Khái niệm "hậu cộng sản" tôi mượn từ triết gia giải cấu trúc J. Derrida. Derrida gọi những người marxist phản biện chủ nghĩa Ma...
Khái niệm "hậu cộng sản" tôi mượn từ triết gia giải cấu trúc J. Derrida. Derrida gọi những người marxist phản biện chủ nghĩa Marx là "hậu marxist".
Hậu cộng sản hay hậu marxist hiển nhiên có quan hệ với cộng sản hay chủ nghĩa Marx, bởi vì nó sinh ra từ gốc cộng sản hay chủ nghĩa Marx. Tất nhiên nó không hề giống cái gốc mà phản biện lại cái gốc sinh ra nó. Điều này cũng như chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) đối với chủ nghĩa hiện đại (modernism). Chủ nghĩa hậu hiện đại như là cái đang vượt qua chủ nghĩa hiện đại.
Điều tôi đang nói đến là những người hậu marxist đang vượt qua chủ nghĩa Marx - vượt qua bằng sự phản biện chủ nghĩa mà họ tôn thờ. Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và những người có thẻ đảng đang đứng trước vành móng ngựa là những nhà hậu marxist.
Vì sao tôi nói như thế? Là bởi vì Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng đảng vẫn biết ơn vô hạn cái cội nguồn quá khứ đã sinh ra mình, nhờ nó mà họ có được quyền lực, tiền tài, danh vọng, mặc dù thứ quyền lực, tiền tài, danh vọng ấy hoàn toàn bất tuân lý tưởng mà họ tôn thờ. Lý tưởng của chủ nghĩa Marx mà Đảng đã dạy họ là sẵn sàng hy sinh hết mình vì sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội, tức hoàn toàn vì lợi ích chung. Trong khi cuộc chạy đua vì quyền lực, tiền tài, danh vọng của họ đã làm cho lợi ích của quốc gia, dân tộc nát bét. Đạo đức của người cộng sản đã bị phản biện triệt để bởi thế hệ hậu marxist như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh.
Sự phản biện ấy đã đạt đến trình độ giễu nhại hậu hiện đại. Đứng trước vành móng ngựa, Đinh La Thăng cúi đầu cầu xin “làm ma tự do”, không “làm ma tù”, lại còn xin được tại ngoại để chăm sóc cha già, vợ con. Còn Trịnh Xuân Thanh khóc lóc van xin được xuất ngoại để hầu hạ vợ con đang tị nạn bên Đức. Vô tình, Thăng đã nhạo báng hàng triệu người chiến sĩ cộng sản tiền bối chết trong nhà tù thực dân, đế quốc, Thanh cười cợt vào sự uy nghiêm của nhà nước pháp quyền, xem nhà nước pháp quyền như cái cửa xin cho, mà lại xin cho thứ ân huệ của bậc hoàng thân quốc thích. Có thể suy ra mấy điều:
1) Thăng lẫn Thanh từ thời còn là đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã thấm nhuần lý tưởng đến mức như nhà tu đến khi đắc đạo thì không còn tin gì nữa. Khi lên làm lãnh đạo cao cấp, Thượng Đế mà trước đó họ tôn thờ chỉ còn là một thứ thần tượng đồng bóng được mang ra bịp bợm đám nhân quần cả tin.
2)Thăng lẫn Thanh từng là đại biểu quốc hội tham gia làm luật đồng thời là kẻ quyền cao chức trọng trong bộ máy quyền lực thực thi pháp luật đã coi pháp luật như một thứ trò chơi (theo lý thuyết trò chơi hậu hiện đại), rằng luật là tao, tao là luật. Đó là lý do khi đương quyền cả Thanh lẫn Thăng đều xem việc mình làm nằm ngoài vòng pháp luật, cho đến khi đứng trước pháp đình trang nghiêm cũng coi pháp luật chỉ như là trò chơi.
Xem ra, chủ nghĩa hậu hiện đại đã ảnh hưởng sâu sắc thế hệ hậu cộng sản. Với tư cách là những nhà hậu cộng sản, Thăng, Thanh đã vượt xa cụ Tổng với khoảng cách khá lớn.
Thăng, Thanh đang làm một việc giống như Lê Anh Hoài tự mặc xì líp phụ nữ có kinh, băng bó đầy mình lăn lộn giữa bãi máu ngoài đường để cầu xin thiên hạ chú ý và đoái lòng thương?
Và thật hài hước khi có người đang thu gom 10 triệu chữ ký để gây áp lực lên bản án, buộc tòa tha cho Thăng và Thanh. Chẳng nhẽ chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghĩa hậu marxist ở Việt Nam có đến 10 triệu tín đồ?
Nhưng xin nói thật, chủ nghĩa hậu hiện đại của thế giới như tôi biết không hề giống như thế!
Không có nhận xét nào