Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NHỮNG GIỌT LỆ BUỒN TỦI CHO ĐẤT NAM KỲ

Những giọt lệ buồn tủi  cho đất Nam Kỳ Quá trình Nam tiến của Việt tộc là chân lý, men bờ biển xuống dưới Nam tìm đường sanh tồn,nó ...

Những giọt lệ buồn tủi  cho đất Nam Kỳ

Quá trình Nam tiến của Việt tộc là chân lý, men bờ biển xuống dưới Nam tìm đường sanh tồn,nó mạnh hơn từ khi Nguyễn Hoàng vào Nam và các chúa Nguyễn phải tìm cách dãn dân,tìm phương mới 

Nguyễn Cư Trinh nói rõ ràng việc bành trướng về Nam đó:

“Tây phương không đường tới
Bắc phương khó nẻo qua
Có một phương chẳng gần chẳng xa ...”
(Sãi Vãi)

Băng qua Chiêm Thành rồi đi xuống Phương Nam đụng dân Khmer -những người ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ không đồng văn đồng chủng với người Việt 

Năm 1618, vua Chey Chettha II của Chân Lạp (or Cam Bốt) lên ngôi, đã xin cưới công nữ Ngọc Vạn con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nhằm nhờ Việt giúp Chân Lạp bớt phụ thuộc vào Xiêm La, lúc đó Xiêm La liếm đất Chân Lạp gần hết

Người Việt theo bước chân của bà Ngọc Vạn xuôi Nam 

Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey(Bến Nghé) và Nông Nại (Biên Hòa) đã dần ló dạng 

Năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ tới yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập 2 đồn thâu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Vua Chân Lạp chấp thuận. Chẳng bao lâu, hai đồn thâu thuế trở thành hai nơi phồn hoa trên bến dưới quyền của người Việt, lưu dân Việt vô ngày càng đông, từ đó lan ra các xứ khác

Bước chân lưu dân Việt đã đi từ Đồng Nai xuống Vàm Cỏ,qua Sông Cửu Long về miệt Hà Tiên ,Cà Mau 

"Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương"
(Sơn Nam) 

Lúc đó Xiêm La bành trướng Chân Lạp dữ dội,công khai cướp đất,cắt đất.Một phe hoàng gia Chân Lạp thì theo Xiêm,phe còn lại theo Việt .Việt đã đem quan qua Chân Lạp đụng độ khốc liệt với Xiêm ,bảo hộ Chân Lạp,đổi lại vua Chân Lạp cắt đầu cầu phong,cắt dần,cắt từ từ để hình thành ra xứ Nam Kỳ sau này 

Chỉ một trăm năm từ 1650 tới 1750 toàn bộ đất Đàng Thổ trở thành lãnh thổ Việt Nam 

Trấn Tây Thành thời Minh Mạng đế là một đỉnh cao khi vua Minh Mạng cắt một nữa Chân Lạp tới Biển Hồ cho làm phên dậu Đại Nam 

Hoàng đế Minh Mạng năm 1831 từng nói: “Chân Lạp là phên dậu của chúng ta, không thể để nó sụp đổ được."

Tuy nhiên quá tốn kém,va chạm vì bất đồng văn hóa riết,đầu đời Thiệu Trị vua phải rút quân về bỏ Trấn Tây Thành 

Xứ Hà Tiên hồi xưa như một tiểu quốc ở biển tây rất giàu có dưới quyền của một người gốc Quảng Đông là Mạc Cửu

Năm 1671 một thương gia trẻ măng (16 tuổi) tên Mạc Cửu (1655-1735) người Quảng Đông dẫn một đoàn tàu tìm đất sanh kế

Rốt cuộc ông chọn miếng đất kéo dài từ vịnh Compong Som(Sihanoukville)đến Rạch Giá lúc đó thuộc Chân Lạp để quy tụ di dân Tàu-Việt khai phá,lập chợ,lập cảng và thương điếm ,sòng bài

Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral)

Đô thành của Mạc Cửu đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, tức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo)

Mán Khảm tức Phương Thành (Thành thơm) hay Hà Tiên (Sông Tiên)

Tuy nhiên ,vương quốc Hà Tiên ngày càng giàu có,phồn thạnh,đủ thứ người qua lại Hà Tiên-trong đó có hải tặc Thái Lan.Chân lập,Java và Mã Lai 

Mạc Cửu nhìn ra sự thèm thuồng của người Thái và Mã Lai với Hà Tiên mà Chân Lạp thì không có khả năng,cùng với sự bất đồng do Tàu và Chân Lạp không đồng văn đồng chủng

Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu) (1655-1735) là một người có tầm nhìn chiến lược ,giỏi kiếm tiền mà cũng giỏi làm chánh trị

Năm 1708 trước sự thèm thuồng cướp bóc của Xiêm La Mạc Cửu cho quân sư,sứ giả ra Phú Xuân thưa chuyện với Chúa Nguyễn Phúc Chu

Năm 1714, Mạc Cửu xin làm tôi của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu

Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai Hà Tiên và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Hà Tiên lúc này thuộc Long Hồ dinh

Chúa Nguyễn Phúc Chu phong Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên, tước là Cửu Ngọc Hầu.Vậy là họ Mạc cả đời trung thành với chúa Nguyễn

Tây kêu đất Hà Tiên là Cancao ou Pontiamo hoặc Ponthaimas,Thái gọi là Ban-Thaay-Mas (Cánh cổng vàng),Khmer gọi là Peam hay Bantay Mas (Bức tường vàng),Mã Lai gọi là Pantai Mas (Bờ biển Vàng) hay Kuala (Cửa sông)

Chúng ta có được Hà Tiên ,Phú Quốc và vùng biển Tây là nhờ Mạc Cửu 

Người Khmer đâu có để yên cho người Việt tới đất này 

Lịch sử đã có những cuộc chiến tranh giữa người Khmer và Việt tàn khốc,kinh thiên động địa ,lưu dân Việt không dễ dàng gì sanh sống và làm ăn ở đất mới

Năm 1658, Quốc Vương Chân Lạp là Nặc Ông Chân xua quân tàn sát người Việt ở Mô Xoài (Bà Rịa), Biên Hòa 

Hiền Vương sai khâm mạng Trấn Biên Dinh (Phú Yên) đem quân đến Mô Xoài đánh và bắt Nặc Ông Chân đưa về giam ở Quảng Bình

Rồi năm 1672, vua Chey GroethaIII (Nặc Ông Đài) làm loạn dẫn quân Xiêm đánh Sài Gòn và tàn sát những người Việt đang sanh sống ở Mô Xoài, Biên Hoà

Năm 1674, Chúa Nguyễn đem binh đánh Sài Gòn, La Bích (Oudong) và Nam Vang giết Ông Đài và đuổi quân Xiêm về tới biên giới Miên - Xiêm rồi lập Nặc Ông Thu lên làm Cao Miên quốc vương ở thành Oudong, còn Nặc Ông Nộn làm phó vương cho đóng dinh ở Sài Gòn

Tháng 4/ 1731 một người Khmer lai Lào tên Prea Sot cầm một vạn quân từ Svay Rieng tiến về Sài Gòn ,đi tới đâu tàn sát người Việt tới đó.Tướng cầm quân chặn lại ở Vườn Trầu là tổng binh Phiên Trấn Trần Đại Định ,con trai ông Trần Thượng Xuyên

Xiêm La tấn công Hà Tiên liên miên ,kéo quân qua Nam Kỳ cũng không ít lần ,quân Xiêm vô cùng tàn bạo 

Vịnh Xiêm La có diện tích 300.000 km2; là biển gáp ranh Thái Lan, Việt Nam, Mã Lai và Cam Bốt 

Cửa sông Chao Phraya của đô thành Bangkok nằm trong cái xó cùng của vịnh,nhìn ra ngoài xa ta thấy có 2 điểm đầu của vịnh là mũi Cà Mau và mũi Trenggranu của Mã Lai đối diện nhau 400km.

Có 400 hòn đảo lớn nhỏ,tập trung mé bờ đông của Cam Bốt và VN 

Trong đó Phú Quốc mà Cam Bốt gọi là Koh Tral có diện tích khoảng 600 km2, Đảo Cổ Cốt - Koh Kood 129 km2, Koh Rong 78 km2, Phú Dự 25 km2, Thổ Chu 10 km2,Hòn Dừa 6 km2…

Năm 1680 Mạc Cửu đã xác định chủ quyền Koh Tral và sau đó ông đặt tên là Phú Quốc,sau khi Mạc tộc về với xứ Việt thì Phú Quốc cũng đi theo 

Vua Gia Long - Nguyễn Ánh trong thời gian bôn tẩu đã ít nhất 4 lần chạy ra Phú Quốc và lòng vòng tẩu quốc quanh các đảo trong vùng 

Năm 1783 chúa Nguyễn Ánh sau khi bại trận - bị Nguyễn Huệ phá 2 trận lớn ở Cần Giờ và Đồng Tuyên thì lực lượng tan rã,chúa chạy về hướng miền tây tẩu thoát,tới Lật Giang (Sông Bến Lức-Vàm Cỏ Đông) gấp tới nổi phải cỡi trâu qua sông,

Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc thì quân Tây Sơn cũng cho thuyền chiến đuổi tới bao vây đảo

Nguyễn Ánh tiếp tục chạy tới đảo Cổ Long . Thủy quân Tây Sơn do Trương Văn Đa tổ chức vây chặt đảo. 

Đó là ngày 21-8-1783 đảo Cổ Long bị vây ba vòng. Bỗng nhiên bão biển nổi lên dữ dội, thuyền quân Tây Sơn bị chìm rất nhiều. Chúa Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đảo Cổ Cốt, rồi trở về đảo Phú Quốc

Đại Nam thực lục gọi đó là đảo Côn Nôn ,nói tới Côn Nôn hay Côn Lôn thì người Việt sẽ nghĩ tới Côn Đảo .Nhiều nhà sử học đã chứng minh cái đảo bị vây 3 vòng đó không phải là Côn Đảo 

Côn Nôn đó là cù lao Koh Rong mà sử ghi là đảo Cổ Long hay Cổ Rồng ở vịnh Xiêm La

Quách Tấn, Quách Giao trong cuốn”Nhà Tây Sơn” ghi như sau:

“Được tin Nguyễn Phúc Ánh chạy ra Phú Quốc, Nguyễn Huệ sai Phan Tiến Thuận đi đánh bắt. Một số tướng lãnh bị bắt sống. Nguyễn Ánh thoát chết chạy ra đảo Cổ Long (Koh Rong). 

Trương Văn Đa được một lực lượng thủy quân đến vây đánh. Nhưng rủi gặp ngày mưa gió lớn thuyền không thể dàn ra để bao vây mà phải dồn lại ghì chặt vào nhau để chống lại sóng gió. Nhờ vậy Nguyễn Phúc Ánh có cơ hội đem tàn quân chạy thoát, trốn sang đảo Cổ Cốt (Ko Kut), rồi chạy về Phú Quốc”

Theo thư của giám mục Bá Đa Lộc ngày 20/3/1785 ghi là Trương Văn Đa đánh Nguyễn Ánh ở đảo Cổ Long

Có một số ý kiến khác cho rằng Côn Lôn hay Côn Nôn chính là một hòn đảo trong vịnh Rạch Giá là Nam Du tức Poulo Dana, dân địa phương gọi đó là quần đảo Củ Tron.

Trên đảo Củ Tron còn các địa danh bãi Ngự, giếng Vua, bãi Chén.

Tuy nhiên người ta nghiêng về Côn Nôn trong đoạn mà “Đại Nam thực lục” chép là Cổ Long hơn .

Chúa Nguyễn Ánh trôi dạt ở Hòn Chông, Thổ Châu, Cổ Long, Cổ Cốt,Phú Quốc….

Năm 1787, chúa Nguyễn Ánh trên đường từ Xiêm La về nước đi qua đảo Cổ Cốt, gặp một người Tàu tên là Hà Hỷ Văn cùng một nhóm Thiên Địa Hội ,sau đó nhóm này giúp Nguyễn Ánh chiếm lại Hà Tiên và Long Xuyên.

Sử chép 1784 trên đảo Thổ Chu,Nguyễn Ánh đã gặp giám mục Bá Đa Lộc 

Nhắc một chút sử đọc cho biết,giờ nói tới đảo 

Đảo Cổ Cốt - Koh Kood bị nước Xiêm La lấy từ hồi thế kỷ 19 

Còn tất cả các đảo ở mé đông gần bờ biển Cam Bốt đều thuộc lãnh thổ của Nam Kỳ nói riêng và VN nói chung.Tỉnh Hà Tiên xưa kéo dài tận vịnh Kompong Som ngày nay.

Trong bản báo cáo tháng 1-1869, thanh tra Pháp Chessez viết: “Ngay cả đảo Phú Dự cách bờ biển Campuchia 0,5 hải lý và đảo Tiên Mới cách đảo Phú Dự 1 hải lý cũng đều thuộc một làng Việt Nam”

Hồi đó Việt –Miên không có biên giới rõ ràng,dân Việt và Miên tự do qua lại lộn xộn cả trên biển và đất liền,không quản lý xuể,Pháp liền nghĩ ra cách quản trị “hành chánh” 

Cam Bốt là xứ bảo hộ,Nam Kỳ là thuộc địa.Pháp muốn biết cư dân các đảo trong vịnh Xiêm La phải nộp thuế ở nơi nào,Cam Bốt hay Nam Kỳ,cảnh sát bên nào giải quyết nếu có tranh chấp? 

Năm 1939 toàn quyền Đông Dương Jules Brévié (1880-1964) đưa ra một phán quyết bàng văn bản hành chánh 

Quan toàn quyền ra một văn bản hành chánh gửi ông thống đốc Nam Kỳ ,ổng vẽ một đường thẳng vạch từ biên giới Nam Kỳ và Cam Bốt ở Hà Tiên kéo dài ra biển ,cách điểm cực bắc Phú Quốc 3 km gọi là "đường Brévié" đặt Koh Tral (Phú Quốc) phía Nam Kỳ, đảo Poulo Wai phía Cam Bốt 

Văn bản ngày 31/1/1939 ghi:” Vì vậy, tôi quyết định rằng tất cả các đảo phía Bắc của đường thẳng vuông góc với bờ biển từ biên giới giữa Campuchia và Nam Kì và lập một góc 140 grade (126°) với hướng Bắc của kinh tuyến, theo như bản đồ đính kèm, từ nay sẽ được Cam Bót quản lí.

Tất cả các đảo phía Nam đường này, bao gồm toàn bộ đảo Phú Quốc tiếp tục do Nam Kỳ quản lí”

Văn bản có đoạn :” Cần hiểu rằng đây là nói về quản lí hành chánh và cảnh sát, còn vấn đề về sự phụ thuộc về mặt lãnh thổ các đảo này vẫn còn bảo lưu” 

Hội đồng bảo hộ Cam Bốt “hoàn toàn” đồng ý với dự thảo, nhưng hội đồng thuộc địa Nam Kỳ trong phiên họp ngày 26-1-1938 đã không đồng ý với dự thảo và đề nghị: “Xét về cả ba mặt lịch sử, chánh trị và dân tộc “các đảo đó cần được tiếp tục thuộc Nam Kỳ”

Nhìn hình sẽ thấy đường Brévié bọc Phú Quốc như trùm cái mền kín mít 

Từ năm 1930 "đường Brévié"chỉ vạch ra hành chánh,không phải là lãnh thổ,nhưng hoàng gia Cam Bốt nghĩ đó là phân chia đảo.Người Miên hoàn toàn bất lực nhìn những hòn đảo sát bở biển mình thuộc quyền quản lý của Nam Kỳ 

Người Miên luôn nói Phú Quốc mà họ gọi là Koh Tral và Nam Kỳ mà họ gọi là Kampuchea Krom là đất của họ 

Năm 1853 ,vua Ang Duong của Cam Bôt biên một lá thơ gửi Pháp hoàng Napoleon III hứa dâng cho Pháp đảo Phú Quốc -mặc dầu Miên chưa bao giờ kiểm soát được nó- đổi lại Ang Dương xin nhận sự bảo hộ của người Pháp với Cam Bốt 

Vua Ang Duong tiếp tục gửi cho vua Napoleon III lá thơ vào năm 1856 có đoạn :

"Tôi thỉnh cầu hoàng thượng nhận biết tên của các tỉnh bị cướp(bởi triều đình Huế),đó là những tỉnh Đồng Nai, bị lấy đi trong hơn 200 năm, nhưng gần đây những tỉnh Sài Gòn, Long Hồ, Sa Đéc, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Peem hoặc Hà Tiên, các đảo Phú Quốc và Côn Sơn.Nếu nhỡ An Nam đến dâng tặng Hoàng thượng bất kì một chỗ nào trong những vùng này, tôi mong hoàng thượng đừng nhận nó, vì chúng thuộc về Cam Bốt "

Tuy nhiên người Pháp không trả lời chuyện Phú Quốc và Nam Kỳ cho Miên ,kẻ cả năm 1863 vua Norodom ký một hiệp ước nhận bảo hộ của Pháp

Năm 1954, Quốc vương Norodom Sihanouk phản đối hiệp định Geneve về phần đất Nam Kỳ mà ông ta gọi là Kampuchea Krom

Năm 1960 người Khmer Krom thành lập “Mặt trận Giải phóng Kampuchea Krom (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) ở Phnom Penh chủ trương tấn công Việt Nam Cộng hòa đòi lại đất Nam Kỳ

Ngày 27/8/ 1963 Norodom Sihanouk tuyên bố cắt quan hệ ngọai giao với Việt Nam Cộng Hòa nhằm gây áp lực tranh đấu cho người Khmer Krom

Chỉ từ năm 1939, Cam Bốt mới chánh thức quản lý về mặt hành chánh các đảo ở phía bắc đường Brévié. 

Tuy vậy, chánh quyền Nam Kỳ và Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận và vẫn coi các đảo Wai (Poulo Wai), Phú Dự (tức Koh Thmei), Tiên Mối (Koh Sess) và nhóm Bắc Hải Tặc (nhóm đảo Kongpong Som) thuộc chủ quyền Việt Nam nên dân Việt Nam tự do lên đảo 

Năm 1956, thời TT Ngô Đình Diệm ,Cam Bốt đưa quân ra chiếm Phú Dự, Hòn Thăng. Koh Tang chiếm nhóm đảo Bắc Hải Tặc năm 1958 và đảo Wai năm 1966. 

Sau Tết Mậu Thân, nhiều nơi thuộc quần đảo Phú Quốc bị Cam Bốt xâm chiếm nhưng VNCH lấy lại 

Quần đảo Thổ Chu ở phía tây nam đảo Phú Quốc ,là đảo xa nhứt nằm ở cực tây nam của VN, cách Rạch Giá 198km,đảo Thổ Chu có diện tích 10 km2 là đảo lớn nhất trong quần đảo này.

Đảo Hòn Ông-Hòn Bà -Poulo Wai nằm gần đảo Thổ Châu ,cách Phú Quốc 59 hải lý, gồm hai đảo.Quân đội VNCH cùng quân Miên trấn giữ đảo

Tháng 4/1975 Khmer đỏ đánh và chiếm đảo.Sau đó Hà Nội chiếm lại,năm 1976 trả cho Cam Bốt của Hun Sen 

Ngày 4-5-1975, quân Khmer Ðỏ đột kích đảo Phú Quốc, bị đánh trả, không chiếm được Phú Quốc 

Ngày 10/5/1975, Khmer Đỏ dùng tàu đổ bộ LSM và 3 tàu tuần tra PCF đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, dồn hơn 515 người dân Việt Nam trên đảo đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ

Quần đảo Thổ Chu cách bờ trên 200km, gồm 8 đảo, trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất, rộng khoảng 10km2, các đảo còn lại có diện tích khoảng 1km2

 Ðêm 30-4-1977, Khmer đỏ đồng loạt nổ súng trên toàn tuyến biên ,nó tràn qua  Mỹ Ðức, Hà Tiên tàn sát gần 40 người VN 

Người Cam Bốt vẫn hay tuyên bố ở đâu có cây thốt nốt ở đó là đất của họ,tương truyền quốc vương Sihanouk từng tuyên bố sẽ xua quân qua đánh Việt Nam cho tới tận cây thốt nốt số 1

Ở Nam Kỳ thốt nốt có nhiều ở hai bờ kinh Vĩnh Tế ,vùng Bảy Núi,Tri Tôn,Tịnh Biên,Châu Đốc ,vậy “cây thốt nốt số 1” nó nằm ở chổ nào?

Đã rõ,cây thốt nốt số 1 nằm trước lăng Ông Bà Chiểu ở Gia Định chứ ở đâu 

Trước cổng tam quan lăng tả quân Lê Văn Duyệt có trồng 2 cây thốt nốt làm kiểng rất cao .Đòi lấy đất từ cây thốt nốt số 1 tức là sẽ lấy lại Sài Gòn

Cố quốc vương Norodom Sihanouk rất ghét Nam Kỳ

Năm 1949 ông phản đối Pháp với lý do “Pháp trả Nam Kỳ” cho người Việt 

Một phái đoàn của Norodom Sihanouk được gởi qua Paris điều trần ngày 2 /4 /1949 mục đích thuyết phục quốc hội Pháp trả lại Nam Kỳ cho Cam Bốt nhưng bất thành vì sự thực đất Nam Kỳ do nhà Nguyễn quản lý . Quốc hội Pháp bác yêu sách này với đa số

Tại hội nghị Geneve 1954, Sihanouk công bố trước thế giới yêu sách về lãnh thổ của Cam Bốt ,ông đòi trả lại cho Cam Bốt các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sốc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc và đảo Phú Quốc,đòi “quốc tế hóa” Nam Kỳ , cảng Sài Gòn có qui chế tự do,tàu thuyền Cam Bốt quá cảnh không thâu thuế .đòi đặt Nam Kỳ và đảo Phú Quốc dưới sự quản trị của LHQ

Các đòi hỏi này không ai trả lời . Sihanouk phản đối hiệp định Geneve

Ông này dung dưỡng mọi thế lực chống lại chánh phủ Bảo Đại, sau này là chánh quyền Ngô Đình Diệm

Quan hệ giữa Sihanouk và TT Ngô Đình Diệm không tốt đẹp chút nào . Sihanouk tố cáo VNCH âm mưu đảo chánh và ám sát ông

Tháng 8/1963 Cam Bốt cắt đứt quan hệ ngoại giao với VNCH

Tháng 7 năm 1965, Sihanouk kiện VNCH lên LHQ về việc xâm phạm lãnh thổ. Năm 1967, Sihanouk công bố tỉnh Đak Lak, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và toàn xứ Lộc Ninh đến Thủ Dầu Một thuộc chủ quyền Cam Bốt

Do hận Pháp đã không đáp ứng các yêu sách của mình, Sihanouk nghiêng về Trung Quốc ,Bắc Việt công khai.Ông ta cho Hà Nội mượn đường và đất lập căn cứ đánh Việt Nam Cộng Hòa 

Đế quốc Khmer hùng mạnh một thời Angkor của vua Jayavarman VII ,nhưng bây giờ nhìn lại bản đồ Cam Bốt mà xem,bên tây bị Thái Lan cắt đất,cắt đảo ,cái tỉnh Trat có một cái lưỡi dài sọc ốm nhách liếm trọn bờ biển Cam Bốt 

Tỉnh Trat và Chanthaburi vốn đất của Miên 

Có lúc Thái Lan chiếm Miên tới một nữa Biển Hồ 

Chúng ta nói rằng nếu không có Việt Nam xưa thì Miên đã vong quốc kể cũng không ngoa 

Và nếu không có người Pháp thì Miên cũng xong đời, chính Pháp lấy lại các tỉnh Battambang và Siemreap về cho Miên

Nam Kỳ cũng bị Pháp cắt mất đất 

Nam Kỳ lục tỉnh bị mất đất vào thời Pháp cai trị.Từ năm 1861-1863 Pháp cắt đất Nam Kỳ đưa Cam Bốt

Vùng bờ bắc kinh Vĩnh Tế gồm :

Đất phủ Khai Biên (Vũng Thơm) và Quảng Biên (Cần Vọt) thuộc huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên.Tương đương đất của Nặc Tôn dâng trả ơn cho Mạc Thiên Tứ năm 1757 gồm đất Cần Vọt – tức tỉnh Kampôt,đất Vũng Thơm tức Kompong Som tức thành phố Sihanoukville

Nên nhớ đất Hà Tiên xưa kéo dài từ biên giới Thái Lan bao gồm tỉnh Kampong Som ,Kampôt dài xuống Rạch Giá, Long Xuyên đến Cà Mau,tức là liếm sạch biển của Cam Bốt

Ngày xưa núi thiêng Tà Lơn thuộc đất Việt Nam, sau 1863 thì thuộc Cam Bốt

Đất bên kinh Vĩnh Tế của các huyện Hà Âm, Tây Xuyên tỉnh ,tức đối diện Châu Đốc nay thuộc tỉnh Takeo của Cam Bốt .Pháp không lấy kinh Vĩnh Tế làm ranh giới mà chừa đất bên kia kinh kéo dài vài km 

Vùng Xoài Riêng:

Đất của cái ẹo –vùng lưỡi bò ngày nay thuộc tỉnh Svay Rieng Cam Bốt. Đất này thời Nguyễn thuộc về huyện Quang Hóa (Tức Trãng Bàng) , Phủ Tây Ninh của tỉnh Gia Định.Ngày nay nhìn cái ẹo liếm sâu vào Nam Kỳ khúc tỉnh Long An mà tức thằng Pháp ,đó là đất "Mỏ Vịt"

Có thể nói Thái Lan có 1/3 lãnh thổ là nuốt từ Cam Bốt ,nhưng đồng văn nên im re,với người Việt thì phải cẩn trọng vối dân tộc này 

Năm 1840, một quan  của Cam Bốt tên là Prom viết: “Chúng tôi thấy sung sướng khi giết người Yuon (Việt) , chúng tôi không còn sợ họ nữa tuy họ mạnh hơn”

Cho nên người Nam Kỳ ngoài “nội trị” còn phải ráng ngước nhìn qua xứ Miên,Nam Kỳ yếu một cái sẽ biết dân xứ Chùa Tháp liền

Nhơn tiện cũng nói luôn.

Vị trí Nam Kỳ chúng ta ở thế đắc địa ,trung tâm của Đông Nam Á,có đồng bằng rộng,sông sâu .

Trong vịnh Thái Lan thì Nam Kỳ ở khúc mặt tiền .Đảo Thổ Chu án ngữ ngay giữa vịnh,từ Thổ Chu,Phú Quốc ,Côn Đảo có thể kiểm sóat đường hàng hải qua vịnh và eo Malaca 

Nói không có tự huyễn hoặc .mấy cảng của Nam Kỳ ăn bứt cảng của Thái Lan .Đô thành Bangkok là đô thành hẽm,nằm trong hốc bà tó sao bằng Sài Gòn 

Vậy mà VN vẫn nghèo,Nam Kỳ vẫn mạt riệp ,sau 1975 lụn tới lụn,tất cả là con người mà ra,cs nó hủ hóa dân tộc này 

Có ai dám mơ một giấc mơ dân tộc không?

 Có ngày nào đó Nam Kỳ sẽ giàu mạnh hùng cường.Khi đó ta đem vài cái tàu chiến ra án ngữ giữa vịnh chặn không cho Thái Lan nó hó hé chơi ,hahaha,tuột xà rông Thái Lan, hehehe,dám làm ko?

Cách đây mấy ngày,tôi có kể cho mọi người nghe chuyện lúc vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh tức Taksin lên ngôi,Lực Tài hầu Trần Đại Lực đem 5 vạn quân cùng mấy ngàn tàu chiến từ Hà Tiên qua dàn quân DẰN MẶT ,chặn vịnh Thái Lan khúc vào cửa sông Chao Praya thành Bangkok rồi chứ ?

Chao ôi ! thời oanh liệt nay còn đâu ?

Từ thuở khai thiên lập địa tới khi Koh Trai thành đảo Phú Quốc của Nam Kỳ nó là hòn ngọc quý

Tới hôm nay dưới tay cs  coi như Phú Quốc tiêu tán đường ,xí lắt léo,đứt bóng,rụng nụ,nát bét như tương 

Than ôi!

Thương làm sao cái xứ Nam Kỳ này.


Nguyễn Gia Việt




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo