Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LY CÓ YÊU NHAU KHÔNG?

TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LY CÓ YÊU NHAU KHÔNG?  Mười giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, một chiếc ca nô lao hết tốc lực từ cảng Sài Gòn về...

TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LY CÓ YÊU NHAU KHÔNG?

TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LY CÓ YÊU NHAU KHÔNG? 

Mười giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, một chiếc ca nô lao hết tốc lực từ cảng Sài Gòn về phía Vũng Tàu trong tiếng pháo và đại bác. Chiếc ca nô ấy chở gần 20 người, chủ yếu phụ nữ và trẻ em. Tất cả đều hoang mang: “Cộng sản vào chưa?”. Đường bộ Sài Gòn – Vũng Tàu khi ấy đã bị cắt. Hai bên sông là những cột khói đen, chiếc ca nô ra tới biển Bà Rịa tầm mười một giờ trưa, hòa vào một quần thể thuyền to, thuyền nhỏ, đích đến là những chiến hạm lớn của Mỹ ở ngoài khơi.

Chiếc ca nô kể trên hướng về một tàu chở hàng của Mỹ tên là Miler. Chiếc Miler có sức chứa 1.500 người, nay phải lèn đến gần 7.000 người. Trong 7.000 con người ấy có một phụ nữ 29 tuổi, da ngăm đen với mái tóc dài đen nhánh. Trên lưng địu một cô gái nhỏ, tay dắt một bé trai khác, vai còn lại quẩy một chiếc túi. Trong cơn hoảng loạn, cô chỉ kịp bỏ vào chiếc túi ấy những thứ quan trọng nhất: mấy bộ quần áo, mấy chỉ vàng và tập nhạc của Trịnh Công Sơn.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ mấy mẹ con lên ca nô đi lánh bom đạn, khi nào Sài Gòn yên sẽ về. Nào ngờ đó là một màn ly biệt kéo dài mấy chục năm”, người phụ nữ ấy nói. 

Một ngày sau, tức ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng cộng sản húc đổ cổng dinh Độc Lập. Mười hai giờ trưa, trong bản tin đầu tiên của Sài Gòn sau sụp đổ, Tổng thổng Dương Văn Minh - với giọng miền Nam - đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng với giọng bắc. Và sau đó là một giọng Huế. Ông nói những lời vô cùng xúc động vì chiến tranh rốt cục đã kết thúc trên quê hương mình trước khi trình bày ca khúc “Nối vòng tay lớn”. 

Đó là đoạn khởi đầu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền gần nhất của Khánh Ly cho phóng viên Hồng Phúc của VNExpress, kể về số phận của hai trong số những nhân vật xuất chúng nhất của văn nghệ Việt Nam trong cuộc đổi dời ngày 30/4. 

Người đàn ông ấy là Trịnh Công Sơn và cô gái trên chiếc thuyền Miler, lúc này đã gần đến Phi Luật Tân, là Khánh Ly. Chỉ mới năm ngày trước, họ còn ngồi cạnh nhau, điềm nhiên nhìn đường phố Sài Gòn, hoàn toàn không biết chuyện gì sẽ đến, hoàn toàn không thể ngờ cuộc tao ngộ tiếp theo chỉ diễn ra sau đó 13 năm.

1988, Trịnh Công Sơn lần đầu tiên đặt chân đến Paris. Hôm ấy, Khánh Ly tình cờ đi theo một tour lưu diễn ở châu Âu. Biết điều này, Trịnh Công Sơn cố liên lạc để tìm cách gặp nhau. Nhưng Khánh Ly làm sao dám gặp, vì cái cách biệt “bên này” với “bên kia”. Nghe thế, Trịnh Công Sơn bật khóc trong điện thoại: “Anh đi nửa vòng trái đất mà chẳng lẽ anh em mình không gặp được nhau, mà nếu bây giờ không gặp thì bao giờ mới gặp?”. Đấy là lần đầu tiên và duy nhất, Khánh Ly thấy Trịnh Công Sơn khóc, thế nên, Khánh Ly bèn “thây kệ ai muốn nói gì nói”. Và họ nói gì sau 13 năm xa cách? Không nhiều.

Bốn năm sau, họ tái ngộ tại Montreal. Trịnh Công Sơn sang thăm các em gái đang định cư tai Canada. Ông gọi điện sang Mỹ cho Khánh Ly:

- Mai có sang chơi không? (ông luôn gọi Khánh Ly là Mai, tên thật của bà)

Từ Mỹ sang Canada mà ông nói chuyện nhẹ nhàng như quận 1 sang quận 3. Nhưng trước đó, Khánh Ly biết Trịnh Công Sơn có ý buồn trách mình, bởi trong bài “Yêu dấu tan theo”, ông viết:

“Em theo đời cơm áo
Mai ra cùng phố xôn xao
Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo”

Thế nên dù miệng nói: “Dạ, em không dám hứa” nhưng vừa cúp máy, bà bỏ hết mọi thứ, lật đật book vé máy bay đi gặp “anh Sơn”. Mấy ngày ở cạnh nhau tại Montreal, họ nói với nhau những gì? Không nhiều.

Khánh Ly viết trong hồi ký: “Hình như chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau nhiều dù ở bất cứ một đề tài, một lãnh vực nào. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng”.

Càng sống càng thấy: trò chuyện được với nhau đã khó, im lặng được cùng nhau lại càng khó hơn. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã đạt được cảnh giới trò chuyện mà không cần mở miệng. Khánh Ly viết: “Bao nhiêu ngày tháng đã đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi cũng thế. Cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước đã không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có. Anh im lặng cũng có thể vì những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết phải nói ra”.

Lần gần nhất Dao Ánh về Việt Nam, tôi có duyên được hầu chuyện với cô. Người con gái đã khiến Trịnh Công Sơn tương tư suốt mấy chục năm, viết hàng trăm bức thư, là một người đẹp trí thức. Vậy hai con người trí thức ấy nói gì vào những giây phút bên cạnh nhau? Không nhiều.

“Hai người cứ ngồi nhìn nhau vậy đó. Bác Sơn cầm tay cô, cho đến khi tay của cô… mềm ra. Bác Sơn biết bác có cô, và cô biết mình có bác. Vậy là đủ rồi”, Dao Ánh nói với tôi. Lúc ấy, tôi thực sự chưa hiểu mấy.

Trịnh Công Sơn kết giao bạn bè đông khủng khiếp. Có thể nói ông chính là người nhiều bạn nhất lịch sử Việt Nam. Ông chơi với cả hai phe hắc bạch, chơi từ cộng hòa đến cộng sản, chơi từ ngài Thủ tướng cho đến anh xe ôm. Nhưng rốt cục Trịnh Công Sơn nói gì với bạn bè trong hàng vạn giờ họ ở cạnh nhau? Không nhiều.

Trịnh Công Sơn vui ở sự hiện diện, vui ở niềm sum họp chứ không phải bản thân câu chuyện. Ông không thích nói xấu ai, lười đưa quan điểm, khen ngay khi có thể và dành thời gian chủ yếu để hát. Khánh Ly kể lại những ngày ở Montreal vào năm 1992: “Tôi thấy anh yêu đời thật sự. Anh cười với ông Phạm Duy, ông Trầm Tử Thiêng, ông Duy Khánh và các bạn. Rồi anh hát và chỉ cho tôi, cắt nghĩa cho tôi những bài hát mới, không quên dặn:

- Nhớ đừng có hát như trả bài nhé.
- Thôi anh hát đi, anh hát hay hơn em
- Anh bao giờ cũng hát hay hơn Mai.

Lời nói đùa ấy kéo cả hai người trở lại những ngày tháng ở Đà Lạt của gần nửa thế kỷ trước. Năm 1964, họ gặp nhau lần đầu tại một phòng trà, nơi Khánh Ly đang còn hát mấy bài nhạc kích động. Khi nàng vừa bước xuống, chàng tới giới thiệu:

- Tôi là Trịnh Công Sơn.

Khánh Ly, trong cuộc hồi tưởng với VNExpress, cho biết hôm ấy bà nhìn thấy “một người đàn ông mảnh khảnh, mặc sơ mi trắng, quần tây vải kaki màu vàng, đi giày tây, tóc cắt gọn gàng, vầng trán cao và cặp kính trắng tròn đang ở hàng ghế gần cửa hộp đêm. Nụ cười tươi với chiếc răng khểnh, thầy giáo 25 tuổi – lúc ấy đang dạy học ở B’lao – chào bằng giọng Huế”. Nhưng Khánh Ly nào biết Trịnh Công Sơn là ai.

Nhưng rồi sau hôm ấy, cuối tuần nào họ cũng gặp nhau ở cà phê Tùng. “Anh Sơn” hát cho Mai nghe những bài anh vừa sáng tác, đầu tiên là “Mưa hồng”, viết cho nàng thơ Dao Ánh mà anh đang tương tư. Vừa nghe là Mai đã bị mê hoặc. Nhưng cô nào biết nhạc lý, làm sao hát được. Hồi nhỏ cô có theo học mấy bà sơ, nhưng bị đánh miết nên bỏ ngang. Sự học dở dang nên “nhạc biết em chứ em không biết nó”. Trịnh Công Sơn - một người đến với âm nhạc cũng không theo một con đường chính quy nào - bảo “Mai cứ hát theo anh”. Rồi hai người cứ thò đầu ra cửa sổ trên lầu của cà phê Tùng mà hát.

Rồi Trịnh Công Sơn rủ Mai về Sài Gòn hát, cô từ chối. Cô yêu Đà Lạt nhiều quá, và cô còn vướng bận quá nhiều. 19 tuổi, Mai đã có hai đứa con và hai đời chồng. Một lần giận người chồng thứ hai, cô vứt nhẫn cưới xuống hồ và cắt phăng mái tóc dài. Thấy cô đến cà phê Tùng, Trịnh Công Sơn đứng dậy bỏ về. Cô chạy theo hỏi nguyên cớ, ông nói:

- Anh không nói chuyện với người điên.

Phải ba năm sau đó, tức 1967, lần đầu tiên người ta mới được nhìn thấy Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đứng chung với nhau một sân khấu. Hôm ấy Khánh Ly đang đi bộ trên đường Lê Thánh Tôn thì nghe tiếng gọi “Mai, Mai”. Nhìn qua bên kia đường, Khánh Ly thấy Trịnh Công Sơn đang ngồi với mấy người bạn ở một bờ tường. Lúc này cô đã gửi hai đứa con nương nhờ bà nội ở đường Phan Thanh Giản, không còn lý do gì để khoái thác lời mời “hát với anh” nữa. Họ lên lịch hát ở quán Văn.

Vào lúc đó, Khánh Ly chưa từng biết mặc áo dài là gì, vì tiền đâu mà may. Nhưng biểu diễn phải tươm tất chứ, cô mới mượn đồ của em gái. Một bộ đồ tây, áo trắng, sơ vin trong váy bó màu hồng phấn. Không phấn son, tóc ngắn, giày cao gót màu đen. Cô đến quán Văn, tá hỏa khi thấy hàng nghìn sinh viên ngồi kín bãi đất trống. Thời ở Đà Lạt, cô hát trong hộp đêm, đông nhất cũng chỉ gần trăm người, vậy mà bây giờ… người không là người.

Trịnh Công Sơn ôm guitar ra trước, hát “Mưa hồng” và thêm vài bài, rồi ông giới thiệu “ca sĩ Khánh Ly tới từ Đà Lạt”. Khánh Ly bước ra, chân muốn sụm vì quá run. Cô để tay lên vai “anh Sơn”. Nhưng “anh Sơn” sợ mấy cô gái đẹp ở dưới nghĩ Khánh Ly là bạn gái mình, gạt luôn tay ra và nói: “Đứng hát cho đàng hoàng”. Nhưng cô run quá, chân đứng không nổi lấy gì mà hát, bèn gỡ luôn đôi giày cao gót ném sang một bên.

Từ ấy, Khánh Ly có luôn có biệt danh là “nữ hoàng chân đất”. Và khi “nữ hoàng chân đất” cất giọng, đám đông chết lặng. Đấy là những thanh âm mà họ chưa từng nghe trong đời. Hoàng Xuân Sơn, chủ quán Văn, nhớ lại: “Đêm ấy, tôi bất chợt nghe được một tiếng hát lạ kỳ: nửa như quyện từ lòng đất âm u, nửa như tự trời thanh cao rót xuống. Một tiếng hát có ma lực cuốn hút người nghe tự buổi đầu hội ngộ (Ngõ ban sơ hạnh ngân dài – Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua – Bùi Giáng )”

Rồi sau đêm ấy, cuộc đời Trịnh Công Sơn và Khánh Ly không bao giờ như cũ được nữa. Nhiều năm sau đó, nàng đứng lên Gọi tên bốn mùa, Gọi tóc em dài đêm thần thoại, Gọi cuộc tình dấu chim bay, Gọi thân hao gầy, Gọi buồn ngất ngây… Nhưng quan trọng hơn, họ cùng nhau kể lể nỗi khổ đau chiến tranh mà quê hương Việt Nam hằng cưu mang. Họ hát cho người nằm xuống, hát cho người già và em bé, hát cho người con gái Việt Nam da vàng, hát cho người mất trí. Giọng Khánh Ly như ma túy, càng nghe càng nghiện. Tiếng ca của một người không biết nhạc, chỉ biết hát theo Trịnh Công Sơn. 

Mấy chục năm sau, Khánh Ly mới… hơi hiểu hiểu những gì Trịnh Công Sơn viết. Nhưng họ đã song hành với nhau như bóng với hình. Khánh Ly là tiếng nói, hay cao hơn, là tiếng lòng của Trịnh Công Sơn. Tiếng hát thấm vào lòng đất, vọng lên trời cao, tan giữa không gian. Họ thân nhau theo một kiểu không gì lý giải được. Một đĩa cơm, một điếu thuốc cũng chia đôi, tối cứ lăn ra sàn mà ngủ, Khánh Ly nằm kế Trịnh Công Sơn, giữa ngổn ngang gạch, đá, giấy báo, vải bạt, ván ép. Họ không hề cảm thấy cái nghèo.

Nhưng cái… đói thì có. Một hôm, đang đói bụng quá mà chưa có tiền ăn cơm, Khánh Ly mới hỏi ông:

- Anh ơi, trong đời sống này mình cần cái gì?

Rồi ông nói ngay:

- Cần một tấm lòng.

Nghe câu trả lời Khánh Ly giãy nãy lên liền. Cô nói: “Mình nghèo chết cha, mình phải cần tiền chớ. Đi hát free mãi không mua nổi một cái áo dài, mãi không mua được một đôi giày. Tôi lại nói với ông:

- Tấm lòng ăn được không anh? Em thấy cần tô cháo lòng nghe còn hợp lý.

Ông nhẹ nhàng nói:

- Mai cứ sống với một tấm lòng đi. Hãy sống thật lòng, sống tử tế với nhau, dù chả để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi.

Khánh Ly nói: Lúc ấy tôi ngu lắm, tôi cũng chưa hiểu đâu. Mãi sau này, tôi mới nhận ra lời ông nói, vì lời của ông nó đã thấm vào người tôi. “Hãy sống tử tế với nhau” có lẽ là câu nói hay nhất mà tôi từng được nghe trong đời.”

Một con người ra đi vào ngày 1/4, như một trò đùa. Một con người đã bị biết bao nhát dao đâm từ phía sau nhưng lúc nào cũng khuyên người ta hãy sống tử tế với nhau dù chỉ “để gió cuốn đi”. Một con người mà trái tim đã bao bận tan nát vì “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” vẫn luôn khuyên mọi người “Hãy yêu nhau đi”.

Còn Trịnh Công Sơn và Khánh Ly có yêu nhau không, với tôi cũng chả còn quan trọng nữa. Vì thứ tình cảm ngồi cạnh nhau hàng giờ mà không cần trò chuyện gì nhiều đã ở một cảnh giới cao hơn ái tình nam nữ bình thường.

Và vì những điều quan trọng nhất, đều là những điều không cần nói ra.


Binh Bong Bot

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo