Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MỘT ĐỨA TRẺ SINH RA SAU CUỘC CHIẾN

MỘT ĐỨA TRẺ SINH RA SAU CUỘC CHIẾN 29/4, gần nửa thế kỷ trước, tôi chỉ là giọt máu. Chẳng biết từ khi nào, có lẽ đã từ rất lâu, khi chưa có ...

MỘT ĐỨA TRẺ SINH RA SAU CUỘC CHIẾN

29/4, gần nửa thế kỷ trước, tôi chỉ là giọt máu.

Chẳng biết từ khi nào, có lẽ đã từ rất lâu, khi chưa có internet và những câu chuyện kỵ huý được kể lại từ những người từng chứng kiến Sài gòn những ngày cuối tháng Tư, bằng một cách nào đó, tôi luôn bần thần vào cái ngày này, ngày 29, một ngày trước sự kết thúc vĩnh viễn của một tháng Tư.

Trong cái ngày tôi được kể lại là “ngày hội của non sông” ấy, trong những thước phim tư liệu trắng đen được phát trên truyền hình, đã không có một thước phim nào cho tôi nhìn thấy một sự thật nào đó nằm bên ngoài ống kính.

Đêm cuối cùng, đêm của ngày 29, như cuộc trở dạ cho một khởi sinh, như trận hấp hối của một tử biệt, cứ liền kề san sát bên nhau, như niềm vui và nỗi buồn của một dân tộc gần nửa thế kỷ sau vẫn cọ xát mãnh liệt, đối kháng dữ dội chưa hề nguôi tạnh.

Đến bao giờ, nhà Việt ơi, mới đề huề hoà quyện một niềm vui không khiên cưỡng, hay một nỗi buồn không phải tủi nhục giấu che?

Tới bao giờ người Việt hoan hỉ nắm tay nhau ra trước hiên nhà, kiêu hãnh và tự nguyện trang trí cho ngôi gia mình một lá quốc kỳ tung bay lộng lẫy, hay nghiêm trang đứng im và cúi đầu san sẻ với những xương máu đã hoà vô biển mặn, trộn lẫn trầm tích dưới địa tầng đất Việt mà dạy nhau ngàn đời ghét bỏ sự phi nghĩa phi luân tới tận cùng của chiến tranh và vũ khí?

Tới bao giờ hậu duệ của người Việt vẫn sẽ cùng nhau nghiêng mình và đặt hoa cho một nền văn minh vô tội đã bị phủ lập và chịu hy sinh, thui chột, thiệt thòi như một đoá hoa đẹp mà không may sinh thành trong thời chiến để chịu nghiền dưới xích sắt cỗ chiến xa?

Tôi vẫn luôn như vậy, từ thuở chưa biết gì, cảm nhận một bần thần hết sức tự nhiên cứ từ chiều tới đêm 29.
Sự tuyệt vọng của trí tưởng tượng khi ấy đã không đủ mạnh để vẽ nổi cho tôi một hình dung cụ thể về cái ngày không ai nhắc tới ấy. Chỉ lờ mờ, bằng cách nào đó, tôi hiểu đã có một cơn đau nào đó, một dự cảm tang chế vĩ đại đang rần rần chuyển mình dưới mạch ngầm thành phố.

Những tiếng còi thiết quân luật, ánh sáng hoả châu và tiếng súng ngày càng kề cận trái tim thủ phủ miền Nam, những chủ nhân thành phố cuống cuồng tháo chạy trong đêm, những quân nhân tìm về với gia đình, những đứa con tìm mọi cách cắt rời cuống ruột tình cảm sau cuối với đất mẹ để rứt lìa máu thịt mà đi, bản White Christmas cất lên ma quái trên sóng radio vào đầu hè nhiệt đới…

Người ta kể lại rằng chiều 28, năm đó Sài Gòn đã chớm vào mùa mưa…

46 năm sau, cơn mưa đầu cũng đã đổ xuống Sài Gòn vào chiều hôm qua, như vậy, cuộc âm ỉ trầm ngâm vẫn kéo dài tới tận bây giờ.

Mai đã là 30.
Những kẻ chết thảm, người ta cho rằng họ luôn phải lặp lại cái ngày cuối cùng thảm khốc đó trong một chiều không gian nào khác, cứ như vậy, cho tới khi đủ nợ luân hồi.

Tôi tự hỏi đất có linh hồn và ký ức? Nếu có, Sài Gòn chiều nay có đang đau đớn lắm hay không?

Đường phố ngày hôm ấy liệu có như bây giờ, những chủ nhân lâm thời mới của nó cũng đang xô nhau chạy ra khỏi nó để tận hưởng những ngày nghỉ lễ ở một nơi nào khác. Có như 46 năm về trước hay không?

Đêm nay, có bao nhiêu quân nhân, sĩ quan đã không về được với gia đình để thu dọn cho cuộc đào thoát cuối cùng, hoặc để nằm ôm trong vòng tay người vợ hiền, để quây quanh mình, dưới vạt giường trú ẩn là những đứa trẻ khôi ngô có phước phần sinh ra nơi thành đô hoa lệ đã tình cờ trở nên lời nguyền u ám nhất khi nước cờ trở thế như 2 mặt của một bàn tay?

Chiều cuối cùng thành đô co mình lại trong nỗi hoang mang lan toả, hôm nay, ngày ấy đã là buổi chiều sau cùng.

Bao gia đình đã quây quần quanh mâm cơm lần cuối trước những cuộc lưu đày, những hải hành chết chóc, những khánh kiệt và biệt ly?

Đêm nay, kẻ kiêu binh nào đã chớm nghe tử khí sờ vào từng chân tóc, khi lệnh ngừng bắn phát đi? 

Giờ này, ngày 29, 46 năm về trước, ắt là ông đại sứ Huê kỳ Martin đã rời tư dinh tổng thống Trần Văn Hương sau lời đề nghị di tản được khước từ một cách đầy kiêu hãnh. Nhậm chức vào ngày 21, Trần Văn Hương với nhiệm kỳ 7 ngày ngắn ngủi, đã chọn ở lại tử thủ trên chiến hạm sắp đắm của mình. Vào ngay đúng khoảnh khắc của buổi chiều sau cuối, tôi ao ước muốn biết rằng vị nguyên thủ lâm thời ấy đã có một giây phút nào hoảng sợ, hối hận, hay liệu khi ấy, trong ông còn một kỳ vọng nào ở cuộc hiệp nhứt Bắc Nam đang tiến lại ngày càng gần hơn tới cửa ngõ thành đô?

Đêm ngày 29, giấc ngủ sau cùng của Sài Gòn, chắc đã trằn cựa không yên, khi từ hướng phi trường, cuộc giao thời đang diễn ra mãnh liệt giữa những người sẽ đến và những kẻ đang đi.

Ngày này, giờ này, biển Ô Cấp chắc đã tràn sóng biệt ly.

Những mệnh người chấp chới ngả nghiêng trong những chuyến hải hành mờ mịt ấy, có bao nhiêu đã giã từ thiên đàng Ngọc Viễn Đông để oan khuất ngủ vùi nơi trùng hải lý xa bờ?

Những đứa trẻ, những cô gái xác không áo quần dạt vào bờ biển đất Xiêm, những người cha cõng con trên vai cố bơi vào bờ để dần nhận thấy đứa trẻ đã cứng đi ngay trên vai mình rồi tuột dần theo sóng mà bàn tay đuối lực đang khoát nước kia để tê dại vô phương níu lại xác con, những người chồng tận mắt chứng kiến xác vợ bị xẻ ra chia nhau giữa những thuyền nhân đồng bào đồng tộc…Có kinh hoàng nào dân Việt đã phải đi qua mà tôi, kẻ sinh ra phía sau vạch mốc thời cuộc kia, chỉ tuyệt vọng vô phương thấu hiểu mà vẫn ám ảnh tới trọn đời?

Sài Gòn ơi, có khi nỗi ám ảnh mãnh liệt tới nỗi tôi đã ước mình được ở đó, nắm lấy một bàn tay vô hình của thành phố mà được cùng đi qua, thị chứng những tháng ngày kỳ lạ ấy. Giá như tôi có thể ngược thời gian ngồi trong thư vòng Trần Văn Hương vào đêm cuối cùng, cùng cả thành phố nhìn chăm chăm vào màn đêm vô định của miền Nam trước mắt…

Tôi đã không ở đó.
Thành phố trằn cựa, oằn mình, đi qua những địa chấn tinh thần, lối sống của những ngày đầu của thời tiếp quản, để 5 tháng sau, tôi ra đời.

Tôi đã không ở đó vào buổi chiều cuối cùng của thành phố.

Nhưng đã kịp sinh ra, để cùng thành phố nhặt nhạnh lại những đôi bốt, những tàn dư, hành lý ngổn ngang sau cuộc đào tẩu thoát thân.

Tôi sinh ra, trong một thành phố trống hoác, đứa trẻ con sinh ra bên rìa mộ địa, những bước chân đầu đời của một sinh mệnh lẫm chẫm dẫm lên những nấm mồ chôn vội cỏ chưa kịp xanh.
Tử và sinh, bắt đầu tiếp nối theo kết thúc, thành phố này vẫn luôn là vậy, bởi những mảnh đối lập tưởng như mâu thuẫn lại hoá ra cận kề.

Tôi không ở đó, như bao quý ông bà anh chị đã ở đó để xao xác trong cuộc đổi chủ của Sài Gòn. Tôi không ở đó, vẫy cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam đón đoàn thiết giáp ngạo nghễ công thành, cũng chẳng ở đó, để cùng nắm tay miền Nam đi vào những ngày đầu của bo bo, của những cuộc vượt biên khốc liệt, của những vùng kinh tế mới, những bộ móng tay cắt cụt của đàn bà con gái xứ xa hoa…

Khi ấy, tôi chỉ mới là một giọt máu.

Một Sài Gòn bước vào cuộc phân huỷ, khi giọt-máu-Tôi chỉ mới ngọ nguậy tượng hình.

Tôi không ở đó để khóc với em và tử thủ vì em.

Tôi chỉ kịp sinh ra, như đứa trẻ chạy chơi trên bãi tha ma, hay bãi thải ký ức. 

Như đứa trẻ nhặt rác mà chơi, mà tưởng tượng những trận thư hùng, hay trò nhà chòi, cùng những công nương, những lãnh chúa trong trò giả đò tưởng tượng, tôi chỉ biết nhặt kí ức mà chơi.

Tôi yêu Em như vậy, như bàn tay con trẻ ngây thơ vô nhiễm vầy vọc vô tình những mảnh thi thể chưa phân huỷ hoàn toàn, những di vật câm mà chủ nhân đã chết có lẽ từ trước khi kịp ra ngoài hải phận. Tôi nghịch ngợm với những thây ma mà lớn, để bây giờ, tôi lớn lên thành một người lớn thật buồn.

Tôi bó gối, ngồi đây, nhìn ra hiên chiều trời thành phố nặng mây mà u bức như thể cơn đại hồng thuỷ sẽ đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đêm nay, vài giờ nữa, hay sáng ngày mai.

Tôi ngồi đây, nhìn ra hiên chiều một ngày 29 của 46 năm về sau, vẩn vơ nghĩ về một ngày khi tôi chỉ là giọt máu.

Tôi chẳng biết gì nhiều về chính trị, lại càng ngô nghê về những điển tích quân sự của bàn cờ 46 năm về trước. Tôi sinh ra là người nữ, một người nữ da vàng bình thường xứ Việt, chẳng biết gì về những chuyện của người lớn và của đàn ông.

Tôi cũng chẳng ưa gì mấy tay cực đoan to mồm và phiền toái, những thương đau của ly tán năm xưa nay đã đổi màu.

Tôi cũng chỉ như chán vạn đứa con nít Sài Gòn hậu chiến, nào chúng tôi có biết gì đâu, chỉ lờ mờ, chúng tôi hiểu, người Việt Nam cho tới tận bây giờ, ôm giữ những hằn học lâu đời, những toan tính dã tâm, những tị hiềm chính kiến, những trí trá đời thường, người Việt cho tới tận bây giờ, đã có thương nhau bao giờ thật sự đâu?

Việt Nam ơi, cho tới bao giờ ta mới cùng nhau lớn lên, để một ngày 29 nào đó sẽ thật sự không còn biên giới để Bắc Nam chi tộc cùng cúi đầu san sẻ cả những đau thương?

Chúng mình, người Việt da vàng máu đỏ… Ngày hoan hỷ còn mịt mùng xa.

Tôi đã sinh ra, 5 tháng trời sau đó, để lớn lên, thành một người lớn thật buồn.

https://youtu.be/CN2CG52clRA

Sài Gòn , tháng 04

#TracThuyMieu #SaiGon





Không có nhận xét nào

Quảng Cáo