Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

AI THU LỢI TỪ SỰ CHÊNH LỆCH GIÁ TEST

AI THU LỢI TỪ SỰ CHÊNH LỆCH GIÁ TEST Tôi viết một bài về test, trong đó có dẫn bài trên Báo Thanh niên, nói giá test ở nước ngoài là 1,5 USD...

AI THU LỢI TỪ SỰ CHÊNH LỆCH GIÁ TEST

Tôi viết một bài về test, trong đó có dẫn bài trên Báo Thanh niên, nói giá test ở nước ngoài là 1,5 USD (tương đương 35.000 đồng). Tôi có kể chuyện cô em ở Đức mua giúp vài hộp với giá 1€ 1 test (loại xịn). Một bạn khác comment giá bán lẻ ở Đức chỉ có 0,85€ 1 test mà thôi.

Theo bài báo thì tính hết các loại phí thì về đến Việt nam, giá thành sẽ có thể là 50.000 đồng/1 test. Bộ Y tế tính cho các tỉnh thành 238.000 đồng/test. Chắc là bao gồm cả công, đồ bảo hộ, găng tay, xử lí rác thải… Theo chuẩn của Bộ Y tế, một bộ đồ mặc cả buổi, găng tay thì xử lí bằng cồn, 6 ca mới thay găng 1 lần, tiền hỗ trợ nhân viên y tế 400.000 đồng/ngày, tiền ăn cho một nhân viên y tế là 120.000 đồng/ngày. Thì chi phí cho mỗi ca (bao gồm cả chi phí cho đội sắp xếp trật tự, thuê ghế ngồi dài dài trên vỉa hè…) khoảng 100.000 đồng/1 ca. Như vậy, giá test còn lại khoảng 128.000 đồng/1 test.

Thực ra thì tôi tính như vậy, nhưng không biết các địa phương có trả cho nhân viên y tế tiền phụ cấp 400.000 đồng/ngày, 120.000 đồng tiền cơm/ ngày, thậm chí có trả tiền cho găng tay, đồ bảo hộ, alcool hay không thì tôi không biết. Nhưng tư nhân thì phải trả phí cho nhân viên cao hơn nữa, và chuẩn bảo hộ thì cao hơn rất nhiều. Tại EXSON, chúng tôi thay găng cho mỗi trường hợp lấy mẫu. Tối đa là 5 người là phải thay đồ bảo hộ. Sau khi xong, trước khi bước lên xe lại phải thay đồ mới, tránh tri trét giọt bẩn ra xe. Và toàn bộ rác thải mang về phòng khám, thuê xử lí rác thải y tế tính bằng kg.

Quay trở lại giá test bán tại Việt nam. Một bạn đưa lên bảng giá nhiều loại test bán tại Việt nam giá sỉ, hầu như đều dưới 100.000 đồng/test. Tôi thì không biết giá test đó, vì ngoài một thứ của Hàn Quốc, còn lại là của Trung quốc. Chỗ chúng tôi, mua test loại xịn nhất, giá 162.500 đồng/1 test (thực ra là giá bây giờ, trước đây cao hơn). Và cơ sở chào giá test Trung quốc rẻ nhất là 74.500 đồng/1 test. Có vẻ như các nhà phân phối lời khẳm?

Tôi không biết họ lời bao nhiêu, nhưng tôi biết chắc, họ muốn mang được hàng về Việt nam phân phối, sẽ có nhiều thứ phải chi phí. Mỗi cửa đều có chi phí của nó. Ngày thường, có nhiều “món” để “ăn”, nên chi phí có thể có giá cụ thể. Mùa dịch, nhiều người “khát”, mà “sở hụi” thì vẫn phải nộp. Chỉ có mỗi mặt hàng này, nên “vé qua cửa” cho hàng chục cái “cửa” có thể cao hơn so với ngày thường. Đó là chưa kể chạy giấy đi đường, QR code, luồng xanh… Chắc chắn là mỗi phát minh chống dịch của chính phủ và các chính phủ địa phương, mỗi lần họ “đùng một cái”, là lại phát sinh thêm một mớ. Cho nên, đừng tưởng là các doanh nghiệp ăn khẳm khi thấy họ bán giá cao. Nhiều người “khẳm” cùng với doanh nghiệp lắm, thậm chí “khẳm” hơn doanh nghiệp nhiều.

Hôm bữa có người đề nghị chúng tôi làm test cho họ, mỗi ngày khoảng 200 đến 300 ca, que test họ lo. Họ đề nghị giá 70.000 đồng cho một lần thử. Tôi từ chối. Theo tính toán của tôi, phải 120.000 đồng 1 ca (chưa kể que test) chúng tôi mới bù đủ chi phí tại chỗ (công, bảo hộ, chi phí hành chính trực tiếp gồm in, trả kết quả) theo chuẩn dịch vụ của EXSON, chưa kể mặt bằng, điện nước, xử lí chất thải… Hòa vốn thì khoảng 150.000 đồng/1 ca.

Mà cũng may là chúng tôi từ chối. Vì mấy hôm sau, công an tuyên bố điều tra các cơ sở thu tiền làm test. Thì ra là họ thu thông qua việc bán test là đủ rồi, các cơ sở y tế phải làm không công, chứ không thì khổ dân. Thương dân đến thế là cùng. Đúng là Hay không bằng Hên. Chẳng biết các bệnh viện, phòng khám lỡ làm cho họ phải kiếm bao nhiêu tiền để chạy vụ này nữa.

Nói vậy, nhưng dù rẻ thì các cơ sở y tế vẫn cứ phải lao vào mà làm. Cơ sở nào yếu một chút thì không làm, không có doanh thu là chết ngay. Cơ sở nào có tiềm lực tài chính mạnh, vẫn trang trải được dù không có doanh thu, thì cũng vẫn phải làm. Nhân viên y tế là những người không chịu ngồi không. Người càng giỏi càng có nhu cầu làm việc cao. Không có việc làm mà trả tiền cho họ thì họ cũng nghỉ mà đi sang cơ sở khác.

Đó là lí do tại sao nhiều cơ sở y tế, nhất là tư nhân, cứ phải lao vào làm các hợp đồng với giá rẻ mạt. Ngay cả EXSON cũng phải tạm từ bỏ chiến lược dịch vụ tốt với giá cao, mà chỉ cố gắng đeo đuổi dịch vụ tốt, sử dụng vật tư y tế chuẩn, với giá thấp nhất, chỉ cần bù đủ chi phí là được.

Bs Võ Xuân Sơn




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo