Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

PHIM CẬU VÀNG: SỰ VÙNG LÊN TRONG TUYỆT VỌNG

PHIM CẬU VÀNG: SỰ VÙNG LÊN TRONG TUYỆT VỌNG Từ lâu nay, chuyện điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học là chuyện thường tình và cũng đã có ...

PHIM CẬU VÀNG: SỰ VÙNG LÊN TRONG TUYỆT VỌNG

PHIM CẬU VÀNG: SỰ VÙNG LÊN TRONG TUYỆT VỌNG

Từ lâu nay, chuyện điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học là chuyện thường tình và cũng đã có nhiều phim đạt thành công nhất định. Điện ảnh phía Nam thường xây dựng kịch bản từ các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Điện ảnh phía Bắc thì thường khai thác từ những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao và Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng. Phim Việt đã từng có Làng Vũ Đại ngày ấy, Lão Hạc, Chị Dậu, Lều chõng, Giông tố, Số đỏ....Giờ đây, lại có thêm Cậu Vàng, cũng xây dựng từ những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Kịch bản được hình thành từ nhiều nhân vật, nhiều tình tiết từ truyện Chí phèo, Lão Hạc, những nhân vật đã từng được xuất hiện nhiều trên phim. Do vậy, làm lại phim từ những chất liệu ấy là việc làm không dễ, bởi sẽ bị lập lại và khiến người xem dễ bị chai lì cảm xúc. Cũng may, kịch bản của Nghệ sĩ nhân dân Bùi Cường đã thêm thắt nhiều tình tiết, nhiều nhân vật giúp cho phim mới hơn, câu chuyện cũng lạ hơn. 

Trong Cậu Vàng của Đạo diễn Trần Vũ Thủy, không chỉ phản ánh cuộc sống khốn khổ, bế tắc của tầng lớp nông dân nghèo ở nông thôn miền Bắc trước 1945 mà còn thể hiện sự phản kháng vùng lên, tuy trong tuyệt vọng của họ.

Phim quy tụ nhiều diễn viên có tên tuổi đủ hai miền: Diễn viên Viết Liên vai Lão Hạc, NSƯT Hữu Châu vai Bá Kiến, NSƯT Chiều Xuân vai Bà Cả diễn viên Khánh Huyền vai Bà Hai, Băng Di vai Bà Ba, ca sĩ Will vai Lý Cường, Phương Nam vai Binh Tư, Thanh Bình vai Lê Văn, Trần Lê Nam vai Giáo Thứ, Thanh Hoa vai Bà Giáo, Doãn Hoàng vai Cò, Bích Ngọc vai Cải, Diệp Thanh Phong vai Trương Tuần, Chiến Thắng vai Thầy Hoàng...và con chó Nhật vai Cậu Vàng. 

Cái mới trong phim Cậu Vàng trước hết là kịch bản đã gài thêm mối tình của Bà Ba và chàng nghệ sĩ Lê Văn. Hai nhân vật này lại là người Nam Bộ, mối tình trắc trở, éo le của họ làm cho phim thêm chút ướt át và lãng mạn. Nhân vật Binh Tư trong truyện Lão Hạc của Nam Cao chỉ có đôi dòng:"Một hôm, tôi phàn nàn về việc ấy với binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi: Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:
- Lão làm bộ đây! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó...
Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:
- Lão bảo có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão... Lão định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu."(Lão Hạc-Nam Cao). Nhân vật Binh Tư trong Cậu Vàng là tổng hợp nhân vật Binh Thức trong Chí phèo cộng với Binh Tư trong Lão Hạc, hai nhân vật có tính cách giống nhau được dựng lên là một.

Thế nhưng trong phim, Binh Tư chính là người giúp giải quyết được câu chuyện, là nhân vật có số phận và biến chuyển tâm lý rõ ràng, làm cho diễn viên có nhiều đất diễn. Nhân vật Cải cũng là nhân vật được thêm khiến cho phim liền mạch và bật lên được số phận của người con gái nghèo trong bối cảnh xã hội thời ấy. Thầy pháp Hoàng cũng vậy, chính những ý kiến của lão thầy này đã dẫn dắt đến nguyên nhân nhà Bá Kiến muốn lấy cho được mảnh đất của Lão Hạc. Nhưng cũng chính vì có quá nhiều nhân vật nên phim không đi đến tận cùng của những số phận, chỉ lướt qua rồi nhiều khi bỏ lửng, không đào sâu được tính cách, tâm lý nên khó tạo cảm xúc cho người xem. Ngay nhân vật Bá Kiến, vốn là tay thâm độc, mưu mô và độc ác, khôn ngoan nhưng người xem cũng chưa thấy hết tính cách của nhân vật này. Rất may là Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu với tài năng của mình qua lối diễn xuất bằng mắt, bằng sự giỏi nghề của diễn viên lồng tiếng đã giúp cho người xem phần nào hình dung được sự tàn ác của y. Bà Cả, Bà Hai không có nhiều tình tiết để bộc lộ sự tàn nhẫn, ganh ghét, âm mưu của họ khi sống chung một căn nhà và nhất là lúc tin Bà Ba có thai. Người xem chỉ chứng kiến chỉ một lần hai bà toa rập cho Bà Ba uống nước trà thừa, ngoài ra cả hai không có hành động nào để thể hiện sự tàn nhẫn với người đàn bà được Bá Kiến ưu ái.

Diễn viên Viết Liên có ngoại hình tương đối phù hợp với vai Lão Hạc với đôi mắt buồn rười rượi, với lối diễn xuất mộc mạc nhưng cũng gây cảm xúc. Rất tiếc, trong phim có hai đoạn rất cảm động dễ lấy nước mắt khán giả thì đạo diễn và cả diễn viên chưa làm được. Đó là cảnh Lão Hạc bán chó và đoạn Lão Hạc ăn bả chó tự tử. Đây là những cảnh thể hiện bi kịch của sự chia lìa và cũng là sự tuyệt vọng cuối cùng của nhân vật. Thế nhưng phim không khai thác sâu về tâm lý để hình ảnh trôi nhanh và không gây được xúc động. Trong truyện, Nam Cao viết về cái chết của Lão Hạc:"Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với binh Tư hiểu." Viết như thế mà diễn chỉ đến vậy thì quả là tiếc!

Hình ảnh đôi chân trần đi trên đường đất và cảnh Lão Hạc còm cõi cô độc đi về sau khi bị kết tội giữa đình là những khuôn hình đầy chất biểu cảm, rất tiếc, trong phim những hình ảnh như thế không nhiều.

Cậu Vàng được xem là nhân vật chính của câu chuyện, là mắt xích kết nối các nhân vật trong phim giúp cho mạch phim được liền lạc. Lại tiếc, chỉ được vài đoạn, phần còn lại Cậu Vàng mờ nhạt, không được như ý đồ của đạo diễn là tượng trưng cho sự phản kháng khi bị đẩy vào đường cùng. Vẫn biết để điều khiển một con vật diễn xuất theo ý của mình không phải là chuyện dễ dàng, tuy nhiên trong phim, sự gắn bó giữa con chó vàng và Lão Hạc đôi chỗ không thể hiện được sự gắn kết, thương yêu của người và vật, có khi thấy rõ sự gượng ép. Và chính điều này khiến cho Cậu Vàng không đạt được ý đồ của đạo diễn. Có người không đồng tình khi chọn một con chó giống Nhật đóng vai Vàng, lại có ý cho rằng cậu Vàng mập quá, không đúng là chó nhà nghèo. Ý đấy cũng hợp lý thôi, đúng phải là con chó cỏ, gầy guộc thì hợp lý hơn. Nhưng dễ gì tìm được như ý, lại thêm, trong truyện, Lão Hạc đã có lần bảo với anh Giáo Thứ:"Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy gày đi, bán hụt tiền, có phải hoài không? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng thích...". Chi tiết này cho ta thấy cậu Vàng có mập một chút cũng phù hợp thôi mà. Tiếc là tiếc sự gắn bó của Vàng và Lão Hạc trong phim không được đậm như trong truyện của Nam Cao:"Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó."

Trong phim cũng có vài cảnh thể hiện phong tục làng quê và nghệ thuật dân gian như hát đối đưa tình trên ruộng lúa, múa rối nước...Và màn nghệ thuật dân gian này cũng khiến cho người xem không đồng tình. Một gánh hát từ Nam bộ ra lại biểu diễn chầu văn với múa rối nước thì có phi lý không? Giá như kịch bản và đạo diễn thay bằng một trích đoạn cải lương thì phù hợp và cuộc gặp gỡ của Bà Ba với chàng nghệ sĩ phiêu bạt Lê Văn sẽ hay và hợp lý hơn nhiều.

Phim mở đầu bằng hình ảnh cánh đồng hoa cải đẹp như thơ và mối tình của anh Cò, con Lão Hạc và Cải. Màu sắc lãng mạn và tươi đẹp ấy đối lập với căn nhà xiêu vẹo và cuộc sống tối tăm cũng như những tai ách giáng xuống đầu những số phận sau đó. Đúng ra, sau sắc màu tươi đẹp của đồng hoa cải, màu sắc của phim nên trầm hơn, u ám hơn, ngột ngạt hơn thì sẽ gợi xúc cảm cho người xem hơn. Ở đây, phim hơi dư sáng nên không khí phim mất hẳn cái trầm uất, tuyệt vọng, đầy nỗi đau của những thân phận. Một điểm nữa cũng cần đề cập đến là trang phục của các bà vợ Bá Kiến. Tuy Bá Kiến là người giàu có, là lý trưởng, chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ Đại, Chánh Hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu. Thế nhưng những bà nhà quan, nhà giàu ngày trước ở Bắc bộ không ăn mặc màu mè, quấn tóc diêm dúa thế. Nhìn như cung tần mỹ nữ, chẳng hợp tí nào. Anh chàng Lê Văn cũng vậy, trang phục, tóc tai không đúng với cung cách, thời trang của thời kỳ thập niên 40 của thế kỷ trước mà là kiểu của thế kỷ hai mươi mốt.

Phim có tiết tấu chậm, chuyển cảnh liên tục lại có nhiều đoạn dài dòng, thừa thãi cho một vài nhân vật nhưng thiếu đào sâu khai thác diễn tiến của các nhân vật khác nên thiếu sự hấp dẫn cần có của một bộ phim.

Tuy vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn cãi, nhưng vẫn công nhận Cậu Vàng vẫn là một phim đáng để xem trong thời điểm này. Đây là một phim còn mang hồn phách Việt, không lai Tây, lai Tàu, Đại Hàn, Nhật Bản như một số phim rầm rộ hiện nay. Tính cách Việt Nam, con người Việt Nam thể hiện rất rõ trong từng thước phim. Số phận của người nông dân Việt của một thời đã được tái hiện, những phản kháng tuyệt vọng cũng đã cho thấy sự bế tắc của một thời kỳ. Phim cũng còn mang triết lý nhân quả, sự tàn bạo và nhẫn tâm trong cách đối xử giữa người và người, lòng tham vô độ của những kẻ nắm quyền lực thời nào cũng có. Cậu Vàng, Binh Tư và ngay cả cái chết của Lão Hạc cũng là sự vùng lên một cách tuyệt vọng trong bối cảnh xã hội của một thời. Câu nói của Binh Tư khiến cho người xem phim phải suy nghĩ:“Đến con chó nó còn biết sống sao cho phải đạo nữa là con người”. 

Cậu Vàng kể về những thân phận, tận đáy xã hội cho đến gia tộc giàu sang, chức vụ nhưng tất cả đều có nỗi đau khó thoát, nó phản ánh một xã hội suy sụp, khốn nạn, những kiếp người trầm luân. Chuyện đã gần thế kỷ nhưng những nhức nhối của cuộc đời vẫn còn đến hôm nay.
Sài Gòn. 9.1.2021
DODUYNGOC
#PHIMDODUYNGOC
























Không có nhận xét nào

Quảng Cáo