Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU DO ĐÂU?

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU DO ĐÂU? Bài này tôi giảng cho em bé lớp Ba. Vào mùa hè nóng bức, chiều chiều các em hãy nhìn lên phía núi. Các em có thấy g...

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU DO ĐÂU?

Bài này tôi giảng cho em bé lớp Ba.

Vào mùa hè nóng bức, chiều chiều các em hãy nhìn lên phía núi. Các em có thấy gì không? Có em nói nhìn thấy núi. Có em nói nhìn thấy mặt trời đỏ ối màu máu. Có em nói còn nhìn thấy thêm, nơi chân trời kia xao xác những cánh cò.

Không em nào nói còn nhìn thấy mây!

Tôi nói, thời thầy còn bé như các em, nhà thầy ở cách núi không xa. Khi ấy mùa hè đổ lửa vẫn dịu mát. Trong cái yên tĩnh của chiều tàn, vẳng nghe tiếng suối chảy róc rách. Lửng lơ giữa lưng chừng núi và trên bầu trời là những áng mây, xen vào đó những đàn chim thong dong về tổ.

Các em có biết mây từ đâu mà ra không? Từ hơi nước đấy. Hơi nước từ đất bốc lên. Khi hơi nước bốc lên đủ độ đậm đặc thì nó biến thành màu xám và đen kịt rồi đổ mưa.



Vậy thì cái gì đã giữ độ ẩm của đất? Hiển nhiên đó là cây. Rễ cây hút nước như các em uống nước hàng ngày để sống, Nó hút nước thì nó thải ra nước và nơi nào nhiều cây cổ thụ nơi đó có nhiều con suối. Cho nên khe suối lúc nào cũng có nước chảy róc rách. Các tán cây cổ thụ cũng có chức năng giữ và điều tiết nước, cho nên đất dưới các gốc cổ thụ luôn có độ ẩm ướt.

Lá cây còn có chức năng như cái máy điều hoà không khí. Rừng cây lọc chất độc và thải ra một lượng ô xy khổng lồ cho chúng ta hít thở.

Rễ cây còn có chức năng tạo nên sự cân bằng giữa độ cao và thấp để phần cao của núi không bị sạt lở. Nếu không có cây, những dãy núi khổng lồ kia đổ ập xuống đầu chúng ta bất cứ lúc nào.

Đó là lý do vào mùa hè chói chang, phía rừng núi vẫn xuất hiện những đám mây bao phủ và sau một thời gian nắng thì có mưa đổ xuống. Cùng với hơi ẩm và không khí toả ra từ những tán cây, ta luôn được sống trong không khí trong lành, dịu mát.

Bây giờ nhìn lên phía núi xa xa, các em không còn nhìn thấy những áng mây vì rừng bị tàn phá. Cây cổ thụ bị bứng đến tận gốc thì rừng bị khô, suối bị cạn nước. Đó là lý do thường xuyên bị cháy rừng. Mùa hè nhiệt độ tăng cao đến bất thường, không khí ngột ngạt khó thở vì lượng ôxy giảm đáng kể.

Vậy thì tại sao bây giờ vẫn có mưa, và mưa thì kéo dài và kéo theo lũ quét, sạt lở và ngập lụt gây chết người?

Là do mưa chỉ diễn ra khi nguồn nước từ biển bốc lên cao sau thời gian nắng nóng kéo dài. Lượng hơi nước ấy không phân bố đều như trước mà dồn về một điểm nào đó mà trút xuống một lần. Khi nước trút xuống một lần thì vùng đất bằng cũng thành biển. Không có gì giữ cân bằng thì núi lở và có ngày đổ sập xuống đầu chúng ta.

Ngày xưa cũng có lũ lụt nhưng theo chu kỳ. Mưa thì có chu kỳ đều đặn theo tuần theo tháng và theo mùa. Người dân căn cứ vào chu kỳ mà gieo trồng. Lũ lụt thì mang lại phù sa nuôi cây cỏ và tôm cá nuôi sống con người. Còn bây giờ lũ lụt bất thường gây ra mất mát tài sản và chết chóc đau thương. Kể cả đồng ruộng cũng bị tàn phá và không khí thêm ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan.

Trong một tương lai không xa, khi rừng bị tàn phá hết thì kết cục thế nào? Núi cao đổ xuống và san lấp hết chỗ trũng. Toàn bộ những gì chúng ta có được, từ nhà cửa, phố xá cho đến con người và động vật đều bị vùi lấp xuống tầng sâu. Nhiều cơn lũ liên tục sẽ quét hết những chất mùn ra biển, chỉ còn cát và đá. Và đó là lúc sa mạc xuất hiện. Nếu các em còn sống sót, liệu các em sống được trên sa mạc chăng?

Các em có hiểu bài không? 

Ai cũng hiểu, chỉ có kiểm lâm và lâm tặc thì không hiểu vì không ai dạy họ bài học tối thiểu đó. Nhưng các em lưu ý là những người ấy, nhất là kiểm lâm và những kẻ được giao trọng trách bảo vệ rừng, đều có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cả đấy!

Chu Mộng Long


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo