Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

YÊU NƯỚC KIỂU ĐỘC TÀI - TƯ TƯỞNG CỦA BÀN TAY THÉP

[ YÊU NƯỚC KIỂU ĐỘC TÀI - TƯ TƯỞNG CỦA BÀN TAY THÉP ] Sống trong một đất nước chuyên chế và cấm đoán sự đa nguyên, con người dần trở nên mù ...

[YÊU NƯỚC KIỂU ĐỘC TÀI - TƯ TƯỞNG CỦA BÀN TAY THÉP] Sống trong một đất nước chuyên chế và cấm đoán sự đa nguyên, con người dần trở nên mù quáng bởi thông tin một chiều. Khi lớn lên trong môi trường đầu độc từ lúc vừa sinh ra, não trạng của những đứa trẻ như được rập khuôn tư duy, rồi khi trưởng thành thì họ chỉ biết sống trong phạm vi đó.

Chỉ trích lãnh đạo hay chính quyền là một hành vi hết sức nhạy cảm, vì từ lâu người dân nơi này đã đánh đồng kẻ cai trị và quốc gia. Nếu chỉ trích một, họ sẽ nói bạn phản cả hai. Khi đưa ra quan điểm trái chiều, họ sẽ tức giận và bác bỏ.

Tất cả những gì bạn trải nghiệm không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình xây dựng hình tượng. Khác với ngộ nhận của nhiều người, các cơ chế độc tài rất giỏi trong việc tuyên truyền và kiểm soát thông tin. Chưa cần đến súng đạn, không cần sử dụng bạo lực, chỉ cần điều khiển cách suy nghĩ thì sở hữu cơ thể của hàng triệu người.

Đó là cái tôi gọi là Yêu Nước Kiểu Độc Tài.

Khái niệm quốc gia rất linh thiêng trong bất cứ dân tộc nào. Con người ai cũng cảm thấy phấn kích trong môi trường tập thể. Am hiểu tâm lý này, bộ máy truyền thông hoạt động không ngừng nghỉ để gán ghép khái niệm chung vào nhau đến mức khó có thể tách biệt.

Không thể liệt kê hết được, nhưng có thể nêu ra vài phương pháp và kết quả chính. Hãy nhắm mắt, suy ngẫm và nhớ lại nhé.

COI LÃNH TỤ LÀ ĐẤT NƯỚC - Đây là hình thức chính, làm nền cho tất cả cái sau. Trong một hội nghị vào thời Đức Quốc Xã, một đảng viên cao cấp đã kết thúc buổi lễ với lời diễn văn như sau. “Hitler là Đức, Đức là Hitler. Muôn năm.” Chỉ với khẩu hiểu đơn giản, họ đã ghép lãnh tụ và tổ quốc thành một. 

Nếu bạn là một người nước thì bạn phải yêu lãnh tụ, nếu bạn yêu lãnh tụ thì đích thực là một người yêu nước. Khi được nói đi nói lại hàng vạn lần thì nó thành chân lý như khẩu hiệu được hô.

TRUNG THÀNH VỚI TỔ CHỨC CẦM QUYỀN - Để thiết lập tính bền vững, họ tuyên truyền rằng nếu muốn cống hiến cho đất nước thì bạn phải trung thành với tổ chức cầm quyền. Nếu không thì sẽ lãnh hậu quả vì đang đi ngược với lợi ích quốc gia. 

Bằng cách này, họ tước bỏ tất cả nỗ lực chống đối. Nếu không đi theo thì bạn chỉ chịu thiệt. Mặc dù luôn có người bất tuân nhưng đa số âm thầm chấp nhận để được yên ổn.

ỦNG HỘ VÔ ĐIỀU KIỆN, BẤT CHẤP ĐÚNG SAI - Chế độ chuyên quyền không cho con người suy nghĩ, cho dù bạn ở trong bộ máy hay bên ngoài. Khi lãnh đạo phát biểu, nhiệm vụ của người ngồi nghe là vỗ vay không ngừng. Khi có chính sách, tất cả phải tuân. Nếu hoài nghi thì sẽ nhận được câu “Đồ phản quốc.”

Đó là vì sao khi Stalin làm diễn văn, mọi người tán thành không biết mệt. Vì nếu không thì sẽ nhận được cái gõ cửa bởi cảnh sát mật lúc nửa đêm.

ĐẢ KÍCH VÀ HẠ THẤP NHỮNG AI BẤT ĐỒNG - Các bộ máy cầm quyền rất khôn ngoan khi không cho bất cứ ai bất tuân phát triển. Một khi trở thành người bất đồng chính kiến, bạn trở thành mục tiêu. Họ sẽ đả kích, nói xấu và hạ thấp danh dự bạn bằng mọi cách. Họ sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi bạn từ bỏ không chỉ bằng hành động và trong cả suy nghĩ. Vì đối mặt với sự miệt thị từ chính người thân và bạn bè nên con người im lặng. 

SÙNG BÁI VÀ MANG ƠN LÃNH TỤ - Trong gần như tất cả buổi lễ hay phát biểu mang tính chất chính thức và có sự hiện diện của thành viên cơ quan công quyền, bạn sẽ thường nghe câu “Cảm ơn nhà nước đã tạo điều kiện” hay “Cảm ơn lãnh tụ nào đó đã giúp đỡ” mặc dù họ chẳng đóng góp gì.

Nhìn từ bên ngoài thì có lẽ sẽ nghĩ rằng đó là câu nói vô tội nhưng tác động vô cùng lớn. Bằng cách gom hết thành tích cho lãnh tụ và tổ chức rồi kêu mọi người mang ơn họ, bộ máy thông tin gieo vào đầu người dân niềm tin hão huyền về những kẻ đang cai trị mình.

Khi bệnh viện mới được xây thì đó là công lao của lãnh tụ, nếu nông dân được mùa thì đó là vì tổ chức đã tạo điều kiện, hay nếu bạn may mắn có cuộc sống tốt hơn thì đó là vì nhà nước đã bảo vệ bạn. 

IN HÌNH VÀ XÂY TƯỢNG KHẮP NƠI - Cách để quảng bá hình ảnh đến khắp nơi và mọi người là thông qua hình ảnh. Từ tiền, logo, cờ, băng rôn hay báo chí. Không chỉ là những vật nhỏ mà còn là những công trình xây dựng lớn. Nào là tượng, nào là toà nhà cao tầng hay công viên.

Tất cả đều dồn dập đến mức người dân không thể thoát khỏi nó. Vì từ sáng đến tôi, họ luôn bị nhét vào đầu cái mặt của vị lãnh đạo hay khẩu hiệu của tổ chức nào đó. Ban đầu bạn sẽ khó chịu nhưng dần dần sẽ cảm thấy quen thuộc và gần gũi. Lúc đó, họ đã thành công.

KẾT QUẢ BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN - Có bao giờ bạn nói về những hành vi sai hay tội ác trong quá khứ chưa. Ban đầu, họ sẽ bác bỏ. Nếu không thành công thì họ sẽ nói phân nửa sự thật. Còn khi nào không thể bao che được nữa, thì họ sẽ biện minh hành đồng bằng kết quả. Câu cửa miệng là “Thời đó ai mà không vậy” hay “Ai mà không mắc sai lầm.” 

Nghe thì rất đúng nhưng với hình thức trên, họ đã hợp lý hoá vấn đề. Vì điều quan trọng nhất là kết quả, còn lại chỉ là phụ. Hàng triệu người chết bây giờ chỉ là con số, tội ác chỉ là lựa chọn nhất thời.

BÁC BỎ SỰ THẬT, CHỈ TIN VÀO NGỘ NHẬN - Tính vĩ đại của chuyên quyền là khiến người ta không muốn tin vào sự thật mặc dù đối diện với nó. Trong thời kỳ mạng lưới toàn cầu kết nối thông tin và con người với nhau, tất cả chỉ cách xa một cú gõ từ khoá. Nhưng chẳng có gì thay đổi, số muốn tìm hiểu đã ít và tin vào những gì mình thấy là thiểu số hiếm hoi hơn.

Khi người ngoài nhìn vào thì sẽ ít nhiều hoài nghi. Nhưng nếu vậy thì đã quá coi thường tác hại dài hạn của cỗ máy tuyên truyền. Chỉ cần một năm, một đứa trẻ sẽ thành một cổ động viên mãi mãi. Huống chi là chục năm, con người thành công cụ muôn đời.

Chính quyền không cần bám theo và giám sát vì cũng không thể. Nhưng nếu tẩy não và lập trình từ đầu thì sau này có làm gì thì con người cũng giữ mình trong khuôn viên tư tưởng ban đầu. Họ sẽ bác bỏ tất cả và không phân biệt thật giả, vì ngộ nhận là sự thật và sự thật cũng là ngộ nhận.

KẾT LUẬN - Khi tất cả được cộng lại, chúng ta có một lòng yêu nước quái dị. Khi tổ quốc đi đôi với tổ chức và lãnh tụ, kết quả hình thành là hệ tư tưởng đần độn cứng như thép.

Yêu nước kiểu độc tài là phải yêu lãnh tụ, coi họ là tổ quốc. Yêu nước kiểu độc tài là phải trung thành với tổ chức và nhà nước. Yêu nước kiểu độc tài là phải trung thành với tổ chức và nhà nước. Yêu nước kiểu độc tài là ủng hộ chủ trương nhà nước vô điều kiện, mặc kệ đúng sai hay tác hại. Yêu nước kiểu độc tài là chỉ trích, làm nhục và triệt hạ bất cứ ai bất đồng chính kiến. Yêu nước kiểu độc tài là sùng bái lãnh tụ và mang ơn họ mặc dù chẳng hiểu vì sao. Yêu nước kiểu độc tài là in hình và xây tượng khắp nơi. Yêu nước kiểu độc tài là đem kết quả biện minh cho phương tiện. Yêu nước kiểu độc tài là bác bỏ sự thật và chỉ tin vào sự giả dối.

Một khi đã ăn vào máu thì dù thay thế môi trường thì con người vẫn ít nhiều như cũ. Nếu có niềm tin, họ sẽ bám lấy. Nếu coi người nào đó là lãnh đạo quốc gia thì bất cứ ai chỉ trích đều bị đánh đồng và hạ thấp.

Di sản độc tài để lại không chỉ là sự phá huỷ của đất nước mà còn là sự mục nát của tư duy con người. Đó là Yêu Nước Kiểu Độc Tài. 

Xin kết thúc với danh ngôn của vị tổng thống của một quốc gia được thành lập bởi tự do tư tưởng và không đánh đồng việc yêu nước với tổ chức hay lãnh đạo nào.

“To announce that there must be no criticism of the President, or that we are to stand by the President, right or wrong, is not only unpatriotic and servile, but is morally treasonable to the American public.” - Theodore Roosevelt

Tạm dịch: “Để nói rằng không nên chỉ trích lãnh đạo hay cho rằng chúng ta nên ủng hộ lãnh đạo, dù đúng hay sai, không chỉ là không yêu nước và hèn hạ, mà còn phản lại dân chúng.” - Theodore Roosevelt

Bạn có phải là một người yêu nước kiểu độc tài không? [11.5.2020]

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo