Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KIỀU HỐI…HẬN

KIỀU HỐI…HẬN “Chính phủ lắng nghe từng hơi thở của đồng bào hải ngoại..” He he…có người bảo chính phủ chỉ lắng nghe hơi “đồng tiền” thôi, kh...

KIỀU HỐI…HẬN

“Chính phủ lắng nghe từng hơi thở của đồng bào hải ngoại..” He he…có người bảo chính phủ chỉ lắng nghe hơi “đồng tiền” thôi, không phải “đồng bào” đâu. Nam bộ gọi là “xạo ke” còn một từ khác nữa là xạo…xạo, nhưng thôi dù nó chính xác nhưng sợ các ông quá mải mê vì nó thì dễ đi lạc hướng lắm, mà kẻ viết bài này thi không muốn đi lạc.

Những đồng tiền ấy gọi là “Kiều hối”. Có hàng chục tỷ dollar mỗi năm theo báo nhà nước,có nhiều lời kêu gọi hải ngoại đừng gửi tiền về nữa, nhưng bất chấp, dòng tiền vẫn đều đặn đổ về. Sao vậy ?

Trước hết hãy thử xem “kiều hối” bắt đầu có từ bao giờ. Ở miền Bắc vào khoảng năm 1969-1970 chính phủ bắt đầu cho người trong nước được nhận sự giúp đỡ về vật chất của người thân ở nước ngoài, tuyệt đại đa số là từ Pháp. Tất cả đều là đồ dùng vì ngoại tệ ở VN không được phép lưu hành, thêm nữa tỷ giá hối đoái được quy định là : 1 VNĐ=1,2 USD (vì CNXH ưu việt hơn CNTB nên đồng tiền đương nhiên cũng có giá hơn) vì vậy, gửi tiền về là lỗ to. 
Nhà nước quy định thu lại 50% giá trị, lúc đó mặt hàng được gửi chủ yếu là xe máy và xe đạp nhãn hiệu Peugeot, một thùng đóng 2 cái và được nhận một cái. Có một thứ được gửi kèm đôi khi lại có giá trị hơn, đó là quần áo. Quần áo thường là mới hoặc gần như mới, được làm cũ đi, bọc kín xe đạp, xe máy với lý do làm giảm hư hỏng hoặc xước sơn khi bị va đập. Những bộ đồ “tẩy” này là trang phục diện Tết hoặc khi “bát phố, chạy tẩy” của tụi tôi, và, nó cũng có giá lắm, ví dụ một “cây”  (quần và áo) “bò Lơ-vít”- Jean Levis, model 501 ,size từ 27-29 “mỏ đỏ” có giá tương đương từ 6-8 chỉ vàng. Dân phố cổ HN có khá nhiều người có người nhà đi Pháp trước năm 54.

Sau này có chính sách  “công nhân kỹ thuật” sau đổi là “xuất khẩu lao động”, nhà nước bán công dân mình đi làm thuê cho nước ngoài mà vẫn được mang ơn. Tiền lương tất nhiên nhà nước cắt một khoản (bao nhiêu thì khó mà biết vì những thỏa thuận ký trong vòng bí mật), lương chỉ đủ sống và công nhân Việt phải “làm thêm” nhận những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu  mà dân bản xứ không chịu làm. Những đồng tiền mồ hôi, nước mắt đó được dành dụm gửi về gia đình cũng chỉ bằng đồ dùng như xe máy, tủ lạnh, bàn là (ủi), nồi áp suất vv…trăm thứ bà rằn vì về VN cái gì cũng bán được. Một số có sẵn sự cần cù, nhạy bén của người Việt trong việc tìm ra những “thị trường ngách”và cộng thêm tính láu cá, khôn lỏi cũng của người Việt phất lên nhờ buôn lậu. Nguồn gốc của các đại gia VN từ Đông Âu về đều từ đây mà ra.

Sau sự kiện 75, dòng người vượt biên lên tới con số hàng triệu, có câu : “Một là con nuôi cá (chết), hai là má nuôi con (đi tù), ba là con nuôi má (gửi tiền về)”, tất nhiên là cũng gửi đồ, đảng cũng vô cùng nhanh nhạy, có luôn một bộ phận kinh tài làm “người vận chuyển” gom đồ bán lấy ngoại tệ và trả cho người nhận, đến khi Mỹ “lập lại quan hệ bình thường” thì tiền dần thay thế và nó chính thức được gọi là “Kiều hối”. Đồng tiền đó cũng giúp được một phần bà con trong nước, hồi ấy Sài Gòn có câu : “ Nhất Thuế (vụ) nhì Công (an) tam Mong (mong gửi tiền về) tứ Mánh (áp phe)”.

 Lượng kiều hối hàng năm là bao nhiêu ?

Tôi từng làm một cuộc thăm dò nho nhỏ ở Mỹ, lớp đầu tiên gửi tiền về nhiều nhất (không kê những lý do) giờ đã già, đã nghỉ hưu, thu nhập cũng hạn chế nên hầu như rất ít gửi tiền về, lớp sau thì những mối liên hệ với ở nhà cũng đã phai nhạt hơn, thế hệ sau  ở VN cũng không biết trân trọng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của đồng bào mình như thế hệ trước, họ thường dùng nó để ăn chơi nên hải ngoại chỉ gửi tiền vì những biến cố như người nhà đi bệnh viện, ai đó cất nhà mới vv…

Mấy người bạn ở Mỹ tính toán và đưa ra cho tôi một con số , mỗi năm trung bình một người Mỹ gốc Việt gửi tiền về cho người nhà chừng 500 dollar, tôi hỏi một người hay lên tiếng kêu gọi đừng gửi tiền về VN rằng thường mỗi năm anh gửi bao nhiêu thì anh chỉ cười trừ.

Vậy sao kiều hối lại lớn đến vậy ?

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa mấy năm trước có một bài phân tích mà ông đặt tên là “ Kiều hối hận”, ông chỉ ra rằng có một dòng tiền từ người Mỹ gốc Việt vay nhà băng Mỹ với lãi suất âm, đưa về VN đầu tư, thậm chí chỉ gửi ở ngân hàng cũng đã có lợi từ tiền lời. Ông cũng cảnh báo rằng khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, khi đồng tiền VN mất giá thì kiều hối sẽ thành… kiều hối hận. Và đúng như vậy, cộng thêm nhà nước VN mới quy định lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ bằng 0, nỗi hối hận tăng lập tức lên gấp đôi.

Vậy tiền kiều hối ấy ở đâu ? Phải chăng nó từ các bộ phận “làm kinh tài” chuyên buôn lậu, gian lận thương mại và rửa tiền ? Người biết rõ nhất chính là đồng bào hải ngoại. Xin hãy lên tiếng để giải nỗi oan mình là người gửi tiền về để nuôi chế độ.

Ngô Nhật Đăng



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo