Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KHỔ VÌ HỌC

KHỔ VÌ HỌC Bên dưới là hình ảnh tối 30.6.2021 tại Biên Hoà. Và chúng ta sẽ nói bằng giọng bật hơi: “ôi dào, năm nào chả thế”! Không phải năm...

KHỔ VÌ HỌC

Bên dưới là hình ảnh tối 30.6.2021 tại Biên Hoà. Và chúng ta sẽ nói bằng giọng bật hơi: “ôi dào, năm nào chả thế”! Không phải năm nào cũng thế mà lại có thể được chấp nhận như là bình thường, nếu không nói là vì kéo dài nên nó bộc lộ mồn một những bất ổn trong giáo dục.

Nhưng tại sao lại đến mức chen chúc, chờ đợi, vật vã như thế này? Chúng ta thiếu trường cho trẻ ư? Mà nếu thiếu thì ai chịu trách nhiệm? Hay do cha mẹ muốn kiếm cho con một suất ở trường “ngon” nên mới ra nông nổi này? Nhiều người than rằng “vào lớp 1 cũng chạy”. Không, mẫu giáo đã chạy rồi. Cuộc chiến vào lớp 10 từ nông thôn tới thành thị vừa đi qua, tất nhiên là sang năm nó lại tái diễn.

Ngoài tâm lý “lo cho con” rất đặc trưng của cha mẹ Việt, thì không thể không nhắc đến trách nhiệm của nhà nước. Để xảy ra tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp tràn lan; xảy ra những “trận chiến” ngay ở cấp học phổ thông là điều không thể chấp nhận được. Quyền được thụ hưởng một nền giáo dục lành mạnh, chất lượng và tiến bộ là quyền cơ bản của công dân và con người. Chỉ ở những xứ vô chính phủ thì nó mới không được thừa nhận/đảm bảo. Cùng thể chế chính trị nhưng giáo dục phổ thông của Cuba và TQ đều miễn phí, còn chúng ta thì “trăm dâu đổ đầu tằm”, hàng chục khoản đóng góp được in ra trên tờ A4 cứ mỗi đầu năm học, dân Nam gọi là “sớ”. Nó làm phần lớn gia đình Việt lao đao. Tuy đóng góp ngập đầu nhưng không phải vì thế mà chất lượng giáo dục được đảm bảo. Những cuộc chạy việt dã vào mẫu giáo, vào cấp 2, cấp 3 đang là minh chứng hùng hồn cho điều ấy. Cha mẹ thiếu niềm tin vào hệ thống giáo dục quốc dân, luôn bất an và vì thế mà “hi sinh đời bố củng cố đời con”. Ngoài cái khổ vì nghèo đói, ô nhiễm, khổ vì mất tự do, người Việt còn “khổ vì học”. Đó là chưa nói tới chuyện học xong rồi thì thế nào.

Tiền cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu, cổng chào, tượng đài, nếu để xây trường và đầu tư vào giáo dục thì đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục. Trên báo Tuổi Trẻ cung cấp một con số choáng ngợp: ở thời điểm 2015 trên cả nước có hơn 400 tượng đài. Như vậy, trung bình mỗi tỉnh sẽ có hơn 6 tượng đài. Nếu chỉ tính khoảng 300 tỉ/”chiếc” thì số tiền đã khủng khiếp thế nào. Dùng tiền ấy xây trường, đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học thì đã có sự cải thiện đáng kể. Đây mới là một khoản lãng phí, nếu gom lại số tiền mà Vinashin, Vinalines đã đổ xuống biển thì thậm chí chúng ta sẽ có hệ thống trường học không thua kém ai. Mà những cái “Vina” lớn nhỏ như thế thì nhiều lắm, và còn nhiều lắm.

“Giáo dục là quốc sách”, nhưng dường như nó mới dừng lại ở khẩu hiểu nhiều hơn là thực tế.

Thái Hạo




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo