Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

"BẢN QUYỀN QUỐC CA" - NHẦM LẪN HAY LƯƠN LẸO: HIỂU VỀ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN!

"BẢN QUYỀN QUỐC CA" - NHẦM LẪN HAY LƯƠN LẸO: HIỂU VỀ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN!      Đây là lĩnh vực pháp lý chuyên môn sâu...

"BẢN QUYỀN QUỐC CA" - NHẦM LẪN HAY LƯƠN LẸO: HIỂU VỀ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN!
"BẢN QUYỀN QUỐC CA" - NHẦM LẪN HAY LƯƠN LẸO: HIỂU VỀ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN! 

    Đây là lĩnh vực pháp lý chuyên môn sâu - Để cho dễ hiểu - Chúng ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ: Nhạc sỹ A sác tác ra bài hát "XYZ" thì Nhạc sỹ A chính là Chủ sở hữu của Tác phẩm (Bài hát) này, hay nói cách khác Bản quyền ca khúc này thuộc về Nhạc sỹ A - Luật sở hữu trí tuệ gọi đây là "Quyền tác giả". Cho nên, Ca sỹ B muốn hát ca khúc này và quay thành một video âm nhạc, thì phải có sự đồng ý của Nhạc sỹ A và thường thì phải trả thù lao. Tuy nhiên, khi Ca sỹ B thể hiện ca khúc "XYZ" vừa nêu và quay thành một video, thì video thể hiện ca khúc này của Ca sỹ B sẽ thuộc quyền sở hữu của Ca sỹ B (Hoặc Nhà sản xuất ra video này). Nhưng cần lưu ý rằng: Đối tượng mà Ca sỹ B (Hoặc Nhà sản xuất ra video này) sở hữu là Bản ghi hình (Video) thể hiện ca khúc "XYZ" chứ không phải bản thân Bài hát "XYZ" vì Bài hát này vẫn thuộc bản quyền của Nhạc sỹ A - Bản video (Bản ghi hình) này được luật sở hữu trí tuệ gọi là "Quyền liên quan đến quyền tác giả". Như vậy, hệ quả pháp lý là: Do bài hát "XYZ" thuộc Nhạc sỹ A, nên ai muốn thể hiện vì mục đích thương mại thì phải xin phép Nhạc sỹ A (Bà con ta hát cho vui thì không cần). Còn Ai muốn sử dụng toàn bộ bản video thể hiện ca khúc "XYZ" do Ca sỹ B thể hiện, thì phải xin phép Nhà sản xuất (Chủ sở hữu video này). Gọn lại: Một ca sỹ khác nào đó muốn thể hiện lại ca khúc, thì phải xin phép Tác giả - Còn một Trang mạng muốn đăng video thì phải xin phép Chủ sở hữu quyền liên quan (Tạm cho là Nhà sản xuất video cho gọn). 

   Từ ví dụ trên - Chúng ta viện dẫn vào "Chính mình" Bà con sẽ thấy dễ hiểu tức thì: Do bài hát "Tiến Quân ca" (Quốc ca) đã được Gia đình Nhạc sỹ Văn cao hiến cho Nhà nước và Nhân dân, nên bất kỳ ai cũng được quyền sử dụng ca khúc này mà không phải xin phép ai. Tuy nhiên, nếu Bà con quay lại video Chính mình thể hiện ca khúc này, có thể tự thể hiện có thêm dàn nhạc, hoặc tự hát và đệm nhạc, hoặc chỉ hát vậy thôi, và dù Bà con thể hiện hay hoặc dở thì Đoạn video này vẫn thuộc quyền sở hữu của Bà con - Đối tượng mà Bà con đang sở hữu chính là Bản video thể hiện ca khúc "Quốc ca", chứ không phải bản thân bài hát "Quốc ca". Chính vì thế, nếu ai muốn sử dụng video (Bản ghi hình) này, thì cần phải xin phép Bà con là đúng vì trong đó có hình ảnh Bà con, nội dung Bà con thể hiện. Còn nếu như Ai đó chỉ muốn hát lại bài hát "Quốc ca" này, thì Họ không cần phải xin phép Bà con có video, vì nó chẳng dính dáng gì đến Bà con cả. 

   Vấn đề vừa nêu rất dễ hiểu - Không quá phức tạp! Nhưng việc hôm qua, "Quốc ca Việt Nam" bị tắt tiếng vì lý do "Bản quyền" khi phát trên nền tảng Youtube là một "Sự cố pháp lý" có thể do nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn bởi "lượn lẹo". Như trên đã phân tích, trong vụ việc cụ thể này: BH Media đã đăng ký bản quyền là bản ghi hình là một video thể hiện ca khúc "Tiến Quân ca" như vậy đối tượng mà BH Media sở hữu chính là bản ghi hình có thể hiện ca khúc này (Như đã ví dụ ở trên) chứ không phải bản thân bài hát "Tiến quân ca", có nghĩa rằng BH Media chỉ là chủ thể của một "Quyền liên quan đến quyền tác giả" (Bản ghi hình) mà không hề có bản quyền tác giả đối với ca khúc này - Điều đó là đương nhiên, không cần phải bàn cãi. Chính vì vậy, chỉ có ai sử dụng toàn bộ video bản ghi hình thể hiện bài hát do BH Media sản xuất (Gọn lại như thế) thì mới cần phải xin phép BH Media (Giống như ai muốn sử dụng bản ghi hình video của Bà con như đã nói ở trên), còn nếu chỉ thể hiện lại Bài hát "Tiến quân ca" thì không việc gì phải xin phép BH Media cả, vì BH Media không có quyền sở hữu ca khúc này, mà chỉ có quyền với video do Họ sản xuất mà thôi. 

   Chính vì thế - Việc BH Media, đăng ký bản quyền liên quan đến quyền tác giả bản ghi hình video thể hiện ca khúc là không sai, bởi quyền liên quan đến quyền tác giả cũng là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo vệ. Nhưng vấn đề trong vụ việc này ở chổ, không biết BH Media đăng ký kiểu gì và Youtube hiểu như thế nào về việc đăng ký này, mà cuối cùng thành ra: Đối tượng bị đánh bản quyền ở đây lại chính là bài hát "Tiến Quân ca" của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, chứ không phải là bản thân bản ghi hình video thể hiện bài hát do BH Media sản xuất. Bằng chứng là hôm qua, trong trận đấu bóng đá AFF Cup, phần Quốc ca do Đội Việt Nam thể hiện bị tắt tiếng, dù cho nó không dính dáng gì đến BH Media. Bởi đội tuyển Việt Nam đang tự hát Quốc ca, chứ không hề sử dụng bản ghi hình video do BH Media sản xuất. 

   Như vậy, việc các Đơn vị khác trên nền tảng Youtube phải tắt tiếng khi Đội tuyển Việt Nam hát Quốc ca do lo sợ vấn đề bản quyền từ BH Media, là sai - Đó là điều đương nhiên không cần phải bàn cãi. BH Media có thể cãi chày cối rằng: Đối tượng mà Họ đăng ký quyền sở hữu là bản ghi hình video thể hiện ca khúc, chứ không phải bản thân bài hát, nghĩa rằng chỉ đăng ký bản quyền của quyền liên quan đến quyền tác giả. Nhưng việc Quốc ca Việt Nam đã bị tắt tiếng như vừa trình bày thì hoặc là BH Media "Đăng ký nhầm" (Nói một đằng làm một nẻo) hoặc là do Youtube hiểu sai ý của BH Media. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì, lỗi luôn có phần của BH Media, vì để xảy ra "Sự cố pháp lý" đó. Cho nên, BH Media cần phải "Nói lại cho rõ" với Youtube và các bên liên quan rằng, BH Media chỉ có bản quyền với một bản ghi hình video thể hiện ca khúc thôi, chứ không có quyền sở hữu bản thân ca khúc này. Mọi chuyện "Đơn giản" chỉ có thế, và BH Media cần có trách nhiệm pháp lý giải trình lại như vừa nêu. Còn nếu BH Media vẫn phó mặc sự việc sau các sự cố, thì đó chính là hành vi vi phạm pháp luật "Nhận cái không phải của mình thuộc về mình", và Người ta có quyền hoài nghi về sự cố tình này để trục lợi. Và đó chính là lúc Cơ quan chức năng cần vào cuộc, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

   Ngoài ra sau khi bị dư luận phản ứng thì BH Media có biện minh rằng: "Việc tắt tiếng là do đơn vị khác tự tắt, nên Họ không liên quan" - Nói thế chẳng khác nào, có Đơn vị nào đó đặt biển cấm "Bấm còi xe" ở một địa điểm nào đó (Nhưng đặt sai) rồi lại nói "Việc không bấm còi xe là do Người lưu thông không bấm, chứ không liên quan đến Chúng tôi, Chúng tôi không động gì đến còi xe"! Cũng vậy - Chính vì việc, BH Media đăng ký bản quyền, nhưng do nhập nhằng không rõ nội dung giữa quyền Tác giả và Quyền liên quan, cố ý hoặc vô tình gây hiểu nhầm, nên mới xảy ra hệ quả pháp lý như thế, khiến những Đơn vị khác "Sợ" mà phải phòng bị trước, do đó không thể nói không liên quan!

Viết tại Sài Gòn, ngày 07/12/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo