Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KHÔNG GIẾT NGƯỜI SAO LAI NHẬN TỘI?

"Không giết người sao lại nhận tội?"  Đó là câu hỏi mà không ít người đặt ra để cho rằng Hồ Duy Hải có tội và tòa án các cấp tuyên...

"Không giết người sao lại nhận tội?" 

Đó là câu hỏi mà không ít người đặt ra để cho rằng Hồ Duy Hải có tội và tòa án các cấp tuyên Hải tội chết là đúng người đúng tội.

Nếu là tôi của khoảng 15 năm trước, tôi cũng sẽ đặt câu hỏi như vậy bởi lúc đó tôi vẫn còn niềm tin vào pháp luật, vào hệ thống tư pháp và con người. Đây đó, cái sai sót vẫn có thể xảy ra nhưng nhất quyết đó chỉ là do cá nhân gây ra, không phải hệ thống, thể chế.

Nhưng, qua một thời gian dài tiếp xúc với rất nhiều bà con dân oan khắp nơi trên đất nước này, trực tiếp can ngăn họ tự thiêu, khuyên giải họ giữ mạng để còn tiếp tục hành trình kêu oan. Có hai trường hợp chúng tôi can không được, họ đã tự châm lửa đốt mình. Được dân oan cho tiếp xúc với những bộ hồ sơ của các vụ việc của họ với chứng lý rành rành dân đúng chính quyền sai, nhưng họ vẫn phải ròng rã lăn lóc ngày qua ngày lê lết hết cơ quan này đến báo đài nọ khắp Nam cùng Bắc để kêu oan từ tranh chấp đất đai cho đến án hình sự. 

Tôi không phải là một luật sư, tôi chỉ là một trong những người có chút lòng trắc ẩn, giúp họ chút gạo thường chai mắm mặn trong những ngày họ phải xa nhà, lang thang vỉa hè Hà Nội kêu oan. Họ, những con người thấp cổ bé họng và tuyệt vọng ấy tự tạo cho bản thân niềm tin vào công lý và bấu víu mãnh liệt vào đó để năm qua năm, bán hết gia tài sản nghiệp để kêu oan cho bằng được. Có người trên hai mươi năm, có những người mười mấy năm, rất nhiều người dưới mười năm trở lại đây. Có đơn lẻ, có đoàn đông lên đến một hai trăm người. 

Đói, rét, nắng, mưa, rả rời thân thể vì lội bộ lang thang khắp các nơi không làm họ gục ngã. Những cú đánh thô bạo, giằng giật xé băng rôn kêu oan, những pha bắt ném họ lên xe buýt của lực lượng công an an ninh để xua đuổi không cho họ có cơ hội tiếp cận lãnh đạo hoặc đại biểu quốc hội để trực tiếp đưa đơn...không làm họ chùn bước. Những tờ đơn gởi đi khắp nơi bị trả về, bị phủ nhận, bị lừa dối, bị chà đạp vẫn không làm họ nản chí. Họ cố gắng viết đơn kêu hết các cửa mà họ còn tin. Tôi được chứng kiến nhiều lần lắm. Và cũng quá nhiều lần người này người kia trong số những người dân đi kêu oan kia khóc kể với tôi về những oan khuất, tủi nhục mà họ đã phải chịu trong hành trình của họ. Mẹ, dì và em gái của Hồ Duy Hải là một trong số những người dân oan như thế. 

Nhiều lần nghe những phiên đối thoại do chính quyền địa phương  tổ chức để đối thoại giải quyết vụ việc thưa kiện, kêu oan của người dân, tôi đều thấy các cuộc đối thoại ấy là độc thoại. Cán bộ blah blah lặp lại những quyết định sai trái, người dân đưa ra chứng cứ phản biện bằng luật, nghị định, quyết định của chính phủ nhưng luôn bị chính quyền địa phương bác bỏ thẳng thừng hoặc nói loanh quanh rồi kết thúc với y nguyên quyết định cũ. Lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại. Đơn gởi lên tỉnh, tỉnh trả về huyện, huyện không xử lý, đơn gởi lên trung ương, trung ương trả về tỉnh kêu người dân về tỉnh giải quyết, tỉnh chỉ về huyện, lòng vòng rồi mở đối thoại rồi lại bế tắc lại gởi đơn...thậm chí có trường hợp có công văn quyết định của phó thủ tưởng chỉ đạo nhưng vụ việc vẫn y cũ kéo dài năm này qua năm nọ với mục đích để lâu cứt trâu hóa bùn.

Tôi cũng đọc qua chính báo chí chính thống trong nước như báo Tuổi Trẻ, báo Pháp Luật...đưa tin về những vụ án oan sai khắp nơi như vụ việc 7 người bị bắt oan trong vụ án ông Lý Văn Dũng hành nghề xe ôm ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng bị giết vào tháng 7/2013. Trong vụ việc này, ngày 7/10, tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt nguyên điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hoàng Quân mức án 1 năm 6 tháng tù; Triệu Tuấn Hưng 2 năm tù về tội Dùng nhục hình; buộc các bị cáo bồi thường 11,5 triệu đồng cho mỗi bị hại. Quân và Hưng bị cấm đảm nhiệm chức vụ có liên quan đến hoạt động điều tra trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt. Liên quan đến vụ án, ông Phạm Văn Núi (57 tuổi, cựu kiểm sát viên tỉnh Sóc Trăng) bị phạt 1 năm cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về ông Nguyễn Thanh Chấn, sinh năm 1961 tại Bắc Giang, bị tạm giam để điều tra vào ngày 29 tháng 8 năm 2003. Sau đó ông Chấn bị khởi tố về tội Giết người. Tháng 03.2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt ông Chấn tù chung thân. 4 tháng sau, TAND Tối cao bác kháng cáo kêu oan, tuyên phạt ông Chấn y án sơ thẩm. Mặc dù tại hai phiên xử, ông Chấn đều một mực kêu oan và không nhận tội, nhưng tòa án dựa vào biên bản nhận tội của ông tại cơ quan điều tra để tuyên án. Ông chỉ được trả tự do vào tháng cuối năm 2013 sau khi hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú. Ông kể ông đã bị cán bộ điều tra dùng nhục hình và ép buộc tập dượt cách thức giết người cho đúng với hồ sơ. Ngày 30 tháng 9 năm 2014, Cục Điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can (nhưng cho tại ngoại) đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, sinh năm 1949, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, cựu thẩm phán Toà phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27 tháng 7 năm 2004, để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng." Ông Chiêm được xác định đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn. Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật, cựu thượng tá - nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang và ông Đặng Thế Vinh, cựu trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang về hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án.”...

Những vụ việc người dân bị mời lên đồn công an làm việc hoặc bị tam giữ, tạm giam để điều tra một vụ việc nào đó rồi sau đó không bao lâu đã chết một cách bí ẩn với thân thể đầy vết bầm tím, dấu chích điện, dấu thắt cổ, dấu cắt cổ...diễn ra trên khắp nước. Có rất ít vụ việc được cho là điều tra được hung thủ và xử lý trách nhiệm hình sự, nhưng đa số vụ việc đã bị chìm xuống theo thời gian với những lời giải thích phi logic đến trơ trẽn.

Tôi cũng từng làm việc đôi lần với công an an ninh và hiểu đôi chút về nghiệp vụ hỏi cung, ép cung, ghi sai lời khai trong biên bản hoặc cố ý ghép tội của họ. Tôi đang di chuyển trên đường trong xe ô tô, không có bất kỳ một hành vi hay dấu hiệu vi phạm pháp luật nào, công an chặn xe, bắt áp giải tôi về đồn, điều tra xét hỏi về hành vi mà tôi chưa thực hiện: đi biểu tình. Sau đó họ tự lập biên bản xử phạt tôi tội gây rối trật tự công cộng, kêu một người dân phòng nào đó không biết vào ký tên vào biên bản làm nhân chứng! Họ kết tội, xử phạt tôi không căn cứ vào hành vi của tôi mà theo ý muốn của họ. (Có ít nhất hai người làm chứng cho câu chuyện tôi kể là sự thật.)

Qua nhiều vụ việc được đọc, được thấy, được chứng kiến và trực tiếp là nạn nhân, tôi hiểu hệ thống có vấn đề, không đơn giản theo nguyên tắc anh không có tội thì không ai ép anh được.

Tôi rất thông cảm cho những người trẻ khi họ đặt câu hỏi "không giết người sao lại nhận tội?" đối với trường hợp vụ án Hồ Duy Hải. Họ chưa từng vào đồn công an và tiếp xúc với những cảnh mà tôi và nhiều anh chị em đã chứng kiến và trải qua nên họ không thể tưởng tượng nổi. Hay những người đã đọc, đã biết có những vụ án oan bởi nhục hình, bởi điều tra viên cố tình làm sai lệch hồ sơ. 

Tờ Vietnamet trong bài viết "Người bị tù oan 10 năm kể về đòn hiểm ép cung", thuật lời ông Chấn kể về những lần bị ép cung nói: 
"Điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ: “Mày có khai không, tao cho mày chết". Riêng điều tra viên D. đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường” - ông Chấn khẳng định. Trong thời gian bị tạm giam ở Trại Kế, có đêm ông Chấn bị chuyển 3-4 buồng. “Có lần vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng - thì có 1 mình phạm nhân ấy với tôi. Vừa vào đã bị đánh, dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát. Bị bắt từ ngày 20 đến ngày 28 hầu như tôi không được ngủ, đầu óc quay cuồng, lâng lâng” - ông Chấn nấc lên rồi lại lấy tay ôm mặt.Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho 1 tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim."

Ở đời, người ta nói có bột mới gột nên hồ, trong một số vụ việc điểm qua ở trên, ta thấy, điều tra viên không cần bột vẫn gột nên hồ bằng cách tra tấn, đe dọa, khủng bố tinh thần nạn nhân. Tôi không vi phạm pháp luật, nhưng để bắt ép tôi phải nhận hành vi gây rối trật tự công cộng thì công an an ninh cũng đã khủng bố tinh thần bằng những lời chửi bới có tính xúc phạm và đe dọa. "Địt mẹ mày có đưa mật khẩu điện thoại ra không?" "Không. Đó là tài sản cá nhân có chứa thông tin, thư tín cá nhân. Nếu anh muốn khám xét thì anh phải lên viện kiểm sát mời kiểm sát viên đến đây. Khi có mặt kiểm sát viên, tôi cũng không có nghĩa vụ cung cấp mật khẩu cho anh vì tôi có quyền không làm chứng chống lại chính mình. Hơn nữa, tôi không có tội gì cả." "Địt mẹ mày, mày tưởng mày không đưa thì tao không mở được à? Tao gọi kỹ thuật xuống mở thì mày phải trả tiền cho kỹ thuật." Tôi mỉm cười, "Anh là công an mà ăn nói với dân rất vô lễ. Tôi im lặng, không làm việc với anh." Và tôi im lặng cho đến lúc họ thả về. 

Tôi may mắn được ăn học và tự học, được nhiều anh chị em hướng dẫn cho về cách thức nói chuyện đối đáp, nghĩa là tôi có hiểu biết một chút nên khi vào đồn tuy sợ nhưng tôi không bị họ hù dọa làm cho hoảng loạn. Người dân bình thường, nhất là dân quê mấy khi tiếp xúc với cơ quan điều tra, khi bị đe dọa, bị tra tấn, bị mớm cung để thoát cảnh tra tấn...thì 100 người chắc có đến hơn 90 người buộc phải nhận tội. 

Nhận tội để thoát chết ngay lập tức, để tồn tại, để thoát khỏi sự tra tấn đau đớn hoặc khủng bố tinh thần, để tìm kiếm cơ hội kêu oan sau này...là diễn biến tâm lý bình thường của bất kỳ người bình thường nào. Các bạn ngồi nhà, to miệng bảo mình không làm thì đánh chết cũng không nhận. Vâng, đã có mấy chục trường hợp chết trong đồn công an một cách bí hiểm rồi, báo chí của nhà nước đăng đầy ra đó, bạn search là ra, tôi không nói láo. Nếu tôi bị bắt, chắc chắn là án chính trị, thì tôi có bị điều tra viên bẻ gãy, tôi có nhận tội không? Tôi chỉ có thể nói tôi sẽ cố hết sức để giữ quyền im lặng cho đến khi nào tôi còn giữ được bởi ngoài vai trò một người dân bình thường trong xã hội tôi còn có lý tưởng nên cái phần lý tưởng và kiến thức về pháp luật sẽ giúp cho tôi trụ lâu hơn. Nhưng, tôi đâu thể chắc 100% tôi sẽ không bị bẻ gãy, nhận thí rồi tính sau. Tôi không chắc về chính mình thì tôi phải luôn để cửa mở cho người khác. Thậm chí khi tôi dám khẳng định mình sẽ không nhận tội thì tôi vẫn không được lấy tôi làm hình mẫu cho người khác bởi mỗi người có ngưỡng chịu đựng cái đau thể xác và stress về tinh thần rất khác nhau. Người chịu được ngưỡng 5-6 là đã giỏi lắm rồi và có qua tập luyện, người bình thường chỉ chịu được 4.5/10 và nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cảm xúc, thái độ hành vi và gen. Anh bị tra tấn cùng cách đó, anh không khai vì anh chịu đựng được cơn đau để vượt qua, nhưng anh khác thì khai tuốt luốt vì chịu không nổi, cảm thấy nó là địa ngục phải thoát.

Do đó, trong vấn đề này, ta cần sự thấu hiểu, đồng cảm, cảm thông và chia sẻ, không thể hay nói đúng hơn là không-được-phép trách nạn nhân. Việc trách nạn nhân sao lại nhận tội khi bản thân không phạm tội là điều không nên không đúng và nói thẳng ra là thiếu hiểu biết và có phần vô cảm. Tòa căn cứ vào lời nhận tội của bị cáo, bỏ qua chứng cứ để kết án thì tòa man rợ và vi phạm luật tố tụng hình sự. Mà các phiên tòa xử ông Chấn, Hải là một minh chứng.

NV.09.05.2020.




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo