Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THƯ GIÃN VỚI HỘI HOẠ: CẢM ƠN EVA VÀ KHẨU TRANG CHO ADAM

THƯ GIÃN VỚI HỘI HOẠ: CẢM ƠN EVA VÀ KHẨU TRANG CHO ADAM Từ nhỏ tôi đã thích vẽ. Tiếc là tôi không có điều kiện học hành bài bản về thứ nghệ ...

THƯ GIÃN VỚI HỘI HOẠ: CẢM ƠN EVA VÀ KHẨU TRANG CHO ADAM

Từ nhỏ tôi đã thích vẽ. Tiếc là tôi không có điều kiện học hành bài bản về thứ nghệ thuật ra đời sớm hơn mọi thứ nghệ thuật này. Tôi theo nghiệp văn chương và hiển nhiên luôn đam mê hội hoạ. Hội hoạ vẫn là nghệ thuật thư giãn bậc nhất, đôi cánh tâm hồn dễ thăng hoa cùng thế giới đường nét, màu sắc hơn là tiếp xúc với cái rừng ký hiệu ngôn từ trừu tượng của văn chương.

Năm nay, cái duyên nào đó mà có hai đồng hương cùng tặng tôi các tác phẩm hội hoạ mới nhất: hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu và hoạ sỹ Lê Sa Long. Rất tuyệt vời! Tôi phải nối kết hai hoạ sỹ này lại mới có ý tưởng cho bài viết mà tôi đã nợ anh Đặng Mậu Tựu từ khi được tặng sách.

1. Cảm ơn Eva

"Cảm ơn Eva" của anh Đặng Mậu Tựu như một cuộc phiêu du về cội nguồn của nhân loại và vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Với lối vẽ phóng túng nửa Tây nửa Đông, thế giới đường nét, màu sắc của Đặng Mậu Tựu khi mạnh mẽ gân guốc, khi mềm mại uyển chuyển, khi chìm lắng sâu thẳm, khi bay bổng dạt dào. Tôi có cảm giác ngòi bút của anh tuôn trào theo cảm hứng, bất chấp sự kìm hãm của kỹ thuật. 35 bức tranh của anh, bức nào cũng rất cụ thể, ấn tượng như hình ảnh ai đó từng gặp trong cuộc sống nhưng lại rất huyền ảo và trừu tượng, thăng hoa mà đầy suy tư.

Eva của anh bắt đầu từ hình ảnh phi thực là Mẫu Thượng ngàn, người mẹ của muôn loài, sau đó là các Eva hiện đại với trang phục bình dị của làng quê hay chiếc áo dài tân thời nơi phố thị. Tranh anh như giữ các mảng màu tươi nguyên không pha trộn để gợi lên sự thanh khiết, trong trẻo. Dù Eva nhà quê hay Eva thị thành đều mang một vẻ đẹp cao quý như thể mỗi bức chân dung con người là sản phẩm của trời đất sinh ra trong rực rỡ cỏ cây hoa lá. Eva là hoa của cuộc đời này.

Tôi hình dung Đặng Mậu Tựu dùng tranh để đối thoại với Kinh Thánh hơn là hoá thân Eva của Tây thành của Việt Nam. Rằng Eva, với thân xác kiều diễm mà Thượng đế ban phát cho người đàn ông không hề là tội lỗi mà là niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời này. Cảm ơn Eva, vì nếu trên đời này không có Eva, Adam chỉ là cục đất vô tri vô giác, mặc dù người đàn ông xưa nay vẫn luôn tự hào chính mình mới mang hình hài cao quý của Chúa.

2. Khẩu trang cho Adam

Thú thật, tôi không thích cái tên "Khẩu trang và người nổi tiếng" mà hoạ sỹ Lê Sa Long đặt tên cho 50 tác phẩm của mình. Càng không thích những bài giới thiệu, phê bình khi dựa vào đó xem tác phẩm của anh là một sáng tạo nóng hổi tính thời sự: thời đại Covid.   Về kỹ thuật, đúng như các nhà phê bình ngợi ca. Tranh Lê Sa Long vừa tả thực vừa ấn tượng theo phong cách sơn dầu phương Tây. Bức tranh nào cũng quyến rũ bởi đường nét, màu sắc sống động. Mỗi bức chân dung "người nổi tiếng" đều lột tả được cái hồn của nhân vật. mặc dù cái miệng bị che phủ bởi cái khẩu trang với những ký hiệu đặc trưng cho hoạt động của nhân vật.

Tôi thích nhìn tranh theo cách suy tư của tôi hơn là hút hồn vào những nhân vật nổi tiếng ấy. Không ngẫu nhiên mà Lê Sa Long chế biến trích đoạn Chúa tạo Adam của Michelangelo bằng hình ảnh Chúa trao cho Adam chiếc khẩu trang. Sao không là chiếc lá vả để che cái bộ phận sinh dục mà lại là cái khẩu trang che miệng? Tôi vẫn thường nghĩ khi tạo Adam và Eva có bộ phận sinh dục, lẽ ra Chúa nên trao sớm chiếc lá vả cho họ che trước thì đâu có chuyện Adam phải phạm tội ăn Trái Cấm rồi đổ tội cho Eva?

Theo Kinh Thánh, Chúa tạo ra Adam và Eva mà không cho gì hơn ngoài điều cấm. Thật thú vị khi Lê Sa Long đặt vào tay Chúa cái khẩu trang để trao cho Adam. Hoá ra cái miệng mới là "nguyên tội tổ tông" của loài người. Trong các "nhân vật nổi tiếng" mà Lê Sa Long vẽ, không chỉ nổi tiếng mà có cả tai tiếng. Cái miệng làm hại cái thân, dân gian đã nói rồi. À mà trong Kinh Thánh, Chúa có ban cho con người một thứ, đó là ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ, con người biết xếp đặt mọi thứ vào trật tự, biết gắn kết nhau, nhưng cũng do ngôn ngữ mới gây ra thảm hoạ Babel, cái kỳ quan do con người vừa làm nên giữa chừng lại bị sụp đổ cũng bởi từ ngôn ngữ. Ngôn ngữ để giao tiếp nhưng ngôn ngữ cũng gây xung đột. Thật thà cũng từ cái miệng và dối trá cũng từ cái miệng. Cái miệng mang bản năng sinh tồn, nhưng cái miệng cũng truyền bệnh, không chỉ truyền virus mà truyền đủ thứ, háo danh, lừa lọc, bốc phét...

Khẩu trang là chiếc quần trên cái miệng để hạn chế dục tính và tội lỗi. Ranh giới giữa nối tiếng và tai tiếng rất mong manh, nên Thượng đế toàn thiện toàn mỹ muốn gì hơn ở loài người: Hãy đeo khẩu trang. Khẩu trang làm cho con người đẹp hơn khi nó giúp phòng tránh đủ thứ, kể cả cưỡng hiếp bằng ngôn từ!

Chu Mộng Long


















Không có nhận xét nào

Quảng Cáo