Bút Máu "Một sớm đang nằm, nghe tiếng chim hoàng anh hót ngoài vườn vụt tắt, thấy một tia nắng lọt qua khe cửa chợt tàn. Sinh hốt hoản...
Bút Máu
"Một sớm đang nằm, nghe tiếng chim hoàng anh hót ngoài vườn vụt tắt, thấy một tia nắng lọt qua khe cửa chợt tàn. Sinh hốt hoảng tưởng chừng mùa xuân bỏ mình mà đi, bèn gượng ngồi lên xô mạnh cửa sổ. Mấy nụ hoa thắm cười duyên trước thềm, lá xanh tươi màu nhựa mới. Sinh gọi đem nghiên bút và tập hoa tiên.
Vừa cầm bút lên, Sinh bỗng kinh ngạc. Nghiên mực đỏ tươi sắc máu. Thử chấm bút vào, lăn tròn ngọn bút đưa lên, bỗng thấy nhỏ xuống từng giọt, từng giọt thắm hồng như rỉ chảy từ tim.
Khiếp đảm, Sinh ngồi sửng sờ, tâm thần thác loạn. Cố viết đôi chữ lên giấy, nét chữ quánh lại, lợn cợn như vệt huyết khô trên cát. Sinh vội buông bút, tưởng chừng bàn tay cũng thấm máu đầy." Trích truyện ngắn "Bút Máu" của nhà văn Vũ Hạnh.
Anh Như Gió, cựu tổng biên tập của PetroTimes đã từng nói, "làm báo phải như con chó ấy", lúc đó ai cũng chỉ trích ảnh, nhất là những người thực tâm với nghề, nhưng nhìn thực tế hiện tại, anh Gió nói cũng chẳng lệch bao nhiêu. Chỉ khác cái là chó đa phần trung thành với chủ.
Mỗi bài báo đều có một mục đích, hoặc hai ba mục đích khác nhau, có khi đơn thuần đưa tin, có khi đấu tranh, có khi tuyên truyền, có khi đánh đấm phe phái, áp dụng nhuần nhuyễn lời dạy của ông bà, "Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho thiên hạ nửa mừng nửa lo".
Câu hỏi luôn được đặt ra là, "Ở vị trí đó thì có ăn không?", như vị trí của Hàn Ni vừa mới bị hack facebook lộ ra hàng loạt tin nhắn liên quan đến hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng. Nhưng có lẽ câu hỏi ban đầu đã sai, trừ những người làm báo đàng hoàng, chân chính và tự trọng, thì ai ở vị trí có thể ăn đều ăn cả, bất kể là quan chức bụng phệ, doanh nhân thành đạt, nhà báo, công an ... hay là dân thường, "cơm áo đâu đùa với khách thơ". Mà càng hay nói đạo lý là càng sống như lol.
Câu chuyện "ý thức" hay là "đạo đức chân thiện mỹ" chỉ lòe trẻ con hoặc những cô bé tuổi mới lớn ngây thơ, trông chờ vào ý thức để quản lý xã hội là sự thất bại. Tại sao bọn tư bản, bọn Sing, bọn Đài nó không dám bán thực phẩm bẩn, không dám xả rác hút thuốc ngoài đường, do bọn nó có ý thức hơn dân Việt à? chả có đâu. Nên nếu chỉ trông chờ vào đạo đức để kềm chế nhà báo thì vô vọng, và bút máu lan tràn là đương nhiên.
Cơ chế ra quyết định của một con người rất phức tạp, nó không đơn giản là người tốt sẽ làm chuyện tốt và ngược lại. Con người khi ra quyết định thường suy xét nhiều yếu tố, trong đó quyết định dựa trên hậu quả/kết quả là thường thấy nhất. Như trong bài học Công lý của giáo sư Sandel (Đại học Harvard), hay thí nghiệm của tiến sỹ Milgram, đã rút ra kết luận "khi không phải chịu trách nhiệm thì con người có thể gây ra những hành động độc ác, gây tổn thương đến người khác dù biết rằng chúng trái với luân thường và đạo đức".
Báo chí đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm, xám xịt như vốn có của nó từ trước đến nay, ngày càng phơi bày lộ liễu thôi. Tuy vậy, nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng từng viết, "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa, Tại sao cây táo lại nở hoa, Sao rãnh nước trong veo đến thế?". Dù sao vẫn còn rất nhiều nhà báo với tâm sáng, có thể từ chối tiền tài danh vọng để chúng ta tin tưởng, ít nhất còn tin vào một điều gì đó cũng tốt.
Bui An
Không có nhận xét nào