Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

30 THÁNG 4: PHẢI LÀ NGÀY HÒA GIẢI.

30 THÁNG 4: PHẢI LÀ NGÀY HÒA GIẢI.    Nguyễn Long Chiến Trong lịch sử đất nước, chưa có cuộc chiến nào khốc liệt như cuộc chiến chấm dứt ngà...

30 THÁNG 4: PHẢI LÀ NGÀY HÒA GIẢI.
30 THÁNG 4: PHẢI LÀ NGÀY HÒA GIẢI.
   Nguyễn Long Chiến

Trong lịch sử đất nước, chưa có cuộc chiến nào khốc liệt như cuộc chiến chấm dứt ngày 30 tháng 4 và cũng chưa có cuộc chiến tranh nào kéo dài chia rẽ âm thầm, dai dẳng như thế, hơn nửa thế kỷ nay. 

30.4: NGÀY CHIẾN THẮNG? 
Đế quốc bỏ hơn 58.000 nhân mạng; “Ngụy” chừng ba trăm ngàn; “Ta” bao nhiêu? Chắc không dưới nửa triệu người. Dân thường có lẽ cũng vài triệu, cả hai miền Nam Bắc. Chất độc da cam còn ảnh hưởng kéo dài. Hàng trăm ngàn người bỏ xác ở Trường Sơn. Chiến thắng: đúng, nhưng chiến thắng đẫm máu.

30.4: NGÀY GIẢI PHÓNG?
Năm 1954, khi Cách Mạng giải phóng Hà Nội, gần 1 triệu người bỏ chạy vô Nam, nơi kìm kẹp của Mỹ-Ngụy. Mùa hè đỏ lửa 1972, hàng chục ngàn người chạy thục mạng theo chân Ngụy quân, bỏ quê hương Quảng Trị thân yêu. Đầu tháng 4 năm 1975, hàng chục ngàn người khác bỏ chạy theo đoàn quân thất trận khi Buôn Mê Thuộc được giải phóng. Sau những năm 1975, hàng triệu người trốn khỏi đất nước tự do, tìm nơi có bọn tư bản đang giẫy chết; hàng chục ngàn người khác bỏ xác dưới đáy đại dương. Tại sao người ta sợ Giải Phóng?

30.4: NGÀY THỐNG NHẤT?
Đây là câu trả lời có lẽ đúng nhưng là câu trả lời cần suy nghĩ. Tây Đức tư bản với Đông Đức cộng sản: thống nhất êm thắm – chỉ cần đập bỏ bức tường ngăn cách ở thủ đô. Đức không đổ máu khi thống nhất.

Hàng triệu quân nhân, công chức “Ngụy quân- Ngụy quyền” bị tập trung cải tạo, có người không chịu nổi bịnh tật, đói rét mà bỏ xác ở núi rừng. Con em của hàng triệu người này mang trong lòng nỗi đau bị phân biệt đối xử trong cuộc sống. Nam-Bắc thống nhất, lòng người có thật sự thống nhất?

Các lập luận trên sẽ là bị xem là “phản động” cho đến ngày hôm nay. Nhiều người (có dính dáng đến VNCH) đều không dám nói ra, ngoài chỗ thân tình.

Đối với tôi, ngày 30 tháng 4, có thể gọi là ngày HÒA GIẢI. Đất nước thống nhất không còn nạn binh đao. Nhưng sẽ thật sự thống nhất khi con người xuất phát từ hai miền Nam-Bắc thật sự yêu thương nhau. Máu của “Ngụy” hay máu của Việt cộng cũng là máu Việt Nam. Cái chết nào của hai phe cũng làm mẹ Việt Nam đau đớn. 

Vì sao người ta vẫn ca tụng hằng năm ngày 30.4 theo ý nghĩa: chiến thắng và giải phóng? 

Máu của chiến binh miền Bắc, của cán binh cộng sản miền Nam, đổ ra quá nhiều, quá lớn. Nỗi đau ấy khó mà nguôi ngoai. Trong tâm trí những chiến binh còn sống và con cháu họ, sự mất mát ấy không thể nào bù đắp vì mấy chục năm qua, họ được giáo dục lòng căm thù, ban đầu là đế quốc, sau đó là Ngụy quân- Ngụy quyền như là “tội đồ” của dân tộc.

Có một số người chưa hiểu ra, thế giới sau 1945, các nước chia làm hai phe: tư bản và cộng sản. Việt Nam là nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh này. Việt Nam không đủ sức mạnh để đứng trên đôi chân của mình. Phong kiến vua chúa, ách cai trị thực dân (đất nước chia làm ba kỳ, chia để trị) không làm cho VN thoát khỏi quỹ đạo của cuộc chiến tranh khốc liệt. 

Có người Việt Nam nào mong muốn cầm súng giết nhau – những khẩu súng khắc tên Nga, tên Mỹ? 

Dân trí, chính dân trí, là cách duy nhất để mỗi người Việt Nam hiểu cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua, và quan trọng hơn, từ đó sẽ hiểu nhau hơn, và yêu thương nhau hơn. Nhưng đây là vấn đề cực kỳ nan giải. 

Hiểu nhau và yêu nhau, xuất phát điểm, phải là từ bên “thắng cuộc”. Đòi hỏi hiểu nhau và yêu thương nhau TRƯỚC từ bên “thua cuộc” là việc rất khó. Mặc cảm thua cuộc, ký ức bị ngược đãi trong quá khứ, vẫn còn âm ỉ trong lòng họ, không phút nguôi ngoai. 

Kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc xảy ra từ gần nửa thế kỷ nay, kết quả thế nào? Hòa giải và hòa hợp dân tộc nghe hoài cũng…ngán. Nhưng hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ không bao giờ thành hiện thực? 

Tôi thấy một trong những trở ngại đó là tư tưởng ở những người thuộc bên “thắng cuộc” (không phải tất cả). Tư tưởng “giải phóng miền Nam” hun đúc từ khi trẻ con bước chập chững vào trường học miền Bắc XHCN. Khó mà xóa nhòa một sớm một chiều. Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo cộng sản có 4 người trong gia đình bị “địch” giết, tâm tình (đại ý): Mỗi năm kỷ niệm ngày 30 tháng 4 có hàng triệu người vui thì có hàng triệu người buồn. Tất cả bên “thắng cuộc” có đồng ý với nhận định của ông? Câu trả lời ai cũng biết.
Giáo dục, chính giáo dục “căm thù giặc”, là tác nhân khiến cho không phải tất cả người bên “thắng cuộc” chấp nhận đường lối hòa giải của một con người có nhân cách, có tầm nhìn như Võ Văn Kiệt. 

Tôi kết thúc bài viết này bằng trích dẫn một bài thơ cho lập luận của mình, khi đọc xong, quí vị sẽ thấy giáo dục quan trọng trong hình thành tư duy như thế nào. Người viết bài thơ này giết chết bạn thân mình thời thơ ấu; ông là một trí thức, đã trưởng thành khi tiếp xúc giáo dục “căm thù giặc”. Những hậu sinh của ông được giáo dục từ nhỏ, làm sao họ có thể gột bỏ tư tưởng hận thù một cách dễ dàng để mục tiêu hòa giải và hòa hợp dân tộc trở thành sự thật khi ngày 30 tháng 4 được kỷ niệm tưng bừng hằng năm?

NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thưở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.
Phạm Hổ (*) ,1957

Khi xã hội ngưng tuyên truyền "địch ta" (giữa Nam-Bắc), nhà trường ngưng giáo dục lòng hận thù (**), thì khi đó mới mong có hòa hợp và hòa giải dân tộc thật sự. Bài thơ này cần phải vất vào sọt rác quá khứ. 

(*) Anh trai Phạm Thế Mỹ.
(**)Thời học sinh, chúng tôi hay hát bài có câu này khi sinh hoạt cộng đồng “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai” (Tôi không nhớ tên tác giả).


1 nhận xét

  1. Anh khuyên tôi hãy “khép lại quá khứ”
    Quên những ngày khói lửa dậy trời Nam
    Chiến xa Nga hằn đậm vết hung tàn
    Trên đường phố Sài Gòn ngày quốc hận !

    Anh bảo tôi quên những ngày lận đận
    Cha đi tù, mẹ buôn gánh bán bưng
    Nuôi đàn con trong khốn khổ tột cùng
    Tôi phải thôi học, sáng ngô chiều sắn

    Vâng, tôi cố quên những ngày mưa, nắng
    Đi mò cua, giúp mẹ buổi cơm chiều
    Quên những ngày nước ngập mái tranh xiêu
    Đêm u tịch hãi hùng : “kinh tế mới” !

    Thương quê hương, bao lần tôi bật khóc
    Thấy lương dân trong kiếp sống khốn cùng
    Thương dân hiền cam chịu kiếp lao lung
    Khổ đến nổi đem con mình đi bán !

    Tôi chống anh KHÔNG PHẢI VÌ DĨ VÃNG
    Mà là vì HIỆN TẠI với TƯƠNG LAI
    Vì dân tôi ĐANG sống kiếp đọa đày
    Thế hệ trẻ nhìn TƯƠNG LAI VÔ ĐỊNH !

    Thì anh ơi, nói chi lời lừa phỉnh
    Đến bây giờ, ai tin cộng sản đâu
    Nếu thật lòng xin hãy thực hiện mau
    Cuộc hoà giải với người dân quốc nội

    Hãy ngưng ngay những hành động bỉ ổi
    Ngưng đuổi nhà, cưỡng chiếm đất nhân dân
    Ngưng đào mồ, san phẳng những mộ phần
    Xây khách sạn làm giàu cho đảng ủy

    Hãy ngưng ngay những ngón nghề phù thủy
    Đạo giáo quốc doanh, dân chủ cò mồi
    Hứa hoà hợp hoà giải ở đầu môi
    Nhưng cộng đảng vẫn độc quyền chúa tể

    Nếu thật tình thì hãy mau giải thể
    Đảng độc tài cộng sản :đảng vô lương!
    Người TỴ NẠN bốn bể sẽ hồi hương
    Đem tài sức hiến dâng cho đất nước

    Hứa với anh, tôi là người đi trước !!!
    TCY

    Hóa ra, cuộc chiến sinh Bắc tử Nam chỉ để dọn đường mở thêm lãnh thổ, lãnh hải cho Trung cộng !!!

    Nghe Đảng nói ,cầm bằng nghe thằng nghiện !!! Để hiểu nghĩa của từ phỉnh, không gì bằng làm công dân nước CHXHCN Việt gian

    Trả lờiXóa

Quảng Cáo