Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TẬN CÙNG CỦA BẦN CÙNG THỜI BAO CẤP SAU 1975

TẬN CÙNG CỦA BẦN CÙNG THỜI BAO CẤP SAU 1975 Trần Khắc Tường Ngành nghề sau ngày ấy    Sài Gòn đói! Người Sài Gòn phải lao vào tìm kế mưu sin...

TẬN CÙNG CỦA BẦN CÙNG THỜI BAO CẤP SAU 1975

TẬN CÙNG CỦA BẦN CÙNG THỜI BAO CẤP SAU 1975
Trần Khắc Tường

Ngành nghề sau ngày ấy 
 
Sài Gòn đói!

Người Sài Gòn phải lao vào tìm kế mưu sinh.

Vốn tháo vát, họ làm đủ các “nghề”. Có những nghề rất trời-ơi-đất-hỡi, mà không ai có thể nghĩ tới, cho đến nay các “nghề” nầy vẫn còn đọng lại trong ký ức, những tháng năm thăng trầm nghiệt ngã của người Sài Gòn xưa, mà nếu có kể lại cho lớp trẻ sau này, chắc chúng cũng nghi ngờ!

-/Bơm mực bút bi:

Người “hành nghề” bỏ tất cả đồ nghề gồm: ống tiêm, cồn tẩy mực, mực bút bi, đầu bi, ống ruột viết… vào một hộp nhỏ, đặt lên xe đạp đi rảo khắp hang cùng ngõ hẻm rao (cũng có người đặt bàn cố định một chỗ).

Cây bút bi khi hết mực, sẽ được rửa sạch ruột, nếu đầu bi hư sẽ thay đầu khác, rồi bơm mực vào ruột viết bằng kim tiêm để dùng tiếp.

Xài bút phục hồi nầy, nguy cơ mực chảy ra áo khá cao và khi viết, mực ra không đều khiến chữ viết tèm lem!

Những người “hành nghề” bơm bút bi thường kiêm luôn bơm dầu (chiếc dầu từ chai lớn vào chai nhỏ) và bơm ga hộp quẹt.

-/”Buôn lậu”:

Do thời bao cấp ngăn sông cấm chợ,các mặt hàng tiêu dùng đều do Nhà Nước quản lý, nên nhiều người lao vào “buôn lậu” (đem hàng hóa từ nơi có giá thấp đến chỗ có giá cao) để kiếm đồng lời trang trải cuộc sống. Họ buôn gạo, thịt, tôm, cá.. từ miền Tây lên, rau cải từ Đà Lạt về hoặc than, củi miệt Long Khánh xuống v.v… Qua trót lọt hết các trạm kiểm soát thì có đồng lời kha khá, còn nếu bị “sạt hàng” thì banh vốn! phải đi vay mượn để buôn tiếp, vì:

         – Bần cùng sanh đao tặc

           Không làm lấy con..c..gì ăn!

-/Chợ trời:

“Nghề” nầy lạ, chẳng cần hàng quán hay hàng hóa gì cả, chỉ tành tành quanh chợ trời, hút thuốc, uống cà phê, tán dóc.. nhưng cặp mắt láo liên, coi có ai ghé vào, họ liền sáp lại hỏi: mua gì? bán gì? “nghề” nầy cần biết các mặt hàng khan hiếm ở đâu trên thị trường chợ đen, mà nhiều thứ thời bao cấp khan hiếm lắm. Nếu “trúng mánh”cũng sống được vài ngày hoặc cả tuần.

-/Lộn sên xe:

Chủ yếu là sên xe đạp và xe gắn máy. Khi sên xe đã dãn, chạy nghe rột rẹt, người ta đem đi lộn lại. “Thợ” sẽ đục ra từng mắc sên, lộn các phần trong ra ngoài để tận dụng sên, xử dụng được thêm một thời gian. Đến lúc dãn lần thứ hai sẽ gởi vào gánh “ve chai lông vịt”.

-/Móc bọc:

“nghề” nầy đã có từ xưa, trong Nam gọi là “ve chai lông vịt” nhưng đến thời bao cấp thì phát triển hơn.Người “hành nghề” chỉ cần một thanh sắt uốn móc một đầu, một cái túi và một tinh thần “chịu dơ-chịu khó”, họ lùng sục các bãi rác đầu đường xó chợ, “móc” tuốc luốc các thứ có thể bán được cho các vựa ve chai như: đồ mủ, cao su, nhựa plastic, ve chai, sắt vụn, đồng nát, lông vịt, các đồ hư trong gia đình…

Từ “nghề móc bọc” để chỉ “nghề” tận cùng dưới đáy xã hội!

-/Xe than:

Lúc bấy giờ xăng dầu khan hiếm, giới xe đò và các garage cố gắng “cải tiến”(hay cải lùi!?) xe chạy xăng dầu bằng nhiên liệu than. Một lò đốt than được gắn sau xe, dùng nhiệt năng của than bị đốt thành động năng cho xe chạy.

Trên đường đi, loại xe nầy thỉnh thoảng văng cục than cháy dở xuống đường là chuyện bình thường, người đi đường vô ý cán nhầm thì ráng chịu, chứ than vãn với ai.

Và còn nhiều, rất nhiều “nghề” nữa, nhưng:

        Hồi đó chưa kịp ghi

        Bây giờ không nhớ hết.

Xin mời các bạn bổ sung thêm

TRẦN KHẮC TƯỜNG

THẦY VÀ TRÒ
Đêm trước đổi mới.

 Thầy vừa chủ nhiệm vừa dạy chúng tôi suốt ba năm trung học. Trước năm 1975, thầy học cao học tại Đại học Khoa học Sài Gòn trước khi dừng chân ở thị xã bình lặng này.
Vào đầu năm học lớp 10, bọn tôi, không nhỏ mà chưa lớn, vẫn duy trì các thói quen nghịch phá một cách ồn ào, vô tâm. Những màn múa dẻo tập thể khi thầy cô quay lưng đi lên bảng, những pha leo tọt lên laphông - vốn đã lủng lỗ chỗ, rồi thò chân xuống... vẫn chưa thỏa trí óc phá phách của chúng tôi. Có bạn còn lấy đồng hồ bí mật rọi bóng nắng lên tay khi thầy viết bảng để ánh sáng khiêu vũ cùng Volta, Ampere và cùng... chiều thứ tư thời gian. Có lần bọn tôi còn đốt lá khô, đốt nhựa và thổi khói vào lớp. Để làm gì nhỉ? Thật là quá quắt!...
Một hôm, tôi gục mặt xuống bàn đọc ngấu nghiến, trên bàn là vài ba cuốn Tiếu ngạo giang hồ. Thầy nhẹ nhàng xuống gần và hỏi: ”Em đọc gì đó?”. Tôi cầm lấy cuốn sách dưới gầm bàn đưa cho thầy. Đó chính là cuốn sách giáo khoa mà thầy đang giảng. Lần này thầy không véo, không bợp tai mà chỉ buồn buồn nói: ”Em làm vậy được à?” và lặng lẽ lên bảng giảng bài tiếp.
Những năm tháng vô tư đó rồi cũng phải chứng kiến cuộc sống ngày càng khó khăn. Thầy trò chúng tôi hầu như ai cũng phải tìm phương kế sống. Có thầy cô kiếm ruộng làm nông, có thầy đi hớt tóc dạo, đi làm thêm ở các nhà máy nước đá, nhà máy xay xát... Bạn bè tôi cắp tráp bán thuốc, bán xăng trộm ngoài khu vực công viên Bạch Đằng cũng có hàng chục. Dạo ấy việc chạy hàng lậu đi Cần Thơ, Bạc Liêu rất có ăn, chỉ đơn giản là mang hàng từ nơi sẵn đến nơi thiếu và bán lại.
Tôi cũng gia nhập nhóm tiểu thương đi bỏ hàng các nơi. Có những hôm 3-4g sáng tôi khởi hành từ bến xe Gồi hay bến xe Hồ Nước Ngọt, nhập vai Rhet Buttler vượt phong tỏa các trạm này. Tôi ôm một cặp sách thật to bên trong chứa khi thì vải, khi thì sữa rồi vờ phô ra cái áo học sinh cùng phù hiệu lúc Hoàng Diệu, lúc Trung học Phú Tâm. Khi qua khỏi trạm thuế khoảng 2-3 cây số, tôi chuyển hàng này cho chị tôi cùng đi trên xe, rồi xuống xe đi bộ ngược về thị xã, trong bộ áo của một người đi thăm ruộng, lúc này có khi chỉ mới 5g sáng.
Có một lần khi đã xong việc, tôi xuống xe tại cây cổ thụ Sóc Vồ vào khoảng 5g và đi về thị xã thì chợt thấy một bóng người quen quen đang đi phía trước. Nhanh chân bước vội, tôi mau chóng nhận ra đó chính là thầy. “Em đi đâu giờ này?”. “Dạ, em đi đánh hàng, còn...?”. Thầy tôi chỉ ngón tay ra sau đầy ngụ ý: “Thầy làm hàng quần áo”. Thầy trò cùng lặng lẽ rảo bước về hướng thị xã.
Kể từ ngày đó, giữa tôi với thầy có một mối giao cảm đặc biệt mà các bạn cùng lớp không thể nhận ra. Tôi trầm lặng và chú tâm vào bài vở nhiều hơn.
Những tháng cuối cùng của năm lớp 12, vào một buổi sáng như thường lệ, xe bị chặn lại khi tôi đang trên đường đi lấy hàng. Và lần này thầy bị phát hiện. Tôi lẫn trong đám hành khách cùng bước xuống và tìm cách nhìn thầy để động viên.
“Hàng tôm này của ai? Của bà hả? Tịch thu”.
“Bao gạo này của ông hả? Đóng thuế 50%. Không có tiền thì cút, nhé!”.
Căng thẳng gia tăng. Tiếng năn nỉ ỉ ôi vang lên. Đó đây có tiếng thút thít và có cả tiếng chửi đổng...
“Bao hàng này của ai?”.
Tôi thấy thầy bước tới và khẽ gật đầu: ”Của tôi. Anh cho tôi đóng thuế”.
Tay thuế vụ định thần một lúc, sững người rồi lên giọng: “Thầy giáo mà đi buôn lậu quần xà lỏn à? Tịch thu cho tởn mà ở nhà nhé! Biến! Thầy bà trung học... gì mà...”.
Lúc đó tôi đã đứng sát bên thầy, đã cảm thấy hơi thở gấp của thầy! Tôi rút cây cọc rào bằng gỗ đước lên khỏi đất mà cảm thấy nhẹ tênh, sức nóng bừng bừng từ hai mang tai phả xuống đôi tay, sẵn sàng ra sao thì ra. Đột nhiên một bàn tay cứng rắn nắm lấy cổ tay cầm cọc của tôi và ấn xuống. Tôi quay lại thì thấy thầy nhìn mình thật nghiêm: ”Bỏ đi em, mình về...”.
Lồng ngực quá nhỏ bé không chứa nổi uất nghẹn... Thầy quay đi, tránh nhìn tôi đã chực trào nước mắt.
Chén cơm thuở giao thời chát vị đắng thay bậc đổi ngôi và thức tỉnh những thiếu niên vẫn luẩn quẩn với trường lớp, với nô đùa bông lơn... Với sự bình tĩnh và quyết đoán để cứu lấy đứa học trò toan lấy sự vô lý chống lại sự vô lý, thầy đã bước qua được sự miệt thị của cuộc mưu sinh, cũng nhẹ nhàng như bước qua những trò đùa tinh quái của đám học trò quậy phá.
Thoáng chốc mà đã ba mươi năm trôi qua. Thầy đã nghỉ hưu và vẫn im lặng mỉm cười mỗi dịp lễ, tết về, vẫn như không nhớ nhiều về thời gian lạ lùng và những tên “nghịch đồ” ngày trước. Tôi thấy thầy vẫn khắc khổ, từ tâm như một hiền triết cùng nụ cười an nhiên và bình tâm, như thể chưa hề đi qua những nẻo đường định mệnh gian khổ.
Tôi mong làm sao được một lần quay lại lớp học, trần lủng, tường xiêu và khét lẹt mùi vỏ xe cao su năm cũ để nghe thầy nói về thế giới, về không gian, về thời gian như không cùng tận. Và để cho ánh sáng lại nhảy múa lung linh trên từng dòng phấn trắng bảng đen, trên bàn tay thầy bao dung mà vô cùng mạnh mẽ, đầy ắp yêu thương cuộc đời...

TRẦN GIA TÔN

1 nhận xét

  1. Cám ơn tác giả , nhắc nhở những năm dài tăm tối , lũ ngu ngục hụp lặn trong cuồng si ....đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội'
    Đọc mà rùng mình , ngỡ như chuyện hôm qua !!!

    Trả lờiXóa

Quảng Cáo