Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH

CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH Tình cờ thấy được một Bảng kê chi phí khám chữa bệnh của một phụ nữ, sinh năm 1969, bị Viêm phổi do Sars Cov2, nằm vi...

CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH

Tình cờ thấy được một Bảng kê chi phí khám chữa bệnh của một phụ nữ, sinh năm 1969, bị Viêm phổi do Sars Cov2, nằm viện 41 ngày. Tổng chi phí là 1.630.025.809 đồng, trong đó, phần người bệnh phải trả khoảng 10%, là 166.075.895 đồng, 90% còn lại (gần 1,5 tỉ) là ngân sách và BHYT chi trả.

Đọc một số bài viết và các comment xung quanh bảng kê này, hầu hết đều cho là dã man quá. Một số ý kiến cho rằng bệnh viện moi tiền người bệnh. Tất nhiên, phần đông đều cho rằng, người nghèo thì chỉ có chết. Là một người khá quen với những hóa đơn viện phí khủng, nhưng cỡ này ở một bệnh viện Việt nam thì tôi cũng thấy khá “ngộp”.

Tuy nhiên, phần người bệnh chi trả thực sự là rất ít so với tổng chi phí. Có lẽ, đây là một trường hợp phải nằm ICU lâu ngày, có thể có dùng ECMO nên chi phí mới cao như vậy. Hơn 900 triệu trong tổng chi phí được ngân sách hỗ trợ. Tôi không rõ chi tiết điều trị, nhưng tại sao BHYT không chi trả, mà phải là ngân sách chi trả?

Và, nếu đây là một bệnh viện tư thì ngân sách có chi trả cho phần được ghi là ngân sách nhà nước chi trả hay không? Và nếu có thì bao giờ chi trả? Ngay cả với một bệnh viện công thì khi nào họ mới có thể nhận được những khoản chi trả này, nếu nó không bị trừ vào các khoản đầu tư từ trước?

Quay trở lại với ý kiến của các bạn xung quanh cái bảng kê này. Chi phí cho y khoa thực sự là rất mắc các bạn ạ. Mà đó là các bạn đang xem một cái bảng kê chi phí khám chữa bệnh của Việt nam đấy. Tôi dám chắc là trong hơn 1,6 tỉ đồng đó, tiền công nhân viên y tế có thể chỉ chiếm khoảng 1% mà thôi. Cả tiền nằm viện cũng vậy, không biết có đến 1% hay không nữa. 

Hầu hết trong số hơn 1,6 tỉ đồng kia là chi phí dành cho thuốc men và máy móc. Đó là đặc thù của tài chính y tế Việt nam, cả công và tư, phần tiền nằm viện và tiền công chỉ là một con số nhỏ bé, đến mức khó mà nhìn thấy. Trong khi ở các nước phát triển, chi phí lớn nhất là tiền công, và lớn thứ nhì là tiền nằm viện. Thuốc men, máy móc… chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ.

Năm 2005, khi đi thăm một bệnh viện của Đại học Michigan ở An Abor, tôi được các bác sĩ tại đây cho xem một trường hợp bệnh nhân mổ sọ não 3 lần liên tiếp. Mặc dù mới có khoảng 10 ngày nằm viện, chi phí đã lên đến hơn 1 triệu USD. Tôi được đọc một cái báo giá cho một cuộc mổ vẹo cột sống tại một bệnh viện ở New York với tổng giá, chưa tính một số thứ chắc chắn sẽ phát sinh nhưng chưa dụ trù cụ thể được, là gần nửa triệu USD, trong đó gần một nửa là các loại tiền công.

Trong những ngày đóng cửa vì dịch vừa qua, mặc dù về luật, chúng tôi có thể không phải đóng các khoản bảo hiểm cho nhân viên. Thế nhưng, nghĩ đến chuyện nếu ai đó bị nhiễm và phải nằm viện, chúng tôi vẫn phải đóng đủ BHYT cho tất cả nhân viên. Thật sự, nếu chẳng may bạn bị bệnh hiểm nghèo, bạn cần phải có BHYT.

Thế cho nên, nếu người nghèo mà có được cái thẻ BHYT, thì có lẽ khi ai đó muốn giúp, thì mới có thể giúp được. Chứ 1,6 tỉ như thế này thì chỉ có các đại gia mới có thể giúp. Mà đại gia thì nói hay, chứ dễ có mấy ai bỏ tiền ra khi đồng tiền đó không mang lại hiệu quả cho họ.

Hãy coi khám chữa bệnh là nhu cầu quan trọng, ngang với ăn để sống, và dành ra một khoản tiền để mua cái thẻ BHYT. Các bạn trẻ làm việc tự do cũng vậy, hãy dành ra một khoản tiền để mua cho mình cái thẻ BHYT đi. Cuộc sống bây giờ bấp bênh lắm.

Bs Võ Xuân Sơn
CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo