Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TƯ PHÁP CỨT ĐÁI

TƯ PHÁP CỨT ĐÁI Mãi đến năm 2014 tôi mới được nghe về vụ án Hồ Duy Hải do tình cờ gặp mẹ và em gái Hải ở Sài Gòn.  Sau đó tôi về Long An, đế...

TƯ PHÁP CỨT ĐÁI

Mãi đến năm 2014 tôi mới được nghe về vụ án Hồ Duy Hải do tình cờ gặp mẹ và em gái Hải ở Sài Gòn. 

Sau đó tôi về Long An, đến nhà Hải, đến bưu điện Cầu Voi nơi xảy ra vụ án, dù đã mấy năm nhưng vụ án này vẫn còn để lại dư chấn trong người dân. 

Trao đổi với một người bạn là chuyên gia hình sự được tặng Bắc đẩu bội tinh của Pháp và tước hiệu Hiệp sỹ của Hoàng gia Bỉ vì những thành tích phá án của anh, anh cho biết, thời gian mấy tuần đầu tiên của vụ án là cực kỳ quan trọng nhưng với những gì xảy ra với vụ án của Hồ Duy Hải thì anh kết luận đến hơn 90% là Hải vô tội nhưng anh lại dự đoán đến 90% là Hải vẫn bị tuyên án. Kỳ cục vậy? 

Xét về lịch sử Tư pháp XHCN của Việt Nam thì cũng không lấy làm lạ. 

Sau khi thành lập chính phủ VNDCCH bằng tổng tuyển cử năm 1946, bản Hiến pháp 1946 được coi là tiến bộ ra đời, (việc nó bị phá bỏ vứt vào sọt rác là chuyện khác) sau đó ông Hồ Chí Minh ra 2 sắc lệnh về việc thành lập Tòa án và việc bổ nhiệm các thẩm phán. Các sắc lệnh này (dài đến gần 60 trang) tôn trọng các thông lệ của luật pháp quốc tế. Đến năm 1950, cũng chính ông Hồ ra hai sắc lệnh (áp dụng tại vùng "tự do" và vùng "tạm bị chiếm"-sự đánh tráo khái niệm bắt đầu) về việc " Tổ chức tòa án Nhân dân" và " Bổ nhiệm thẩm phán công nông"- Phân tích về 2 sắc lệnh dài chưa đầy một trang này cần một bài viết dài, chỉ biết rằng sau hai sắc lệnh đó, lớp thẩm phán bần cố nông "răng đen mã tấu" mang theo " dấu củ khoai trong tay nải" đã làm rơi đầu biết bao nhiêu người, gây ra oan khốc tày trời " tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây".Sau năm 54, nền tư pháp này đã chiếm trọn miền Bắc và sau 75 nó đã hoành hành trên cả nước, một nền tư pháp bại hoại, chà đạp pháp luật, coi thường luật Trời. Một nền tư pháp cứt đái như Grass viết : " Nó như cái hầm  hố xí bị tắc mà mỗi khi chúng ta muốn bơm thông nó thì cứt đái lại phun lên nhiều như vô tận".

Năm ấy, trong lòng không yên, tôi lần mò tìm đến nhà cô gái bị sát hại trong vụ án HDH. Tình cờ người cha của cô lại bằng tuổi tôi, chúng tôi uống trà, hút thuốc, phần nhiều là im lặng, tôn trọng nỗi đau buồn của người cha trước mất mát to lớn, anh bảo : "Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện tự sát nhưng còn mấy đứa em nó không biết sẽ ra sao, tôi cưng con bé nhất nhà". Không hiểu sao câu chuyện lại xoay sang hướng khác, anh hỏi tôi về chuyện miền Bắc trước 75 và kể tôi nghe về miền Nam lúc ấy về chuyện đi học, về cuộc sống về những điều được dạy dỗ trong gia đình, trong nhà trường... " Không biết anh ở ngoải thế nào, còn chúng tôi trong này thì... " là câu đầu tiên mà anh nói mỗi khi muốn so sánh. 

Tôi và anh đều tin rằng dù một nền công lý có mù lòa thì vẫn còn Thiên lý,  lưới Trời lồng lộng thưa mà khó lọt. Anh hẹn tôi gặp lại bất cứ khi nào tôi muốn, nhưng tôi tự nhủ rằng chỉ quay lại gặp anh khi Hải được minh oan, khi con gái anh được siêu thoát, anh được an ủi phần nào. Khi đó tôi sẽ lại thắp một nén nhang trước bàn thờ con gái anh mà không cần xin phép như lần đầu. 

Với cái luật pháp cứt đái này, lời hẹn của tôi chẳng lẽ là vô vọng?

Ngô Nhật Đăng



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo