Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THANH HOÁ XÂY TƯỢNG ĐÀI GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

THANH HOÁ XÂY TƯỢNG ĐÀI GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH Theo thông tin từ Báo Chính Phủ và Báo Thanh Hoá, quý 3 năm nay, tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ khởi c...

THANH HOÁ XÂY TƯỢNG ĐÀI GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

Theo thông tin từ Báo Chính Phủ và Báo Thanh Hoá, quý 3 năm nay, tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ khởi công xây dựng công trình có tên “Con tàu tập kết”. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói: công trình này “mang nhiều ý nghĩa, không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn giúp giáo dục các thế hệ sau này về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí dân tộc. Đặc biệt, công trình còn nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết”. Việc xây dựng tượng đài này có tổng kinh phí phê duyệt ban đầu là 290 tỉ đồng, sau vì khó khan nên giảm xuống còn 255 tỉ trên một diện tích 32 ha. Dù một phần kinh phí là xã hội hoá nhưng đó vẫn là nguồn lực quốc gia, không thể không trăn trở trước sự kiện này.

Nhắc lại bối cảnh lịch sử một chút. Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, theo đó: Điều 14 phần (d) của Hiệp định cho phép người dân ở mỗi phía di cư đến phía kia và yêu cầu phía quản lý tạo điều kiện cho họ di cư trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến (Điều 2), tức chấm dứt vào ngày 19 tháng 5 năm 1955. Từ điều khoản này, trong khoảng thời gian 1954-1955, dân của 2 miền đã tiến hành một cuộc di cư “vĩ đại”. Có khoảng 1 triệu người miền Bắc đã vào Nam và (chỉ) có khoảng dưới 200 ngàn người miền Nam tập kết ra Bắc (tức bằng khoảng 1/5 dân Bắc vào Nam).

Việc xây dựng tượng đài này, theo lời phó thủ tướng là có ý nghĩa lớn như đã dẫn. Tuy nhiên, xét về quy mô, rõ ràng người Bắc đã vào Nam nhiều hơn gấp khoảng 5 lần chiều ngược lại. Vậy đâu là cơ sở cho tính chính đáng của việc khẳng định ý nghĩa trên? Người Nam ra bắc thì thể hiện tinh thần đoàn kết, còn người Bắc vào Nam thì nói lên điều gì? Ghi nhận ý nghĩa tốt đẹp của cuộc di cư này thì có cần ghi nhận cả những thất bại, nỗi buồn và sự chia rẽ của chiều di cư ngược lại? 

Thiết nghĩ, đất nước ta đang cần hàn gắn, nhất là hàn gắn lòng người hai miền khi mà sau gần nửa thế kỷ lại vẫn còn ngổn ngang đến thế. Tôn vinh những người từ Nam ra Bắc lúc này có phải là hợp tình hợp lý; hay chỉ gây thêm nỗi bất hòa? Quan điểm cá nhân của tôi là, công trình ấy không có tác dụng trọng việc mang đến việc hòa hợp, hòa giải mà chỉ khiến những người đồng bào thuộc chế độ cũ thêm mặc cảm và cách lòng.

Hiện nay, người Thanh Hóa và miền Bắc nói chung vẫn đang tiếp tục di cư vào phía Nam do điều kiện kinh tế địa khó khăn. Việc đầu tư vào tượng đài trăm tỉ này nếu để tạo công ăn việc làm cho người dân hay làm các công trình phúc lợi an sinh để giữ người dân ở lại mảnh đất quê hương mà an cư lạc nghiệp có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Đó là chưa kể, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, người dân mất việc, đời sống khó khăn, nỗi lo cơm áo đè nặng mà nhà nước lại quyết định xây một công trình không thật sự cấp thiết như thế thì thử hỏi tính chính đáng của nó là gì? Cần giải quyết những nhu cầu cấp bách trước mắt, cứu dân như cứu lửa, sao có thể vô tâm mà làm những việc phi thực tế như vậy trong lúc này. Giữa lúc chính phủ đang kêu gọi dân “đóng góp” xây dựng quỹ vaccine phòng covid vì ngân khố không đáp ứng được, thì việc bỏ tiền xây tượng đài lại càng bất nhẫn và vô lý hơn nữa.

Đó là lại chưa kể Thanh hóa vừa trải qua một cơn sốt đất dữ dội. Trong khi quỹ đất ở và đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, thì việc bỏ ra một lúc 32 ha đất thành phố để làm tượng đại lại càng không thể biện minh và hợp lòng dân được. Bằng chứng là, sau khi đăng tải thông tin vài tiếng, Báo Thanh Hóa đã phải gỡ bài vì vấp phải sự phản đối của dư luận. Một công trình nhân danh nhu cầu và ý nghĩa văn hóa cho người dân, nhưng ngay lập tức lại nhận về sự phản ứng tiêu cực của chính nhân dân thì có nghĩa nó đã thất bại trong chính lý do cho sự có mặt của mình. Gỡ bài không phải là biện pháp, cần lắng nghe ý kiến của nhân dân mới là điều cần làm. Đọng thái gỡ bài này chứng tỏ những người có trách nhiệm đã nghe thấy tiếng nói của dân, và nghe rất rõ; nhưng (có thể) nó lại cũng chứng tỏ người ta đang không thật sự muốn làm theo nguyện vọng của dân.

Không có tượng đài nào bằng an sinh của dân chúng, không có ý nghĩa nào bằng việc hàn gắn lòng người, và không có gì cần thiết bằng việc ổn định đời sống cho dân. Đó là chức năng của một nhà nước phụng sự. Xây tượng đài, trước tiên cần nghĩ tới việc dân cần gì. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về tượng đài, cổng chào rồi: kém chất lượng, xuống cấp nhanh chóng, xấu xí, vô ích, tham nhũng, rút ruột, hoang tàn, lợi ích nhóm v.v..

Dân đang lâm đại nạn giữa cơn dịch dã, và cần một chính quyền phụ sự “vì dân” hơn bao giờ hết. Lúc này là cơ hội tốt nhất để chính quyền gây dựng niềm tin với một dân chúng vốn đã bị xói mòn niềm tin chứ không phải lại gây nên nỗi thất vọng hoàn toàn bằng những quyết sách không hợp nhân tâm như thế.

Lòng dân mới là nơi cần đặt tượng đài, tượng đài của niềm tin vào chính quyền. Mà để dựng lên được cái tượng đài ấy thì lại rất cần ngưng lại những tượng đài tiền tỉ bên ngoài kia.

Thái Hạo







1 nhận xét

  1. Phòng nhì , bồ nhí .... mùa dịch , chúng nằm buồn , đang gào lên vòi vĩnh này nọ . Nhất là tỉnh ta Thanh Hoá , tiếng là đói nghèo "Ăn rau má , phá đường tàu" ... không xây tượng đài ... tiền đâu chi phòng nhì , chi bồ nhí .
    Rõ biết một chẳng biết mười

    Trả lờiXóa

Quảng Cáo