Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT THỊ UY ĐẦU NĂM

Tả Quân Lê Văn Duyệt thị uy đầu năm   Đọc lịch sử ,ai cũng biết Khâm sai Chưởng Tả quân Đô thống  phủ sự Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một võ...

Tả Quân Lê Văn Duyệt thị uy đầu năm

Tả Quân Lê Văn Duyệt thị uy đầu năm
 
Đọc lịch sử ,ai cũng biết Khâm sai Chưởng Tả quân Đô thống  phủ sự Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một võ tướng uy lẫm nổi tiếng của vua Gia Long ,ông quan võ này trăm trận trăm thắng 

Khâm Sai Chưởng Tả Quân Quận Công Lê Văn Duyệt có 2 lần làm Tổng Trấn Gia Định.Lần thứ nhứt từ năm 1812 đến 1815, lần thứ hai từ năm 1820 đến 1832

Từ năm 1779, phủ Gia Định bao gồm các dinh:

-Dinh Phiên trấn (Sài Gòn)
-Dinh Trấn Biên (Biên Hòa)
-Dinh Trường Đồn (Định Tường)
-Dinh Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang)
-Trấn Hà Tiên

Khái niệm Tổng trấn Thành Gia Định ( Tổng trấn Gia Định Thành) là một chức quan vào thời Nguyễn chỉ có từ năm Gia Long thứ 7 năm 1808 đến 1832, thay mặt vua trông coi toàn Miền Nam gồm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Thanh (sau được tách thành Vĩnh Long và An Giang) và Hà Tiên

Như vậy Gia Định bao gồm hết thảy các tỉnh Miền Nam từ Bình Thuận đến Cà Mau, tức là toàn bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh sau này nên quan Tổng Trấn Gia Định chẳng khác gì tiểu vương hay Thống Đốc Nam Kỳ thời Pháp thuộc

Gia Định thành mà một xứ tự trị tự do bán buôn và tự do  tôn giáo . Tả quân Tổng Trấn Lê Văn Duyệt là người đặc biệt,ông không xét đạo ,cố đạo đi đầy đường trong xứ của ông

Khi về làm Tổng Trấn Gia Định thành thì Tả Quân nổi tiếng thanh liêm,coi trọng ngoại thương,siêng luyện binh và rất nghiêm khắc trị an

Tuy nhiên ông rất ít chữ,giỏi đá gà,thích cầm cầu hát bội chứ không làm bài thơ,viết một đoạn văn nào

Vì Đồng Nai Cửu Long là đất mới ,dân còn thưa thớt mà láng giềng Xiêm La luôn dòm ngó,Tổng Trấn Gia Định có nhiệm vụ trị an cả vùng,chống lưng cho vua Cam Bốt,bảo hộ luôn Cam Bốt nữa 

Gia Định có nhiều vị Tổng Trấn nhưng các vị kia thì tà tà không có gì đặc biệt,vua Minh Mạng hay khen Tổng Trấn Nguyễn Huỳnh Đức vì ông này tà tà và rất kính cẩn với triều đình  Huế .Tuy nhiên sự nghiệp Nguyễn Huỳnh Đức thì chẳng có gì nổi bật ở quản lý và phát triển kinh tế cho Miền Nam 

Ông Lê Văn Duyệt nổi bật nhứt ,ông có công xây dựng Miền Nam trù phú ,dân tình ấm no, an ninh vững chắc ,Miền Nam được hòa bình thịnh vượng, trong một xã hội trật tự nhưng cởi mở, tiến bộ và có sự nhân bản tràn trề 

Tả Quân Lê Văn Duyệt là tướng có sát khí ,khi hành quân các tướng sĩ và các quan không dám ngước mắt lên mà ngó ông 

Quân sự ông giỏi mà kinh tế ,làm công trìnhđào kinh xẻ rạch ,an dân ,nhân tâm ông cũng giỏi luôn 

Tả Quân sanh thời quan tâm tới cô nhi quả phụ ,ông đã thành lập hai cơ quan từ thiện "Anh hài" để rèn luyện võ nghệ cho trẻ thích việc kiếm cung và "Giáo dưỡng" để cho những trẻ cô nhi khác và quả phụ học văn chương, nghề nghiệp từ nhỏ,một dạng trường Thiếu Sinh Quân,Quốc Gia Nghĩa Tử vậy 

Tương truyền, Tả quân lúc bấy giờ rất uy quyền, lòng người ai cũng kính phục, gọi ông là Ông Lớn Thượng, là Thượng Công. Đương thời, các nước lân cận đều sợ oai phong của ông nên ông còn có biệt danh khác là Cọp Gấm Đồng Nai

Miền Nam dưới quyền ông Duyệt là đất tự do truyền đạo,tự do buôn bán và sanh sống 

Sử kể,mỗi khi sứ thần Việt Nam qua các nước xung quanh thì  vua nước đó đểu hỏi thăm quan Tổng Trấn họ Lê có khỏe không 

"Gia Định này thật có phước mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. 

Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang

Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt

Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui, trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, Kinh Thành, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố. Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách."(Trích lời quan Phan Thanh Giản) 

Lê Văn Duyệt chữ nghĩa rất ít,tánh nóng nhưng có tầm nhìn,biết thương dân,ông sống chan hòa ,có cách nhìn mở kiểu người Nam ,ông lại làm quan thanh liêm và rất ghét tham nhũng nên Miền Nam vượt bậc phát triển 

Choi Byung-wooktrong cuốn sách "Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841)" nhận định trong số ba vị tổng trấn Gia Định thành: Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Văn Duyệt thì Lê Văn Duyệt nổi bật hơn hết,trở thành một trong những quan lại có ảnh hưởng nhứt trong triều đình Huế

Sanh thời Tả Quân có lập ba đội lính "Hồi Lương" (An Thuận, Thanh Thuận, và Bắc Thuận) gồm toàn dân Bắc Kỳ gốc nổi loạn mà Tả Quân thâu phục được trong những cuộc tiểu trừ, ba đội lính này đóng ở Gia Định,sau là Định Tường 

Tả Quân rèn luyện quân đội Gia Định rất nghiêm,thường xuyên tập luyện 

Năm Đinh Dậu 1777 chúa Nguyễn Ánh lấy lại đất Sài  Gòn, năm 1790 (Canh Tuất) đắp thành bát quái (Thành Quy) trên gò cao thôn Tân Khai, tổng Bình Dương đặt  là Gia Định kinh

Năm Tân Dậu 1801, binh Nguyễn giải phóng thành Phú Xuân (Huế),từ giai đoạn này Gia Định Kinh hết vai trò kinh đô và nó là thành của quan Tổng Trấn  Gia Định trấn thủ toàn Miền Nam 
Tả Quân Lê Văn Duyệt  đã đào hào sâu thêm,đôn  vách thành lên cao 1 thước 5 tấc dùng toàn đá ong kiên cố 

Theo lệ,vua Cam Bốt Tết nào cũng phải qua Gia Định làm lễ đầu năm với vua Nguyễn 

Vào ba mươi Tết, vua Cam Bốt sẽ có mặt tại Gia Định để đầu canh năm ngày Mùng 1 cùng Tả Quân Tổng Trấn lên tòa Vọng Cung hành lễ  đầu năm với vua Nguyễn,họ sẽ quay mặt về hướng Huế mà quỳ lạy 

(Canh năm bắt đầu vào 3 giờ sáng và kết thúc lúc 5 giờ )

Nếu vua Cam Bốt đi trễ,đầu canh năm không có mặt,không mang lễ vật đúng giờ thì Tả Quân phạt vua Cam Bốt ba ngàn lượng bạc mới cho về nước

Trong "Sài Gòn năm xưa" ông Vương Hồng Sển chép một đoạn về lễ tập trận đầu năm của Tả Quân như sau:

"... cứ ngày mùng sáu tháng Giêng, thì Tả quân làm lễ “xuất binh”(muốn gọi “ra binh”, “hành binh” đều được)

Dịp này, người ta ra lệnh đòi hêt các cơ binh đóng ở “Lục Tỉnh” để Người (Tả quân) duyệt nơi Đồng Tập trận cũng gọi “Mô Súng” sau này mới gọi là Mã Ngụy"  (Hết trích dẫn)

Tuy nhiên  “Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs” của Petrus Trương Vĩnh Ký lại nói là và ngày 16 Tháng Giêng (AL) 

Từ sáng sớm Lê Tổng Trấn sau thời gian chay tịnh cùng đoàn tùy tùng đến Hành Cung bái vua ,rồi ba phát súng thần công nổ vang lên,ông lên kiệu đi hàng đầu có lính mở đường và hàng lính hộ tống phía sau đi ra khỏi thành, ngang qua Gia Định môn và Phan Yên môn đi đến cạnh Chợ Vải (Khu chợ Cũ),sau đó đi lên con lộ (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để lên các gò cao gọi là mô súng

Mô súng là các gò cao đặt thần công ,đại bác ,các khẩu súng đồng loạt khai hỏa ,lính duyệt binh, có voi tập trận

Sau đó ông Tổng trấn đi vòng ra phía sau thành tới xưởng thủy để xem một trận chiến giả, rồi trở về thành

Trong suốt cuộc rước binh đó, dân chúng bày bàn hương án rước,và gây tiếng động trong nhà như đánh mỏ,đánh trống đốt pháo xua đuổi tà thần có thể ếm hại gia đình

Khu vựa tập trận đó kêu là Đồng Tập Trận , Mô Súng, là Mả Ngụy (hay Mả Biền Tru) là khu vực ngã sáu Dân Chủ ngày nay 

Lễ này diễn ra đầu năm để trừ tà và cũng để thị oai với các nước lân bang,cũng là trị an tâm lý vỗ an dân tâm vì thuở ấy dân Nam Kỳ chất phác vẫn tin tưởng quỷ thần và hiểu rằng đàu năm có diễn oai lực binh quân làm vậy thì trong xứ suốt năm dân sẽ được bình an vô sự, bởi tà ma quỷ quái đều khiếp sợ oai võ của Tả Quân

Tả quân Lê Văn Duyệt cai quản Gia Định thành công vượt bậc với tư thế của một người Miền  Nam 

Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất khi đang tại chức luc 2 h sáng thứ 3 ngày 15 tháng 8 năm 1832 (AL là 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn ) 

Cuốn” Điếu cổ hạ kim thi tập” của Nguyễn Liên Phong viết năm 1915, trang 27, ghi rằng:

"Ngài (Lê Văn Duyệt), tuy đau sơ sịa, song biết mình đại mạng dĩ định, bèn trối với Đỗ phu nhơn, nhưng cùng các tướng sĩ bộ hạ thì trối sơ vài lời vậy thôi

Bước qua ngày ba mươi, tháng Bảy năm Nhâm Thìn (1832) ước chừng hai giờ khuya (giờ Sửu); ngài tắt hơi, thọ bảy mươi, hiện nay ngày mồng một tháng tám là ngày kỵ

Lúc tắt hơi, thì bốn phía Xóm Chợ Đũi và nội làng Xuân Hòa, các quân lính đều ngó thấy sáng rực một đường dài lớn như cây lụa điều từ trong dinh bay xẹt ra, bay chậm chậm rồi phăng phăng bay lên hoài, trực chỉ mặt trời lặn hồi lâu biến mất. "

Ðến ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832) Tả Quân Lê Văn Duyệt mất thì triều đình Huế của vua Minh Mạng ra tay "dẹp" tánh tự trị của Nam Kỳ ,bắt đầu đánh vào những thuộc cấp và cá nhân Tả Quân 

Vì vậy mới có vụ binh biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi nổ ra và kéo dài từ năm 1833 tới năm 1835 

Và rồi triều đình hạ thành Gia Định 

Cả thảy 1.831 người trong thành đều bị chém đầu và vùi xác chung trong một hố ở Đồng Tập Trận gọi là Mả Ngụy-Mả Biền Tru

Mâu thuẩn và hình phạt tàn khốc của vua Minh Mạng với Tả Quân Lê Văn Duyệt mấu chốt là từ quyền lợi mà ra 

Là quyền lợi vùng miền,Huế muốn Nam Kỳ phải nằm chiếu dưới hoàn toàn trong khi Nam Kỳ giúp Nguyễn trung hưng và có vị thế "quá mở" 

Minh Mạng là một ông vua thông minh, hết lòng lo việc nước. Nhưng, cũng là một ông vua chuyên chế,một người có uy quyền mà ít độ lượng với lão thần 

Chúng ta không dám kể tội vua Minh Mạng ,cũng không dám lên án vua 

Với lão thần đã qua đời mà vua Minh Mạng hạ nhục nào là hoạn quan,lại cái này nọ,rồi lại hài tội và trừng phạt Đức Tả Quân bằng cách đục bia,san bằng mả,xiềng xích chứng tỏ ông vua này giận quá mất khôn 

Chánh trị đôi lúc đơn giản là lòng người,ý dân .Thành ra cái bia đá viết “chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp” là một vết xấu của chính cuộc đời của vua Minh Mạng 

Con cháu vua Minh Mạng nhận ra sự thất nhơn tâm đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới triều đình nên năm 1841 vua Thiệu Trị cho xoá bỏ xiềng và đắp lại mộ của Lê Văn Duyệt. 

Năm 1848 Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Tự Đức xin minh oan cho Lê Văn Duyệt. Vua Tự Đức ban chiếu rửa sạch tội lỗi và truy phục nguyên tước, hàm cho Lê Văn Duyệt như cũ 

Cái án vua ban trừng phạt đó càng làm Tả Quân nổi tiếng và linh thiêng hơn trong mắt dân Miền Nam 

Phàm những vụ án mà dân không ưa,chống đối sẽ sanh ra giai thoại ,tỷ như đêm xuống khu mả bị xiềng đó có tiếng ma tru quỷ khóc, tiếng quân reo ngựa hí hành quân rầm rộ đi. Dân quanh vùng ban đêm không ai dám đến gần, người đi qua đường phải lánh xa chỗ ấy vì không khí ở đây âm u rùng rợn

Và Tả Quân thành Phước Thần Gia Định,khu lăng mộ ông thành một biểu tượng tâm linh trong lòng dân Gia Định ,linh thiêng có tiếng 

Trong lịch sử VN có ông quan nào được như ông?

Vong hồn tiền nhân Sài Gòn linh thiêng nhứt là Tả Quân Lê Văn Duyệt. Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Sài Gòn xây lăng mộ ông lớn nhứt, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhứt để khấn nguyện xin ông phò hộ

Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sài Gòn thứ thiệt thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để cúng bái, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt trong lúc chờ người yêu làm một quẻ xin xăm

"Lăng Ông", "Vườn Ông Thượng", không cần phải kể tên, người ta cũng biết "ông" là ai

Cái oai, cái vía của ông Tả Quân Tổng Trấn vẫn còn tồn tại mãi mãi trong lòng người dân Sài Gòn và đã trở thành bất tử, mặc dầu ông mất từ lâu lắm rồi

Tuy Sài Gòn ngày nay bị đổi tên, nhưng đối với người dân Sài Gòn thì ông Lê Văn Duyệt vẫn được tôn kính bực nhứt vì ông đã xả thân đem lại lợi ích ,quyền lợi cho xứ này

Lăng Ông Bà Chiểu khói nhang nghi ngút là vậy.


Theo: Nguyễn Gia Việt

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo