Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Breaking News:

latest

AI TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI BỆNH CẤP CỨU

AI TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI BỆNH CẤP CỨU Năm 2005, tôi đến An Abor, nơi có một bệnh viện, thuộc Đại học Michigan. GS La Marca dẫn tôi đi thăm các ...

AI TRẢ TIỀN CHO NGƯỜI BỆNH CẤP CỨU

Năm 2005, tôi đến An Abor, nơi có một bệnh viện, thuộc Đại học Michigan. GS La Marca dẫn tôi đi thăm các phòng bệnh. 

Trong khoa lúc đó có một ca bệnh khá đặc biệt, đã được mổ não 3 lần, nhưng diễn biến vẫn toàn những bất thường. Bệnh nhân nằm ICU nhiều ngày liền, chí phí đã lên đến khoảng 2 triệu USD, và có nguy cơ còn lên cao nhiều nữa, và bệnh nhân không có BHYT chi trả. Tôi không rõ chính sách về chi trả y tế ở Mỹ thời điểm đó. Nhưng GS La Marca cho biết, nếu là cấp cứu, thì họ vẫn cứ làm. Chuyện ai trả tiền thì có bộ phận khác lo. Tuy nhiên, trường hợp không có ai chi trả thì nhà nước sẽ cho mượn.

Tôi đã đi tham quan và làm việc với các cơ quan quản lí y tế (cấp Bộ của các Tiểu bang, và một số cơ quan quản lí chuyên môn cấp Liên bang) của Úc và Canada, về các chính sách y tế đối với hệ thống bệnh viện và và dưỡng lão. Nói chung, ở tất cả các nước đó, chính sách của họ khá rõ ràng. Khi họ ban hành chính sách, yêu cầu các bệnh viện phải cấp cứu người bệnh mà không được đòi hỏi người bệnh trả tiền ngay, thì chính sách ấy cũng có trách nhiệm tìm ra người trả tiền, nếu người bệnh bỏ trốn, hoặc họ không có phương cách nào để trả tiền.

Hồi đầu dịch, rất nhiều bạn ca ngợi, Việt Nam là điểm sáng khi chính phủ tuyên bố, tất cả người bệnh nhiễm Covid 19 đều được điều trị miễn phí. Có một bệnh nhân nước ngoài bị nhiễm, được đưa vô một bệnh viện tư. Ông ta và gia đình biết được chính sách điều trị miễn phí của Chính phủ Việt Nam, nên không chi trả đồng nào. Bệnh viện cũng không dám đòi tiền khi người bệnh không chịu trả. Còn các cơ quan quản lí thì không biết lấy tiền ở đâu để trả. Bệnh viện lãnh đủ.

Tôi đọc được một bài viết của một bác sĩ, kể về ca bệnh hồi anh ấy là sinh viên. Một bệnh nhân ở khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy đặt 2 stent, mỗi cái giá 20 triệu. Người bệnh chỉ có 20 triệu, nhưng xin bác sĩ cứ đặt rồi người nhà sẽ trả sau. Sau khi đặt 2 stent, bệnh nhân trốn viện. Tôi không biết sau này Bệnh viện này ra sao, nhưng khi tôi còn làm ở đó, bệnh viện ủy quyền cho các bác sĩ trưởng tua trực được quyền quyết định cứu chữa trước, tính tiền sau (chúng tôi gọi là “làm trước, tính sau”), khi xác định thực sự bệnh nhân cần cấp cứu mà không có nguồn nào chi trả. 

Hồi đó, lương của tôi (bác sĩ trưởng tua trực) khoảng 3 triệu đồng một tháng, nhưng có đêm tôi trực, bệnh viện đã giải quyết miễn phí khoảng 100 triệu đồng cho bệnh nhân mà tôi quyết định “làm trước, tính sau”. Tôi biết việc này là nhờ khi họp giao ban bệnh viện cuối tuần được nghe bên kế toán báo cáo, chứ thực ra tôi không biết sau đó các ca tôi duyệt “làm trước, tính sau” được giải quyết như thế nào.

Khi tôi gần nghỉ, thì thấy mỗi khi có bệnh nhân ở phòng cấp cứu trốn viện (phòng cấp cứu là nơi có tỉ lệ bệnh nhân trốn viện cao nhất), thì các bác sĩ điều dưỡng phải giải trình nhiều thứ. Thậm chí, họ phải đến tận nhà người bệnh. Cụ thể qui định như thế nào, thực hiện ra làm sao thì tôi không rõ, vì tôi không ở khoa cấp cứu. Lúc đó tôi vẫn có quyền quyết định “làm trước, tính sau”, và chưa ai can thiệp vào các quyết định của tôi. Tuy nhiên, tôi đã nghe than phiền và sự lo lắng rất nhiều từ các nhân viên phòng cấp cứu.

Sau này, tôi được biết nhiều bệnh viện qui định, khi bệnh nhân trốn viện (bao gồm cả bệnh nhân cấp cứu), thì nhân viên y tế (bao gồm cả bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên khác), phải đóng viện phí thay. Đó là cách ra chính sách rất đặc trưng của Việt Nam. Chính sách thì rất nhân văn, nhưng không ai qui định giải quyết những điều kiện cần và đủ để thực hiện chính sách ấy như thế nào. Cấp trên đẩy cái khó cho cấp dưới. Quan chức Nhà nước thì hùng hồn tuyên bố, hệ thống truyền thông thì xúm vô ca ngợi. Nhưng mọi khó khăn đẩy cho người thừa hành chịu. 

Theo tôi biết, ca bệnh nhân nhiễm Covid 19 điều trị ở bệnh viện tư cũng được nhà nước chi trả, nhưng sau hơn 1 năm. Bản thân chúng tôi, khi cho nhân viên tham gia chống dịch, phải bỏ tiền chi trả mọi chi phí, từ tiền bồi dưỡng, tiền ăn, trang thiết bị bảo hộ, và cả vật tư y tế để khám chữa bệnh. Tất cả các chi phí ấy, ngoại trừ tiền bồi dưỡng cho các cá nhân tham gia, cho đến khi chúng tôi giải thể phòng khám nhiều năm sau đó, không ai chi trả cho chúng tôi. Riêng tiền bồi dưỡng cho các cá nhân tham gia chống dịch, nghe nói sau hơn 1 năm hay 2 năm gì đó, nhà nước có chi trả trực tiếp cho người tham gia. Nhưng khi đó, nhân viên đã nghỉ việc, đi làm chỗ khác, nên họ nhận mà chúng tôi cũng không được nhận lại phần tiền mình đã ứng trước. 

Cách làm việc ấy của nhà nước đã đẩy nhiều cơ sở y tế, trong đó có chúng tôi, vào khó khăn. Tôi không chạy theo cách làm chính sách, không đẩy cái khó cho nhân viên, thì tôi phải lãnh. Lãnh không được thì sập tiệm. Thế thôi. Còn những nơi khác, họ chẳng dại gì hành xử kiểu “anh hùng mã thượng”, thì đẩy cái khó cho nhân viên. Ở đó, bệnh nhân trốn viện thì bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên khác phải đền.

Tất nhiên, nhân viên y tế cũng đâu có muốn hi sinh cuộc sống của mình, của gia đình mình, cho tiếng tăm tốt đẹp của các cấp lãnh đạo. Vậy là họ phải ép bệnh nhân cho ra tiền. Không có tiền thì phải chịu. Cũng xin nói một điều thế này. Ở đất nước ta, nơi mà việc ra chính sách có rất nhiều nét rất đặc trưng, cũng lại có rất nhiều người bệnh đặc biệt. Họ có tiền, họ sẵn sàng chi nhiều, rất nhiều tiền cho ăn nhậu, cho sung sướng. Nhưng họ không sẵn sàng chi tiền cho sức khỏe, cho tính mạng. Và họ trốn viện, không chi trả. Không phải vì họ không có tiền để chi trả, mà vì họ luôn cho rằng, họ có quyền đó. Và theo họ, như vậy thì mới gọi là công bằng.

Đã định không viết gì về y tế, vì ở đó chỉ toàn là những điều bất cập, bất công. Nhưng lại “ngứa ngáy”, viết ra những điều ai cũng biết nhưng chẳng ai dám nói.



Không có nhận xét nào