BÊN BỎ CUỘC Sáng nay lướt FB, thấy status của một trí thức mà tôi quý trọng ghi rằng “Đảng có tự hỏi vì sao 1975 đến nay đất nước hoà bình t...
BÊN BỎ CUỘC
Sáng nay lướt FB, thấy status của một trí thức mà tôi quý trọng ghi rằng “Đảng có tự hỏi vì sao 1975 đến nay đất nước hoà bình tốt đẹp mà người Việt cứ bỏ nước ra đi” ?
Người nước nào cũng có thể bỏ nước ra đi chứ không chỉ xảy ra ở nước CHXHCNVN. Nhưng cái khác biệt tệ hại là ở các nước khác người ta bỏ đi chỉ thường ở một nhóm xã hội nào đó. Vd nước có nội chiến thì bỏ đi vì tị nạn chiến tranh, nước đói thì tị nạn lương thực, nước có đấu đá chính trị thì tị nạn chính trị.. Hết những khủng hoảng tức thời và nội tại đó thì sự bỏ đi dừng lại, thậm chí còn lại quay về.
Riêng nước ta không có chiến tranh, không xảy ra đói diện rộng, đấu đá chính trị chưa có thảm sát dòng tộc... thế nhưng nhiều tầng nhiều giới vẫn bỏ nước ra đi. Dân đen đi trong container, quan chức đi quá giang chuyên cơ, phe đối lập đi bằng tị nạn chính trị, phe cầm quyền đi bằng nín thở qua sông. Như vậy cái vỏ yên tĩnh phía trên che những cơn sóng ngầm ở dưới.
Không chỉ một loài cá bơi đi mà to nhỏ gì cũng cố sức bơi đi. Mèo trắng mèo đen không còn niềm tin bắt chuột, mà tất cả loài mèo đều chán nản bỏ đi.
Có nhiều lý do nhưng tựu chung có thể gọi bằng một tên là “khủng hoảng niềm tin”. Niềm tin ở đây không vào một cái gì cụ thể, mà bằng suy nghĩ của nhân dân về nhà nước và về đất nước. Từ người có hiểu biết về chính quyền đến dân đen, không ai, dù yêu nước và lạc quan đến đâu, còn có niềm tin rằng đất nước sẽ ổn định bằng pháp luật và quyết tâm thay đổi của chính quyền. Thế là thay vì tìm kiếm, chờ đợi và thậm chí tranh đấu, người ta chọn bỏ đi cho gọn và nhanh.
Người ta tồn tại bằng cơm gạo nhưng sống và chiến đấu cho mình, gia tộc và xã hội bằng niềm tin và hi vọng. Khi không còn gì để tin và hi vọng nữa, người ta bỏ cuộc buông xuôi dù là những người lạc quan nhất. Đảng có thể giữ cái vỏ bên ngoài của chế độ bằng nhà tù và nòng súng cùng lợi ích vật chất ban phát , nhưng đảng chỉ có thể giữ không để phân rã bên trong bằng hi vọng và niềm tin.
Không có nhà nước hay xã hội nào cần những người bi quan, nhưng cũng không có nhà nước hay xã hội nào tồn tại và phát triển nếu thiếu những người lạc quan. Chính quyền không sụp đổ vì những người đối lập, mà sụp đổ đến từ chính những người từng lạc quan về chế độ rồi chuyển qua bi quan và rời bỏ.
Khi những người lạc quan của chế độ chuyển sang hoài nghi, các thế lực muốn thôn tính chỉ làm thêm một việc sau cùng đơn giản là giật dây để gây rối và nội chiến. Thế là làn sóng bi quan càng thêm tràn ngập, một cú đá domino theo sau nữa là hoàn tất làm sụp đổ một quốc gia.
Nhiều người nói rằng bài toán chuyển đổi đất nước hiện nay nằm ở tự do và dân chủ, nhưng theo tôi cái khẩn thiết hơn, thực tế hơn và có thể làm ngay là pháp trị. Nhiều người dân sắp bỏ đi, đang bỏ đi và đã bỏ đi nói với tôi rằng tự do dân chủ thì là giới nghiên cứu chính trị như anh hiểu, còn chúng tôi, “những người ra đi”, chỉ cần đảng làm đúng những luật lệ của đảng bày ra là chúng tôi cũng đã ở lại để chờ một cuộc thay đổi rồi, nhưng chúng tôi tắt hết hi vọng và niềm tin.
Có thể đảng tự hào vì những gì đảng làm và đảng thấy, nhưng đất nước không thể tự hào vì bài “huấn từ” của Đại sứ Anh mới đây về những cái chết trong container, cũng như không thể tự hào vì 9 người quá giang chuyên cơ bỏ trốn để Hàn quốc cười nhạo.
Đảng lãnh đạo đất nước mà chỉ chăm chăm tự hào với người dân, không nhục và đau nỗi đau quốc thể thì tự hào đó có ý nghĩa gì. Gia đình nào mà không dạy là anh em trong nhà thì đừng hơn thua. Chỉ tự hào với người dân cũng có nghĩa là hơn thua với nhân dân. Một chính quyền sinh ra từ nhân dân mà chỉ còn hơn thua được với nhân dân thì đã khủng hoảng tột cùng về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Việt Nam không chỉ là của đảng, mà đảng còn là của Việt Nam.
H.M
Không có nhận xét nào