Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

DÒNG SỬ VIỆT VÀ THUẬT XĂM MÌNH

Dòng sử Việt và thuật xăm mình  Coi các bài nói chuyện của LM Phạm Quang Hồng ,có lần cha kể về chuyện "tự tử" ,bà kia chán ...

Dòng sử Việt và thuật xăm mình 

Coi các bài nói chuyện của LM Phạm Quang Hồng ,có lần cha kể về chuyện "tự tử" ,bà kia chán đời tự sát,uống thuốc độc thì bà sợ ợ chua trào nước dãi,treo cổ sợ lè lưỡi,gãy cổ .

Bà chọn bắn,nhưng bắn lủng đầu thì chết sẽ xấu xí,cuối cùng bà chọn bắn vào tim.Bả gọi điện hỏi chồng cũ là bắn sao,ổng chỉ "Ngay cái hình xăm trên dú,xuống dưới 3 cm" 

Sau đó nghe "bùm" ,nòng súng chọt ngay bụng lủng ruột vì cái hình xâm trên dú nó xệ xuống tới ...rún 

Bà kia sống nhăn 

Xăm hình Hán tự gọi là thích thanh ,tức dùng mực xanh chích lên người

1/ Xăm mình là tục của người Việt phát minh ra hồi xưa 

Lĩnh Nam chích quái chép:

"Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. 

Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy"

Trong " An Nam chí lược" Lê Tắc chép rằng:

"Nước An Nam xưa là đất Giao Chỉ... 

Đàn ông lo làm ruộng, đi buôn, đàn bà lo nuôi tằm, dệt vải; ăn nói hiền hoà, ít lòng ham muốn. Thấy người ở xứ xa trôi nổi tới nơi, họ hỏi thăm là lẽ thường. Người ở châu Giao, châu Ái thì rộng rãi, có mưu trí, người ở Hoan, Diễn thì thuần tú, ham học, còn thì đều khờ dại, thật thà

Dân hay vẽ mình, bắt chước phong tục vùng Ngô, Việt. Liễu Tư Hậu có thơ: “Cùng đi tới xứ dân Bách Việt vẽ mình”. Trời nóng, dân ưa tắm sông nên chèo thuyền và lội nước rất giỏi"

Xin nói vài dòng về nhà Trần trong lịch sử Việt Nam ta ,họ này xăm mình thành truyền thống 

Tổ tiên của dòng dõi nhà Trần có nguồn gốc dân tộc Mân ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, thuộc nhóm tộc người Bách Việt sống ở đất Mân

Họ Trần qua vùng đất Bắc Kỳ ngày nay làm nghề chài lưới ,có tham gia cướp biển và buôn lậu nên sau này rất giàu có 

Vì dân chài lưới nên thế hệ đầu tiên được đặt  tên các loài cá

Đầu họ Trần tên là Chép, được dịch sang tiếng Hán là 鯉, phiên âm là "Lý"(Trần Lý),nghĩa là cá chép hay cá lý ngư , Trần Lý là con trai Trần Hấp (陈翕) ,Hấp là cá trắm cỏ 

"Con cá lí ngư cũng như thân thiếp
Chờ cho mãn kiếp mới được thành rồng
Thân người ta sao đủ vợ đủ chồng
Để tôi xa lánh bụi hồng thế gian"

Con ông Trần Lý là Trần Thừa vốn có tên là Dưa (cá dưa). Hai con trai Trần Thừa có tên là Leo (cá leo), được phiên theo chữ Hán là Liễu (Trần Liễu-cha của Trần Quốc Tuấn), người con thứ hai có tên là Lành Canh (cá lành canh), phiên sang chữ Cảnh (vua Trần Thái Tôn).

Bà  Trần Thị Dung có tên là Ngừ (cá ngừ), khi làm hoàng hậu của Lý Huệ Tôn đổi gọi là Dung 

Sách Toàn thư chép: “Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm) có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá”

Vì xuất thân chài lưới nên các vua Trần theo tục Việt là xăm mình,họ  xăm con rồng vào đùi để không quên gốc gác 

Nhưng rồi tục này bị bỏ vì một ông vua sợ đau ,sợ máu 

Vua Trần Anh Tôn (1293 - 1314) là ông vua sợ đau,sợ máu nên bỏ cái lệ xăm mình 

Đại Việt sử ký toàn thư ghi:

“Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.

Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa

Thượng hoàng bảo: “Quan gia đã trốn rồi chăng? thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy”. Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tôn.”

Các vua nhà Trần về sau cũng bỏ tục xăm mình luôn 

Ngày đó dân cũng hay xăm hình lên người ,nhưng từ năm 1323  vua Trần Minh Tôn khi tuyển quân lại lấy người da trơn trắng làm hạng tuyển, từ đó quân sĩ không còn xăm mình nữa

Dân tộc Việt chúng ta đã bỏ tục xăm mình từ thế kỷ 14 

2./ Xăm mình từ đây chủ yếu được triều đình dùng để đánh dấu kẻ tội phạm hay gia nô của các vương hầu, công chúa. Người có tội có thể bị thích vào mặt lên đến 50 chữ

Chúng ta nhớ tới hai danh tướng của Trần Hưng Đạo xuất thân nô lệ là Dã Tượng và Yết Kiêu 

Dã Tượng (野象) có nghĩa là con voi rừng ,Yết Kiêu (歇驕) là chó miệng ngắn,lấy tên thú vật đặt cho gia nô thì thân phận thấp hèn.Hai ông này đều bị xăm vào mặt đánh dấu phận nô lệ 

Sách Việt sử giai thoại viết:

 "Thời Trần, tất cả quý tộc và quan lại đều có gia nô, thậm chí có quý tộc gia nô đông đến hàng ngàn người. Đã là gia nô thì phải suốt đời phục dịch cho chủ, và trong xã hội không ai có địa vị thấp hèn như họ cả. Thường thì những gia nô sẽ bị chủ khắc dấu vào thân thể, kể như vật sở hữu riêng. Khi chủ chết, có khi họ còn bị đem đi hỏa thiêu hoặc chôn sống theo chủ"

Yết Kiêu và Dã Tượng là hai nhân vật lịch sử có công trong cuộc chống Nguyên Mông,tuy nhiên buồn thay,Yết Kiêu và Dã Tượng không được phong quan sau chiến thắng khải hoàn

Nhà Trần có quy định đã là nô lệ nhà vương hầu thì trọn đời không được làm quan, bất kể có lập được công lao tới đâu

Ngày nay chúng ta có tên đường Yết Kiêu và Dã Tượng là một cách tri ơn hai nhân vật này,rất quý trọng .Đường Yết Kiêu nằm bên hông chợ An Đông,đường Dã Tượng cắt ngang Hưng Phú bên quận 8 

Năm 1360, vua Trần Dụ Tôn xuống chiếu bắt gia nô của các vương hầu, công chúa đều phải thích chữ vào trán và phải gọi theo loại hàm. Kẻ nào không thích chữ, không khai sổ bị coi là giặc cướp

Các bạn có nhớ tích "Thoại Ba công chúa?" 

Coi phim “Sài Gòn anh yêu em” thấy bổi hổi bồi hồi khi nghe Ngọc Giàu ca mấy câu Hồ Quảng trong bài tân cổ của ông Viễn Châu” Thoại Ba công chúa”

Nghe thiệt đã cái con rái

“Trông vó ngựa đường xa ruổi rong
Ngoài gió sương chập chùng
Lên yên thân thiếp xông pha đâu nài quan san
Mong mỏi sao cho gặp mặt chàng
Nghe tiếng nhạc chìm trong gió sương
Người mải mê trên đường
Phu lang ôi hỡi phu lang mau dừng cương yên
Cho thiếp đây tâm sự phân tường”

Bà con biết hông?Xưa người Nam Kỳ ta vốn có máu Minh Hương nên thích đọc truyện Tàu

Vương Hồng Sển viết: “Truyện Tàu dạy tôi nhiều điều xử thế nên tôi gọi nó là một nghệ thuật, chứ chẳng phải chơi… Ngoài ra truyện Tàu có nhiều gương tốt, truyện Tàu là một vùng rừng thật lớn, một biển sâu và rộng, khai thác không bao giờ hết và cạn cùng”

Hát bội và cải lương có kịch bản từ truyện Tàu cũng rất nhiều

Thoại Ba công chúa là tuồng cải lương của nữ soạn giả Nhị Kiều. Ông Viễn Châu viết ra thành hai bài tân cổ

Thời Tống Thần Tôn bên Tàu có nguyên soái 狄青 Địch Thanh,ông này dân nhà nghèo,bình dân đi lính mà lên đại tướng nhờ dũng mãnh 

Tống trào có lệ tướng bình dân thì thích chữ lên mặt đánh dấu,Địch Thanh bị xâm lên mặt

Truyện Tàu viết rằng

Trong một trận đưa quân ra biên ngoại,vì tiên phong Tiêu Đình Quý láu táu dẫn quân lạc đường qua Thộn Quốc.Tại nước nhỏ xíu này Địch Thanh nguyên soái gặp công chúa Thoại Ba đang cầm quân giữa trận tiền. Thất trận, Địch Thanh bị ép duyên cùng Thoại Ba và Thoại Ba đã mang thai

Được tin ở quê nhà mẹ bị hạch tội vì mình, Địch Thanh lén vợ trốn về nước lãnh lịnh xuất chinh, đoái công chuộc tội, phá Tây Liêu, thắng trận

Công chúa Phi Long của Tây Liêu sang cấu kết với Bàng thái sư, mưu giả danh tiểu thơ Phụng Giao gả cho Địch Thanh để trả thù chồng là Ô Lợi Hắc

Cơ mưu bại lộ, Địch Thanh phải trá tử ở Du Long Nhựt.Tống trào đem binh hỏi tội Tây Liêu về việc dâng Trân Châu kỳ giả

Bao Công đến nhờ, Địch Thanh phải cầm binh chinh phạt. Bị Liêu vây ở Bạch Hạc Quan, Thoại Ba trên đường tìm chồng đã giải vây cứu Địch Thanh và vợ chồng trùng phùng.

Địch Thanh che hình xăm bằng cách mỗi khi ra trận ông đều đeo mặt nạ bằng đồng 

Xăm lên mặt để hạ nhục đối thủ 

Bàng Quyên từng khép Tôn Tẫn vào tội gián điệp,thích vào trán Tôn Tẫn 4 chữ: “Tư thông ngoại quốc”. Tôn Tẫn còn bị chặt xương đầu gối, khiến ông tàn tật cả quãng đời còn lại

Trong Ngũ hình của Trung Quốc, kình hoặc thích được áp dụng cho nhiều loại tội phạm, từ trốn lính, trộm cắp đến gian dâm

Tội nhân bị xăm lên mặt dòng chữ hoặc biểu tượng tố cáo tội lỗi mà họ đã phạm phải. Sau khi thụ hình, tội nhân đi đâu cũng phơi bày tội lỗi của mình. Thiên hạ nhìn vào đó sẽ biết kẻ ấy là xấu xa để mà phòng tránh.Đó là hình phạt cả đời 

Việt Nam cũng vậy,xăm lên mặt tội phạm 

Luật Hồng Đức nhà Lê có  chương thông gian ,điều 403 thuộc chương thông gian quy định hình phạt nhẹ nhứt với tội cưỡng dâm là lưu đày, cao nhất là tử hình

Tội lưu có 3 mức: Lưu cận châu là đi đày vào Nghệ An, phải đeo xiềng kèm theo bị đánh 90 trượng, bị thích 6 chữ vào mặt; lưu ngoại châu đày vào vùng Quảng Bình, phải đeo xiềng 2 vòng, bị đánh 90 trượng, thích 8 chữ vào mặt; lưu viễn châu ở Cao Bằng, phải đeo xiềng 3 vòng, bị đánh 100 trượng và thích 10 chữ vào mặt

Hoàng Việt luật lệ của Nguyễn triều quy định: 

"Phàm đã tiến hành trộm cắp nhưng không lấy được đồ thì bị phạt xuy 50 roi, miễn xăm chữ

 Trong trường hợp lấy được đồ, không kể là chia tang vật hay không…  thủ phạm và người liên quan bị xăm hai chữ “ăn trộm” ở tay, mỗi chữ to 5 phân, nét to 5 ly"

Châu Âu cũng vậy thôi 

Hy Lạp , La Mã xăm tội phạm và kinh Cựu Ước có ghi cái này .Hình xăm đóng dấu nô lệ và tù binh.Thế kỷ 19 tù nhân Pháp bị khắc vào trán tội danh của họ

3./ Nhựt Bổn ngày nay coi thường người xăm mình và thợ xăm 

Các  bạn coi phim sếch của Nhựt Bổn,các bạn có nhận ra điều gì không? 

Là các diễn viên Nhựt da trắng trơn,tuyệt nhiên không có một hình xăm nào trên người 

Nhựt Bổn xưa cũng xăm lên mặt tội nhân 

Bạn gần như sẽ không thấy nơi công cộng nào ở Nhựt có hình xăm nào ở người trong các hồ bơi, suối nước nóng,phòng gym ,khách xăm toàn dân ngoại quốc vô Nhựt,thậm chí có nơi đặt biển cấm người xăm hình bước vào 

Lịch sử là năm 1720 tội phạm của Nhựt thời kỳ này không bị cắt mũi, tai như trước,triều đình sẽ xăm hình vào tay,vào mặt  để nhắc nhở về tội lỗi chúng đã gây nên

Tội đầu tiên sẽ bị xăm một dòng trên trán. Lần thứ hai, những kẻ này phải nhận một dòng bên trái mặt,phạm tội lần thứ ba, hình phạt được tăng thêm hai dòng khác, hoàn thành ký tự kanji cho từ “con chó”

Đến thời Minh Trị,vào tháng 4-1868  ra luật cấm xăm mình 

Tại Nhựt Bổn chỉ có phe Yakuza là xăm hình hình thành thế giới ngầm.Yakuza là một băng đảng tội phạm

4./ Việt Nam là nước có truyền thống xăm mình hồi trám hoánh về trước nhưng sau này lại có thói coi thường người xăm mình.Trước 1975 nam xăm mình bị coi là du đãng ,du côn,lưu manh ,gái là gái giang hồ,không đứng đắn 

Những năm gần đây làn sóng xăm mình lan tràn qua VN và các bạn trẻ tự coi đó là "nghệ thuật" ,nhưng tâm lý sợ sệt và không thiên cảm với người xăm mình vẫn tồn tại trong xã hội VN.

Có chàng trai đi ra mắt nhà vợ tương lai,chàng mặc áo sơ mi quần tây bó ,ác đạn áo vạt ngắn và quần đáy ngắn nên chàng khum xuống vô tình lòi ra nguyên hình xăm trên lưng,kết quả không bao giờ có đám cưới,nhà gái hủy kèo.

Đa số các công ty khi tuyển mộ công nhân sẽ loại người xăm mình 

 Từ "tattoo" (xăm) trong ngôn ngữ quốc tế có nguồn gốc từ chữ "tatu" hay "tatau" trong ngôn ngữ thổ dân Polynesia, có nghĩa "những nét vẽ của người Polynesia"

Các bạn trẻ không ý thức,vui là xăm,xăm thành ghiền,họ xâm nát người ,màu mè tùm lum ,hình thù kỳ dị .Có bạn u uẩn cuộc đời,họ tự xăm hình lên mặt họ luôn 

Họ không ý thức đó là thô bạo với cơ thể của mình và khi già thì sẽ nhìn rất ghê rợn vì da nhăn,ốm yếu 

Khi vui thì xăm,khi nghĩ lại hoặc vì nguyên nhân gì đó lại đi xóa xăm,nhưng chưa có kỹ thuật y khoa nào xóa hình xăm hết 100% 

Thành ra xăm là dính nó tới chết 

Không phải  thích gì xăm nấy

Người tuổi Thìn, Tuất, Mão, Hợi  kỵ xăm hình Rồng; người tuổi Thân, Tỵ kỵ xăm hình Cọp; người tuổi Mão, Dậu, Tuất đặc kỵ xăm hình bướm

Nếu bạn xăm thực vật thuộc hành Mộc, da của người thuộc hành Thổ, Mộc khắc Thổ dễ gây ra sự cố bất thường, tai bay vạ gió cho chính người xăm 

Khi xăm lên tay chân, bất kể là màu sắc gì đều đem lại thị phi suốt đời, phong ba luôn ập tới bất ngờ, làm việc gì cũng không được thuận lợi. Xăm ở bắp chân trở xuống dễ gây tranh chấp trong chuyện tình cảm nam nữ, luôn trong trạng thái bị áp lực, căng thẳng, tài vận đi xuống.

Có bạn thích xăm  tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ 

Tức là cánh tay trái xăm hình rồng xanh, cánh tay phải xăm hình cọp trắng, ngực trước xăm hình con công, sau lưng xăm hình con rắn quấn quanh con rùa màu đen

Nhưng 4 linh vật có khi  đem lại may một số ít người thôi, còn lại với đa số người thì được coi là hung,sẽ tụt xuống suốt đời 

Hiện nay có nhiều người xăm vào ngực, bụng, eo, đùi nhưng phong thủy thì những hình xăm phá tướng đó khiến phần hạ thế, nơi cất giữ phong khí lớn nhất của con người bị tổn hại, khí thoát ra ngoài nên nếu chưa có gia đình thì ảnh hưởng đến tình duyên, nếu không thì sau này ảnh hưởng đến sinh nở hoặc sẽ phát sinh rắc rối trong mối quan hệ giữa con cái và bản thân. 

Xăm hình ở ngón tay sẽ khắc chồng, khắc vợ. Nữ xăm hình ở ngón tay của cánh tay trái, chồng bạc duyên; xăm ở ngón tay của cánh tay phải thì nhân duyên kém; con trai thì ngược lại.  

Xăm vào mông có thể gặp nhiều điều thị phi

Xâm hình Phật,Chúa lên người là một dạng báng bổ vì có khi người đó sẽ làm tình và có những động tác bản năng trên giường 

Thành ra các bạn trẻ trước khi xăm cái gì lên cơ thể mình phải suy nghĩ,nghiền ngẫm ,đừng bao giờ theo phong trào,nay thấy diễn viên này ,ca sĩ kia xăm mà bắt chước vui đâu chuốc đó 

Thí dụ Angelina Jolie,đâu phải cô này cái gì cũng tốt 

Xăm hình không có nghĩa người xăm là kẻ xấu,nhưng cũng không phải là người sang trọng trong mắt xã hội .Nặng thì bị coi là du côn,không đàng hoàng,nhẹ sẽ bị nghĩ là người nổi loạn,phá cách ,thách thức ,nhẹ hơn là người a dua theo phong trào 

Chính tổ tiên người Việt là những người xăm đầu tiên trên thế giới này nhưng rồi ông bà mình quyết định bỏ nó thì nó có lý do chính đánh chứ không phải nói khơi khơi.

(Bài này không ám chỉ cá nhân ai,chỉ nói theo lịch sử và văn hóa chung của một nước).

Nguyễn Gia Việt




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo