơi! Hà Nội phố  Tuấn Ngọc  Tuấn Ngọc  
2005  Album 9: Cha & con  Dihavina  Phú Quang  Thanh Lam  
 Album 10: Phố cũ của tôi  Phú Quang  Hồng Nhung  
2006  Giọt Lam: Thanh Lam Collection Vol. 1  Thanh Lam  Thanh Lam  
2007  Cẩm Vân  Hãng phim Trẻ  Cẩm Vân  Cẩm Vân  
 Hà Nội mùa thu và em  Quyền Văn Minh  Quyền Văn Minh  
2009  The Best of Phú Quang: Gửi một tình yêu  Phú Quang  Hồng Nhung  
2010  Xin đừng quay lại  Thuý Nga  Bằng Kiều  Bằng Kiều 

 Lời của gió  Hồng Nhung và Mỹ Linh  Mỹ Linh  
 Tấn Minh & Hà Nội  Hãng phim Phương Nam  Tấn Minh  Tấn Minh  
 h  Nathan Lee  Nathan Lee  
 Bài ca Hà Nội – Hanoi Songs  Nhiều nghệ sĩ  Phạm Anh Khoa  
 Tình ca Việt Nam  Ngọc Sơn  Ngọc Sơn 

2013  Bài ca không quên – Tình khúc 80  Cẩm Vân  Cẩm Vân  
 Việt Nam ơi!  Lee Kirby  Lee Kirby  
2015  Hà Nội... yêu!  Phạm Thu Hà  Phạm Thu Hà 

2016  The Best of Khánh Ly: Em ơi! Hà Nội phố  Asia Entertainment, Inc  Khánh Ly  Khánh Ly 

 Hà Nội em và tôi  Nguyễn Hồng Ân  Nguyễn Hồng Ân  
 Hà Nội nhớ  Dihavina  Khánh Ly  Khánh Ly  
2018  Đức Tuấn Phú Quang in Symphony – Hà Nội và em khi thu chớm đông sang  Đức Tuấn  Đức Tuấn 

Bài hát  “Em ơi Hà Nội phố” buổi ban đầu tí nữa bị cấm hát, nếu không có công cuộc “cởi trói cho trí thức và văn nghệ sĩ” của ông Nguyễn Văn Linh năm 1987. Cơ quan an ninh và rất nhiều ông to nghe bài hát xong phán : bài hát này của Phú Quang bi lụy quá, tức tưởi quá, cứ làm như Hà Nội sắp mất đến nơi không bằng, hát lần cuối cùng, nghe lần cuối cùng thôi nhé !

Qủa là ngành an ninh và các ông to quá tinh tường âm nhạc. Bởi ai đã nghe Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Đức Tuấn…hát xong, đố ai không mủi lòng, thậm chí xúc động rơm rớm mắt về một góc khuất của Hà nội riêng tư, Hà Nội thân phận được âm nhạc Phú Quang vén mù sương cho ngắm ?

“Cứ như là Hà Nội sắp mất”, ấy là cảm giác thành công nhất do  “Em ơi Hà Nội phố” tạo ra. Vâng, Trung Quốc đang bóp cổ Sông Hồng, con sông mẹ của dân tộc ta bằng hàng chục đập thủy điện đầu nguồn. Ô nhiễm vật chất và ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm văn hóa đang có cơ làm mất Hà Nội hào hoa. Hà Nội giờ chừng như đang mất đi vẻ thanh lịch, tử tế vốn hữu. Ta thử vào các chợ Hà Nội và thử trả giá mà không mua xem, rất có thể sẽ bị chửi : “đ…mẹ mày” ! Hãy nhìn các máy tự động phát gạo cho người nghèo nhân mùa dịch corona đang diễn ra thì biết : ở Hà Nội thì chen nhau bẹp ruột để nhận phát chẩn gạo, chửi nhau chí chóe không ra sao, trong khi người nghèo đến các máy phát chẩn gạo ở Sài Gòn thì trật tự và lịch sự. Ra phố Hà Nội, sẽ có thể thấy các cháu gái rất xinh đẹp thường khi đối thoại bằng tiếng Đan Mạch mà ghê.

Chừng như Hà Nội từ sau 1954 đã bị bần cố nông hóa, vô sản hóa, xã hội không còn tầng lớp trí thức vì thể chế thề diệt hết trí thức, không còn bóng dáng giới quý tộc thượng lưu như xưa nữa. Cảm ơn “Em ơi Hà Nội phố” luôn cho ta một cảm giác buồn thương Hà Nội “hồn thu thảo”xưa đang mất, đang mất nền văn hóa hào hoa, thanh lịch, mất đi sự văn minh giữa người với con người…như thể “Hà Nội sắp mất” theo lời các quan lớn nhận xét khi nghe bài hát.

Sau thành công vang dội của “Em ơi Hà Nội phố”, Phú Quang được đà, anh không quay ra Hà Nội như dự tính, mà ở hẳn Sài Gòn thêm 25 năm nữa, để nhớ Hà Nội quắt quay, để viết ra thêm hàng chục tuyệt tác âm nhạc khác.

Chúng tôi muốn nói đến một bài hát lớn khác của Phú Quang là bài “ Đâu phải bởi mùa thu” phổ từ bài thơ “Yên tĩnh” của nhà thơ Nguyễn Thị Giáng Vân

Giáng Vân 
YÊN TĨNH
Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu/ Vách đá chắn ngang điều muốn nói /Em ru gì cho đá núi/ Đá núi trụi trần vết tạc thời gian/ Em ru gì cho dòng sông /Dòng sông chẳng khi nào ngừng lặng /Sóng cuộn lên nỗi khao khát vô bờ/ Sóng rất biết nơi mình đi và đến/ Em ru gì cho anh/ Mặt trời linh thiêng, mặt trời giông tố/ Đã mệt mỏi rồi/, đã bao nỗi âu lo /Trên gương mặt anh hằn lên nỗi khổ /Khiến câu hát cất lên bỗng tắt nửa chừng /Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc/ Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng/ Sáng lung linh miền ánh sáng thiên thần/ Niềm hạnh phúc muôn đời có thật /Xin đừng trách em nhiều/ Cũng xin đừng day dứt/ Cây lá có rơi nhiều/, xin đừng hỏi mùa thu/ Lặng nghe anh Yên tĩnh – Lời ru… GV-1983 ( Đã in trong tạp chí “Văn Nghệ quân đội” năm 1983

Phú Quang lấy ý, lấy nhiều câu của Giáng Vân, sửa và viết thêm vào thành bài hát thành bản nhạc tuyệt vời : “ Đâu phải bởi mùa thu” :

Em ru gì, lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian,
Em ru gì lời ru cho biển khơi, biển khơi biết bao giờ ngừng lại.
Em ru gì lời ru cho anh một đời đam mê, một đời giông tố,
Em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha,
Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
Thôi đừng hát ru ... thôi đừng ray rứt ...
Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu.
Em ru gì, lời ru bao tiếc nuối tiếc,
Nuối tiếc một đời ước vọng tàn phai,
Em ru gì, lời ru cho ngày mai,
Thời gian có bao giờ trở lại,
Em ru…
Nguồn tin: Musixmatch

Hình như đây là thông điệp bài hát “Đâu phải bởi mùa thu” của Phú Quang- Giáng Vân : thôi đừng hát ru, đừng mơn trớn, đừng giả lả nói lời sáo rỗng tuyên truyền cũ rích, dối lừa…Lỗi này, đớn đau này, dằn vặt này, tan nát quốc gia dân tộc này “đâu phải bởi mùa thu”…?

“Đâu phải bởi mùa thu” thì lỗi bởi ai ? 

Huề cả làng à ? Bài hát quá da diết, quá ngậm ngùi, quá mãnh liệt với liên tục các giai âm lên cao trào nhức nhối, những câu hỏi lớn đa chiều chừng như không ai trả lời nổi. Lỗi của lịch sử, lỗi của đất nước, lỗi của các phe đảng, lỗi của mỗi người Việt…làm “đá núi tật nguyền” làm thời gian bị trọng thương hằn đầy vết sẹo chăng ?

Hình như khúc hát này đã như dao đâm vào tim người nghe, khiến đau thương buốt giá ngút ngàn day dứt !
Mê đắm và nhức nhối xâm chiếm tâm hồn khán giả với “Đâu phải bởi mùa thu” mà cũng chính bởi mùa thu ! 

Bài hát mang đến ám ảnh vô chừng, xót xa với tầng tầng ý nghĩa; và do đó, “Đâu phải bởi mùa thu” cũng là lời tuyên ngôn về sự sám hối vô cùng của thời đại trước nỗi khổ đau của mỗi con người, là một bài hát lớn của Phú Quang & Giáng Vân…

Trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, có nhiều bài hát viết về mùa đông. Nhưng chỉ có ba bài hát viết về mùa đông sau là hay nhất. Bài “đêm đông” của nhạc sĩ tiền bối Nguyễn Văn Thương - người Huế ( 1919-2002) đã thành kiệt tác từ hồi đầu nhạc mới. Bài thứ hai là bài “Xa rồi mùa đông” của Nguyễn Nam - cũng người Huế ( 1952-2011). Và bài hát rất hay về mùa đông thứ ba là bài hát của Phú Quang, phổ thơ Thảo Phương ra đời sau cột mốc “Em ơi Hà Nội phố”.

Phú Quang từng thừa nhận, không có các bài thơ cho anh cảm hứng, sẽ không có những bài hát do anh phổ thơ. Bài thơ của Thảo Phương viết cho người tình cũng là một nhà thơ đang sống ở Hà Nội với tựa đề : “Không đề gửi mùa đông”, nguyên thủy như sau :

Dường như ai đi ngang cửa,
Hay là ngọn gió mải chơi?

Chút nắng vàng thu se nhẹ,
Chiều nay,
Cũng bỏ ta rồi.

Làm sao về được mùa đông?
Chiều thu - cây cầu...
Đã gãy.

Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá - im lìm - không quẫy.

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa đông đang về!

SG - 8.1992

Bài thơ trên của Thảo Phương đã được Phú Quang chỉnh sửa thành bài hát : “ Nỗi nhớ mùa đông” như sau :

Dường như ai đi ngang cửa,
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi.
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi.

Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

“Nỗi nhớ mùa đông” với hàng triệu triệu người con của Hà Nội nói riêng và của người gốc Bắc nói chung phải sống nơi phương Nam là một nỗi nhớ máu thịt, nỗi nhớ quằn quại, mê cuồng. Lại nhớ câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ : “ Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Lại nhớ câu thơ của Chế Lan Viên : “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”. Và một câu thơ của kẻ viết bài này (TMH) nói lên tâm trạng kẻ xa xứ giữa Sài Gòn nóng bức khi mùa đông về ngoài quê hương phương Bắc : “Chao ôi nhớ rét toát mồ hôi”. 

“Nỗi nhớ mùa đông”, nỗi nhớ rét là một nỗi nhớ di truyền từ xa xưa của dân tộc Việt xuôi Nam vốn đều gốc Bắc. Cho nên, khi nào Phú Quang tổ chức đêm nhạc “Nỗi nhớ mùa đông” mỗi dịp đông về ở Hà Nội hay ở Sài Gòn bao giờ cũng cháy vé. Đến nỗi, theo MC Quyền Linh, anh đã phải mua một cặp vé xem đêm nhạc Phú Quang ngoài Hà Nội với giá chợ đen tới mười mấy triệu đồng.

Phú Quang, bằng bái hát tuyệt vời này đã thổi bùng ngọn lửa nhớ rét không chỉ trong tâm hồn người Việt phương Nam. Bài hát tha thiết, nồng nàn như chưa bao giờ tha thiết nồng nàn đến thế. Nghe bài hát, người Việt hình như không rét cũng phải rét, không nhớ nhau cũng phải nhớ nhau, không ở một mình được, phải tìm hơi ấm nơi bạn tình hay tha nhân thôi. 

Hầu như Hà Nội đẹp nhất là dịp cuối thu đầu đông, nơi các bài hát Phú Quang như chim di trú “về lại phố xưa” tìm hơi ấm sương mù, tìm phiêu linh trong mưa phùn gió bấc để ta mãi yêu “một Hà Nội run run heo may”, một “Hà Nội nồng nàn run” ( thơ TMH), một Hà Nội mê cuồng chừng như chỉ dành riêng cho nỗi cô đơn trong âm nhạc Phú Quang ?

Có thể nói, “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang hay không hề thua kém kiệt tác âm nhạc “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương viết tại Hà Nội năm 1938.

Với Phú Quang, nỗi nhớ rét hầu như quằn quại rên xiết trong nỗi khát khao người tình – người đàn bà xứ Bắc - bàng bạc trong các bản tình ca tuyệt vọng của ông. Trong hàng chục bản tình ca mang hơi ấm Hà Nội của Phú Quang, tôi thích nhất bài hát “Mơ về nơi xa lắm” ông phổ thơ của người bạn thân nhất là nhà thơ Thái Thăng Long. Phú Quang đã phổ 14 bài thơ của Thái Thăng Long thành những bài hát hay về Hà Nội. Đây “ Mơ về nơi xa lắm” :

Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm
Một Hà Nội ngây ngất nắng
Một Hà Nội run run heo may
Dạ khúc đêm nay
Một mình em,
Một mình ta
Tiếng lá rơi...
Vô tình bên khung cửa
Em bơ vơ,
Ta thẫn thờ mong nhớ
Một giọt sương rơi
Như giọt nước mắt buồn
Ta mơ thấy em... ở nơi kia xa lắm
Em cô đơn,
Căn phòng trống cô đơn
Dạ khúc đêm nay... chẳng thể nào dang dở
Trong nỗi khát khao... em chầm chậm quay về ...
Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm
Một Hà Nội ngây ngất nắng
Một Hà Nội run run heo may
Dạ khúc đêm nay
Một mình em,
Một mình ta
Tiếng lá rơi...
Vô tình bên khung…
Nguồn tin: Musixmatch

Tình yêu trai gái nơi các bài hát Phú Quang thông qua các bài thơ ông phổ nhạc, và các bài ông tự viết lời như bài : “ Một dại khờ một tôi”, thường là một tình yêu tuyệt vọng đến chết người, cứa vào tâm hồn người nghe vết dao đâm định mệnh, nỗi khát khao tình ái không bao giờ được viên mãn khiến nồng độ đắng cay đậm đặc làm hòa tan cả chất ma túy ngọt ngào.Tình tuyệt vọng, tình cô đơn, tình bơ vơ ở trong mơ “thấy em ở nơi xa lắm”, tình hoài niệm, yêu mà cuồng nhiệt tới bến chỉ có một mình là tình yêu trời đầy, đau khổ muôn năm, nhức nhói muôn năm, hay một cách sang trọng muôn năm.

Có lẽ, ngồi giữa Hà nội, ngồi bên Hồ Gươm ít ai còn quay quắt nhớ Hà Nội, nhớ Hồ Gươm theo kiểu Thanh Tâm Tuyền “ Ôm em trong tay mà nhớ em ngày sắp tới”, theo kiểu “Ôm em mà nhớ em nhiều” ( thơ TMH).

 Phú Quang yêu Hà Nội vô cùng, nhưng ông phải xa Hà Nội, sống ở Sài Gòn tới 25 năm để tị nạn tình ái, để thương nhớ Hà Nội quắt quay, nhớ Hà Nội điên cuồng mới làm ra mấy chục bài hát bi thương, nồng nàn vô độ về Hà Nội hay đến thế. Phú Quang, thông qua âm nhạc, thấy ông nhớ quặn lòng Hà Nội ngay cả khi về sống với quê hương Thăng Long vàng son một thuở.

Nhà văn Trịnh Đình Khôi sinh năm Bính Tuất ( 1946) là bạn tôi, tủm tỉm kể rằng : “ Một hôm thấy ông bạn nhạc sĩ Phú Quang cứ thập thò mãi ngoài cửa nhà mình như cua cáy, mình bèn cười cười nói nói ra nắm tay bạn mà rằng : “tôi biết cả rồi, mời ông vào nhà cho, từ nay cấm ông mày mày tao tao với tôi đấy, vì hôm nay ông đến xin cưới con gái tôi phải không ?”. Phú Quang bèn ôm chầm lấy bạn xưa mà ngượng ngùng gọi bạn mình bằng bố”.

Trịnh Đình Khôi là một nhà văn vui vẻ, cởi mở từng tự mình giã cua, tự mình vào bếp làm cơm đãi vợ chồng chúng tôi trong một dịp ghé thăm Hà Nội vài chục năm trước, bây giờ là đương kim bố vợ nhạc sĩ Phú Quang. Đây là người vợ thứ ba, có lẽ sẽ là người vợ cuối cùng của nhạc sĩ duy Hà Nội, duy cảm, duy nhân văn Phú Quang chăng ?

Phú Quang có tướng linh mục. Hãy nhìn ảnh ông mặc đồ lớn, đeo thánh giá, với gương mặt của nhà truyền giáo yêu thương, truyền giáo âm nhạc, truyền giáo nhân văn bằng chìa khóa Sol, toan nhốt hết linh hồn con chiên vào giai điệu nồng nàn, mê đắm, sang trọng của ông với quyết tâm “không cho chúng nó thoát”…

Đã nghe nhạc Phú Quang, đã yêu Hà Nội bằng lỗ tai, bằng tâm hồn mình thăng hoa trong âm giai tuyệt đẹp này, có lẽ chúng ta sẽ không thể thoát khỏi bùa mê của nhà tù âm nhạc dễ thương này, được giam trong CHÌA KHÓA SOL PHÚ QUANG phát ra từ laptop hay chiếc điện thoại thông minh những khuya một mình thương nhớ ?

Trong số các nhạc sĩ trên dưới 70, 80 xuất hiện ở miền Bắc từ 1960 đến nay, như các nhạc sĩ lớn của chế độ, của đảng ví như Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Hoàng Hiệp, Huy Du…chỉ riêng Phú Quang và một vài người khác mới là nhạc sĩ lớn của đất nước, của dân tộc. Đó phải chăng là một vinh dự lớn của Phú Quang chăng ? 

Khi tôi viết những dòng này, Phú Quang đang phải nằm bệnh viện vì sự biến chứng của bệnh tiểu đường. Ông phải lọc thận một tuần ba lần. Mình chỉ biết an ủi động viên bạn bằng cách nói vui rằng, Quang ơi, Sông Hồng cũng đang phải lọc thận đó sao ? Chẳng phải Hồ Tây, Hồ Gươm giữa lòng Hà Nội cũng là hai quả thận của Sông Hồng đó sao ? Ngày đêm, Sông Hồng phải dùng mạch nước ngầm từ sông phì phò lọc thận cho Hồ Tây, Hồ Gươm mà Sông và Hồ có phải đi nằm viện đâu ?

Phú Quang và Trần Mạnh Hảo cùng bao người con yêu của Hà Nội, của Việt Nam trước sau rồi cũng phải “Tôi mang Hồ Gươm đi”, cũng phải từ giã cuộc chơi âm nhạc, chơi thi ca để hóa thành vĩnh cửu. Nhưng Quang ơi, chúng mình còn trẻ mà, mới ngoài 70 thôi, còn thèm nũng nịu với sương mù đầu thu Hà Nội lắm, còn thèm lúng liếng với má lúm đồng tiền Hồ Gươm của gương mặt thanh xuân nghìn năm Hà Nội lắm, cố lên Quang ơi.,.

Sài Gòn lúc 4 giờ 4 phút sáng sớm ngày 30-4-2020
T.M.H. 

CHÚ THÍCH ẢNH :
1- Nhạc sĩ Phú Quang.
2- Nhà thơ Thái Thăng Long & nhạc sĩ Phú Quang.
3- Nhà thơ Giáng Vân.
4- Nhà thơ Thảo Phương.









Không có nhận xét nào

Quảng Cáo