Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Lại về thành Điện Hải và tiến sĩ Phan Thanh Hải lẫn các nhà nghiên cứu Đà Nẵng

Lại về thành Điện Hải và tiến sĩ Phan Thanh Hải lẫn các nhà nghiên cứu Đà Nẵng Mình đọc thêm bài viết "Vài ý kiến về việc bảo tồn, phát...

Lại về thành Điện Hải và tiến sĩ Phan Thanh Hải lẫn các nhà nghiên cứu Đà Nẵng

Mình đọc thêm bài viết "Vài ý kiến về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải" của tiến sĩ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.  Mình càng sửng sờ hơn là thầy sai hơi nhiều trong bài viết học thuật này.

Bài thầy viết tại đây >> https://danang.gov.vn/gioi-thieu/chi-tiet?id=30716&_c=100000089#_ftn1.

Thầy sai ở các điểm như sau:

1. Thầy nhận định rằng "Theo các tư liệu lịch sử, Thành Điện Hải ngày nay vốn là đồn Điện Hải (bảo Điện Hải), được vua Gia Long cho xây dựng sát vịnh cửa Hàn từ năm 1813, đến năm 1823, vua Minh Mạng mới cho dời vào vị trí hiện tại bên bờ sông Hàn, xây dựng thành một pháo đài kiên cố theo kiểu pha trộn kiến trúc thành Vauban ...".

KHÔNG HỀ !!!

Theo bộ Đại Nam Thực Lục Tập 1 (Chính Biên Đệ nhất kỷ Quyển XLVI - Quý dậu, Gia Long năm thứ 12 [1813] (Thanh Gia Khánh năm thứ 18), mùa xuân), "Tháng 2 ... Đắp đài Điện Hải và bảo An Hải ở Quảng Nam (đài bên tả cửa biển Đà Nẵng, bảo ở bên hữu)..".

Như vậy thành Điện Hải vốn ban đầu đã là một (pháo) đài chứ nó chưa bao giờ là đồn Điện Hải hoặc bảo Điện Hải như thầy Phan Thanh Hải nêu lên cả.

2. Thầy nhận định rằng "Trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp -Tây Ban Nha ngày 01/9/1858, Thành Điện Hải là tiền đồn của quân đội triều đình nhà Nguyễn trước mũi súng giặc"

KHÔNG HỀ !!!

Mà ngược lại, sử liệu từ người Pháp lẫn người Việt, đã cho ta thấy thành Điện Hải chính là nơi biểu tượng cho sự ươn hèn và thất bại của quân dân Việt Nam trước sức mạnh của người Pháp.  Chính người Việt đã bỏ thành Điện Hải mà chạy mất dép để người Pháp vào lấy dễ dàng.  Chính người Pháp đã cho đặt thuốc nổ để phá thành Điện Hải lần thứ nhất, rồi người Pháp rút đi.  Quân Việt vào thâu lại rồi người Pháp, sau khi đánh thành Gia Định xong, lại dễ dàng đánh chiếm thành Điện Hải một lần nữa, và giữ luôn thành này cho tới khi họ rời chiến trận Đà Nẵng và họ cho đặt thuốc nổ để phá thành Điện Hải lần thứ 2.

Còn sự trú đóng thường trực của quân Việt là nằm ở dưới miền Nam, khu đồn lũy Hải Châu và Phước Ninh kìa.  Quân Việt đã dùng chiến thuật du kích để mà đánh phá quân Pháp ở 2 thành Điện Hải và An Hải sau này, chứ thành Điện Hải chưa bao giờ là "tiền đồn của quân đội triều đình nhà Nguyễn trước mũi súng giặc" cả.

Không hiểu thầy Phan Thanh Hải lẫn tất cả các nhà nghiên cứu lẫn sử gia Việt Nam đã dựa vào dữ liệu hoặc sử liệu nào để mà đem thành Điện Hải, một cái thành mang đầy sự ô nhục của quân dân Việt Nam thời bấy giờ, ra làm thành "tiền đồn chống Pháp" ?  Và không hiểu các quý vị nào đó trong hội đồng thẩm định di tích lịch sử quốc gia đã đòi hỏi và tra các dữ liệu / sử liệu nào để mà khẳng định rằng thành Điện Hải là "tiền đồn chống Pháp" ở Đà Nẵng ? Chẳng lẽ cả một nước Việt Nam 90 triệu người dân như vậy, chỉ có mỗi một mình mình bên Mỹ kiếm ra sử liệu của người Pháp và người Việt, và chứng minh rằng thành Điện Hải chưa bao giờ xứng đáng là "tiền đồn chống Pháp" hay sao ?  

Bạn muốn hiểu rõ về các trận đánh trong trận Đà Nẵng 1858-1861, hãy đọc quyển sách tiếng Pháp lẫn Đại Nam Thực Lục Tập 7.  Quân Việt chưa bao giờ đánh thắng người Pháp giành lấy thành Điện Hải bao giờ cả.  Ngược lại, quân dân Việt đã bỏ thành Điện Hải mà rút lui trước khi người Pháp vô lần 1, và ở lần 2, người Pháp áp đảo dễ dàng khi lấy lại thành Điện Hải đấy chứ.  Và bạn đừng quên là người Pháp đã cho đặt thuốc nổ phá thành Điện Hải 2 lần nha bạn.  Bạn có thời gian, đọc luôn 2 bài phân tích của mình về vụ này tại đây >> https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/1981373255446960.

Vậy làm sao mà ra cớ sự thành Điện Hải lại được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ở Đà Nẵng nhỉ ? 

Và làm sao mà ra cớ sự thầy Phan Thanh Hải có thể kết luận "Bởi vậy, có thể xem Thành Điện Hải là biểu tượng của lòng yêu nước bất khuất và tinh thần quả cảm của quân dân Đà Nẵng nói riêng và quân dân Việt nói chung trước mũi súng quân thù." nhỉ ? 

Bạn có thấy trớ trêu không ?  

Việc chấp nhận thành Điện Hải ở Đà Nẵng là biểu tượng của lòng yêu nước bất khuất, nó chả khác nào người ta lấy thành Mang Cá ở Huế biểu tượng cho lòng yêu nước bất khuất của người Việt.  Làm sao mà cả Việt Nam chả ai lên tiếng phản đối việc này nhỉ ? 

3. Thầy Phan Thanh Hải còn đề nghị rằng "Có thể chọn chủ đề: “Dưới chân Thành Điện Hải” để mô tả, tái hiện cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân ta ngày xưa".  Mình hy vọng rằng hội KHLS Việt Nam cần nên rất cẩn thận sự đề nghị này.  Vì chắc là du khách quốc tế không chấp nhận lý do "chúng tôi chỉ làm theo yêu cầu", vì như vậy họ sẽ đánh giá người Việt, ở đây là người Đà Nẵng, đã nói dối hoặc rất có thể, bị tẩy não về sự thật thành Điện Hải có đúng là "tiền đồn của quân đội triều đình nhà Nguyễn trước mũi súng giặc" hay không.

Nên mình đọc bài phân tích này của thầy Phan Thanh Hải, thấy đứng hình luôn.  Vì làm thế nào mà một vị Giám đốc của Trung tâm bảo tàng di tích Huế, một Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, lại có thể sai một sử kiện về đài Điện Hải sơ đẳng đến vậy ? Đáng ngờ hơn, là chữ "đài Điện Hải" có đầy trong bộ Đại Nam Thực Lục, trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí cho đến trước năm 1834 đấy chứ.  Ai mà chỉ cần đọc 2 bộ này đều thấy trong đó viết đầy đài Điện Hải trước năm 1834 cả.  

Và làm thế nào mà thầy Phan Thanh Hải lại có thể khẳng định thành Điện Hải là tiền đồn của quân đội triều đình nhà Nguyễn trước mũi súng giặc khi mà ta chưa hề có sử liệu nào backup cho điều này cả ?  Hay là thầy có mà đang thuộc dạng trong vòng bí mật chưa cho ai coi ? Ngược lại, người Pháp họ viết đầy về sự ươn hèn của quân dân Việt Nam bỏ thành Điện Hải mà chạy lẫn thành bị chiếm lại dễ dàng đấy chứ.

Một bài viết mà có cả 2 điểm sai quan trọng đến vậy, lẫn sự sai lầm về nhận định thành Điện Hải là "sáng tạo" của vua Gia Long mà mình đã phân tích ở bài này >> https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/1982236328693986, cho ta thấy, thầy Phan Thanh Hải thật sự không đủ kiến thức, nếu không muốn nói là dốt kiến thức khi bàn về thành Điện Hải.  Những gì khác thầy viết là chung chung kiểu jack of all trade master of none.  Tại sao thầy lại có thể là một Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhỉ ? Mình nhận xét qua việc này, thầy có kiến thức rất tệ về sử kiện thành Điện Hải.

Và mình cũng xin đặt luôn câu hỏi cho các nhà nghiên cứu lịch sử lẫn nhà báo Đà Nẵng, là làm thế nào mà các bạn ai cũng viết thành Điện Hải vốn là đồn Điện Hải nhỉ ? Ví dụ

1. https://viettimes.vn/da-nang-thanh-dien-hai-chinh-thuc-nhan-bang-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-168692.html >> "Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải"

2. https://vov.vn/di-san/thanh-dien-hai-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-744952.vov >> "Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải,"

3. http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/thanh-dien-hai-noi-chong-quan-xam-luoc-phap-tay-ban-nha-82287.html >> "Thành Điện Hải, còn gọi là đồn Điện Hải"

v.v

Chẳng lẽ không một nhà nghiên cứu / nhà báo Đà Nẵng nào đọc Đại Nam Thực Lục hay Đại Nam Nhất Thống Chí để biết là đài Điện Hải hay sao ?  

Và đáng sợ hơn, là trong bộ film Sóng Cửa Hàn, được phát chiếu cuối năm 2017 (https://www.youtube.com/watch?v=aFbvZlF3j-Q), ở phút 5:16, người ta nhận vơ luôn là "Thành Điện Hải đã được xây dựng năm 1823".  Nhưng trời ơi, đài Điện Hải đã được xây dựng năm 1813, rồi vua Minh Mạng cho dời vào xây thêm vào năm 1823 và vẫn gọi là đài Điện Hải cho đến năm 1834 mới gọi là thành Điện Hải đó chứ. 

Chẳng lẽ một bộ film với quá trời sử gia nổi tiếng như vậy mà không có lấy một thầy nào coi preview và đặt câu hỏi cho sự sai lầm đáng xấu hổ này sao ? 

Nếu một di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ở Đà Nẵng như thành Điện Hải mà có đầy vấn đề như vậy, từ kiến thức lệch lạc của một Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho đến một bộ film có đủ thứ sử gia trong đó mà không ai thấy sai cho đoạn "Thành Điện Hải đã được xây dựng năm 1823" lẫn sự nhận định "đoán mò" của thầy Hồ Trung Tú về niên đại bức bản đồ Đà Nẵng (https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/1982299312021021), thì làm thế nào mà Bộ Văn Hóa Việt Nam lại có thể đóng dấu chấp thuận, và tỉnh Đà Nẵng lại đang chuẩn bị đổ thêm 10 tỷ đồng vào dự án phục hồi thành Điện Hải này nhỉ ? 10 tỷ đồng chứ có phải là ít đâu ? Chắc ít nhất ai cũng phải tự hỏi lại về điều này chứ, đúng không ? 10 tỷ đồng của dân mà.

Chắc là trước khi công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, Bộ Văn Hóa Việt Nam cũng phải có ít nhất cả chục sử gia chuyên tra về dữ liệu, cả chục buổi tường trình chứ đúng không ?  Chẳng lẽ không một ai lên tiếng với những điều mình nêu lên à ? 

Mà ở Việt Nam đã có bao giờ một di tích lịch sử cấp quốc gia bị sai và người ta cần rút bằng công nhận lại chưa nhỉ ? 

Mình sửng sờ quá, vì càng đọc về thành Điện Hải, thì những gì mình biết lại càng đi trái ngược lại với tất cả những gì các sử gia lẫn các nhà nghiên cứu Việt Nam đã nêu ra. 

Và mình xin đề nghị thầy Phan Thanh Hải, hoặc là thầy về đọc lại thật nhiều sử sách, hoặc nếu được, xin thầy rút ra khỏi việc xem xét thành Điện Hải, vì theo mình, thầy chưa đủ kiến thức để mà có thể làm cố vấn hoặc tham gia vào các cuộc hội thảo về thành Điện Hải.  Thầy đã làm tới chức Giám đốc của một Trung tâm bảo tàng tức là gần như là làm lớn trong một cơ quan văn hóa vào hạng bậc nhất nhì của đất nước, mà kiến thức về sử của thầy như vậy, là không thể chấp nhận được.

Còn các bạn nghiên cứu ở Đà Nẵng, xin cho mình biết nếu được, là tại sao các bạn lại nghĩ bộ film Sóng Cửa Hàn đáng khen, và xin cho mình hỏi luôn là tại làm sao mà các bạn nghĩ rằng thành Điện Hải vốn là đồn Điện Hải ?

Mời bạn cứ tự nhiên phản luận.

Bạn cứ tự nhiên gởi cho thầy Phan Thanh Hải, cho UBND tỉnh Đà Nẵng, cho Bộ Văn Hóa Việt Nam bài viết này.

Và bạn cứ tự nhiên ngồi uống cà phê mà suy gẫm.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks 

Brian









Không có nhận xét nào

Quảng Cáo