Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BỨC TRANH 10 NĂM

BỨC TRANH 10 NĂM Những ngày bệnh dịch là những ngày chúng ta lắng lại, tôi cũng có thời gian ngẫm nghĩ nhiều hơn. Tôi vốn không phải người b...

BỨC TRANH 10 NĂM

Những ngày bệnh dịch là những ngày chúng ta lắng lại, tôi cũng có thời gian ngẫm nghĩ nhiều hơn.

Tôi vốn không phải người bi quan hay cực đoan thái quá, nhưng nhìn đất nước 10 năm tới trên bình diện chung thì tôi thấy lo ngại. Đặt bối cảnh quốc gia trong cái nhìn tổng thể là rất lo lắng ở tầm quản lý vĩ mô.

Trước nhất là nói về thiên tai. Hiện nay đồng bằng Tây Nam Bộ, vựa lúa và an ninh lương thực của quốc gia đã hết nước và nhiễm mặn. Việc này sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến khi cội nguồn của dòng sông là Trung Quốc có sự thay đổi về chính trị và đường lối. Còn cho đến lúc đó thì chúng ta không còn trồng lúa nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung được ổn định như trước đây. Liệu kịch bản về sản xuất lúa gạo đã có dự trù để điều tiết chưa ?

Không chỉ đồng bằng sông Cửu Long mà châu thổ sông Đồng Nai ở Đông Nam Bộ cũng bị thiếu nước. Sông Đồng Nai, con sông chính của vùng này cũng đã để mặn xâm nhập vào hai nhánh Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Và cũng như sông Cửu Long, mặn vào một lần thì ta phải mất ba lần để cơ chế tự nhiên thau chua rửa mặn. Trong quãng thời gian đó là sản xuất nông nghiệp đình đốn.

Đó là bối cảnh nông nghiệp của vùng Đông và vùng Tây của miền Nam. Miền Trung thì là mối lo khác. Các báo cáo của chính phủ và quốc tế về hiện tượng nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng đến khu vực miền Trung trong trung hạn 10-20 năm tới đây là điều không cần bàn cãi. Hàng ngàn đến hàng vạn hộ dân được dự báo là mất đất ở và đất sản xuất. Quy luật này của thiên nhiên thì Việt Nam không thể cưỡng lại và phải thuận theo. Vậy giải pháp ứng phó và khắc phục là gì ?

Đồng bằng sông Hồng phía Bắc thì không bị như miền Nam và Miền Trung, nhưng tôi đi nhiều nơi thấy đất canh tác bị bỏ hoang cho các chiến lược quy hoạch đô thị hoá nằm trên giấy. Như vậy bối cảnh chung trong 10 năm tới của nông nghiệp quốc gia là không sáng sủa. Mất đất, mất nước ngọt, mất nghề nghiệp của nông dân. Có cái trong tầm quốc gia thì có thể sữa chữa nhưng có lẽ không mấy ai làm. Những cái ngoài tầm quốc gia thì phải thích nghi, vấn đề là chính sách có thực thi nổi hay không là chuyện phải nghĩ.

Kinh tế đất nước có ba trục là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Về công nghiệp cũng thấy không khả quan gì. Cuộc đối đầu địa chính trị Trung- Mỹ với các mặt trận chiến tranh toàn diện mở ra đã phá huỷ nền sinh thái kinh tế là nghiêm trọng. Việc các doanh nghiệp Việt Nam đang phải kêu cứu vì cạn nguyên liệu sản xuất đã được thấy trước. Các doanh nghiệp còn sản xuất được thì cũng khó bán hàng ra vì suy thoái tiêu dùng chung. Trong bối cảnh đó thì giới kinh tế trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng dư địa của tích luỹ kinh tế Việt Nam mong manh đến đâu thì ai cũng hiểu.

Bên cạnh công- nông nghiệp là dịch vụ. Bệnh dịch Corona sẽ làm nhiều doanh nghiệp chết đi, muốn hồi phục và sống lại sẽ mất nhiều năm. Một năm chết dịch thì mất ba năm phục hồi đã là nhanh chóng. Chuyện đó đã bắt đầu và sẽ ngày càng nặng nề thêm. 

Nhìn ba trục của kinh tế như vậy để thấy trong trung hạn trước mắt là muôn trùng khó khăn.

Từ kinh tế nhìn sang chính trị. Mỹ-Trung đánh nhau đã đến hồi người chết ta sống là điều ai cũng đã rõ và không cần bàn cãi nữa. Dù Việt Nam đã ngầm chọn đứng về phe Mỹ trong quốc phòng lúc này nhưng cái lo là chiến tranh sẽ nổ ra ở Biển Đông. 

Mỹ có nhu cầu gây chiến để phá vỡ chiến lược quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc cũng muốn gây chiến để có nguồn dầu mới thay cho khu vực Trung Đông. Khi đó Việt Nam không thể không chiến để bảo vệ mình. Tổn hại và tổn thất như thế nào, kinh tế suy thoái thì tiền đâu để khắc phục và vượt qua ?

Quốc gia ảnh hưởng nhất trên thế giới là Mỹ cũng là nước có nhiều ảnh hưởng với Việt Nam nhất lúc này thì cũng chưa có lòng tin chiến lược với Việt Nam. Họ có thể bảo hộ quốc phòng cho ta vì lợi ích hai nước. Cũng là vì đã cam kết thì họ sẽ làm để giữ hình ảnh cho họ. Nhưng kinh tế thì ta phải tự lo. Đại ca chỉ có thể bảo an cho đàn em, chứ không có đại ca nào giúp đỡ kinh tế khi đàn em không cố gắng nghiêm túc.

Bao trùm tất cả các mối lo thiên tai, địch hoạ và nhân hoạ thì là vấn đề thể chế. Dư luận nói cũng đã nhiều nên tôi không nói lại. Cái tôi lo ngại sâu xa là trong bối cảnh chung như vậy mà bộ máy quản lý ở một thành phố cấp trung ương đi tiêu hàng trăm tỷ mua ấm trà và cờ để tặng... nhân dân. 

Ý thức chính trị của quan chức thành phố thuộc trung ương mà còn như thế bộ máy còn xuống cấp đến mức nào. Đó là nói bộ máy chính phủ. Bộ máy đảng cũng không khá hơn khi tư duy tiểu nông ngự trị. Người ta vui mừng quá độ khi thấy tội phạm nộp lại số tiền bé xíu là 8000 tỷ đồng. Lo ngại về cái nhỏ để thấy lo sợ về cái lớn hơn.

Khủng hoảng đến từ kinh tế, xã hội hay chính trị đều chỉ có thể vượt qua từ bản lĩnh ứng phó của người dân và của nhà nước. Tôi luôn tin ở người dân nhưng tôi khó có thể yên tâm uống trà ngắm cờ bay rồi thấy mình ngạo nghễ trước năm châu.

Những khủng hoảng đó đã đến, đã có thực, đang lớn lên, khẩn thiết hơn từng ngày dưới ánh mặt trời chói lọi ở Việt Nam. 

H.M





Không có nhận xét nào

Quảng Cáo