Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BAN TUYÊN GIÁO CÒN NỢ LỜI XIN LỖI KHÁC

BAN TUYÊN GIÁO CÒN NỢ LỜI XIN LỖI KHÁC Tôi là người hay đọc Tạp chí Tuyên giáo. Ở đâu cũng có cái hay và cái không hay, cần học theo cách dù...

BAN TUYÊN GIÁO CÒN NỢ LỜI XIN LỖI KHÁC

Tôi là người hay đọc Tạp chí Tuyên giáo. Ở đâu cũng có cái hay và cái không hay, cần học theo cách dùng bộ lọc của tư duy để sàng lọc. Hơn nữa, Tạp chí Tuyên giáo còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước, nôm na là ảnh hưởng sâu sắc đến miếng cơm manh áo và con đường phát triển của toàn dân. Không quan tâm thì là trí thức mù.

Chiều nay rất vui khi Ban Tổ chức hội nghị 90 năm truyền thống Tuyên giáo đã chính thức lên tiếng xin lỗi công khai đến toàn dân, các nhà văn và thân nhân các nhà văn về lời phát biểu của Thủ tướng. Đó là lời xin lỗi kịp thời. Không ai là "thầy của các bậc thầy". Với tôi, trừ đám bò đỏ chụp mũ tùy tiện, mỗi lần sai dù là tư tưởng hay lỗi chính tả, được dư luận chỉ bảo, tôi đều xem dư luận là thầy của mình. Biết sai mà sửa thì mới có tiến bộ, còn nếu không thì ngu cả đời.

Tuy nhiên, cụm từ "Khai hóa văn minh" mà Báo Thanh niên đăng chính thức cho nhiệm vụ của Tuyên giáo mới là sai lầm nghiêm trọng. Không rõ về sự sống chết của các nhà văn là chuyện thường tình, kể cả người học chuyên văn, nhưng dùng cụm từ "Khai hóa văn minh" cho nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo thì không thể chấp nhận được.

Một là, cụm từ "Khai hóa văn minh" nằm trong một chủ thuyết nổi tiếng của Chủ nghĩa thực dân mà từ những nhà cách mạng cho đến dân đen đều biết. Bản thân cụm từ "Khai hóa văn minh" không có tội, nhưng cái nghĩa nằm trong chủ thuyết của thực dân thì tội lỗi đầy mình. Về nguồn gốc, chủ thuyết này được thai nghén từ tư tưởng tôn giáo, chính trị và học thuật trước và sau cuộc Cách mạng Pháp 1789. Gốc gác gần nhất là nó nằm trong Thuyết Cứu thế của Pháp và sâu hơn là Thuyết Cứu thế của Thiên chúa giáo, sau đó được chủ nghĩa thực dân sử dụng cho công cuộc truyền đạo và xâm lược các nước Á, Mỹ, Phi bằng bạo lực. Những nhà "Khai hóa văn minh" Pháp chủ trương: "Nước Pháp trở thành cường quốc cứu thế quan trọng bảo trợ trí tuệ và tinh thần bên ngoài biên giới Pháp và bên trong các đế chế và cường quốc khác" (Salon 1983: 32). Với chủ thuyết ấy, những người nhân danh "Khai hóa văn minh" đã làm nên những cuộc chinh phục, đúng ra là ăn cướp trắng trợn và đẫm máu tại những nơi mà họ quy cho là "man rợ". 

Để hình dung bức tranh chính của chủ thuyết "Khai hóa văn mình", có thể đọc cuốn Sơ thảo phác đồ lịch sử các tiến bộ nhân loại của Condorcet, triết gia và chính trị gia Pháp. Condorcet viết: "Sự kỳ thị tàn bạo của chúng ta đối với những người mang màu da và tín ngưỡng khác" sẽ tạo ra một tương lai mà ở đó: "Thương điếm của những kẻ bất lương sẽ trở thành thuộc địa của những công dân thượng đẳng, những người mà sẽ truyền bá sang tận châu Phi và châu Á những nguyên tắc và mẫu mực của tự do, tư tưởng ánh sáng và lý trí của châu Âu". Chủ thuyết "Khai hóa văn minh" còn đặt vấn đề diệt chủng và đồng hóa: "Tiêu trừ tối đa, đến mức chúng (dân man rợ) bị đẩy lùi bởi những dân tộc văn minh, chúng sẽ biến mất dần dần hoặc chính chúng tự lụi tàn trong cộng đồng của chúng". (Condorcet 1794: 261‑269)

Chủ thuyết ấy đã biến thành hiện thực trong lịch sử thế giới thế kỷ 18, 19, đầu thế kỷ 20, lẽ nào trang lịch sử đen tối ấy, ngành Tuyên giáo đã quên?

Hai là, ngay trong lòng các quốc gia thực dân, những trí thức chân chính đã lên tiếng phản đối cái gọi là "Khai hóa văn mình" bằng hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật, các công trình khoa học rất nổi tiếng. Nhà văn Anh Jonathan Swift mỉa mai khái niệm văn minh trong tiểu thuyết Gulliver du ký: "Nếu một ông hoàng gửi đội quân của mình đến một đất nước mà người dân còn nghèo và dốt nát, ông ta có thể giết nửa số dân một cách hợp pháp và biến nửa còn lại thành nô lệ, với mục đích khai hóa họ và tiệt trừ lối sống man rợ của họ". Bartolomé de Las Casas, người bênh vực cho các sắc tộc của vùng Caraïbes và Nam Mỹ đã vạch trần sự mâu thuẫn giữa tính nhân văn của khai hóa và bạo lực thực dân. Rồi Dorigny kêu gọi chống chế độ chiếm hữu hữu đất đai và nô lệ, vạch trần sự thụt lùi lịch sử về hoang dã nhưng lại bịp bợm là "khai hóa văn minh". Levy-Strauss và những trí thức hàng đầu của Pháp, bằng những công trình nhân chủng học- cấu trúc luận nổi tiếng, đã vạch trần sự kỳ thị giữa văn minh và hoang dã, rằng chính kẻ tự nhận "văn minh" mới là hoang dã và man rợ khi cướp bóc, tàn phá thiên nhiên, giết chóc đồng loại. Rồi Martin Luther King đứng lên chống kỳ thị chủng tộc, kêu gọi nhân quyền cho người da đen, buộc người Mỹ da trắng phải thức tỉnh, chấm dứt cái chiêu bài gọi là "khai hóa văn minh".

Tôi hình dung bản Yêu sách tám điểm của nhóm cách mạng Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles đòi tự do, bình đẳng cho dân An Nam là hoàn toàn dựa vào những tư tưởng chống "khai hóa văn minh" trên. Trong một áng văn khác, Nguyễn Ái Quốc cũng giễu cợt: "Trò khai hóa mới nực cười làm sao: để dạy cho người ta sống tốt hơn thì phải bắt đầu bằng việc giết họ!" 

Tóm lại, khi ngành Tuyên giáo đặt nhiệm vụ "khai hóa văn minh" cho dân, tôi hình dung có hai lý do: 1) Thiếu hiểu biết hay đã lãng quên lịch sử, chỉ thích dùng từ cho kêu, 2) Biết lịch sử đen tối của nó mà vẫn dùng một cách có ý thức để đề cao vai trò của cán bộ Tuyên giáo.

Lý do thứ nhất không chấp. Nhưng nếu là lý do thứ hai thì, một là ngành Tuyên giáo kiêu ngạo, kỳ thị, tự xem mình là "thượng đẳng", coi toàn dân là "hạ đẳng", "man di, mọi rợ" cần khai hóa văn minh; hai là ngành Tuyên giáo hiện nay phủ nhận vai trò cách mạng chống thực dân, giải phóng dân tộc của các bậc tiền bối cách mạng, xem 90 năm qua công tác tuyên giáo chưa có thành tựu gì hoặc là xem nhiệm vụ "khai hóa văn minh" của ngành Tuyên giáo như là tiếp tục chủ thuyết của Chủ nghĩa thực dân?

Nếu đúng như tôi phân tích thì ngành Tuyên giáo còn nợ dân một lời xin lỗi nữa. Đừng để dân tức giận vì sự kỳ thị, phân biệt văn minh với hoang dã, "thượng đẳng" với "man di, mọi rợ" mà nổi loạn lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lần nữa.

Tôi từng làm tuyên giáo trong quân đội, góp ý chân thành chứ không vì động cơ nào khác.

Chu Mộng Long





Không có nhận xét nào

Quảng Cáo