Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

"KHOE" NGHIÊN CỨU MỚI: TUỔI XƯƠNG= LOÃNG XƯƠNG + TỬ VONG

'Khoe' nghiên cứu mới: Tuổi Xương = loãng xương + tử vong  Hôm nay, tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn một nghiên cứu mới nhứt ...

'Khoe' nghiên cứu mới: Tuổi Xương = loãng xương + tử vong 

Hôm nay, tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn một nghiên cứu mới nhứt của labo chúng tôi [1], mới được công bố trên eLife [2] hôm nay. Đây là một công trình quan trọng vì không chỉ đề ra khái niệm 'Tuổi Xương' (Skeletal Age) mà còn [hi vọng] mở ra một cánh cửa nghiên cứu mới về loãng xương và tử vong. 

Ý tưởng bài này thật ra xuất phát từ ... ông TT Biden. Theo dõi cuộc tổng tuyển cử ở Mĩ vừa qua tôi chú ý đến sức khoẻ của hai ông ứng viên Trump và Biden. Các chuyên gia tỏ ra lo ngại sức khoẻ của ông Biden vì ông già cả, có vẻ yếu đuối, và đã qua hai lần bị AF (rung nhĩ), một lần bị aneurysm (phình mạch não) và một lần bị DVT. Các chuyên gia bệnh tim mạch ước tính rằng ông có xác suất 79% qua khỏi nhiệm kì. Một chuyên gia khác thắc mắc về tuổi tim của ổng (Heart Age), và tôi tính thử thì thấy ổng tuy 78 tuổi đời, nhưng trái tim của ổng lên đến 95 tuổi. 

Loãng xương và tử vong 

Từ tuổi tim, tôi nghĩ có thể áp dụng cho chuyên ngành loãng xương, và tôi có ý tưởng 'Tuổi Xương' (Skeletal Age). 

Một sự thật ít người (ngay cả trong giới y khoa) biết đến là loãng xương làm giảm tuổi thọ. Sự suy giảm tuổi thọ còn nặng nề hơn nếu bệnh nhân bị gãy xương. Gãy xương đùi là nguy hiểm nhứt, vì khoảng 30% bệnh nhân gãy cổ xương đùi chết trong vòng 12 tháng, tức nguy cơ còn cao hơn cả ung thư vú. 

Nam giới tuy có nguy cơ gãy xương thấp hơn nữ, nhưng khi đã bị gãy xương thì nam giới chết nhanh hơn nữ! Những bệnh nhân sống sót sau một lần bị gãy xương thì họ có nguy cơ gãy xương lần 2, lần 3 rất cao. Do đó, một lần bị gãy xương là một tín hiệu cho thấy cơ thể đang suy thoái như ... 'domino'. Dĩ nhiên, sự suy thoái đó không hiển nhiên như các bệnh lí khác, và chính vì diễn biến âm thầm này là một thách thức để nhận dạng những cá nhân có nguy cơ cao.

Cho đến nay, khi người ta nói đến 'risk of fracture' (nguy cơ gãy xương), người ta chỉ đề cập đến gãy xương lần đầu tiên. Chưa ai nghĩ đến cách định lượng hoá nguy cơ gãy xương lần 2 hay lần 3, và chưa ai định lượng nguy cơ tử vong. Vấn đề nữa là không có dữ liệu để làm mô hình suy nghĩ. 

Ý tưởng về Skeletal Age 

Do đó, tôi nghĩ cần phải có một khái niệm mới có thể tạm gọi là 'compound risk'. Một cách suy nghĩ đơn giản, compound risk là nguy cơ bị gãy xương, và khi đã bị gãy xương thì kèm theo nguy cơ tử vong. Vấn đề là làm sao định lượng các biến cố này thành một chỉ số cho dễ hiểu. 

Tôi thấy bên engineering người ta có khái niệm 'effective age', tức tuổi thực của một cấu trúc. Một cây cầu có thể có 20 tuổi đời, nhưng vì phẩm chất xuống cấp, nên effective age có thể là 30. Trong y khoa, người ta lấy ý tưởng effective age để ước tính tuổi lá phổi (lung age), tuổi trái tim (heart age). Tôi dùng cách suy nghĩ đó để sáng chế ra 'tuổi xương', và thế là ý tưởng 'Skeletal Age' ra đời. 

Tuổi Xương được định nghĩa là tuổi sinh học của bộ xương trong điều kiện yếu tố nguy cơ gãy xương của một cá nhân. Nếu cá nhân không có yếu tố nguy cơ thì Tuổi Xương và tuổi đời bằng nhau; nếu cá nhân có mật độ xương thấp hay từng bị gãy xương thì Tuổi Xương cao hơn tuổi đời. Do đó, mức độ khác biệt giữa Tuổi Xương và tuổi đời chính là một chỉ số phản ảnh nguy cơ gãy xương và nếu một khi bị gãy xương thì phản ảnh nguy cơ tử vong. 

Nghiên cứu 

Ý tưởng là một chuyện, nhưng phải có dữ liệu để biến ý tưởng thành hiện thực. Chúng tôi dùng dữ liệu của hơn 3500 nam và nữ từ công trình nghiên cứu Dubbo. Những người này được theo dõi 20 năm, và chúng tôi biết rõ họ 'đi' từ chưa gãy xương đến gãy xương, từ gãy xương đến tử vong, v.v. Chúng tôi dùng mô hình Markov để định lượng hoá những biến chuyển đó cho mỗi cá nhân. Sau khi đã có các tham số của mô hình, chúng tôi ước tính Skeletal Age - Tuổi Xương cho mỗi cá nhân. 

Bài báo được nộp cho Lancet nhưng họ nghĩ rằng quá kĩ thuật nên không công bố. Chúng tôi nộp cho eLife, nhưng họ không nhận ngay mà yêu cầu nộp bản tóm tắt để xem có xứng đáng được bình duyệt. Sau khi xem qua bản tóm tắt, họ bật đèn xanh để đi nước thứ 2, tức là nộp toàn bộ bản thảo. Sau hơn 6 thánh bình duyệt bài báo được chấp nhận cho công bố. 

Trong tương lai, tất cả sẽ được đưa lên trang web của Garvan Fracture Risk Calculator để cho các bác sĩ khắp nơi sử dụng. Hi vọng rằng ý tưởng Tuổi Xương sẽ giúp quản lí, điều trị và phòng ngừa bệnh loãng xương tốt hơn trong tương lai. Bài này công bố trùng hợp với thời điểm tôi giới thiệu bài về đánh giá nguy cơ gãy xương: 


 

Điều phấn khởi là ban biên tập eLife thật sự thích bài báo và ý tưởng Skeletal Age. Họ đề nghị viết thêm một bài nữa để lí giải về khái niệm Tuổi Xương. Họ cũng đề nghị viết một Digest để người ngoài ngành hiểu. Họ làm việc với Viện Garvan để đưa ra thông cáo báo chí [3] về bài báo. Hôm qua đến nay tôi bận rộn tiếp báo chí và trả lời phỏng vấn cho gần 10 đài radio, báo chí, và tivi! 

______

[1] Bản thảo (chưa phải bản sau cùng) của bài báo: https://doi.org/10.7554/eLife.61142

[2] Nhiều bạn có lẽ chưa biết đến eLife, nên có lẽ vài dòng giới thiệu cũng cần thiết. eLife là tập san do Randy Schekman (Giải Nobel y học 2013) sáng lập, dưới sự tài trợ của Wellcome Trust, Howard Hughes Medical Institute, và Max Planck Society. Năm 2013, Giáo sư Randy Schekman tuyên bố rằng ông và đồng nghiệp không gởi bài cho Nature, Science và Cell nữa. Lí do (ông cho rằng) các tập san này chạy theo impact factor để nâng cao citation mà không đặt nặng vào những nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài (nhưng có thể không 'sexy'). Ông cũng phê bình các tập san như Nature, Science và Cell là loại 'đóng cửa', chỉ có người trả tiền mới đọc được. 

Mục tiêu là tạo ra một tập san cùng đẳng cấp với Nature, Science và Cell, nhưng minh bạch hơn Nature, biên tập phải là nhà khoa học có nghiên cứu (chớ không phải biên tập chuyên nghiệp), ai cũng có thể đọc được mà không cần trả phí, và tuyệt đối không lệ thuộc vào impact factor. Trên trang web, họ cảnh báo rằng tập san này rất ư là chọn lọc và tỉ lệ từ chối sẽ khá cao: "eLife is a very selective journal and it's likely that the rejection rate will be quite high". 

Bài báo nộp cho eLife phải qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là một bản tóm tắt; và nếu ok, giai đoạn 2 là toàn văn bản thảo. Đa số (90%) là bị từ chối từ giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, tỉ lệ từ chối dao động từ 80-85% (tức như Nature). Tôi thật là vui mừng khi bài báo sống sót qua 2 giai đoạn. Cái hay của eLife là tất cả bình duyệt và trả lời bình duyệt đều được đăng kèm theo bài báo để độc giả có thể hiểu hơn. 

[3]  https://www.garvan.org.au/news-events/news/a-2018skeletal-age2019-calculator-to-predict-bone-fracture-risk

TS Nguyễn Tuấn

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo