Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về Quy Nhơn có phải là được thành lập vào năm 1602 không ?

Về Quy Nhơn có phải là được thành lập vào năm 1602 không ? Nếu các bạn tra mạng hay đọc sách, chắc là sẽ thấy người ta viết Quy Nhơn l...

Về Quy Nhơn có phải là được thành lập vào năm 1602 không ?

Nếu các bạn tra mạng hay đọc sách, chắc là sẽ thấy người ta viết Quy Nhơn là cái tên được đặt ra, từ tên có trước đó là Hoài Nhân, vào năm 1602 bởi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Và hầu như toàn bộ các bài viết này đều viết điều này dựa vào bộ Đại Nam Nhất Thống Chí phần tỉnh Bình Định.

Nhưng nếu chúng ta tra lại bộ sử Đại Nam Thực Lục, thì bộ sử này hoàn toàn không có sử kiện năm 1602 chúa Tiên đặt tên Quy Nhơn này.

Hơn thế nữa, cái tên địa danh trước đó, là Hoài Nhân, vẫn được dùng khi viết về các sử kiện trong thời gian này.  Ví dụ:

****

1. Ất sửu, năm thứ 12 [1625], mùa đông, Đào Duy Từ đến theo ... ở huyện Vũ Xương hơn một tháng, không ai biết cả. Nghe tin khám lý HOÀI NHÂN Trần Đức Hòa là người có mưu trí ...

2. Đinh mão, năm thứ 14 [1627] ... Trần Đức Hòa nghe tin thắng trận, từ HOÀI NHÂN đến mừng.

3. Nhâm thân, năm thứ 19 [1632], hai huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và châu Nam Bố Chính đều mỗi nơi một trường. năm phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, HOÀI NHÂN, Phú Yên, mỗi phủ một trường.

4. Tân mão, năm thứ 3 [1651], đổi phủ HOÀI NHÂN làm phủ Quy Ninh (sau đổi làm Quy Nhân).

****

Như vậy, theo Đại Nam Thực Lục, thì mãi đến năm 1651, phủ Hoài Nhân mới đổi là phủ Quy Ninh, rồi sau này đổi làm Quy Nhân.

Và còn quan trọng hơn, là trong một bộ sách liên quan đến sử, là bộ Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, được cho là biên soạn vào năm 1719, cũng không hề có viết gì về tên Quy Nhơn này cả. Mà đáng ngờ hơn, trong hồi thứ Sáu, bộ sách này còn có cả đoạn văn "Một hôm, Duy Từ đi qua phủ HOÀI NHÂN.  Nơi đây địa hình phong phú tươi đẹp, phong tục hào hiệp.".  Và bộ sách này cũng không có tên địa danh Quy Nhơn.

Còn trong bộ Phủ Biên Tạp Lục thì sao ? Thì theo các cán bộ Viện Sử Học "Thời Trung Hưng, năm đầu Hoằng Định, đổi ... phủ Hoài Nhơn làm phủ Qui Nhơn".  Nhưng đáng tiếc, trong nguồn Hán ngữ Phủ Biên Tạp Lục đăng trên nomfoundation (xem >> https://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/884/page/17), thì hóa ra không hẳn có vụ "năm đầu Hoằng Định" gì cả, mà cụm từ Hán ngữ là "Trung Hưng Hoằng Định sơ 中興弘定初".  Chữ sơ 初 ở đây có nghĩa là (thưở) ban đầu, như sơ khởi.  Như vậy chắc là cụm từ Hán ngữ là "Trung Hưng Hoằng Định sơ 中興弘定初" còn có nghĩa là "đầu thời Trung Hung Hoằng Định", chứ không hề là viết rõ "năm đầu" dạng "Hoằng Định nguyên niên 弘定元年" cả.  Vậy, theo bản Hán ngữ Phủ Biên Tạp Lục trên, địa danh phủ Quy Nhơn có vào những năm đầu thời Trung Hưng Hoằng Định, và thời Trung Hưng Hoằng Định kéo dài từ năm 1601-1619, như vậy những năm đầu rất có thể là từ năm 1601 đến năm 1605 hay kéo dài luôn đến năm 1610 cũng nên, bạn nhỉ ? 

Còn tại sao các cán bộ Viện Sử Học lại dịch câu văn trên thành "Thời Trung Hưng, năm đầu Hoằng Định" thì mình chịu.

Và bạn đừng quên, chúng ta đến nay cũng không hề có một văn bản gốc Phủ Biên Tạp Lục nào cả, mà bản dịch chúng ta đang dùng, là do các cán bộ Viện Sử Học đã gom lại từ 4 dị bản Phủ Biên Tạp Lục lại, và họ cắt xén, dịch thoát, v.v mà không ai biết họ đã làm gì với chúng.  Rất có thể bộ Phủ Biên Tạp Lục mà chúng ta đang có trong tay, là sản phẩm của Viện Sử Học, cắt xén và viết theo cách họ muốn độc giả học theo, chứ chưa bao giờ có bộ sách Phủ Biên Tạp Lục đã viết chính xác 100% như thế cả.

Còn trong bộ Xứ Đàng Trong của ông Borri thì sao ? Ông có viết luôn trong Phần 1 Chương 1 là "the fourth Quignin, by the Portugueses call'd Pullucambi" mà cô Olga chú thích là "The modern spelling for Quinhin is Qui Nhơn".  Nhưng ông Borri viết về thời gian ông ở Đàng Trong vào những năm 1618-1622, nên tên địa danh Quy Nhơn trong bài viết này của ông, chưa bao giờ có thể chứng minh được rằng là tên Quy Nhơn đã có từ năm 1602 cả.

Vậy nếu các học giả Việt Nam dựa vào Phủ Biên Tạp Lục, mà cho rằng Quy Nhơn đã có vào thời Trung Hưng Hoằng Định năm 1 (1601), thì đó là do các cán bộ Viện Sử Học đã dịch thế, chứ bản Hán ngữ Phủ Biên Tạp Lục (ít nhất là bản trên nomfoundation) chưa bao giờ được viết như thế cả.  Sách ông Borri cũng không giúp được gì hơn.

Còn lại bộ sách duy nhất viết rõ Quy Nhơn được lập vào năm 1602 là bộ Đại Nam Nhất Thống Chí.  Mà chúng ta có thật sự nên tin 100% vào bộ sách này không ? Và chúng ta có thể nào CHỈ dựa vào 1 bộ sách sử duy nhất, để mà khẳng định Quy Nhơn đã có từ năm 1602 không ? Thế còn các bộ sách sử khác thì sao ? Ví dụ bộ Đại Nam Thực Lục thì sao, bộ Nam triều công nghiệp diễn chí thì sao ? Hình như không hề có học giả Việt Nam nào nêu ra về vấn đề này cả, mặc dù tỉnh Bình Định và người Việt vẫn tổ chức lễ kỷ niệm năm thành lập Quy Nhơn dựa vào cột mốc năm 1602 này (ví dụ >> https://tuoitre.vn/binh-dinh-ky-niem-406-nam-phu-thanh-quy-nhon-283874.htm).

Vậy nếu chúng ta không có các sử liệu nào khác để chứng minh có tên Quy Nhơn vào năm 1602, và nếu không ai có các tài liệu sử để chứng minh điều này, thì năm sau tỉnh Bình Định và người Việt có nên lại tiếp tục tổ chức liên hoan và ăn mừng năm sinh thành phố Quy Nhơn là năm 1602 không bạn nhỉ ?

Mời bạn tham khảo 

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo