Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BỆNH THÀNH TÍCH SẼ PHÁ HỦY ĐỔI MỚI GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?

BỆNH THÀNH TÍCH SẼ PHÁ HỦY ĐỔI MỚI GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO? Sau 4 năm gắn bó với phổ thông, cùng lao động và chứng kiến lối học nhồi nhét ngày ...

BỆNH THÀNH TÍCH SẼ PHÁ HỦY ĐỔI MỚI GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?

Sau 4 năm gắn bó với phổ thông, cùng lao động và chứng kiến lối học nhồi nhét ngày đêm mà học sinh phải gánh chịu chỉ để đạt tới những con số thành tích nhằm đáp ứng cái cuộc đua phi lý của giáo dục VN từ cách tuyển sinh đến đánh giá chất lượng quản lý của người lớn (hiệu trưởng), tôi nhận thức rằng “không thể sống thế này mãi được” (lời nhân vật Ivanut – tác phầm “Người trong bao của Chekhov); và quyết định đổi mới.

Từ năm học vừa rồi (2019 -2020), chúng tôi chính thức áp dụng phương pháp đổi mới này cho toàn bộ môn văn, tất cả giáo viên và các khối lớp đều thực hiện. Cho đến kì thi TN này là vừa tròn 1 năm.

Việc đầu tiên là thiết kế chương trình mới, phương pháp mới sao cho học sinh trở thành chủ thể thật sự của hoạt động học. Các em được giao công việc từ trước, và lên lớp sẽ tự đóng vai trò gần như một người giáo viên đối với bài học ấy. Còn giáo viên lui xuống ghế cuối lớp để làm cố vấn khi sự thảo luận và tranh luận của học trò cần giúp đỡ.

Việc thứ 2 là chấm dứt dạy thêm. Dạy thêm là một vấn đề nan giải trong nhà trường Việt Nam. Sự tình này gây hao tài tốn của, đánh cắp hết thời gian của học sinh, gây nên gánh nặng tâm lý, và quan trọng là không mang lại hiệu quả gì đáng kể thật sự. Nó gây ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, đối phó; làm cho sự học không còn là hạnh phúc nữa, mà trở nên khổ cực.

Tất cả nhiệm vụ học tập chủ yếu chỉ tập trung vào 1 buổi học chính khóa. Dù là để phục vụ cho kỳ thi THPTQG thì vẫn không tiến hành “luyện thi” như tất cả các trường trên đất nước này đang làm. Các em cần được / phải tự học, trong đường lối của tư duy giải quyết vấn đề.

Chúng tôi muốn theo đuổi một tinh thần khai phóng thật sự trong giáo dục, để ở đó học sinh không phải chỉ thi để lấy điểm mà còn phải phát triển những phẩm chất và năng lực thật sự để làm hữu ích cho cuộc đời các em và cho xã hội. Đó là năng lực tư duy, năng lực biểu đạt (viết, nói), năng lực đối thoại văn hóa, bồi dưỡng mĩ cảm văn chương… Một tinh thần như thế sẽ là không đơn giản với áp lực điểm số và thành tích của GD hiện tại; vì thế chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều để không bị “thất bại” về thành tích, nhưng vẫn phải đạt được mục đích có tính lý tưởng trong triết lý giáo dục của mình.

Điều lo lắng nhất của chúng tôi là nếu không đạt được thành tích cao nhất tỉnh (tỉnh có 2 trường chuyên), thì sẽ phải trở về cách dạy – học như cũ. Trở về lối cũ là điều mà không một giáo viên và học sinh nào mong muốn, nếu không nói là “quá sợ hãi”.

Sáng nay có kết quả thi TN. Môn văn của chúng tôi đạt trung bình 7.06 điểm, đứng thứ 2 trong tỉnh. Cao nhất là 9.75 điểm. Nghĩa là với mục tiêu "nhất tỉnh" thì chúng tôi đã thất bại!

Không ai quan tâm tới việc học sinh đã học được gì, chúng đã vui vẻ và hạnh phúc ra sao, môn văn đã mang gì tới cho tâm hồn các em bằng tư tưởng và phương pháp dạy - học ấy. Thất bại. Thế thôi.

Các nhà quản lý giáo dục ở cấp cao nếu vẫn không quan tới một đường lối và phương pháp đánh giá chất lượng phù hợp hơn thì xin thưa, tất cả cái chương trình “Đổi mới căn bản toàn diện” của các ngài sẽ bị giết chết. Đó là tất yếu, không thể khác được.

Chương trình đổi mới mà chúng tôi tiến hành vừa đúng 1 năm qua thực chất là đi trước BDG một bước. Vì thế, chúng tôi có kinh nghiệm và nhìn thấu những vực thẳm, những núi cao mà chương trình của Bộ phải vượt qua. Giáo dục đổi mới, vì thế, cần một sự chuẩn bị lớp lang, toàn diện thì mới có thể hi vọng được về một sự thành công trong tương lai nhiều nỗ lực.

 TH. 27/8/2020

BỆNH THÀNH TÍCH SẼ PHÁ HỦY ĐỔI MỚI GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo