Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BỨC TRANH GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ

BỨC TRANH GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ Câu chuyện tôi kể dưới đây cho thấy, mặc dù chuyện bắt ép học sinh học thêm là rất phổ biến, mặc dù nhiều nhà qu...

BỨC TRANH GIÁO DỤC NƯỚC NHÀBỨC TRANH GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ

Câu chuyện tôi kể dưới đây cho thấy, mặc dù chuyện bắt ép học sinh học thêm là rất phổ biến, mặc dù nhiều nhà quản lí giáo dục luôn mượn cớ cải tiến, cải cách... để ra sách mới, mặc dù các nhà quản lí giáo dục khác luôn tìm cách bắt ép học sinh phải mua nhiều thứ vào mỗi đầu năm học, vẫn có các thầy cô giáo tâm huyết với học trò.

Cháu tôi học hơi chậm. Cháu học tại một trường ở quận 3. Học ở trường và học thêm tại nhà các thầy cô giáo không hiệu quả. Gia đình quyết định tìm cho cháu một thầy chuyên dạy cho các cháu mất căn bản. Thầy xác định cái cháu cần học, và tập trung vào một vài điểm chính. Cháu lấy lại căn bản và học khá dần lên.

Tuy nhiên, dù nhận thấy học thêm ở nhà các thầy cô là không hiệu quả, nhưng gia đình vẫn phải đóng tiền học thêm cho cháu, để cháu không bị đối xử không tốt ở trường. Đóng tiền nhưng không đi học, dành thời gian để học ở thầy đang cố gắng lấy căn bản cho cháu. Việc đóng tiền là tự nguyện của gia đình. Nhưng chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, đóng tiền mà không đi học, thì nhận những đồng tiền ấy sẽ thấy thế nào?

Thế rồi, gia đình cháu chuyển về Bình Tân, và cháu chuyển về trường An Lạc. Tôi không rõ khi ấy, đó là trường cấp I, II, III luôn, hay có 2 trường, một là cấp I, II, và 1 là Trung học phồ thông, cùng tên An Lạc. Khi ấy, Bình Tân mới vừa lên nội thành, nhưng về thực chất, nó vẫn mang dáng dấp của một miền quê. 

Ở trường An Lạc cũng vậy, các thầy các cô rất chân chất. Không ai dạy thêm cả, nếu có chỉ là phụ đạo học sinh ngay tại lớp. Không học sinh nào bị bắt ép phải đến nhà thầy cô để học thêm cả. Nghe nói, nhà các thầy cô đều được ngăn ra cho công nhân của những khu công nghiệp mới mở tại đó thuê. Các thầy cô không bị bức xúc về tiền bạc, cơm áo.

Nhưng không chỉ có thế. Các thầy cô còn tự bỏ tiền ra, giúp các cháu nghèo khó. Và cũng chẳng phải các thầy cô chỉ giúp khi bản thân họ có thể cho thuê nhà. 

Gia đình cháu tôi, thông qua các thầy cô, giúp cho một cháu có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sau này, cháu được gia đình cháu tôi giúp, và mẹ cháu ấy cho biết, các thầy cô ở trường An Lạc đã giúp cho họ từ khi cháu mới vô lớp 1 (năm đó cháu học lớp 8), và chị của cháu lớn hơn cháu 2 tuổi. Có nghĩa là họ giúp suốt cả chục năm ròng rã, ngay từ khi Bình Tân chưa được lên đô thị, chưa có các khu công nghiệp.

Nếu nói về các thầy cô luôn bắt ép học sinh phải học thêm, rồi trù ẻo những học sinh không chịu học thêm, mà không nói đến những thầy cô như những thầy cô ở trường An Lạc hồi đó, thì rất bất công. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tại sao lại có những thầy cô tốt sống giữa những thầy cô không tốt?

Có thể nói, nếu về những vùng nông thôn, hay những vùng sâu, vùng xa, chúng ta sẽ có điều kiện gặp những thầy cô giáo tốt hơn. Bản thân tôi, khi học cấp 1, cấp 2 ở miền Bắc, sơ tán qua hàng loạt trường, đều gặp các thầy cô rất tốt. Mấy ngày nay, đọc nhiều bài về nền giáo dục của miền Nam trước 1975, thấy nó rất ưu việt, rất giống với thời tôi học ở miền Bắc, dưới mưa bom của Mỹ.

Vấn đề là chế độ này không có cơ chế để người tốt có thể duy trì và phát huy sự tốt của mình, người xấu không bị chế tài. Và, quan trọng nhất, là đạo đức con người bị tha hóa. Thời nào thì cũng có người tốt, người xấu, nhưng thời nay, người xấu nắm quyền, khuynh đảo xã hội, và lũng đoạn giáo dục. 

Trong xã hội ngày nay, chuẩn mực giá trị của xã hội bị đảo lộn. Vật chất, hưởng thụ, bản năng, sự dối trá, lèo lá... được đề cao. Và con người ta, trong đó có cả các cán bộ cao cấp, rất cao cấp, các lãnh đạo của ngành giáo dục, và rất nhiều các thầy cô giáo, đã bị tha hóa, và chạy theo những chuẩn mực xã hội bị đảo lộn, biến thành những kẻ mà trước đây, ngay trong chiến tranh, người dân cả hai phía đều khinh bỉ.

Không khó để minh chứng những điều tôi vừa nói. Đó là những vụ nâng điểm xảy ra ở nhiều tỉnh vừa qua. Đó là những vụ thầy giáo mua dâm, cưỡng bức học sinh. Đó là việc rất nhiều cô giáo tố cáo phải đút lót tiền để được nhận vào dạy ở một tỉnh Tây nguyên. Các thầy cô giáo tốt đâu có thể tốt mãi được. Người thì bỏ nghề, kẻ thì "tự diễn biến" để phù hợp với bộ máy đã bị tha hóa. Những người tốt sẽ ngày càng trở nên cô độc, hoặc bị "khuất phục" dần dần. 

Ở những nơi nghèo khó, "ánh sáng" của tư tưởng đề cao các giá trị vật chất, hưởng thụ, bản năng, sự dối trá, lèo lá... chưa soi đến người dân, nên còn nhiều thầy cô giáo tốt. Ở những nơi đó, "ánh sáng" của những thứ dơ bẩn mới chiếu rọi đến cấp lãnh đạo, nên mới chỉ có con em của các cấp lãnh đạo, và tay chân của họ mới "tự nhiên bị nâng điểm", như ở Hà giang chẳng hạn.

Chừng nào những giá trị xã hội còn bị đảo lộn, chừng nào sự dối trá còn ngự trị, chừng nào còn những lãnh đạo vô lương tâm, vô liêm sỉ còn nắm quyền, thì các thầy cô giáo tốt sẽ ngày càng ít đi.


Bs Võ Xuân Sơn


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo