Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BÀI HÁT "VỌNG TIẾNG RAO KHUYA" CỦA NHẠC SĨ THÁI NGỌC SƠN.

BÀI HÁT "VỌNG TIẾNG RAO KHUYA" CỦA NHẠC SĨ THÁI NGỌC SƠN. Khuya. Mưa. Có tiếng sét đánh ngang trời và tiếng rao đêm của người phụ ...


BÀI HÁT "VỌNG TIẾNG RAO KHUYA" CỦA NHẠC SĨ THÁI NGỌC SƠN.

Khuya. Mưa. Có tiếng sét đánh ngang trời và tiếng rao đêm của người phụ nữ cô độc trên con đường vắng. Có người nghệ sĩ già ngồi nghe tiếng rao vọng về lại nhớ đến mẹ mình. Người càng có tuổi càng như trẻ con nhớ mẹ. Nước mắt chảy, ngậm ngùi thương mẹ bởi ngày xưa mẹ cũng là người bán hàng dạo ban đêm, đội mưa gió tảo tần nuôi con khôn lớn. Ký ức ngập tràn, nỗi nhớ đầy tuôn ra những dòng chữ, những nốt nhạc, những thanh âm.

"Ngoài trời mưa thấm lạnh, nghe tiếng ai rao vọng đêm  khuya, xuôi ngược qua hè phố.
Rong ruổi mời người mua, oằn vai gánh đau bằng chân không, lời rao trải dài.
Ôi tiếng rao, vang vọng não lòng, trong đêm vắng lạnh, vai sờn chân bước liêu xiêu.
Ơi hàng rong, não nề thâu đêm, quang gánh mặc bão giông, lê bước dài qua đường đời."(Lời bài hát)

Bài hát được hình thành từ những hoài niệm, từ nỗi nhớ không nguôi về người mẹ tần tảo nuôi con bằng gánh hàng đêm. Những giai điệu trầm buồn, những ca từ tha thiết viết lên tâm sự của người con. Giờ mẹ mất rồi, con cũng đã tóc bạc với sương gió thời gian, nhưng mẹ ơi! Tấm lòng bao la của mẹ, sự hi sinh của mẹ có bao giờ phai tàn trong nỗi nhớ.

"Ôi, kiếp gian nan, bước đời dãi dầu, Mẹ lam lũ nhiều gian truân.
Tần tảo nuôi con, mồ hôi thấm thân còng, ngày đêm gánh rong, lê bước hoà sương nhọc nhằn.
Mẹ tuổi hai gầy gánh cuộc đời các con, rong ruổi từng đêm dưới mưa.
Đèn mờ soi trong đêm, tiếng Mẹ rao khàn lời, vì con khổ trăm bề Mẹ ơi."

Mưa, khuya, tiếng rao đêm của hiện tại quyện lấy tiếng rao của mẹ từ ký ức làm người nghệ sĩ già trào nước mắt. Mẹ đã đi xa rồi, tiếng rao của ai đó lại vang vọng về trong đêm. Con buồn vì nhớ mẹ, con buồn vì đã để mẹ tần tảo sớm hôm, giờ con muốn cầm tay mẹ, muốn được chăm sóc me cũng không được nữa. Con nhớ như in dáng còm cõi của mẹ, nỗi nhớ không thể tàn phai nỗi chịu đựng trên vai gầy của mẹ. Tiếng rao khuya gợi lại nhiều điều nằm trong quá khứ, chợt trỗi dậy trong con. Năm tháng càng chất chồng, con càng thương mẹ, thương cái dáng bơ vơ của mẹ cất tiếng rao khuya giữa gió mưa. Mưa vẫn đang rơi, nỗi buồn vẫn còn đó, mẹ ơi!

"Mẹ bụi sương sớm chiều, quang gánh trên vai đời ngược xuôi, qua thời gian còm cõi.
Cay đắng chẳng lời than, oằn vai đau đội mưa nắng, Mẹ không nản lòng.
Ôi tiếng rao, rao tận hẻm sâu, mưa khuya giá lạnh, vai gầy chân bước liêu xiêu.
Ơi Mẹ ơi, Não nề thâu đêm , Mẹ vơi đầy tiếng rao, năm tháng vì con vào đời.

Bài hát VỌNG TIẾNG RAO KHUYA của nhạc sĩ lão thành Thái Ngọc Sơn ra đời trong hoàn cảnh ấy. Đó là tâm trạng của một ông lão 86 tuổi đời nhớ về mẹ. Nghe xót xa, tha thiết làm sao. Có lẽ khi viết bài hát này, những giọt lệ già nua đã chảy ướt trên trang giấy. Và chính cảm xúc rất thật ấy đã khiến bài hát đi vào lòng người, gợi cho người nghe nghĩ về mẹ già của mình, còn đó hay đã khuất bóng, khiến cho người nghe cùng thổn thức và khóc cùng với tác giả. Được viết với điệu Boléro, chậm buồn, da diết phù hợp với ca từ nên đi thẳng vào lòng người.

Bài hát được ca sĩ đã tuổi cổ lai hy thể hiện. Đấy là ca sĩ Thuỳ Lan, hiện nay là diễn viên lồng tiếng nhiều tuổi nhất của phim ảnh Sài Gòn. Khi hát bài này, chị không đặt nặng và phô diễn kỹ thuật. Chị hát như hơi thở, hát như một lời tâm sự, hát như là nỗi nhớ về một ký ức đã qua đi đêm nay lại về khi vọng tiếng rao khuya. Có những đoạn giọng trầm xuống, khàn đi khiến người nghe thấy uất nghẹn trong lòng. Có những chữ giọng vút lên nỗi khắc khoải của tâm trạng. Đôi khi chẳng cần nhiều kỹ thuật, bài hát đi được vào hồn người bằng diễn cảm chân thật, bằng sự giản dị của nghệ thuật, đơn sơ mà đầy ắp sự rung cảm. Người ca sĩ chỉ mong đạt được thế và người nghe cũng chỉ cần thấy tim mình xốn xang, lòng mình tràn ngập cảm xúc, lúc đó người nghệ sĩ đã thành công. Cái hồn trong giọng hát mới là điều quan trọng, chuyên chở được cái hồn ấy trong cách nhả chữ, ngân nga, luyến láy là một việc làm không dễ. Do vậy, người ca sĩ phải thấm từng câu, ngấm từng chữ của người nhạc sĩ để trở thành kẻ đồng hành trong tác phẩm. Nghệ sĩ Thuỳ Lan đã làm được điều đó khi cất tiếng hát bài Vọng tiếng rao khuya. Có thể sẽ có nhiều ca sĩ giọng đẹp hơn, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện hơn nhưng chắc khó có người chuyên chở được nỗi lòng của nhạc sĩ bằng nghệ sĩ Thuỳ Lan. Người nghe sẽ có những giọt nước mắt, sẽ nhớ về kỷ niệm một thời không còn nữa với người mẹ thân yêu. Âm thanh, tiếng nhạc, lời ca sẽ tìm thấy sự đồng cảm giữa người nhạc sĩ sáng tác, người ca sĩ thể hiện và người thưởng thức. Được như thế đã là niềm hạnh phúc của những người nghệ sĩ.

MV VỌNG TIẾNG RAO KHUYA được dàn dựng bằng những hình ảnh gây xúc động. Hình ảnh người con đã lớn, tuổi đã già ngồi trong đêm, nghe tiếng mưa hoà tiếng rao và tiếng sét và nhớ đến nỗi nhọc nhằn ngày xưa của mẹ mình. Tiếng hát cất lên từ nỗi nhớ, từ tâm sự. Đến hình ảnh và mẹ từ thời son trẻ dắt con đi trên phố vắng bán hàng rong rồi qua cảnh mẹ già đi bán dưới mưa. Âm thanh song hành với hình ảnh tạo được những xúc cảm. Ánh sáng u trầm cũng khiến cho đoạn phim mang nét buồn, u uất. Hình ảnh bà mẹ ngã xuống giữa cơn mưa, trong ánh chớp và tiếng kêu xé lòng mẹ ơi, mẹ ơi ở cuối bài làm cho bao con tim thắt lại.

Dù có danh lợi bao nhiêu, tài sản có lớn bao nhiêu, địa vị có cao sang bao nhiêu cũng không bằng được còn có mẹ trên đời. Mẹ ơi!
29.1.2021
DODUYNGOC
#NHACDODUYNGOC


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo