Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về nhận định Cao Miên hay Chân Lạp của thầy Nguyễn Văn Nghệ

Về nhận định Cao Miên hay Chân Lạp của thầy Nguyễn Văn Nghệ Trong bài viết Vài Đính Chính liên quan đến Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, thầ...

Về nhận định Cao Miên hay Chân Lạp của thầy Nguyễn Văn Nghệ

Trong bài viết Vài Đính Chính liên quan đến Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, thầy Nguyễn Văn Nghệ có bàn về tên nước Cao Miên hay Chân Lạp.  Theo suy luận của thầy (cùng các cư liệu mà thầy đưa ra), thì "Vậy vào thời Thoại Ngọc hầu quốc hiệu của Vương quốc Campuchia hiện nay được Triều đình nhà Nguyễn gọi là gì? Vào thời vua Gia Long và Minh Mạng gọi là Cao Miên ...  Đầu đời vua Thiệu Trị vì tránh tên húy của nhà vua là “ Miên” nên không gọi là Cao Miên mà gọi là Chân Lạp. Do vậy những sách viết về các triều vua trước được in ấn dưới thời vua Thiệu Trị gặp tên nước Cao Miên đều đổi thành Chân Lạp.".

Bạn đọc bài này ở đây >> https://nghiencuulichsu.com/2016/08/29/vai-dinh-chinh-lien-quan-den-thoai-ngoc-hau-nguyen-van-thoai/, đoạn "Cao Miên hay là Chân Lạp?".

Nhưng thuyết của thầy Nguyễn Văn Nghệ có đúng không ? Thì mình xin thầy suy nghĩ lại bởi vì:

****

1. Thời vua Gia Long và Minh Mạng, quốc hiệu Cao Miên chưa bao giờ là một tên DUY NHẤT được dùng cả.  Cả hai tên Cao Miên và Chân Lạp đều là các tên đã có từ xưa trong sử Trung Quốc, mà nếu bạn đọc bài của thầy An Chi (xem >> https://petrotimes.vn/cao-mien-mang-kham-campuchia-70363.html), thầy viết rõ là "từ thời xưa, Tàu còn phiên âm tộc danh “Khmer” thành “Cát Miệt” [吉蔑] nữa, như có thể thấy trong Đường thư, “Chân Lạp quốc truyện”: “Chân Lạp quốc, nhất viết Cát Miệt, bổn Phù Nam thuộc quốc (…)”. (Nước Chân Lạp, còn gọi là Khmer [Cát Miệt], vốn là thuộc quốc của Phù Nam (…)).".  Và nếu bạn xem vài tấm bản đồ xưa nhà Minh bên Trung Quốc, họ dùng cả tên Chân Lạp 真臘 thời bấy giờ.  

Mà sự có tên Cao Miên / Chân Lạp này, chắc giống như nước ta thời Thanh được triều đình Thanh phong cho quốc hiệu Việt Nam, đúc ấn Việt Nam Quốc Vương, nhưng người bên Trung Quốc họ vẫn viết An Nam trong các văn bản thông thường hay rất có thể đâu đó trong sách sử của họ thôi, vì từ An Nam đã có từ ngàn năm rồi mà.

Và bạn để ý luôn là các bộ sách sử thời Gia Long / Minh Mạng, đều viết đầy tên Chân Lạp cả.  Ví dụ bộ Gia Định Thành Thông Chí và Hoàng Việt Nhất Thống Chí, mà những bộ này đã có từ thời Gia Long rồi đúng không bạn ? 

Như vậy cái tên CAO MIÊN chắc chắn là một quốc hiệu chính thức (mà triều đình Huế phong cho vương quốc Campuchia thời xưa), nhưng có đúng là tên Chân Lạp chỉ bắt đầu từ thời vua Thiệu Trị không, thì mình hoàn toàn không chắc.  Mà vì vậy, mình lại đi tìm cứ liệu để viết tiếp phần bên dưới.

****

2. Theo thầy Nguyễn Văn Nghệ "Năm Thiệu Trị thứ 7[1847] đổi từ Chân Lạp thành Cao Man (có sách khi phiên âm từ chữ Hán sang Quốc ngữ không phiên âm là Cao Man nhưng phiên âm thành Cao Mên). Cũng trong năm này, vua Thiệu Trị sai sứ phong tên Dun làm Cao Man quốc vương, lại phong Ngọc Vân là Cao Man quận chúa".

Không hiểu thầy Nguyễn Văn Nghệ đã trích cứ liệu "Năm Thiệu Trị thứ 7[1847] đổi từ Chân Lạp thành Cao Man" từ đâu, chứ theo bộ sử Đại Nam Thực Lục, là ngay từ năm đầu vua Thiệu Trị, tức năm Thiệu Trị 1 (năm 1841), Cao Man 高蠻 đã được dùng trong câu "Năm trước, Nặc Ong Giun gửi mật thư xin nước ta đem quân sang đánh lấy xứ Bắc Tầm Bôn, hắn xin làm nội ứng ... Duy có nước CAO MAN, xưa nay vẫn được triều đình ta bồi đắp gây dựng cho, sau vua nước ấy là Chăn không có con nối, lại lập con gái là Ngọc Vân để làm chủ việc thờ cúng. Đến khi phát ra cái án Ngọc Biện mưu trốn, thì chỉ bắt tội Ngọc Biện thôi, còn Ngọc Vân thì lại dời đi nơi khác để được bảo toàn.".  

Như vậy từ năm Thiệu Trị 1 đã có cách viết Cao Man, chứ không phải là đến năm Thiệu Trị Cao Miên mới đổi là Cao Man.

À, và nếu bạn dò bản dịch Quốc Ngữ của Viện Sử Học về đoạn này, thì cán bộ của Viện đã dịch bậy rồi đoạn này rồi đó bạn.  Chữ Cao Man 高蠻 mà họ lại dịch thành ra là Cao Miên tức họ dịch là "Duy có nước CAO MIÊN, xưa nay vẫn được triều đình ta bồi đắp gây dựng cho ...".  Xin bạn đừng đem bản dịch Quốc Ngữ của Viện Sử Học ra mà làm bằng chứng.  Còn tại sao tên Hán ngữ Cao Man 高蠻 mà cán bộ Viện Sử Học dịch là Cao Miên 高綿, bạn nên đi hỏi Viện Sử Học.  Nhưng ở đây, bạn mà dựa vào bản dịch Quốc Ngữ Đại Nam Thực Lục của Viện Sử Học màcho rằng là thời Thiệu Trị 1 (năm 1841), chỉ có Cao Miên chứ chưa có Cao Man, thì bạn đã bị cán bộ Viện Sử Học đánh lừa rồi đó.

****

3. Quan trọng hơn, có thật là có sự kỵ húy chữ Miên 綿 thời vua Thiệu Trị không ? Mình sẵn dò, thì xin đưa ra luôn 2 cứ liệu cho bạn tham khảo tiếp.

- Theo quyển Chữ Húy của thầy Ngô Đức Thọ, Chương V trang 144 về chữ quốc húy Miên 綿 thời vua Thiệu Trị, thì:

----

Đối với 2 chữ tiểu tự của vua [Miên Tông 綿宗], khi xưng hô hoặc viết văn cấm dùng liền 2 chữ, còn rời riêng từng chữ thì vẫn được dùng: 

a. Dùng vào việc tế Giao, tế tôn miếu thì viết đúng chữ.

b. Dùng đặt tên quan chức, hay làm văn mà cần đến thì vẫn cho phép dùng, nhưng viết bớt một nét, và đọc là Tôn, cũng đủ tỏ sự kính trọng.

Các chữ đồng âm [theo tờ tâu của bộ Lễ, đã kê trên] chỉ cấm không được dùng để đặt tên người tên đất, còn làm văn thì không cấm.

Trên đây là các khoản quy định trong lệnh kiêng húy năm 1841 do vua Thiệu Trị đích thân duyệt định, cho ban bố rộng rãi và gửi bản sao lục cho Quốc sử quán căn cứ để tuân hành.

----

Như vậy bạn thấy đó, chữ Miên 綿 đứng riêng CHƯA BAO GIỜ BỊ cấm dùng cả, mà là nếu có viết, thì người ta cần viết bớt một nét bạn ạ.

- Và rồi trong bản dịch Đại Nam Thực Lục tập 6 là bộ thực lục thời vua Thiệu Trị, trong quyển Thủ còn viết rõ hơn 

----

14. Về tên người, tên đất, nếu gặp chữ huý phải kiêng thì đều đổi chữ khác ; duy có hai chữ : bên tả bộ “mịch”     , bên hữu chữ “bạch”     [tức là chữ “miên”     ] và bên tả bộ thuỷ : bên hữu chữ cộng     [tức chữ “hồng”     ], tuân theo trong sổ đặt tên, xin kính cẩn bớt đi một nét, để tỏ ra có ý thận trọng. Còn thì đổi dùng chữ khác cả ; nhưng chỉ chua rõ một lần đầu, còn sau khi đã chua rồi, thì chép thẳng ngay tên đổi lại sau này. Còn tên đất như ấp An Long thuộc phủ Tây Ninh, theo dụ ở trước không đổi.

---

Vậy làm gì có việc có sự kỵ húy chữ Miên 綿 khi đứng riêng như thầy Nguyễn Văn Nghệ viết về thuyết Cao Miên trở thành Cao Man bạn nhỉ ?

****

4. Và cuối cùng, dường như các nhà nghiên cứu Việt Nam đều dựa vào thuyết của ai đó mà cho rằng Cao Man chỉ có bắt đầu thời vua Thiệu Trị.  Nhưng thật ra, nếu bạn chịu khó đọc lại bộ sử Đại Nam Thực Lục, thì cụm từ Cao Man 高蠻 đã có từ thời Minh Mạng năm 1833 (xem bản dịch Đại Nam Thực Lục tập 3), đoạn "Vua  lại dụ Nội các rằng : “Trước đây trận đánh ở cầu Cao Man mất 1 cỗ đại luân xa pháo, và tiền đạo gặp giặc lại lùi, ta đã hạ chỉ dụ giáng bọn quản lĩnh bộ đạo là Nguyễn Văn Trọng, Trương Minh Giảng và Hoàng Đăng Thận mỗi người đều 2 cấp, còn bọn chuyên lĩnh đạo quân ấy là Lê Sách, Nguyễn Văn Đoài mỗi người đều giáng 4 cấp. Nhưng từ nay về sau, nếu biết ra sức vây đánh, khiến địch lâm vào tình thế ngày một cùng quẫn, thì công với tội cũng đủ bù lại cho nhau. Vậy, gia ân cho bọn Nguyễn Văn Trọng đều được khai phục, không bị án giáng cấp nữa. Đó là sự tuỳ việc thưởng công, phạt tội, thi hành một cách chí công, ta vốn không có thành kiến gì cả. Nay các ngươi nên bội phần cảm kích phấn khởi, gắng sức giết giặc cho được sớm thành công mới phải”.".  

Và còn rõ hơn nữa, là trong bản dịch Đại Nam Thực Lục tập 4, thời Minh Mạng 1835, có cả đoạn "Vua phê bảo rằng : “Tự chúng cứ làm rối rít lên, còn ta thì đã có phòng bị, có thể không lo ngại gì. Đến như [Cao Man] và dân thổ Bình Thuận vốn không can thiệp với nhau, mà đất lại xa cách ; hơn nữa gần đây có tin báo rằng tỉnh này, Cao Man không để cho dân thổ lấn vào, thì hai bên không thể thông với nhau được, là rõ ràng lắm”.".

Nhưng một lần nữa, các cán bộ Viện Sử Học lại dở quẻ mà dịch Cao Man 高蠻 thành ra Cao Miên 高綿 tức "hơn nữa gần đây có tin báo rằng tỉnh này, Cao Miên không để cho dân thổ lấn vào.".

À, và nếu bạn cho rằng Cao Man là do từ thời vua Thiệu Trị đặt ra, nên đổi hết luôn các tên gọi Cao Miên lúc trước thành ra Cao Man, thì mời bạn tra lại luôn trong bộ sử Đại Nam Thưc Lục, mình thấy còn đầy Cao Miên trong ấy.

Và thời vua Minh Mạng đúc ấn Cao Miên Quốc Vương, trong bộ Hán ngữ Đại Nam Thực Lục có chép rõ ràng là Cao Miên Quốc Vương 高綿國王 với chữ Miên bị viết thiếu một nét như lệnh kỵ húy thời vua Thiệu Trị đưa ra, chứ không có vụ Cao Miên Quốc Vương viết là Cao Man Quốc Vương.

Còn chữ Cao Man là bắt đầu từ những năm sau thời Minh Mạng độ năm 1833 như mình dẫn bên trên.

Nên mình không hiểu:

1. Thầy Nguyễn Văn Nghệ dựa vào đâu mà cho rằng "Vào thời vua Gia Long và Minh Mạng gọi là Cao Miên" vì đó chỉ là một nửa sự thật, vì Cao Miên là tên quốc hiệu do triều đình Huế phong cho, còn Chân Lạp thì vẫn là tên thông thường dùng thôi, dạng Việt Nam là tên quốc hiệu nhà Thanh phong cho triều đình Huế, nhưng người bên Trung Quốc vẫn dùng An Nam để viết trong những bài viết hay sử dạng tên thông thường.

2. Thầy Nguyễn Văn Nghệ dựa vào đâu mà cho rằng "Năm Thiệu Trị thứ 7[1847] đổi từ Chân Lạp thành Cao Man" vì Cao Man 高蠻 là một cái tên đã có từ thời vua Minh Mạng.

3. Thầy Nguyễn Văn Nghệ dựa vào đâu mà cho rằng "Đầu đời vua Thiệu Trị vì tránh tên húy của nhà vua là “ Miên” nên không gọi là Cao Miên mà gọi là Chân Lạp" vì theo cứ liệu sử học, chữ Miên 綿 khi đứng riêng (không viết chung cùng Miên Tông 綿宗) chưa bao giờ bị kỵ húy phải đổi chữ cả, mà là chỉ viết thiếu một nét mà thôi.

Không biết thầy Nguyễn Văn Nghệ này là ai, nhưng nếu bạn biết, bạn gởi luôn cho thầy đọc và cập nhật lại bài viết của thầy, hay thầy có thể viết phản luận bài này để chúng ta cùng học hỏi.

Mời bạn tham khảo.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian











Không có nhận xét nào

Quảng Cáo