Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

SỰ DŨNG CẢM CỦA MỘT NỀN TỐ TỤNG

SỰ DŨNG CẢM CỦA MỘT NỀN TỐ TỤNG Đọc xong toàn bài báo tường thuật, cùng với việc xem đoạn trả lời quốc hội, đối với vụ án của Hồ Duy H...

SỰ DŨNG CẢM CỦA MỘT NỀN TỐ TỤNG

Đọc xong toàn bài báo tường thuật, cùng với việc xem đoạn trả lời quốc hội, đối với vụ án của Hồ Duy Hải, cho thấy việc kết tội chủ yếu dựa vào lời khai của chính bị cáo để từ đó điều tra và xác lập chứng cứ, chứ không phải là các chứng cứ được thu thập một cách khách quan.

Phần nêu về giám định pháp y chỉ kết luận trong âm đạo có dịch hình thành do kích thích, nhưng lại hoàn toàn không kết luận đó có phải là tinh dịch của người nam hay không và nếu có thì là của ai, hay là dịch của chính nạn nhân. Điều này có thể giám định ngay được mà không khó khăn gì.

Với tội hiếp dâm, cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải giám định về việc có bị xâm hại hay không để xác định hậu quả của hành vi. Nếu có dịch thì là dịch của ai. Nếu là chất dịch của kẻ xâm hại thì có thể giám định sự trùng khớp về ADN với người đang bị bắt giữ để chứng minh thủ phạm có phải là kẻ đó hay không. Nhưng việc phát biểu của Chánh án TANDTC không cho thấy điều này.

Với lời khai về việc bị can, bị cáo mô tả hiện trường chính xác các đồ vật hoặc màu sắc của chúng, rõ ràng nó không phải là một kết luận dựa trên khoa học và có tính đáng tin cậy. Những vụ án oan, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, người ta bắt bị can phải thực hành đến khi thành thục động tác giết nạn nhân để có thể khép ông ta vào tội giết người. Việc bị bắt và sau đó mô tả được hiện trường không đủ yếu tố khách quan hoặc hợp pháp để kết luận rằng Hải phải có mặt để có thể khai được như thế.

Với lời khai của Hải về hai dây chuyền lấy của các nạn nhân và một số tài sản của bưu điện, rõ ràng cũng như chuyện mô tả hiện trường vụ án, những điều này cũng chỉ là lời khai một phía và quan trọng là thời điểm khai được xác lập khi nào - trước hay sau thời điểm mà cơ quan điều tra biết về các thông tin này khi lấy lời khai của những người liên quan?

Hai tang vật quan trọng nhất là cái thớt và con dao, không hiểu bằng cách nào, khi cả hai thứ là hung khí để giết các nạn nhân, lại theo từng bối cảnh khác nhau mà biến mất - người thu dọn hiện trường lấy chiếc thớt dính máu đi đốt; và con dao cũng bị ba dân phòng (chứ không phải cảnh sát) phát hiện bị giắt vào sau tấm bảng và cũng lại đem đi đốt bỏ mà không thu giữ lại để làm vật chứng, tỏng khi chưa có con dao nào được thu giữ tại hiện trường.

Cái thớt hẳn nhiên có lưu dấu vân tay của hung thủ (vì là hung khí giết người, chắc chắn không bị lau chùi vì ảnh chụp hiện trường cho thấy rõ sự nguyên trạng của nó), bị đem đi đốt bỏ trong khi về mặt tố tụng nó buộc phải được thu giữ và bảo quản. Đây quả là một điều vô cùng kỳ lạ trong nghiệp vụ điều tra và đối với bất kỳ quy trình tố tụng nào.

Nếu kẻ giết người đã lau dấu vân tay khỏi con dao như Hội đồng giám đốc thẩm Toà án tối cao thừa nhận, theo lẽ thông thường, hung thủ không cần phải cất giấu con dao vào sau tấm bảng nữa, mà ném nó ngay tại hiện trường hoặc theo một phản xạ của tâm lý, hắn mang đi vứt hoặc cất giấu cách xa nơi xảy ra án mạng (vì hắn có đủ thời gian để rời khỏi hiện trường, sau khi đã lau chùi sạch sẽ dấu vết chủa chính mình).

Nhưng nếu theo đúng giả thiết của những người xét xử, các dấu vân tay của hung thủ đã bị lau chùi sạch sẽ và hoàn toàn biến mất (không có dấu vân tay nào của Hải, mà anh ta là bị can, bị cáo duy nhất trong vụ án), thì không có lý do gì để cất giấu con dao vào tận cái bảng và, cộng thêm, cái thớt lại không có dấu tích của sự bị lau chùi.

Các lời khai của hung thủ không phải là chứng cứ để dẫn dắt các cảnh sát trong việc điều tra và cũng không được dùng làm chứng cứ buộc tội nếu nó không-phù-hợp-với-các-chứng-cứ-khác.

Mà nếu căn cứ vào số lượng lời khai nhận tội (như thống kê được nêu ra giữa nghị trường) là 25 bản có lời nhận tội, trong khi tang chứng và vật chứng lại không còn đáng tin cậy vì bị mất hoặc huỷ hoại, số còn lại được thu thập lại không có căn cứ liên quan nào tới hung thủ, rõ ràng không có nền tố tụng nào đủ dũng cảm để quyết định một bản án mà lại ở mức cao nhất, tử hình, cho người bị cáo buộc.

Điều dũng cảm nhất, ngay lúc này, là biết chấp nhận những sai lầm và các thiếu sót của mình, chứ không phải bằng mọi cách cố ráp khớp nó lại để kết tội bằng được một con người, trong khi chính họ còn đã thừa nhận “có sai sót” tồn tại trong tiến trình tố tụng mà buộc họ phải tuân thủ đầu tiên và nghiêm ngặt.

Lê Luân


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo