Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VINH QUANG LÀ NHỨT THỜI

Vinh quang là nhứt thời  Hoàng đế Napoleon (1769 - 1814) từng nói một câu bất hủ rằng vinh quang chỉ là thoáng qua, vô danh là mãi mãi (&quo...

Vinh quang chỉ là thoáng qua, vô danh là mãi mãi.

Vinh quang là nhứt thời 

Hoàng đế Napoleon (1769 - 1814) từng nói một câu bất hủ rằng vinh quang chỉ là thoáng qua, vô danh là mãi mãi ("Glory is fleeting but obscurity is forever"). Nghĩ lại câu này tôi thấy rất phù hợp với ý tưởng "tánh không", mà có lẽ đa số chúng ta không chú ý đến trong đời sống. 

Câu nói của Napoleon có nhiều cách hiểu và diễn giải. Cách hiểu đơn giản nhứt, theo tôi, là trong đời người, ai cũng có một giây phút vinh quang (như được khen vinh danh, được khen tặng, được trao giải thưởng, được thăng chức, v.v.) nhưng sự vinh quang đó chỉ thoáng qua, hiểu theo nghĩa nó đến rồi đi ngay sau đó; sau cùng thì tất cả chúng ta đều trên đường về cõi của sự quên lãng. Tất cả những gì chúng ta đã làm rồi cũng sẽ theo thời gian bị lãng quên. Vinh quang trong câu nói của Napoleon giống như 'Tánh Không' (emptiness) trong Phật giáo.

Tôi chỉ cần nhìn chung quanh mình thì thấy sự vinh quang đến rồi đi cứ như là một cơn gió thoảng. Một giáo sư được rất nhiều đồng nghiệp mến mộ mới ngày nào còn thấy bà xông xáo đốc thúc mọi người, và được khen tặng trong những buổi họp cuối năm, thì đùng một cái, bà cho biết tháng 12 này bà sẽ mất việc. Bà nói ra câu đó rất bình thản, nhưng không giấu được cái buồn trong ánh mắt. Càng buồn hơn nữa, buổi tiệc tạm biệt bà diễn ra rất buồn bã, vì do qui định về giãn cách xã hội nên chẳng có bao nhiêu người đến tham dự. Từ vinh danh xuống vô danh quả thật rất gần. 

Thật ra, cũng chẳng nhìn đâu xa, mà có thể nhìn vào cá nhân mình. Hơn 10 năm trước, tôi và một anh đồng nghiệp trong Viện được trao một fellowship danh giá nhứt nhì cấp quốc gia. Cả Viện ăn mừng, và mình cũng vui, vì nghĩ mình đã làm được cái việc mình hằng mong muốn. Nhưng 6 năm sau thì cả hai chúng tôi đều thất bại: người ta không 'renew' cái fellowship. Thế là chúng tôi phải đau khổ một thời gian. Nói cho ngay, tôi vẫn bình thản, nhưng anh bạn tôi thì suy sụp vì nghĩ mình thất bại sau vinh quang. Tôi thì nghĩ đó chỉ là một sự trồi sụt theo Qui luật hồi qui trung bình (mà tôi sắp chia sẻ dưới đây).

Những giây phút vinh quang thường được theo sau bằng một thời gian trống vắng và buồn bã. Nhiều nghệ sĩ tâm sự rằng sau buổi trình diễn với hàng vạn khán giả vỗ tay khen tặng, nhưng khi họ lui vào sân khấu là một thời gian buồn bã và cô đơn. Nhạc sĩ Từ Công Phụng trong một chương trình nhạc chủ đề, ông cũng nói lên cái ý đó, và giải thích tại sao nhạc của ông thường buồn: 

Thôi cũng đành như kiếp rong rêu 
 một lần hóa thân
Cuốn về phong kín tim ta 
 một đời chói chang
Những đam mê, những ngô nghê
Với tình người nhỡ lời thề

Nhạc sĩ Lam Phương từng là một nghệ sĩ thuộc hàng triệu phú (đồng), nhưng ngày 30/4/1975 đến ông trở nên trắng tay, và phải rất vất vả làm lại từ đầu khi ra nước ngoài. Thật ra, nhiều nghệ sĩ khác cũng cùng chung số phận: sau thời gian đạt đỉnh điểm trong sự nghiệp thì họ lui vào 'bóng tối' và người đời dần dần quên họ. 

Cái chu kì vinh quang và quên lãng nó cũng áp dụng cho sự giàu có và nghèo nàn. Người Việt chúng ta có câu "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" (câu này Má tôi lúc sanh tiền hay nói). Chúng ta chỉ cần nhìn chung quanh sẽ thấy câu này rất đúng. Ở trong Nam, chúng ta đã biết có những gia đình giàu nứt đố đổ vách một thời, nhưng đến đời thứ hai hay thứ ba thì con cháu trở nên nghèo nàn. Câu chuyện về Công tử Bạc Liêu là một ca tiêu biểu. Trên thế giới đều như thế. Có nghiên cứu cho thấy 78% những gia đình giàu có suy thoái vào thế hệ 2, và 90% không duy trì được sự giàu có đến đời thứ ba. 

Qui luật 'regression toward the mean'

Ý tưởng về sự nhứt thời của một đỉnh điểm (như 'vinh quang') rất phù hợp với Qui luật 'regression toward the mean' (RTM), tạm dịch là 'hồi qui trung bình', trong khoa học. Qui luật hồi qui trung bình phát biểu rằng những hiện tượng với giá trị cực đại hay cực tiểu thường có xu hướng qui về số trung bình quần thể. 

Qui luật RTM được nhà khoa học thiên tài Francis Galton phát hiện vào năm 1886 khi ông nghiên cứu về yếu tố di truyền trong chiều cao. Ông quan sát rằng những cha mẹ có chiều cao thấp hơn trung bình thì con của họ sẽ có chiều cao tốt hơn họ; ngược lại, những cha mẹ có chiều cao tốt hơn trung bình, thì con của họ lại có chiều cao thấp hơn họ. Nói cách khác, những giá trị cực thường có xu hướng qui về điểm trung bình, và luật này gần như là một luật của tự nhiên. 

Qui luật RTM có thể giải thích tại sao học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học lớp 12, nhưng khi lên đại học thì thành tích học tập bị suy giảm. Ngược lại, những em học không mấy tốt trong năm thứ nhứt đại học thì lại học giỏi trong năm sau. (Có thể chứng minh hiện tượng RTM bằng toán học một cách đơn giản, nhưng có lẽ không cần thiết ở đây).

Qui luật RTM cũng áp dụng cho các cầu thủ thể thao. Chẳng hạn như sau bao nhiêu năm trong 'bóng tối', đội banh Việt Nam thành vô địch Đông Nam Á, nhưng sau đó thì bị thất bại. Sự thành bại đó có thể giải thích một phần qua Qui luật hồi qui trung bình. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tài của người hướng dẫn, nhưng ngoài nhân tố đó ra, thì cũng khó loại bỏ yếu tố RTM. 

Trong sách "Suy nghĩ, nhanh và chậm" (Thinking, fast and slow), Giáo sư Daniel Kahneman thuật lại rằng trong một lần giảng cho một nhóm sĩ quan không quân Do Thái, một sĩ quan chỉ huy chia sẻ kinh nghiệm thú vị: khi các sĩ quan tập sự được khen tặng thì sau đó họ đáp máy bay tệ hơn trước, nhưng nếu họ bị khiển trách thì lần sau họ đáp máy bay tốt hơn trước; do đó, vị sĩ quan huấn luyện chỉ quở trách chớ không khen. Tuy nhiên, Giáo sư Kahneman giải thích rằng những gì mà vị sĩ quan chỉ huy quan sát không phải do yếu tố khen hay chê, mà chỉ là hệ quả của qui luật hồi qui trung bình. 

Ví dụ tiêu biểu nhứt về hiện tượng hồi qui trung bình là các nghiên cứu về đau. Nếu chọn một nhóm bệnh nhân rất đau (ví dụ như điểm đau trung bình 90 trên thang điểm 100 là tối đa), và cho họ uống nước lã. Nếu mức độ đau của họ được đo sau khi uống nước lã, thì điểm đau của họ sẽ giảm gần với trung bình. Tuy nhiên, sự giảm đau đó không phải do can thiệp (vì đâu có can thiệp) mà là do hiện tượng hồi qui trung bình. Điều này có nghĩa là nếu nghiên cứu không có nhóm chứng thì kết quả đó không nói gì về hiệu quả của can thiệp. 

RTM cũng có thể giải thích [một phần] tại sao những bệnh nhân ung thư tưởng như chờ ngày qua đời nhưng sau đó thì bình phục một thời gian mà không có can thiệp y khoa nào. 

Ở trên, tôi nói rằng câu nói vinh quang chỉ là thoáng qua của Napoleon có thể giải thích bằng khái niệm 'emptiness' (tánh không) trong Phật giáo. Khái niệm tánh không hay emptiness không hề dễ hiểu. Tôi phải đọc đi đọc lại mà không dám chắc mình hiểu. Tôi chỉ hiểu đó là khái niệm cho rằng tất cả sự vật trong thế giới này TỰ NÓ là trống không. (Câu này không có nghĩa rằng mọi sự vật là trống không). 'Tự nó trống không' ở đây hiểu theo nghĩa không có sự vật nào là độc lập cả, mà đều lệ thuộc lẫn nhau, và lúc nào cũng thay đổi. Những ai làm trong lãnh vực vật lí và sinh học sẽ rất thấm với khái niệm này [1]. 

Cái gọi là 'vinh quang' tự nó không là gì cả, vì nó là sản phẩm của một hệ thống, và hệ thống thì thay đổi liên tục vì các thành tố trong hệ thống đó lúc nào cũng đổi thay. Do đó, vinh quang không thể nào tồn tại vĩnh viễn. Hàm ý từ nhận thức này rất quan trọng: chúng ta khổ đau vì chúng ta cố bám víu lấy cái vinh quang và nghĩ sai rằng nó cố định, nó có thật và nó thuộc về mình. Trong thực tế, vinh quang không có thật, không cố định và không thuộc về ai cả. Như vậy, để vui sống thì chúng ta cần phải bỏ ý tưởng chạy theo cái gọi là 'vinh quang.'  

Tương tự, tôi nghĩ Qui luật hồi qui trung bình trong khoa học chính là tánh không vậy. Nói theo tiếng Anh là: "The phenomenon of regression toward the mean is a representation of the concept of emptiness in Buddhism." Suy nghĩ này hơi phi chánh thống, nhưng nó rất đúng với thực tế khoa học và y học.

Ts Nguyễn Tuấn
____

[1] Ví dụ như trong thế giới xương, cái quá trình modeling và remodeling nó diễn ra rất ư là phù hợp với khái niệm Tánh Không như trong bài giảng này:  


https://www.youtube.com/watch?v=K-MnlyZXiwk


Khái niệm "tánh không": tất cả sự vật trong thế giới này TỰ NÓ là trống không.




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo