Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

DÂN NÀO THÌ CHÍNH QUYỀN ẤY

DÂN NÀO THÌ CHÍNH QUYỀN ẤY Sáng sớm, một bạn báo cho biết “Thanh Hóa đã thông báo tạm dừng xây dựng khu lưu niệm trăm tỉ tại Sầm Sơn”. vui v...



DÂN NÀO THÌ CHÍNH QUYỀN ẤY

Sáng sớm, một bạn báo cho biết “Thanh Hóa đã thông báo tạm dừng xây dựng khu lưu niệm trăm tỉ tại Sầm Sơn”. vui vì tin này, dù biết là mới chỉ "tạm dừng" chứ không phải “không” hay “hủy”. Tuy nhiên, trước mắt gần 300 tỉ đồng tiền dân và 32 ha công thổ quý giá sẽ tạm thời chưa bị nướng mất vào một công trình có quá nhiều lý do để không nên hiện diện. Có mấy vấn đề muốn bàn rộng thêm xung quanh quyết định “tạm dừng” này của chính quyền Thanh Hóa.

1. Dân nào thì chính quyền ấy. Tôi đã nói quan điểm này nhiều lần, những quyết định của chính quyền sẽ chịu ảnh hưởng tùy vào mức độ nhận thức và thái độ của dân chúng. Nếu dân không lên tiếng một cách mạnh mẽ thì công trình sẽ vẫn được tiến hành xây dựng; và nếu chỉ có “chửi bới” thì chính quyền sẽ không những vẫn làm mà còn quy kết những cá nhân lên tiếng ấy là chống đối/chống phá. Phản đối cần lý lẽ và sự phân tích thấu lý để không ai có thể ngụy biện hoặc chụp mũ được nữa.

2. Tượng đài này có thể vẫn sẽ bị tiến hành vào một thời điểm khác, bất chấp mong muốn của nhân dân trước những phi lý của nó. Tuy nhiên, dù thế, thì việc lên tiếng sẽ không bao giờ vô ích, vì nó chứng tỏ cho dân chúng thấy một chính quyền đang không đồng hành cùng nguyện vọng của họ; và nhất là giúp dân nhìn rõ hơn, sâu hơn vào bản chất của hệ thống công quyền. Việc phân tích xác đáng là để bóc tách một cách thuyết phục những vô lý của một công trình, từ đó giúp dân chúng nâng cao hiểu biết, ý thức sâu sắc về quyền của mình, và “vỡ lẽ” về những dối lừa. Đây chính là một cách khai dân trí. Và nó đòi hỏi lòng kiên nhẫn, tâm thế trường viễn và sự bền bỉ trong hành trình khai phát các giá trị cho một cộng đồng còn nhiều rối loạn và mù mờ.

3. Chính quyền chỉ thay đổi khi người dân thay đổi. Nghĩa là từng người dân sẽ phải ý thức về trách nhiệm của mình trước các sự hành xử của chính quyền. Việc chạy theo sự kiện có thể sẽ là bất tận và chẳng mang lại một hiệu quả thật sự nào cả nếu nó chỉ thuần túy để xả cái ẩn ức bất bình hay tệ hơn, một thói quen. Nhưng sẽ là hữu ích khi ta gắn việc lên tiếng về những sự kiện ấy một cách có ý thức với việc chỉ ra những sai lầm trong quản trị và đánh thức dân chúng. Nhìn ở góc độ này, việc “chạy theo sự kiện” sẽ trở thành một phương tiện, một cách thức hợp lý cho quá trình khai dân trí. Khi 1/3 dân số đã trưởng thành thì một cuộc thay đổi mới có thể diễn ra, và kết quả của nó mới bền vững và tươi sáng. Một dân chúng u mê làm “cách mạng” thì dân tộc ấy bất hạnh.

Tôi chỉ có một hi vọng rằng, những người đang mong muốn về một thay đổi triệt để cho tương lai hưng thịnh của đất nước và hạnh phúc ấm êm của dân Việt sẽ giữ được sự kiên trì và thường trực cái ý thức khai trí ấy. Ngăn chính quyền làm bậy chỉ là phụ, nâng cao dân trí mới là chủ đạo. Xin đừng nói rằng, họ (dân) biết cả đấy, vấn đề là họ chỉ biết rồi để đó chứ không hành động, nên nói lắm cũng bằng thừa. Xin thưa, không có mấy người thật sự “biết” một cách đúng nghĩa đâu, có chăng phần lớn là những bất mãn mơ hồ được nuôi lớn trong một cực đoan do thiếu nền tảng văn hóa.

Thái Hạo

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo