Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MỸ HỌC: DÂN HÀ NỘI GIẢI HUYỀN THOẠI NGHỆ THUẬT

MỸ HỌC: DÂN HÀ NỘI GIẢI HUYỀN THOẠI NGHỆ THUẬT Mỹ học, cũng như mọi tri thức, không phải bất biến mà vận động theo hệ hình. Huyền thoại, siê...

MỸ HỌC: DÂN HÀ NỘI GIẢI HUYỀN THOẠI NGHỆ THUẬT

Mỹ học, cũng như mọi tri thức, không phải bất biến mà vận động theo hệ hình.

Huyền thoại, siêu hình học là hệ hình thẩm mỹ đầu tiên và thống trị dai dẳng nhất. Nhân loại từng tin vào một bản thể, tức cái mẫu ban đầu toàn thiện – toàn mỹ. Cái bản thể ấy thuộc về thần thánh. Socrates - Plato chỉ tay lên trời, cho rằng cái đẹp chỉ có thể hiểu được bằng siêu nghiệm, chỉ ở đó mới có sự thật, ánh sáng, sự mẫu mực và cao cả. Những gì ta nhìn thấy trước mắt chẳng khác gì cái bóng, giống như đám người bị xích trong hang động chỉ nhìn thấy được cái bóng di động của những con rối trên vách hang động. Nghệ thuật muốn có được cái toàn thiện – toàn mỹ hay cao cả phải vươn đến siêu nghiệm như triết học, chính trị học, nếu không thì cỡ như Homer chỉ có xuyên tạc, bóp méo bản thể. Siêu hình học của Aristotle cũng không vượt xa thầy mình khi quy cái đẹp hay nghệ thuật về cái "trật tự và sự cao cả" ở trong cái đằng sau vật chất (metaphysis), tức nguyên nhân ban đầu hay "đại nguyên nhân", dù trong thi học, thuyết mimesic (bắt chước) của ông có nói đến "nghệ thuật có thể cao hơn hoặc thấp hơn tự nhiên". Thuyết "thuật nhi bất tác", quy về mẫu mực của thánh hiền mà Khổng Tử chủ trương còn cực đoan hơn cả thuyết mimesis của phương Tây.

Toàn bộ mỹ học thời Trung đại, vắt qua thời Phục Hưng, cho đến thời Khai sáng, dù siêu hình học bị phản biện ráo riết qua thuyết nhân loại hóa và các trào lưu khai phóng như thuyết tiên nghiệm của Kant hay phép biện chứng duy tâm của Hegel cũng đều không thoát ra khỏi cái của siêu hình học. Không lấy Thượng Đế làm bản thể thì cũng lấy quy luật tự nhiên hay con người mẫu mực để làm hệ quy chiếu đánh giá cái đẹp và nghệ thuật. Hiện sinh luận của Nietzsche có thể xem là một hệ hình mỹ học mới khi tuyên bố "Thượng đế chết", nhưng tính chất hiện sinh dựa trên nền sự mẫu mực Apollo và sự tự do phóng túng của Dionysus vẫn chưa đoạn tuyệt với bản thể luận.

Đó là lý do, nghệ thuật vẫn luôn được xem như không phải là sản phẩm của thần thánh thì cũng là cái siêu việt. Các nghệ sĩ vì thế tự xem mình không phải con của thần linh thì cũng là siêu nhân. Mỗi tác phẩm nghệ thuật được gán cho trạng thái "xuất thần", "nhả ngọc phun châu", rất thiêng liêng và cao quý.

Chỉ đến khi Pablo Picasso ném ra sân chơi nghệ thuật những hình ảnh kỳ quái thì nhân loại mới chưng hửng, rằng nghệ sĩ có thể là con quỷ với cái nhìn rất quái quỷ về cuộc sống. Nếu mấy ông tổ của siêu hình học còn sống, có lẽ đã thẳng tay ném Picasso vào địa ngục để sống chung với quỷ. Mà quái quỷ hơn nữa là ông tổ của trường phái siêu thực, René Magritte, sử dụng cái nhìn của Phân tâm học, xem mắt mũi, miệng của con người đều là bộ phận sinh dục, xúc phạm hết cỡ vào cái "hình nhi thượng" mà Thượng Đế ban tặng cho con người. 

"Tác giả chết", "Con người chết" là tuyên bố cuối cùng của trò chơi nghệ thuật khi nó đi đến phi tâm hóa cuộc sống. Tất cả giới tự nhiên đều sinh ra bình đẳng, có ăn uống tất có ỉa đái. Nếu ăn uống có thẩm mỹ thì ỉa đái cũng phải có thẩm mỹ. Nghệ thuật chỉ miêu tả ăn uống mà không có ỉa đái là nghệ thuật giả dối. Vào mùa xuân năm 1917, Marcel Duchamp mang đến cuộc triển lãm Hội các Nghệ sĩ độc lập tổ chức tại New York chiếc bồn tiểu mua ở một cửa hàng chuyên bán thiết bị nước của công ty J. L. Mott Iron Works và đặt tên là “Fountain” (Đài phun nước), ký “R. Mutt” để trưng bày thành một tác phẩm nghệ thuật. Tất nhiên là tác phẩm bị ban tổ chức loại ngay từ vòng giữ xe, vì có lẽ họ không chỉ sợ nhiều người đái vào đó mà còn sợ hãi nghệ thuật bị mất thiêng. Đúng 100 năm sau, Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia lật lại cuộc tranh cãi ngày ấy, nhìn lại vai trò của Duchamp với những ý tưởng ngông cuồng và cực đoan nhưng là ngòi châm cho nghệ thuật mạnh dạn mở thêm một hướng đi khác, từ siêu hình học đến giải cấu trúc và chủ nghĩa hậu hiện đại.

Năm 1987,  Andres Serrano cho công bố bức tranh Đái vào Chúa (Piss Christ) đã gây choáng váng cả nước Mỹ, mặc dù cả trăm năm trước đã có người tuyên bố "Thượng Đế chết" hay "Con người chết". Nghệ thuật, trong mắt của nhiều người vẫn là đền thiêng bất khả xâm phạm, huống hồ là mang Đấng Sáng tạo ra giễu cợt. Nghệ sĩ là hiện hữu của Đấng Sáng tạo.

Cho nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều người, đặc biệt là nghệ sĩ, tỏ ra phẫn nộ khi tác phẩm "Tháp" trưng bày tại Hồ Gươm bị dân Hà Nội ỉa hay đái vào đó. Riêng tôi thì chúc mừng các nghệ sĩ. Nhờ dân Hà Nội đái ỉa vào Tháp mà tác phẩm nghệ thuật ấy có giá trị thực tiễn thay bằng một giá trị viễn vông ở trên trời. Điều này cũng giống như nhiều trang thơ của Hội nhà thơ anh Thỉnh, nếu không đưa vào toilet thì chúng có giá trị gì?

Chẳng phải các nhà mỹ học Marxist lý luận rằng, mọi sản phẩm con người làm ra vốn đã mang tính nghệ thuật và mọi nghệ thuật đều phải có hai tính năng: vật chất và tinh thần. Ngay một viên đá ném con thú, người nguyên thủy đã biết chạm khắc lên đó hình hài của cái đẹp. Một cái khiên che chắn cho kỵ sĩ hay một thanh gươm để hiệp sĩ giết người cũng là nghệ thuật vì nó được làm ra theo quy luật của cái đẹp. Tính năng vật chất phục vụ cho nhu cầu thực dụng như ăn uống, ỉa đái… Còn tính năng tinh thần giúp cho tâm hồn con người thăng hoa. Nghệ thuật thuần túy tinh thần là nghệ thuật chết, vì chỉ có chết thì mới hết tính năng vật chất thực dụng.

Trong khi quanh Hồ Gươm với chiều dài 17km, người đi bộ biết đái vào đâu khi thiếu những công trình vệ sinh công cộng? Vào nhà dân đái nhờ như "đi nhờ" chuyên cơ sang Hàn ư? Có mà dân thanh lịch ở đây cho ăn đéo đến điếc tai! Chẳng phải trong những ngày lễ hội, người dân từng đái xuống hồ nhiều đến mức cụ Rùa ngoi lên nhìn nhiều lần rồi xấu hổ mà chết bất đắc kỳ tử đấy sao? Nay có Tháp nghệ thuật lung linh sắc màu, tiện lợi cho dân đái ỉa vào đó chính là làm tăng, đúng nghĩa là cân bằng giá trị cho nghệ thuật. Nghệ sĩ nên biết ơn dân Hà Nội đã giải huyền thoại cho chính mình, đưa nghệ thuật thần thánh về với đời thường trần tục. Thật đấy!

Chu Mộng Long
---------
1) Tranh của Picasso, 2) Tranh của Magritte, 3) Tác phẩm Fountain Duchamp, 4) Tranh Piss Christ của Serrano, 5), 6), 7), 8) Tháp của nghệ sĩ Hà Nội.

















Không có nhận xét nào

Quảng Cáo