Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM? Công dân Lương Hữu Phước uống thuốc trừ sâu sau đó nhảy lầu tự tử vì cho rằng toà án tỉnh Bình Phước kết án oan cho ông...

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Công dân Lương Hữu Phước uống thuốc trừ sâu sau đó nhảy lầu tự tử vì cho rằng toà án tỉnh Bình Phước kết án oan cho ông. Trước khi chết ông viết: "Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”. Ai chịu trách nhiệm về cái chết này? Toà án tỉnh Bình Phước? Các Thẩm phán? Hay cả nền tư pháp Việt Nam? Chẳng có ai trả lời và thực sự cái chết của ông khiến cho những người còn lương tri nhói lòng, gia đình ông đau đớn vì mất đi một người thân thiệt mạng trong oan khuất. Những người có trách nhiệm vẫn cho mình xử đúng người, đúng tội. Và như vậy chẳng có ai có trách nhiệm trước cái chết này?

Ở xứ ta, những vụ án oan sai nhiều không đếm xuể. Đã có người mổ bụng tại toà, có người uống thuốc độc và đã có kẻ nhảy lầu. Những vụ án oan ngày càng chồng chất. Mớm cung, bức cung, dùng mọi thủ đoạn kể cả bạo lực để ép cung. Lỗi không chỉ có mình toà án xét xử. Lỗi không chỉ từ các Thẩm phán. Lỗi từ Toà án tối cao, lỗi từ Viện Kiểm sát, lỗi từ Bộ Tư pháp, lỗi từ nền Tư pháp Việt Nam. 

Người dân khi bị án oan chỉ biết cầm cả đống hồ sơ đi từ địa phương đến trung ương, bỏ công ăn việc làm, bỏ qua cả sức khoẻ và tuổi tác, bất chấp thời gian kéo dài mười năm, hai mươi năm, ba bốn mươi năm nhưng vô vọng. Họ đi kêu oan nhưng thực sự cũng chẳng biết kêu ai. Cả một hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương nếu có trả lời chăng thì nội dung chẳng khác gì nhau, phần thiệt vẫn nghiêng về người dân, nỗi đau vẫn âm ỉ và nỗi oan không lối thoát. Trong bước đường cùng, người dân chẳng còn tin vào toà án, chẳng con tin vào luật pháp, chẳng còn tin vào chính phủ và họ chọn cách kết liễu đời mình để giải oan. Khi mất hết lòng tin, người ta có nhiều cách phản ứng để tự chứng minh, không vùng lên được, họ tìm đến cái chết. Những cái chết oan nghiệt và thương tâm càng ngày càng nhiều chứng tỏ luật pháp đang bị vi phạm trầm trọng, nền tư pháp đã bị bôi đen. 

Đã có thời Bộ trưởng Tư pháp phát biểu trước Quốc hội là thiếu nhân sự nên phải vơ vét. Những cán bộ được vơ vét ấy lại đặt vào ghế xử án. Họ có đủ kiến thức chuyên môn để thực hiện chức năng của quan toà không? Và phải chăng họ chính là thủ phạm của những án oan sai? Trong khi hàng năm hàng trăm sinh viên Luật ra trường không kiếm được việc làm. Cán bộ điều tra chỉ chạy theo thành tích và bị những áp lực để mau chóng kết thúc vụ án nên tìm mọi cách để hoàn thành hồ sơ, kể cả những thủ đoạn, những mánh lới, những mưu mô ép cho được người ta ký vào biên bản chấp nhận tội lỗi. Thần Công lý bịt mắt là để không thiên vị chứ không phải bịt mắt để như kẻ đui mù làm điều xằng bậy đưa tới những oan sai. Bất công tiếp những bất công, oan trái chồng lên oan trái và sẽ còn những cái chết nữa để  chứng minh sự trong sạch của mình. Và rồi cũng chẳng ai có trách nhiệm trước những cái chết đó. Chỉ còn lại sự phẫn uất!
1.6.2020
DODUYNGOC



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo