Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KHÔNG CÀI ỨNG DỤNG PHÒNG DỊCH CÓ BỊ PHẠT?

KHÔNG CÀI ỨNG DỤNG PHÒNG DỊCH CÓ BỊ PHẠT? Bộ Y tế mới ban hành quyết định 2666/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện ...

KHÔNG CÀI ỨNG DỤNG PHÒNG DỊCH CÓ BỊ PHẠT?

Bộ Y tế mới ban hành quyết định 2666/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nội dung QĐ trên có đoạn viết:

"V. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN

5.1. Đối với người dân

- Người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.

- Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.

- Sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.

- Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó."

Cách hành văn của Bộ Y tế dễ làm người dân hiểu là AI CŨNG PHẢI BẮT BUỘC phải cài ứng dụng Bluezone và bật chế độ bluetooth nơi công cộng. Thực tế là các báo cũng giật tít như vậy. Nhưng thực ra, viết dậy mà không phải dậy vì quý Bộ còn cài thêm 1 ý khác nữa là:

"VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

- Quyết định khu vực, địa điểm đang có ổ dịch COVID-19 trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế để áp dụng nghiêm các biện pháp chống dịch phù hợp mà không áp dụng hướng dẫn này.

2. Các Bộ, ban, ngành theo thẩm quyền, phạm vi quản lý tăng cường đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc tổ chức thực hiện hướng dẫn này.

3. Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong lĩnh vực được giao quản lý trực tiếp hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn quản lý.

4. Sở Y tế làm đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế theo quy định.

5. Người đứng đầu các tổ chức, cơ sở, địa điểm, khu vực được giao quản lý trong phạm vi áp dụng hướng dẫn chịu trách nhiệm việc tổ chức triển khai, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện nghiêm hướng dẫn này."

Thường người ta ít để ý đến mục Tổ chức thực hiện ở các văn bản pháp quy. Nhưng nội dung trên cho thấy rằng việc xử phạt chỉ có thể triển khai trong trường hợp UBND cấp tỉnh/TP trực thuộc TƯ ra thêm 1 văn bản khác dựa trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế địa phương. Có nghĩa là tỉnh nào đó là vùng dịch, lại "có điều kiện" sử dụng smartphone thì mới có thể áp dụng. Ngoài ra, địa phương cũng phải cụ thể hóa việc xử phạt như thế nào, bao nhiêu tiền, khi nào được phép kiểm tra điện thoại của dân xem họ đã cài app Bluezone chưa và cơ quan nào được phép kiểm tra?

Tóm lại, cái QĐ 2666 kia có

"I. MỤC ĐÍCH

1. Hỗ trợ thực hiện khai báo y tế điện tử giúp quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

2. Quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch Covid-19."

Nhưng chỉ là cái khung để các địa phương bổ sung thêm nội dung chi tiết. Việc bổ sung đó không hề đơn giản bởi vì nó có thể vi phạm luật Dân sự, có quy định về quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Vì smartphone bây giờ còn nhiều thông tin nhạy cảm hơn cả máy tính. Có thể có cả clip xxx như của em gì 8 phút vừa rồi. 

Có nghĩa là hiện tại nó chưa thể dùng làm căn cứ xử phạt ai cả. Tuy nhiên cách trình bày của Bộ Y tế không rõ ràng, có triệu chứng cài cắm câu chữ để người dân hiểu sai, khiến họ PHẢI cài đặt ứng dụng Bluezone và mấy cái tương tự vì sợ bị xử phạt. Nhưng việc xử phạt không hề đơn giản vì dễ bị coi là lạm quyền, ai sẽ là người có quyền kiểm tra smartphone của người dân?

Với cách hành văn cài cắm câu chữ này thì cơ quan chức năng rất dễ lạm dụng để bắt nạt người dân thiếu kiến thức pháp luật, khả năng đọc hiểu luật kém. 

Dương Quốc Chính








Không có nhận xét nào

Quảng Cáo