Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN MIỄN NHIỆM CHỨC DANH PHÓ HIỆU TRƯỞNG CỦA TRƯỜNG: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN MIỄN NHIỆM CHỨC DANH PHÓ HIỆU TRƯỞNG CỦA TRƯỜNG: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!    “Hiệu trưởng Trư...

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN MIỄN NHIỆM CHỨC DANH PHÓ HIỆU TRƯỞNG CỦA TRƯỜNG: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN MIỄN NHIỆM CHỨC DANH PHÓ HIỆU TRƯỞNG CỦA TRƯỜNG: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

   “Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn vừa ký quyết định miễn nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải sau phát ngôn với lời lẽ thô tục trên Facebook cá nhân của nghệ sĩ này” – Trích nguyên văn từ Báo tuổi trẻ! Tuy nhiên, khi đọc quyết định số 60-21/QĐ-CĐSG ngày 9-6-2021 về việc miễn nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng nhà trường đối với NSƯT, thạc sĩ Trần Đức Hải, Chúng ta thấy rằng, căn cứ để miễn nhiệm là “Xét nhu cầu công tác của trường”, mà không hề có bất kỳ một câu chữ nào, liên quan đến những lùm xùm trên Facebook?!

   Vậy, câu hỏi đặt ra là việc Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải có đúng quy định hay không?! Bài viết này, sẽ phân tích và luận giải một số quy định có liên quan, để Bà con tham khảo. 

   Để một quyết định cho thôi chức vụ (Miễn nhiệm là một trong số đó) bảo đảm đúng quy đình của pháp luật, thì quyết định đó, phải thỏa mãn đồng thời cả ba yếu tố: (i) Đúng thẩm quyền; (ii) Đúng căn cứ; và (iii) đúng trình tự thủ tục. Do đó, chỉ cần có một trong ba yếu tố vừa nêu không có cơ sở pháp lý, tức bị sai, đồng nghĩa với quyết định cho thôi chức vụ đó là trái pháp luật, đứng trước rủi ro pháp lý, có thể bị khiếu nại, khiếu kiện, khi đó quyết định này sẽ bị hủy, và trách nhiệm bồi thường được đặt ra. Vụ việc của Đức Hải cũng không phải là ngoại lệ. Sẽ được Chúng ta phân tích, đánh giá dưới đây. 

1. Thẩm quyền miễn nhiệm chức danh phó hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục

   Theo quy định tại Điều 12.2 Luật giáo dục nghề nghiệp hiện hành và Điều 12.2.e Thông tư 46/2016/TT-BLĐTBXH (Được sử đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH) của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì: Thẩm quyền miễn nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng tư thục thuộc về Hội đồng quản trị của Trường (Đối với trường cao đẳng tư thục do 01 (một) cá nhân đầu tư thành lập thì cá nhân là Chủ sở hữu trường có thẩm quyền này, vì lúc đó Trường không có Hội đồng quản trị). 

   Từ quy định trên, Chúng ta thấy rằng: Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn là một trường tư thục, cho nên việc miễn nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải, thuộc về Hội đồng quản trị của trường, chứ không phải thuộc về Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Do đó, hoàn toàn có cơ sở pháp lý, để khẳng định rằng việc Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn ký quyết định miễn nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải có dấu hiệu trái pháp luật do không đúng thẩm quyền. 

   Cũng không thể lập luận, và lý giải rằng Hội đồng quản trị của trường đã ủy quyền cho Hiệu trưởng ký quyêt định này, vì lẽ: Trong toàn văn bản quyết định số 60-21/QĐ-CĐSG ngày 9-6-2021 về miễn nhiệm chức danh phó hiệu trưởng nhà trường đối với NSƯT, thạc sĩ Trần Đức Hải, không có bất kỳ câu chữ nào thể hiện căn cứ vào việc ủy quyền, và pháp luật cũng không cho phép điều đó, vì để thông qua một quyết định của Hội đồng quản trị bao gồm rất nhiều yếu tố liên quan đến thể thức như số lượng thành viên dự họp, số lượng thành viên biểu quyết thông qua…… Tóm lại, mọi giải thích, đều chỉ là sự chống chế. 

2. Căn cứ pháp lý cho việc miễn nhiệm chức vụ
 
   Có nhiều hình thức để có thể cho một người thôi chức vụ mà họ đang đảm nhiệm, chẳng hạn: Miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức – Trong đó, tương ứng với mỗi hình thức, phải dựa trên những căn cứ pháp lý khác nhau. Theo Từ điển luật học (Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp), thì: Miễn nhiệm là cho thôi chức vụ do không hoàn thành nhiệm vụ, do yêu cầu của nhiệm vụ, hoặc theo đề nghị của chính người bị miễn nhiệm bởi lý do sức khỏe, hay lý do khác; Trong khi đó, Bãi nhiệm là một chế tài kỷ luật, buộc thôi chức vụ do vi phạm pháp luật, vi phạm phẩm chất đạo đức, không còn xứng đáng giữ chức vụ; Còn Cách chức, là cho thôi chức vụ do vi phạm pháp luật thuộc phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của người bị cách chức, không còn xứng đáng với tín nhiệm và trách nhiệm được giao. 

   Như vậy, cũng đều là cho thôi chức vụ, nhưng nếu như bãi nhiệm, cách chức đều xuất phát từ việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của người bị cho thôi chức vụ - Thì miễn nhiệm, không xuất phát từ sự vi phạm pháp luật, mà có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như không hoàn thành công việc (khác với vi phạm) hoặc vì những lý do công tác, sức khỏe. Hay nói cách khác đi, căn cứ để miễn nhiệm chức vụ là khá rộng lớn, có thể xuất phát từ nhiều lý do, và chính vì thế, đôi khi lý do sẽ khá trừu tượng và mơ hồ. 

   Tuy nhiên, xét trong bối cảnh của việc Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn miễn nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải, Chúng ta thấy rằng có sự mâu thuẫn, không thuyết phục, thể hiện ở chổ: Trong quyết định miễn nhiệm, nêu lý do là vì “Xét nhu cầu công tác của trường” – Nếu chỉ dừng lại ở đây, thì không có gì đáng bàn, vì như đã nói, phạm vi để miễn nhiệm nó quá rộng lớn, đôi khi mơ hồ, dễ dẫn đến bị lạm dụng, nên Chúng ta rất khó để đánh giá; Nhưng trong thông cáo báo chí cũng của Trường này, lại nói rằng lý do miễn nhiệm là liên quan đến lùm xùm trên Facebook – Nhưng nếu là vì lý do này, thì việc cho thôi chức vụ đối với Đức Hải phải là bãi nhiệm hoặc cách chức mới đúng, mà nếu đã như vậy, thì Nhà trường chỉ có thể ra quyết định sau khi đã có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, về việc Đức Hải có vi phạm pháp luật hoặc đạo đức về phát ngôn của mình! Hay nói cách khác: Quyết định miễn nhiệm và Thông cáo báo chí của trường đã có sự mâu thuẫn, khi “Trình bày một đằng, kết luận một nẻo – Chỉ đường một đằng, dẫn đi một nẻo”! 

3. Việc miễn nhiệm phải đúng trình tự thủ tục

   Như trên, Chúng ta đã phân tích: Thẩm quyền miễn nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng tư thục thuộc về Hội đồng quản trị của Trường. Và để Hội đồng quản trị ra được quyết định này, thì cần phải tiến hành đúng trình tự thủ tục. Đầu tiên, Chủ tịch hội đồng quản trị và ít nhất 30% tổng số thành viên Hội đồng quản trị đồng ý tổ chức họp đột xuất. Cuộc họp Hội đồng quản trị là hợp lệ khi có ít nhất 70% tổng số thành viên hội đồng quản trị tham dự. Quyết nghị của Hội đồng quản trị được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp theo nguyên tắc mỗi thành viên hội đồng quản trị là một phiếu biểu quyết, quyết nghị là hợp lệ khi có trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị đồng ý. Trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của chủ tịch hội đồng quản trị.

   Điều đó có nghĩa rằng, ngày cả khi Hội đồng quản trị muốn thông qua được quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng đối với Đức Hải, cũng cần phải tiến hành phiên họp, đảm bảo đủ số lượng nhất định, và phải được chấp thuận thông qua hợp lệ, mà không phải chỉ có mỗi Ông Chủ tịch hội đồng quản trị lập văn bản và ký là xong. Tất nhiên theo đó, việc mỗi Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, càng không có thẩm quyền này. Cũng không thể lý giải rằng, chắc Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn đã được những Người có thẩm quyền bật đèn xanh, mới dám như thế, không thể lập luận như vậy, và pháp luật không cho phép như thế - Vì đó là mầm mống của sự lạm quyền, vô pháp. Nói như thế, chẳng khác nào, cho phép Cảnh sát ra đường thấy ai vi phạm là cho bắt, hốt, nhốt luôn, mà không cần thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử gì cả. 
------
   Việc Nghệ sĩ Đức Hải có phát ngôn hay không trên Facebook, không phải là phạm vi đề cập của Bài viết này, điều đó còn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan chức năng. Giả định rằng, nếu đúng là Đức Hải đã có những hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực, thì việc xử lý sai phạm, cũng cần phải đúng căn cứ, thẩm quyền và quy trình. Chúng ta không thể vì bức xúc trước một cái sai, mà dễ dàng chấp nhận cho một cái sai khác, vì nó dễ dẫn đến tùy tiện. Sâu xa hơn, trong lĩnh vực tư pháp hình sự, chính vì có nhiều vụ án rúng động, dưới áp lực của dư luận là phải nhanh chóng tìm ra hung thủ, từ đó đã dẫn đến có những việc làm vội vã, nôn nóng, gây ra oan sai cho những Người vô tội. Do đó, có lẽ trong vụ việc này, cách xử lý của trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, đã hơi vội vàng, nên mới dẫn đến những sai phạm như trên. Đúng ra và hài hòa nhất, thì nên chăng Trường chỉ cần ra quyết định tạm đình chỉ công việc, chức vụ là đã đủ để đạt được mọi mục đích đề ra, vừa trấn án dư luận, vừa đảm bảo trình tự, vừa hài hòa với mọi thứ xung quanh – Về phương diện luật pháp thì bắt buộc phải như thế, mà không thể tùy tiện xử lý theo cảm tính hay bất kỳ lý do nào khác. Nếu ngày hôm nay, Chúng ta vì muốn triệt tiêu một cái sai, mà đồng thuận với một cái sai và tùy tiện khác, thì rất có thể tương lai, Chúng ta phải đối diện với những cái tùy tiện và sai phạm nào đó, mà chưa hẳn vì để triệt tiêu cái sai nào cả, mà hoàn toàn là vì những cái đúng. Đó là một sự nguy hiểm khôn lường! 

Viết tại Sài Gòn, ngày 09/06/2021 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo