Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TRỢ CẤP NUÔI CON - CHI PHÍ HAY ĐẦU TƯ TƯƠNG LAI QUỐC GIA

[ TRỢ CẤP NUÔI CON - CHI PHÍ HAY ĐẦU TƯ TƯƠNG LAI QUỐC GIA ] Khi nói về sinh con và dân số, một trong những sai lầm chết người là coi chi ph...

[TRỢ CẤP NUÔI CON - CHI PHÍ HAY ĐẦU TƯ TƯƠNG LAI QUỐC GIA] Khi nói về sinh con và dân số, một trong những sai lầm chết người là coi chi phí cũng như trợ cấp nuôi trẻ em là gánh nặng thay vì khoản đầu tư sinh lãi. Điều này đã biến cuộc tranh luận về sinh đẻ thành chủ đề gây mệt mỏi vì cơ bản chính quyền đã thất bại trong việc truyền tải thông điệp và thiết lập cơ chế hợp lý. Việc khuyến khích sinh con là chính sách ở mọi quốc gia, nhất là ở những nơi đang đối mặt với tỷ lệ sản sinh dưới mức cần thiết để duy trì hệ thống.

Trước khi bàn về góc nhìn tài chính và cơ hội thì phải nhìn từ khía cạnh phụ nữ. Sinh con không chỉ là một sự mạo hiểm về tính mạng, nó còn là sự tổn thất về tinh thần và sự nghiệp. Vào thời kinh tế bao cấp hoặc nông nghiệp chiếm đa phần thì phụ nữ ít có cơ hội ăn học và thăng tiến. Cho nên công việc chính của họ là ở nhà làm mẹ.

Nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng trong thời buổi hiện đại, việc ép buộc người nữ phải tạm bỏ công việc để làm mẹ là điều khó thực hiện. Không phải vì họ không thèm muốn cảm giác có con mà là sẽ mất và đánh đổi quá nhiều. Hãy tưởng tượng bạn là một cô gái hiện tại đang trên đà phát triển, bỗng dưng phải dừng lại một thời gian. Rồi khi trở lại thì hao mòn sức lực và sự minh mẫn. Nếu bạn là nam thì nói gì cũng được vì không thể đẻ và đó là vì sao các nhà điều hành đất nước mất phương hướng trong quá trình tìm kiếm giải pháp.

Vai trò của trợ cấp sinh và nuôi con không chỉ là để giúp nuôi đứa trẻ mà còn là bù đắp cho những mất mát mà cô gái phải gánh chịu. Đó chỉ là khoản tiền cực nhỏ so với tổng chi phí và thiệt hại. Nhìn rộng hơn, đó là khoản đầu tư siêu lợi nhuận dưới góc nhìn quản trị công.

Chúng ta chỉ cần bỏ một chút tiền để hỗ trợ nuôi đứa trẻ, khi những thiên thần đó lớn lên đi làm 30-40 năm thì họ sẽ trả lại thông qua những hàng hoá hoặc dịch vụ họ tạo ra hoặc những khoản thuế họ đóng. Khi về già, chúng ta cần những người trẻ đi làm, vậy thì tại sao phải tiếc khi họ còn là những mầm non chưa lớn.

Đó là tại sao các quốc gia tiên tiến luôn có những chính sách ưu đãi và trợ cấp. Sau đây là vài ví dụ.

1. Ở Australia, khi người mẹ sinh con thì sẽ được thưởng $560 AUD (tầm 8.4 triệu VND). Cô ta có thể nghỉ thai sản có lương 18 tuần và kèm tiền trợ cấp. Đứa trẻ sẽ được y tế miễn phí và học trường công với mức phí thấp.
2. Ở Pháp, người mẹ có thể nghỉ thai sản 42 tuần, nhận tiền thưởng $1,024 (23 triệu VND) và trợ cấp $278 (tầm 6.5 triệu VND) mỗi tháng cho mỗi đứa trẻ. Đó là chưa tính hàng loạt dịch vụ công không thu tiền.
3. Ở Nhật, một người sinh con có thể nhận số tiền thưởng lên đến $2,800 (tầm 65 triệu VND) và nghỉ ở nhà 58 tuần với trợ cấp.
4. Hay ở Đài Loan, người mẹ có thể nghỉ làm có lương 8 tuần và nhận thưởng $667 (tầm 13 triệu) và trợ cấp mỗi tháng để nuôi con.
5. Ngay cả ở Thái Lan, người sinh con cũng sẽ được nghỉ để chăm con 18 tuần và nhận tiền nuôi con $18 (tầm 400,000 VND) mỗi tháng.

Sẽ có người nhìn vào những phúc lợi đó và mức sinh sản thấp hiện tại và cho rằng chính sách đó thất bại. Có thể, nhưng e rằng đó chỉ là cái nhìn chưa sâu sắc. Thực tế là số tiền đó vẫn quá ít so với thu nhập của một cô gái có học thức. Tính ra thì chưa được một phần năm hoặc mười, vậy thì khó mà khuyến khích họ làm mẹ. Nuôi con rất tốn kém, nếu phải kể hết những chi tiêu thì chắc sẽ ít ai muốn đẻ nữa.

Việt Nam chúng ta hiện tại may mắn khi có người trẻ chiếm đa số. Nhưng điều này không thể mãi tiếp tục nếu không có sự thay đổi về chính sách. Chẳng có một cô gái trẻ nào muốn hy sinh mà không được gì, chúng ta cũng không thể nào hô hào bằng miệng và kỳ vọng rằng dân số sẽ mãi tăng. Không ai muốn đưa một đứa bé vào đời trong một môi trường ô nhiễm và hệ thống đầy vấn đề. Đó không chỉ là sai lầm mà còn là tội ác với đứa trẻ khi không thể cung cấp cho nó cuộc sống đầy đủ.

Khuyến khích bằng lời nói thì ai làm cũng được, khác nhau ở hành động. Nếu muốn phụ nữ đẻ thì trước tiên hãy thiết lập hệ thống y tế bao phủ để chi phí không còn là gánh nặng và đưa ra những khoản trợ cấp đáng để đánh đổi. Phải coi nó là khoản đầu tư dài hạn và đừng tính toán vặt. 

Muốn xây dựng tương lai thì cần những người trẻ. Muốn có những người trẻ sau này lớn lên thay thế thì phải sinh đẻ. Giải quyết nạn sinh đẻ không bắt đầu với người mẹ, mà từ những người điều hành bộ máy cầm quyền. Đầu tư cho người mẹ, đầu tư cho tương lai quốc gia.[07.5.2020]

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo