Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CÓ HAY KHÔNG VIỆC TRIỀU ĐÌNH CẤP LẠI CÁC ĐẠO SẮC PHONG CHO MIẾU CÔNG THẦN VĨNH LONG THỜI THIỆU TRỊ 7 NĂM 1847 ?

Có hay không việc triều đình cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long thời Thiệu Trị 7 năm 1847 ? Cho đến nay, lý do duy nhất ...

Có hay không việc triều đình cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long thời Thiệu Trị 7 năm 1847 ?
Cho đến nay, lý do duy nhất về việc cấp lại 34 đạo sắc phong Thiệu Trị tại miếu Công Thần Vĩnh Long là "chưa rõ vì nguyên cớ gì toàn bộ sắc phong đợt năm 1843 đều bị tiêu hủy. Ngày 10/12/1848, theo đề nghị của các quan tỉnh Vĩnh Long, vua Thiệu Trị cấp cho Miếu Công Thần Vĩnh Long 34 đạo sắc và gia phong 34 đạo sắc" (xem 85 sắc phong tại Công thần miếu Vĩnh Long phần 2 Nội dung 85 sắc phong trang 9).
Có hay không việc triều đình cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long thời Thiệu Trị 7 năm 1847 ?

Thật không thể tin được là một sự kiện quan trọng liên quan đến vấn đề tâm linh của người miền Nam Việt Nam đến thế, mà không hề có một công trình nghiên cứu khoa học nào, và cả chục năm nay, chỉ dựa vào lý do vớ vẩn và phản khoa học trên để mà tồn tại.

Theo mình hiểu, 34 đạo sắc phong cấp lại thời Thiệu Trị này chỉ là các đạo sắc phong giả và ngụy tạo, do những lý do dưới đây:



****

(1) Hoàng đế Thiệu Trị đã mất vào tháng 9 âm lịch năm 1847, tức tháng 11 dương lịch năm 1847, cho nên các đạo sắc phong miếu Công Thần Vĩnh Long được cấp vào tháng Chạp năm 1847 là dưới triều vua Tự Đức, nhưng vẫn giữ niên hiệu Thiệu Trị vào lúc này. Như vậy, không có việc hoàng đế Thiệu Trị "cấp cho Miếu Công Thần Vĩnh Long 34 đạo sắc và gia phong 34 đạo sắc". Việc này  chắc các nhà nghiên cứu Việt Nam đã hiểu rất rõ, chúng ta không cần bàn thêm



****

(2) Lý do "chưa rõ vì nguyên cớ gì toàn bộ sắc phong đợt năm 1843 đều bị tiêu hủy" là hoàn toàn vô lý



Nếu chúng ta đọc bộ sử Đại Nam Thực Lục và bộ Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Chính Biên (Hội Điển), thì rõ ràng việc phong tặng thần kỳ thời Nguyễn là một vấn đề trọng đại, và trong các triều đại ban đầu của nhà Nguyễn (từ Gia Long cho đến Tự Đức) đều có chép về các sử kiện liên quan đến việc phong tặng thần kỳ đến từ triều đình. Ví dụ khi mới lên ngôi, chính hoàng đế Thiệu Trị đã ra lệnh "Các thần kỳ trong cả nước, vị nào chưa được phong tặng mà xét ra thực là vị thần chính đáng, có sự tích rõ ràng, chuẩn cho quan địa phương tra xét rõ ràng làm danh sách tâu lên, do bộ bàn xét lại rồi tâu lên, sẽ liệu lượng phong tặng" hoặc "Định những chữ hiệu phong tặng cho bách thần. Phàm những vị chính thần đã được phong tặng, không cứ bậc thượng, bậc trung hay bậc hạ, đều ở dưới những mỹ tự phong tặng trước, phong thêm 2 chữ..." (xem bản dịch Đại Nam Thực Lục Tập 6).  
Có hay không việc triều đình cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long thời Thiệu Trị 7 năm 1847 ?
Và chính vì việc phong tặng thần kỳ quan trọng đến thế, nên trong bộ Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Chính Biên Quyển 122 phần Đổi cấp lại thần sắc (xem bản dịch Hội Điển Quyển 8 trang 189), các sử quan nhà Nguyễn đã chép lại rất kỹ từng trường hợp đổi cấp thần sắc. Ví dụ trường hợp diễn ra vào năm Thiệu Trị 2 ở tỉnh Sơn Tây, khi 2 đạo sắc phong đền Hùng Vương bị cháy, hai tên giữ sắc là Cao Trọng Tăng và Nguyễn Văn Khương đã bị phạt đóng gông 1 tháng, quyết phạt 100 trượng, rồi tha ra.

Có hay không việc triều đình cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long thời Thiệu Trị 7 năm 1847 ?


Như vậy, với việc chép lại kỹ lưỡng việc đổi cấp lại thần sắc như thế này trong bộ Hội Điển, thì không có lý do gì mà ở một tòa miếu quan trọng do triều đình dựng ở mọi tỉnh là tòa miếu Công Thần, và ở một tỉnh quan trọng trong Nam Kỳ Lục Tỉnh là tỉnh Vĩnh Long, có việc 34 (BA MƯƠI BỐN) đạo sắc phong bị tiêu hủy vì một lý do gì đó, lại không được chép vào sử Đại Nam Thực Lục hoặc bộ Hội Điển cả. Trường hợp không chép như thế là hoàn toàn vô lý và hy hữu, không thể tin được.



****

(3) Không thể nào chỉ trong 13 ngày vào cuối năm 1847 mà triều đình Huế cần cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long cả



Theo các đạo sắc phong được cấp lại của miếu Công Thần Vĩnh Long thì ngày triều đình cấp lại là ngày 10 tháng Chạp năm 1847.



Nhưng nếu chúng ta đọc sử Đại Nam Thực Lục, thì vào ngày 26 Nhâm Dần tháng 11 âm lịch năm Đinh Mùi 1847 (tức là ngày 2 tháng 1 dương lịch năm 1848), hoàng đế Tự Đức đã ban ân chiếu "Những thần kỳ trong toàn quốc đã được phong tặng, chuẩn cho các quan địa phương chiểu theo điển lệ cũ để khai sự tích, làm danh sách tâu lên chờ Chỉ cho phong tặng. Còn vị nào chưa được phong tặng, mà xác hệ là chính thần, có sự tích rõ ràng, hoặc có sắc cũ, cũng chuẩn cho do quan địa phương xét rõ kê khai thành danh sách dâng lên, do bộ xét bàn, làm bản tâu lên, lượng cho phong tặng" (xem bản dịch Đại Nam Thực Lục Quyển 7)

Có hay không việc triều đình cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long thời Thiệu Trị 7 năm 1847 ?



Như vậy, nếu ngày 26 tháng 11 năm 1847 mà triều đình mới ra lệnh cho các quan lại địa phương "chiểu theo điển lệ cũ để khai sự tích, làm danh sách tâu lên chờ Chỉ cho phong tặng", thì không thể nào mà chỉ trong vòng 13 ngày sau (tức là ngày 10 tháng Chạp năm 1847), lệnh từ triều đình Huế đã được đưa đến tỉnh Vĩnh Long, rồi từ tỉnh Vĩnh Long đã gởi ngược về triều đình Huế, và các quan ở triều đình Huế đã xem xét và viết các đạo sắc phong cấp lại cả, vì để làm nhiều việc đến thế, nhất là giai đoạn đến và đi từ Huế vào miền Nam và ngược lại, mà chỉ có 13 ngày là xong, thì trường hợp hỏa tốc như thế là hoàn toàn vô lý và hy hữu, không thể tin được.



Có thể bạn đưa ra lý do là các đạo sắc phong ngày 10 tháng Chạp năm 1847 này được đưa ra không liên quan đến lệnh ngày ngày 26 tháng 11 năm 1847 trước đó, vì đây là các đạo sắc phong được yêu cầu cấp lại trước đó khi hoàng đế Thiệu Trị chưa băng hà, nhưng rõ ràng là, nếu triều đình Tự Đức vào tháng 11 đã ra lệnh xem xét lại việc phong tặng thần kỳ toàn quốc, và yêu cầu các quan lại địa phương toàn quốc phải gởi về lại triều đình các lý lịch thần kỳ, thì có lý do gì mà chỉ 13 ngày sau, tức ngày 10 tháng Chạp năm 1847, triều đình Tự Đức lại cần phải đặc biệt viết và cấp lại ngay tức khắc 34 đạo sắc phong tức thời cho tỉnh Vĩnh Long ? Làm việc như thế để làm gì ? Đó là còn chưa nói, là trong giai đoạn quốc tang 27 tháng, mà hoàng đế Thiệu Trị vừa băng hà chưa quá 3 tháng, và việc an táng quan tài còn chưa xong, thì làm gì mà triều đình lại phải gấp rút đến mức độ cấp lại 34 đạo sắc phong cho tỉnh Vĩnh Long ?



Và có thể bạn lại đưa ra thêm một lý do khác, là 34 đạo sắc phong cấp lại này là được viết rất sau này (ví dụ vào năm 1853 thời Tự Đức chẳng hạn), nhưng vẫn đề ngày 10 tháng Chạp năm Thiệu Trị 7. Nhưng đáng tiếc là việc viết ngày tháng backtrack trong các đạo sắc phong thời Nguyễn như thế, chưa bao giờ xảy ra cả (và nếu có bạn cứ đưa ra chứng cớ). Và bạn thấy rõ là trong các đạo sắc phong cấp lại miếu Công Thần Vĩnh Long, có ghi rõ là thời Thiệu Trị 3 (năm 1843) đã có lệnh phong tặng thần kỳ như thế nào, nhưng ngày tháng các đạo sắc phong cấp lại ấy vẫn là vào năm Thiệu Trị 7 chứ không là năm Thiệu Trị 3 đó thôi. Nên nếu bạn cho là có việc các đạo sắc phong được viết ngày tháng phong tặng dạng backtrack, thì chắc bạn cần phải có chứng cớ để chứng minh cho điều ấy.



Nên theo sử Đại Nam Thực Lục, thì vào ngày 26 tháng 11 năm 1847, triều đình Tự Đức mới ra lệnh cho các quan lại địa phương toàn quốc liệt kê lại sự tích thần kỳ, rồi gởi lại cho triều đình để xem xét phong tặng, thì việc 13 ngày sau mà cũng chính triều đình Tự Đức lại có lệnh đặc biệt cấp lại các đạo sắc phong cho miếu Công Thần Vĩnh Long, là hoàn toàn vô lý và hy hữu, không thể tin được.



****

(4) Không thể nào vào ngày mồng 10 tháng Chạp năm 1847 mà triều đình Tự Đức đã tự phong tặng thêm mỹ hiệu thần kỳ cả



Ví dụ nếu bạn tham khảo các đạo sắc phong miếu Vĩnh Long, thường các đạo sắc phong này được phong tặng dưới dạng cặp đôi, tức là một đạo sắc phong được cho là được cấp lại, và một đạo sắc phong là để phong tặng thêm mỹ hiệu, và cả 2 đạo sắc phong như thế, được cấp cùng 1 ngày là ngày 10 tháng Chạp năm 1847.



Bạn có thể tham khảo thêm sắc phong số 1 và sắc phong số 79 của miếu Công Thần Vĩnh Long phong tặng cho ngài Nguyễn Cư Trình để biết thêm chi tiết



Nhưng đáng tiếc là, nếu ngày 26 tháng 11 năm 1847, triều đình Tự Đức yêu cầu quan lại địa phương toàn quốc cần khảo xét lại lý lịch thần kỳ rồi gởi lại về Huế để triều đình xem xét và phong tặng, thì không thể nào 13 ngày sau, tức ngày 10 tháng Chạp năm 1847, triều đình Tự Đức đã nhận được các bản báo cáo của quan lại địa phương để rồi phong tặng thêm cho các vị thần nào cả. Vì thời gian để làm việc này quá ngắn (không thể gởi thư đến và nhận lại roundtrip từ Huế tới Vĩnh Long trong vòng 13 ngày).



Do vậy, chúng ta không có lý do gì để tin rằng là ngày 10 tháng Chạp năm 1847 triều đình Tự Đức đã gởi luôn đạo sắc phong thứ 2 (ví dụ đạo sắc phong số 79) để phong tặng thêm các mỹ tự cho các đạo sắc phong cấp lại cho miếu Công Thần Vĩnh Long. Nếu triều đình Tự Đức đã yêu cầu quan lại địa phương cả nước xem xét và gởi về lại hồ sơ lý lịch các vị thần địa phương vào ngày 26 tháng 11 năm 1847, thì việc 13 ngày sau, tức ngày 10 tháng Chạp năm 1847 mà triều đình đã phong tặng thêm cho các vị thần ở miếu Công Thần Vĩnh Long là quá hy hữu và vô lý, hay nói cho rõ hơn, là ngụy tạo.



****

(5) Theo Hội Điển Quyển 122 (bản dịch Quyển 8 trang 186) vào tháng 11 năm 1847 "Lại các thần hiệu đã được phong tặng, lần này khâm cấp sắc văn, không cứ là thượng, trung hạ đẳng, mỗi thần hiệu đều gia tăng 2 chữ ..."



Nếu đúng là thế, thì không có lý do gì mà trong cùng một ngày, triều đình Tự Đức lại phải cấp 2 đạo sắc phong cho cùng 1 thần dùng để thờ chung một miếu, đó là 1 đạo sắc phong được cấp lại và 1 đạo sắc phong được tăng thêm 2 chữ nữa cả. Ân chiếu tháng 11 viết rõ là không cứ là thượng, trung hoặc hạ đẳng thần, các đạo sắc phong ấn cấp cho đều được tặng thêm 2 chữ. Vậy hà cớ gì triều đình Tự Đức trong cùng một ngày, lại phải viết 2 đạo sắc phong, một trước và một sau khi gia tặng 2 chữ để làm gì?



Nên việc trong cùng 1 ngày (ngày 10 tháng Chạp năm 1847) mà triều đình Tự Đức phải viết 2 đạo sắc phong khác nhau cho cùng 1 thần gởi cho một địa phương là hoàn toàn vô lý và hy hữu, không thể tin được.



****

(4) Về giai thoại người Pháp đã phá miếu Công Thần Vĩnh Long và ai đó đã đem 85 đạo sắc phong này giấu đi và sau đó đưa ra lại



Theo sự giảng dạy của các nhà văn hóa và sử gia Việt Nam xưa nay, thì sau khi người Pháp chiếm Vĩnh Long năm 1867, họ đã đập phá tất cả dinh thự công trình văn hóa của nhà Nguyễn tại Vĩnh Long, trong đó có cả miếu Hội Đồng, và may mắn thay lúc ấy, là người Vĩnh Long đã mau tay đem 85 đạo sắc phong đi giấu và sau này đã đem ra lại để thờ cho đến nay.



Nhưng cho đến nay, hình như chưa có nhà nghiên cứu Việt Nam nào đã đưa ra có chứng cớ gì về người Pháp cần phải đập phá hết tất cả các dinh thự công trình văn hóa của nhà Nguyễn tại Vĩnh Long cả. Nên không hiểu các sử gia Việt Nam xưa nay đã đổ lỗi cho người Pháp đã làm công việc ấy là dựa vào tài liệu hoặc sử liệu nào ? 



Theo sử Đại Nam Thực Lục, người Pháp đã 2 lần chiếm tỉnh Vĩnh Long, đó là trận Vĩnh Long 1862 và sự giao thành Vĩnh Long vô điều kiện cho Pháp của ngài Phan Thanh Giản vào năm 1867. 



Và sử Đại Nam Thực Lục đã viết rất rõ là chính quan quân người Việt đã đốt các dinh thự kho đạn trong thành Vĩnh Long rồi rút đi trước khi người Pháp vào thành Vĩnh Long năm 1862. Đó là đoạn sử Đại Nam Thực Lục (xem bản dịch tập 7) "Quân Tây dương cướp lấy tỉnh thành Vĩnh Long ... Tàu Tây dương bèn thẳng tiến đến bến sông tỉnh thành, dùng súng xung tiêu hướng vào thành phóng bắn, lính dõng phần nhiều bị thương, chết, chạy trốn tan cả. Bọn Văn Uyển biết thế khó giữ được, nhân đêm phóng lửa đốt các dinh thự, kho, đạn ở trong thành rồi dẫn quân đi theo lui ra đóng ở bảo Vĩnh Trị. Rồi nghe tin quân Tây dương đuổi theo ; lại đi ra đóng ở huyện Duy Minh, bèn đem việc tâu lên.".



Như vậy rất có thể là trong lần thất thủ Vĩnh Long 1862, chính người Việt đã đốt dinh thự và nhiều nơi ở thành Vĩnh Long rồi rút đi, và trong sự việc này, rất có thể miếu Công Thần Vĩnh Long cũng đã bị đốt như thế, chứ không liên quan gì đến người Pháp phải đốt phá dinh thự và các công trình văn hóa của nhà Nguyễn tại Vĩnh Long sau năm 1867 như các cán bộ sử học và các nhà văn hóa Việt Nam đã dạy chúng ta cả. 



Và như thế nếu chúng ta dựa vào sử Đại Nam Thực Lục, thì có thể các đạo sắc phong miếu Công Thần tỉnh Vĩnh Long đã bị thiêu cháy trong lần đốt thành Vĩnh Long hỗn loạn ấy của quân Việt khi họ bỏ của chạy lấy người, và sau này, có lẽ chính vì người Vĩnh Long cần phải ngụy tạo ra lại các đạo sắc phong miếu Công Thần Vĩnh Long, nên họ đã đưa ra lý do có việc người Pháp đã đốt phá miếu Công Thần Vĩnh Long, dẫn đến việc có người Việt nào đó đã mau tay đem giấu 85 đạo sắc phong ấy.



Nên vì vậy, chúng ta chưa hề có chứng cớ sử liệu về việc người Pháp đốt phá miếu Công Thần Vĩnh Long, nhưng chúng ta có chứng cớ sử liệu là chính bản thân quan quân người Việt đã đốt phá các dinh thự và kho đạn thành Vĩnh Long. Cho đến nay, hầu như không có một nhà nghiên cứu Việt Nam nào đã dẫn ra sử liệu quan quân người Việt đốt phá dinh thự thành Vĩnh Long cả, và họ đều đổ lỗi cho người Pháp đã làm thế, thật đáng xấu hổ thay cho công cuộc nghiên cứu tuyên giáo như thế này.



****

(5) Về lai lịch miếu Công Thần Vĩnh Long ngày nay (nơi đang lưu giữ 85 đạo sắc phong)



Thì theo nhiều người Việt tin rằng là, ví dụ như trên trang Wikipedia viết, "Năm 1915, lúc bấy giờ Đốc phủ Phạm Văn Tươi đang giữ chức Quận trưởng quận Châu Thành Vĩnh Long, vì cảm công nghiệp của tiền nhân, ông đã hô hào kêu gọi người dân trong tỉnh chung góp tiền của và công sức để dựng lại ngôi miếu thờ riêng 85 đạo sắc trên." (xem >> https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_Th%E1%BA%A7n_Mi%E1%BA%BFu_V%C4%A9nh_Long)



Nhưng đáng tiếc là theo mình đọc, thì sự thật không là như thế. Bạn đọc luôn tại đây >> https://www.facebook.com/groups/3740991775941288/posts/4902462283127559/, và bạn thấy rõ là lai lịch ngôi miếu này là miếu Văn Thánh, và dùng để thờ thêm ngài Phan Thanh Giản và các danh thần, chứ không hề là miếu Công Thần Vĩnh Long gì cả. Và dĩ nhiên nếu bài báo năm 1925 viết mà không hề đá động gì đến có 85 đạo sắc phong gì đó, thì làm gì có việc như Wikipedia đưa ra là "Năm 1915, lúc bấy giờ Đốc phủ Phạm Văn Tươi đang giữ chức Quận trưởng quận Châu Thành Vĩnh Long, vì cảm công nghiệp của tiền nhân, ông đã hô hào kêu gọi người dân trong tỉnh chung góp tiền của và công sức để dựng lại ngôi miếu thờ riêng 85 đạo sắc trên."



****



Và mình chưa đi vào nội dung chi tiết 85 đạo sắc phong ở miếu Công Thần Vĩnh Long. Mình chỉ mới viết dựa vào sử kiện tìm thấy trong sử Đại Nam Thực Lục và Hội Điển



Vậy câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra, là cho đến bao giờ, thì các nhà nghiên cứu Việt Nam mới có một cuộc khảo cứu khoa học đúng đắn để khẳng định 85 đạo sắc phong miếu Công Thần Vĩnh Long là có thật hay là không. Hay chúng là các sản phẩm ngụy tạo của người Vĩnh Long sau này, nhằm lừa đảo cả Việt Nam, và làm cho việc nghiên cứu sắc phong miền Nam càng thêm mờ mịt ? Phải chăng nếu kết quả nghiên cứu sử học kết luận rằng 85 đạo sắc phong miếu Công Thần Vĩnh Long là ngụy tạo, hệ lụy của việc này là dẫn đến sự lung lay trong niềm tin tâm linh của người miền Nam, vì Vĩnh Long là một xứ xưa gắn liền với bao nhiêu là sự tích của chúa Nguyễn Ánh và thời mở đất miền Nam. Mà đụng đến việc tôn giáo tâm linh nhạy cảm như thế này, ở vùng đất rất xưa của miền Nam, cả miền Nam sẽ dậy sóng chứ không phải giỡn chơi đâu đúng không ? 



Mời các bạn tham khảo



Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời các bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi



Thanks

Brian











Không có nhận xét nào

Quảng Cáo